Ở đất nước nhiệt đới này, mấy chục mùa hè bỏng cháy, tôi từng được ăn qua nhiều món canh chua giải nhiệt từ me, sấu, khế, xoài, dưa chua, lá sâm, lá giang, lá bứa nhưng trong tâm tưởng tôi không có thứ canh chua nào lại có vị ngon khó quên như canh chua nấu từ lá chua me đất, thứ cỏ thảo bờ bãi mà bất cứ ai lớn lên trên đồng đất cũng biết, cũng thương.
Rau chua me đất mọc nhiều trên đồng ruộng hay góc vườn ẩm. Khi xưa, dưới những gốc ổi cơm tán rộng của ngoại tôi vào mùa hạ có rất nhiều dây me đất nhỏ xíu, mướt xanh. Lá me đất màu xanh lục với ba cánh hình trái tim, được tôi đặt tên là cỏ ba lá.
Thuở nhỏ, tôi thường dùng hai ngón tay nhỏ, xoay xoay cuống lá thành những chiếc ô bé xinh bay vút lên trời xanh. Mẹ tôi đi làm đồng về, bắt được con cá tràu(*) tròn lẳn, ngoại lại kêu tôi đi hái lá me đất về nấu canh chua. Tôi lân la ra sau vườn, ghé mắt dưới những gốc ổi cơm, soi tìm lá me đất, cẩn thận ngắt trong chùm những lá tươi ngon nhất. Khi tôi rửa sạch lá me đất mang vào bếp cũng là lúc những miếng cá xắt của ngoại ngấm gia vị. Ngoại bắc nồi nước đun chín cá rồi mới bỏ lá chua me đất vào. Nồi canh vừa chín tới được múc ra một chiếc âu nhựa cũ, nước canh rất trong, nhìn rõ cả từng miếng cá chuối đong đưa, màu xanh tươi của lá me đất, vị thơm của hành, ngò.

Canh chua me đất có vị ngon rất đặc trưng, vị ngọt của cá chuối, chua dịu của lá chua me, cay cay của ớt, mỗi miếng cơm như một ngọn gió nồm dịu dàng, mát rượi. Đó là hương vị dân dã, thấm thía, ngọt lành của thôn quê bình dị. Những ngày tôi thèm canh chua me đất mà không có cá tươi, ngoại tôi xào tôm khô, cá cơm khô để nấu canh với lá chua me đất.
Một buổi sáng nào đó nắng ngập khắp vườn, dây chua me đất bỗng trổ hoa vàng rực rỡ. Những bông hoa năm cánh nhỏ xinh như cúc áo, ban đầu phơn phớt xanh rồi vàng ruộm. Dưới vòm ổi lao xao, đàn kiến riệng lặc lè cõng những chiếc lá khô vòng quanh. Rồi những trái chua me đất nhú lên, tôi nhón một dúm muối trong lòng tay, nhặt những trái chắc, chấm muối nhấm nhấm. Quả chua me đất chua gắt hơn lá, ăn nhiều đâm nghiện. Lúc này ổi đã chín rợp trên cây, nhưng tôi không thèm để ý, chỉ chú tâm vào quả chua me đất, nhặt bỏ vào cả một túi áo lệch, tha thẩn chơi trong vườn, tha thẩn nhấm trái chua me đất.
Rồi ngoại tôi đi xa, lâu lắm không còn ai nhắc đến canh chua me đất. Một ngày, những lá cỏ ba lá trên tay anh nhắc nhớ, nôn nao nhớ món canh chua ngọt lành, tôi về lại ngôi nhà cũ, chạy như bay ra góc vườn xưa. Những gốc ổi cơm cao nghều không còn, thay vào đó là cả một vườn ổi Trung Quốc trái to như nắm tay. Dưới những gốc ổi, không có lấy một dây chua me đất nhỏ nào. Ai đó nói vu vơ “Giờ ai còn ăn canh lá chua me đất. Ngoài đồng còn khó tìm huống chi trong vườn…”. Nhớ đến những chiếc ô xanh bé xinh, phải chăng những lá me đất có lẽ đã theo ngoại tôi bay về trời…
(*) | Còn gọi là cá quả (miền Bắc), cá lóc (miền Nam) |