Cách hiểu khác về hai câu thơ "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán - Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường"

Lâu nay hai câu thơ trên vẫn được cho là của vua Tự Đức, hoặc của dân gian khen ngợi (thậm chí còn có ý kiến cho là ngầm ý chê bai) tài thơ văn của bốn danh gia là Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Miên Trinh, Nguyễn Miên Thẩm. Tôi thấy có một cách hiểu khác và cách hiểu này liên quan đến cuộc vận động cải cách văn phong diễn tiến dưới đời Minh, Thanh (Trung Quốc).

Khoảng niên hiệu Hoằng Trị, Chính Đức đời Minh (1488-1521), có bảy tiến sĩ làm quan, tiêu biểu là Lý Mộng Dương, Hà Cảnh Minh, bất bình với triều chính mục nát, sĩ khí yếu kém đã lên tiếng phản đối thơ đài các tô vẽ hiện thực, thơ lý khí khô khan, nhạt nhẽo, văn bát cổ bắt buộc phải có đủ tám vế lấy đề tài từ Tứ thư, Ngũ kinh cốt để đi thi đang tràn ngập văn đàn. Lý Mộng Dương và các bạn đề xướng phục cổ, đề cao thơ văn đời Hán, Ngụy, Thịnh Đường hùng hồn, hào phóng, chân tình thực ý, dám phơi bày mặt đen tối trong hiện thực xã hội. Sứ mệnh lịch sử cải tạo văn phong do họ tự gánh vác có ý nghĩa tiến bộ và tác dụng tích cực nhất định ở đời Minh, vì thếđược đông đảo nhà văn có tư tưởng cách tân nhiệt tình hưởng ứng, chẳng mấy chốc hình thành phong trào phục cổ văn học có ảnh hưởng rộng rãi.

Gần ba chục năm sau, khoảng năm thứ 27 niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh (1548), hai tiến sĩ làm quan ở kinh sư là Lý Phan Long và Vương Thế Trinh cùng nhau giương lại lá cờ phục cổ của Lý Mộng Dương, Hà Cảnh Minh trước đây. Sau đó, năm nhà văn khác cũng là tiến sĩ, quan chức triều đình cùng chung lý tưởng đề xướng phục cổ để cải cách văn phong trong sáng tác văn học.

Bảy ông trước (Tiền thất tử) và bảy ông sau (Hậu thất tử) ở những vấn đề cụ thể đều có luận điểm riêng, không thật tương đồng. Nhưng lý luận chung về phục cổ của họ đều thống nhất ở hai điểm sau:

1. Đềxuất quan điểm “chủ tình”, coi trọng biểu đạt tình cảm chân thực trong sáng tác văn học, phản đối sáng tác chịu ảnh hưởng của thuyết tính lý đời Tống, chỉ chú ý đến lý, không coi trọng điệu, khiến người ta không còn biết thơ là gì.

2. Lấy “văn tất Tần Hán, thi tất Thịnh Đường” (văn ắt phải đạt đến văn đời Tần Hán, thơ ắt phải đạt đến thơ thời Thịnh Đường) làm đối tượng để sáng tác văn học noi theo, do quan niệm văn, thơ những đời ấy đã thành mẫu mực, phép tắc rồi. Hậu thất tử thậm chí cho rằng văn sau đời Tây Hán, thơ sau thời Thịnh Đường chẳng có gì đáng kể.

Ngoài một số thành tựu xuất sắc về nội dung (phê phán tệ nạn của chính quyền đương thời, phản ánh đời sống dân gian) và nghệ thuật (chú trọng kết hợp tài tứ với cách điệu) của những nhà văn tiêu biểu, xu hướng cực đoan ở quan điểm phục cổ trên đây dần dần dẫn tới thói tệ là nhà văn chỉ loanh quanh trong vòng bắt chước người xưa, khiến cho thực tiễn văn học ngày càng cách xa chủ trương văn học, yêu cầu tả chân, viết thực không được thể hiện trong tác phẩm của họ. Vì thế tới thời kỳ cuối của Hậu thất tử, phong trào phục cổ đã bị phái Công An công kích.

Công An là một phái văn học ra đời ởTrung Quốc vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch đời Minh (1573-1620) do anh em Viên Hoằng Đạo, quê huyện Công An - tỉnh Hồ Bắc làm đại biểu mà có tên. Khi ảnh hưởng của phái phục cổ lan rộng đến mức “thiên hạ không ai là không tranh bắt chước thơ của bốn đại gia Lý Mộng Dương, Hà Cảnh Minh, Vương Thế Trinh, Lý Phan Long” (Minh sử) thì Lý Chí (1577-1602), nhà tư tưởng, nhà văn học nổi tiếng đời Minh nêu quan điểm “thơ hà tất chọn thơ đời xưa, văn hà tất phải là văn Tiên Tần” để phản bác. Viên Hoằng Đạo cũng chủ trương: “Thơ hà tất phải noi theo Đường, lại hà tất phải là Sơ hay Thịnh Đường”. Quan điểm này hợp nhất với khẩu hiệu hạt nhân “độc trữ tính linh” (trữ phát tính linh của riêng mình) của phái Công An để đi tới chủ trương văn học gồm ba điểm:

1. Phản đối sao chép, bắt chước; chủ trương thông biến.

2. Trữ phát tính linh của riêng mình, tức biểu hiện cá tính, bộc lộ chân tình, tiếp cận với thuyết “đồng tâm” (tấm lòng con trẻ) của Lý Chí, cho rằng “xuất phát từ tính linh mới là thơ thực sự”, từ đó chủ trương “chân là tột bậc của tinh tế và thành khẩn; không tinh tế, thành khẩn thì không thể đánh động đến lòng người”, cần phải “nói điều người ta muốn nói, nói điều người ta không thể nói, nói điều người ta không dám nói”.

3. Coi trọng dân ca, tiểu thuyết, đề xướng văn học thông tục (như Thủy hử).

Sang đời Càn Long, phái tính linh gồm ba người mà Viên Mai (1716-1798), nhà thơ và phê bình thơ làm chủ tướng, đã kế thừa và phát triển thuyết tính linh của phái Công An. Viên Mai quan niệm tính linh bao hàm tính tình, cá tính và tài thơ. Ông bàn luận rải rác trong Tùy Viên thi thoại 16 quyển, Tùy Viên thi thoại bổ di 10 quyển với hạt nhân là nhấn mạnh sáng tác thơ phải trực tiếp trữ phát tâm linh (tâm hồn) của nhà thơ, biểu đạt tình cảm chân thực. Ông nói: “Thơ là tính tình của người”, “thơ khó chân thực, có tính tình thì sau mới chân thực được”. Ông cũng kiên quyết chống quan điểm vẫn còn phổ biến ở đương thời là lấy thơ Đường, thơ Tống để thẩm định thơ hay, thơ dở: “Thơ không có cái gọi là Đường, Tống. Đường, Tống chỉ là quốc hiệu một đời mà thôi, chẳng liên quan gì đến thơ. Thơ là tính tình của mỗi người, chẳng liên quan gì đến Đường, Tống. Nếu câu nệ lấy Đường, Tống để so đọ thì trong lòng mình chỉ có tên nước đã mất, không có tính tình tự đắc thì bản chất của thơ cũng chẳng còn” (Đáp Thi Lan Đà luận thi thư).

* * *

Quan niệm đổi mới thơ văn trên đây thông qua quan hệ ngoại giao, giao lưu giữa các sứ thần triều Thanh và triều Nguyễn đã du nhập vào nước ta. Trong cuốn Thư tự trích lục có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.350, nhà Nho khuyết danh chọn chép 85 lời Tựa, Đề, Dẫn, Bạt của nhiều cuốn sách kể cả thơ văn lẫn sử học, y học v.v..., không phân biệt của người Trung Quốc hay Việt Nam, trong số đó có đến sáu lời Tựa, Đề của Viên Mai cho Tùy Viên thi thoại, hoặc liên quan đến Viên Mai.

Từ ghi chép của Thư tự trích lục, có thể thấy trong số những nhà lý luận chủ trương thuyết tính linh đời Minh, Thanh nói trên, Viên Mai với Tùy Viên thi thoại được nhiều nhà thơ triều Nguyễn biết đến hơn cả. Thư tự trích lục cũng chép Tốn Am thi sao tự tựlà bài tựa do Bùi Văn Dị tự viết năm Giáp Ngọ đời Thành Thái (1894) cho tập Tốn Am thi sao của mình, trong đó có câu “Tác gia xưa nay, mỗi người có sở trường riêng, duy chỉ có tính linh khí hành là trên hết”.

Đến đây, tôi thấy đã có thể trở lại với vấn đề chính. Hai câu thơ ở nhan đề bài viết này có thể hiểu là: văn như Siêu, Quát không còn là văn Tiền Hán, thơ đến Tùng, Tuy cũng không còn là thơ Thịnh Đường; bởi các nhà thơ nước ta tán đồng thuyết tính linh, không câu nệ noi theo văn Tiền Hán, thơ Thịnh Đường, hay đúng hơn, họ luôn sáng tác như Miên Thẩm trong bài tự đề tựa cho Nhã Đường thi tập của mình nói là: “Xuất phát từ tính trời cho và tình cảm chân thực mà bắt nguồn từ chính nhã với nghệ thuật phong phú”, không phải đến khi có thuyết tính linh mới sáng tác thơ như vậy. Ý nghĩa toát ra từ hai câu thơ ấy khẳng định giá trị thơ, văn đích thực của danh gia nước ta, như thế không thể là lời khen của dân gian mà chỉ có thể là nhận xét của học giả.

Còn Tiền Hán hay Tần Hán? Tần Hán chỉ đời Tần và đời Hán, nhưng Tần chỉ ở ngôi có 15 năm, lại thi hành chính sách văn hóa cực đoan, thơ văn không mấy đáng kể, chỉ cócông thống nhất đất nước là lớn nhất, mở đường cho thơ văn đời Hán nối tiếp phát triển rực rỡ. Vì vậy nói Tần Hán, chủ yếu là nói Hán, gồm Tiền Hán (Tây Hán) và Hậu Hán (Đông Hán). Tiền Hán nổi bật với từ phú của Dương Hùng, Giả Nghị, Tư Mã Tương Như, sử truyện của Tư Mã Thiên v.v...; Hậu Hán nổi bật với văn chính luận của Vương Xung, phú của Trương Hoành, sử truyện của Ban Cố, dân ca Nhạc phủ v.v..., vì vậy nói văn Hán là nói đến văn của cả hai đời Hán, không riêng Tiền Hán. Do đó, tôi thấy nên lấy lại nguyên văn và hai câu thơ ở đầu bài nên là:

Văn như Siêu, Quát vô Tần Hán,

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

 

--------------------

* PGS-TS Viện Văn học

PHẠM TÚ CHÂU*