Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam), mẹ là ca sĩ-NSƯT Vũ Dậu (Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương), anh trai là nhạc sĩ Ngọc Châu. 4 tuổi, Khánh Linh bắt đầu học đàn và được tuyển thẳng vào hệ sơ cấp khoa piano Nhạc viện Hà Nội. Nhưng sau đó cô chuyển sang khoa thanh nhạc và được sự chỉ bảo, hướng dẫn của NSND Quang Thọ. Khánh Linh được công chúng sớm biết tới với ca khúc Cô Tấm ngày nay của anh trai Ngọc Châu (nhạc phim Chuyện nhà Mộc), sau đó là Tháng tư về, Họa mi hót trong mưa, Một thoáng Tây Hồ, Giấc mơ trưa… Với tiếng hát trong trẻo, cao, thanh Khánh Linh được công chúng yêu mến gọi là “họa mi” của nhạc Việt…
* Vừa rồi, ở màn trình diễn tác phẩm Khúc hát nàng Solveig trong chương trình “Chinh phục đỉnh cao”, Khánh Linh được Ban giám khảo 4 người cho điểm 10. Khánh Linh có cho rằng, mình sở trường hát opera không? Quá trình học tập, luyện tập thế nào, và đấy có phải là do “gia truyền” từ bố mẹ?
- Ca sĩ Khánh Linh: Đó là một ca khúc rất hay, quen thuộc của những người yêu âm nhạc cổ điển. Khi chọn bài hát này, Khánh Linh có tham khảo ý kiến từ thầy và những người bạn của mình. Vì mục đích chính của chương trình là muốn khán giả đến gần với âm nhạc cổ điển hơn, cho nên Linh có biến đổi một chút về phần phối khí, để nó gần gũi với công chúng hơn nhưng vẫn giữ được sự chuẩn mực của nhạc cổ điển.
Để hát được như vậy không chỉ có năng khiếu mà nó là cả một quá trình rèn luyện học tập và kinh nghiệm biểu diễn của Linh.
 |
Ca sĩ Khánh Linh |
* Linh có định đi theo hướng này không, sau sự thành công của Tiếng hát nàng Solveig?
- Khánh Linh chưa dám chắc, vì Linh đã chọn cho mình một phong cách rồi, đó là Pop, song có những bài hát Linh sẽ sử dụng kỹ thuật hát cổ điển, vì Linh thiên về nhạc nhẹ nhiều hơn là nhạc cổ điển. Tuy nhiên, đối với Linh, nhạc cổ điển như là một thánh đường, nó là một chuẩn mực, một cái gì rất đẹp đẽ, thiêng liêng.
* Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bản thân Khánh Linh làm nghề rất nghiêm túc, có phải đó là do sự giáo dục của gia đình?
- Đúng vậy. Vì bố mẹ Linh đều làm nghệ thuật nên cả nhà Linh đều coi âm nhạc như một đạo. Vì vậy bản thân Linh coi sân khấu như thánh đường. Linh luôn yêu nghề và chỉ có duy nhất một lần để sống nên Linh cũng sẽ chẳng làm bất kỳ một công việc nào khác ngoài âm nhạc.
* Có ý kiến cho rằng đã đến lúc kết thúc giọng hát “nghiệp dư”, “tự phát”, để nhường chỗ cho giọng hát hàn lâm – nhạc viện. Ý Khánh Linh thế nào?
- Theo Linh không có sự nhường ngôi nào cả, bởi vì âm nhạc hàn lâm là cội nguồn của âm nhạc phương Tây, giống như âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Những bài hát mà ta gọi là nhạc đỏ là những ca khúc gắn liền với một thời kỳ lịch sử của đất nước, còn dân ca là gốc rễ nên nó luôn luôn có sức sống, chắc chắn sẽ không bao giờ bị thay thế. Có nhiều ca khúc hiện nay thú thực là cũng có những lúc mình nghe cảm thấy có một chút gợn, nhưng nếu đứng ở vị trí của người làm nghề nghiêm túc thì mình phải lắng nghe từ cái dở nhất đến cái hay nhất và còn phải lắng nghe cả ý thích của khán giả nữa để tìm ra những cái gì mà họ cần như là chính bản thân mình cần vậy.
* Khánh Linh nghĩ như thế nào về sự nổi tiếng?
- Người nghệ sĩ nào có thể đem đến cho mọi người tiếng tăm của họ bằng những ảnh hưởng tốt và có số lượng khán giả yêu mến mình nhiều thì đấy cũng là sự nổi tiếng!
* Hiệu ứng của khán giả đối với các album đã phát hành của Khánh Linh? Khánh Linh có dự định gì sắp tới?
- Album của Linh phát hành được các bạn trẻ rất thích, kể cả những người ở độ tuổi của Linh, bởi vì các album đó bao gồm những ca khúc quen thuộc lẫn các ca khúc mới, thậm chí có những bài hát gọi là xưa như của nhạc sĩ Lam Phương. Linh nghĩ quan trọng là khi mình chọn bài hát và hát theo một phong cách nào cũng phải tôn trọng cái tư duy của người sáng tạo, cũng giống như bản thân mình là người sáng tạo thứ hai. Đó là lý do mà âm nhạc có một sức sống đến như thế. Sắp tới, trong album mới, Linh tập trung hướng đến một tiêu chí hát sao cho tất cả thính giả nghe xong đều có thể hát theo Linh được. Thực ra để đi đến lựa chọn này là cả một quá trình nghiên cứu trong suốt thời gian làm nghề của Khánh Linh. Những album trước của Linh tuy có nhiều người thích nhưng cũng có một số người nói rằng những bài hát ấy Linh hát với âm vực cao quá, họ không hát theo được.
Khánh Linh nghĩ, âm nhạc cũng có cái giống như thời trang, nó đều có một cái chung nhưng nếu mình phù hợp với kiểu nào thì mình vẫn có thể tạo ra một kiểu dáng riêng. Mọi người bao giờ cũng yêu cầu các ca sĩ phải “sáng tạo” đi, phải “làm mới”, “đột phá” đi. Đôi khi nghe những từ này Linh cảm thấy có một chút dị ứng, vì Linh nghĩ âm nhạc phải có dấu ấn, giống như bút pháp của văn học hay hội họa, chưa nhìn ra được đường nét nó là cái gì thì làm sao mà làm mới được. Đơn cử về âm nhạc cổ điển chẳng hạn, nhiều người nói làm lại thì phải có đột phá thì thú thực là Linh không làm được. Nhạc cổ điển là chuẩn mực. Đừng lạm dụng quá!
* Là người trong nghề, Khánh Linh nhận xét thế nào về nền âm nhạc hiện nay?
- Thực ra nền âm nhạc hiện nay ở ta nhìn rõ nhất trong chương trình “Bài hát yêu thích”. Nó được so sánh như “Làn sóng xanh” hồi xưa. Tuy nhiên có khác hơn là các ca sĩ, nhạc sĩ của thế hệ trước sáng tác rất tốt, những tác phẩm được gọi là thị trường hồi ấy cũng không giống nhạc thị trường bây giờ. Có thể nói, âm nhạc hiện nay đang bị lẫn lộn, nhưng rồi khán giả sẽ tự nhìn ra cái nào hay, cái nào không hay. Nói cách khác, khán giả chính là người gạn đục khơi trong.
* Hiện nay, Khánh Linh thích và đánh giá cao giọng hát nào, nhạc phẩm của ai?
- Thế hệ trước thì Linh không dám nói tới vì đã có nhiều tên tuổi gắn liền với những tác phẩm để đời. Thế hệ hiện nay Linh rất phục chị Giáng Son. Chị ấy viết được nhiều thể loại và phổ thơ hay, rất khác biệt so với mọi người. Phải là một phụ nữ đặc biệt mới phổ thơ hay như thế. Nó tách hoàn toàn ra khỏi tính nhạc của thơ. Nó không theo một cái lối mòn. Thơ và nhạc có tính tương đồng, nó luôn có nhịp điệu, vần điệu. Chị Giáng Son viết nhạc và viết cả lời. Lời lại như là thơ.
* Khánh Linh có ý định sáng tác như nhạc sĩ Giáng Son không?
- Về mặt giai điệu thì mình có thể làm được nhưng Linh vẫn thích đặt ca từ hơn. Linh đã có dịch một số bài ra lời Việt. Nói chung Linh rất có cảm xúc với nội dung và hình ảnh ở trong bài hát.
* Khánh Linh có thích đọc sách văn học không?
- Linh hay đọc truyện của Murakami, Mạc Ngôn, Dư Hoa, Frédéric Beigbeder (cuốn Tình yêu kéo dài 3 năm) – cây bút hóm hỉnh; ngoài ra, Linh cũng hay đọc những tiểu thuyết viết về tình yêu mà có tính liêu trai trong đó.
* Khánh Linh có lời gì đối với khán thính giả của mình và đặc biệt là độc giả của Hồn Việt nhân dịp 8-3?
- Khánh Linh quan niệm, là phụ nữ, trước hết hãy là một người phụ nữ đúng nghĩa, tròn bổn phận trong gia đình và cư xử đúng mực ở ngoài xã hội. Linh luôn nghĩ trong cuộc sống, chúng ta chỉ cần sống đúng theo cái tâm của mình. Chỉ cần bản thân mỗi người sống thật đẹp, thật tốt thì sẽ đem lại tốt đẹp cho xã hội rồi.
* Cảm ơn Khánh Linh về buổi nói chuyện hôm nay.