Các cuộc cải cách giáo dục của Mỹ bị chỉ trích như thế nào?

Những hệ lụy của cách nhìn sai lầm về tỉ số thi đỗ

Kỳ III: Các cuộc cải cách giáo dục của Mỹ bị chỉ trích như thế nào?

Những chương trình cải cách giáo dục NCLB (No Child Left Behind) của Tổng thống Bush và RTTT (Race To The Top) của Tổng thống Obama dành cho Hệ giáo dục công lập tiểu học-trung học Mỹ đều có mặt tích cực, nhưng có nhiều mặt tiêu cực là những kinh nghiệm “xương máu” mà các nhà quản lý giáo dục của ta nên biết để giúp tránh cho giáo dục của ta những thất bại mà giáo dục Mỹ đã và đang gặp phải.

Chạy đua lên hàng đầu

Chạy đua lên hàng đầu (Race To The Top) - viết tắt: R2T hay RTTT hay RTT-là một chương trình nhằm cải cách giáo dục hệ K-12 trong các bang và học khu nước Mỹ với ngân sách 4,35 tỉ USD, đã được Tổng thống Barack Obama va Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan loan báo ngày 24/7/2009(1).

Bang nào muốn dự xin tài trợ từ chương trình RTTT thì nộp đơn và sẽ được chấm điểm dựa trên các tiêu chí có tổng số điểm là 500 như sau(2):

1. Giáo viên và lãnh đạo ưu tú (Great Teachers and Leaders): 138 điểm.

2. Yếu tố thành công của bang (State Success Factors): 125 điểm.

3. Tiêu chuẩn và đánh giá (Standards and Assessments): 70 điểm.

4. Tiêu chí lựa chọn tổng quát (General Selection Criteria): 55 điểm.

5. Cải biến các trường có thành tích thấp nhất thành tốt (Turning Around the Lowest-Achieving Schools): 50 điểm.

6. Hệ thống dữ liệu hỗ trợ giảng dạy (Data Systems to Support Instruction): 47 điểm.

Tổng cộng có 485 điểm. 15 điểm còn lại dành thêm cho sự ưu tiên của 4 môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán gọi tắt là STEM (Science, Technology, Engineering và Math) .

Chương trình cải cách giáo dục NCLB (No Child Left Behind) của Tổng thống Bush...

Trọng tâm của RTTT là tạo ra các chiến lược cải cách giáo dục hữu hiệu trong 4 lãnh vực có ý nghĩa sau đây(3):

1. Chấp nhận những chuẩn kiến thức và các phương thức đánh giá chung quốc gia và tiến tới theo quốc tế để chuẩn bị cho học sinh thành công ở đại học và tại nơi làm việc.

2. Tuyển dụng, phát triển, tưởng thưởng và giữ chân những giáo viên và hiệu trưởng làm việc có hiệu quả.

3. Xây dựng các hệ thống dữ liệu để đo lường thành tích học tập của học sinh và thông báo cho giáo viên và hiệu trưởng biết là học sinh có thể cải thiện cách thức học tập như thế nào.

4. Làm chuyển biến những trường có thành tích thấp nhất trở nên tốt.

Những gói thưởng cao ngất cho cuộc chạy đua

Ngoài gói thưởng 4,35 tỉ USD dành cho cuộc chạy đua của các bang, Bộ Giáo dục liên bang cũng có gói thưởng tổng cộng hơn 5,6 tỉ USD cho nhiều chương trình ưu tiên cho cải cách hành chánh, chất lượng giáo viên, hiệu trưởng, và việc triển khai chuẩn kiến thức chung quốc gia, phương thức đánh giá chung quốc gia, hướng tới chuẩn chung quốc tế(4).

Điều khác biệt rõ nhất giữa chương trình NCLB (No Child Left Behind = Không trẻ em nào bị bỏ tụt hậu) của Tổng thống Bush và RTTT của Tổng thống Obama là: Với NCLB, mỗi bang tự đề ra chuẩn kiến thức cho học sinh và phương thức đánh giá riêng cho bang mình.

Còn RTTT thì khuyến khích các bang dùng chung một chuẩn kiến thức cho mọi học sinh, sẽ được thiết lập bởi Hiệp hội quốc gia các thống đốc (National Governors Association) và Hội đồng các giám đốc Sở Giáo dục tiểu học và trung học của các bang (Council of Chief State School Officers) với tài trợ từ các quỹ Bill and Melinda Gates Foundation, Charles Stewart Mott Foundation và các quỹ khác(5).

Trong năm 2010 đã có 44 bang nộp đơn dự giải thưởng. Tổng thống Obama trong bài diễn văn đọc tại Văn phòng Bộ Giáo dục Mỹ tại Washington đã nói: Cuộc tranh tài này sẽ không dựa trên chính trị, ý thức hệ hay thiện cảm cho một nhóm lợi ích riêng nà, mà nó sẽ được dựa vào một nguyên tắc đơn giản - một bang có sẵn sàng thực hiện những gì đem lại hiệu quả hay không.

Chúng ta sẽ sử dụng những dữ liệu có sẵn để xác định thử xem một bang có thỏa một số tiêu chuẩn chủ chốt cho việc cải cách hay không – và những bang nào có triển vọng hoàn thành tốt hơn những bang còn lại sẽ được thưởng một gói tiền. Không phải mọi bang sẽ được thưởng và không phải mọi học khu sẽ vui sướng với những kết quả cuộc đua. Nhưng trẻ em Mỹ, kinh tế Mỹ và bản thân nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn vì cuộc đua này(6).

... và RTTT (Race To The Top) của Tổng thống Obama dành cho Hệ giáo dục công lập tiểu học - trung học Mỹ.

Ngoài sự thưởng cho các bang trúng giải theo các tiêu chí của RTTT, tháng 9/2010 Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan đã tặng hai gói thưởng: 160 triệu USD cho nhóm SMARTER Balanced (SMARTER Balanced Assessment Consortium) và 170 triệu USD cho nhóm PARCC (Partnership for Assessment of Readiness for College and Carreers), là hai liên minh gồm tất cả 44 bang dự cuộc thi để hai liên minh triển khai các phương thức đánh giá chung thế hệ kế tiếp. 44 bang này sẽ bao gồm 85% học sinh cả nước Mỹ.

Sự khác biệt chủ yếu giữa hai nhóm là nhóm SMARTER Balanced sẽ tạo ra một sự đánh giá hàng năm được mở đầu bởi một loạt các sự đánh giá về tiêu chuẩn để giám sát sự tiến bộ của học sinh. Nhóm kia, PARCC, sẽ tạo ra một loạt các đánh giá mà sẽ được tổng kết vào cuối năm để cho ra một điểm số của học sinh.

Cả hai nhóm đã quyết tâm đo lường các kỹ năng viết và lý luận ở bậc cao. Tổ hợp PARCC “sẽ kiểm tra khả năng của học sinh về đọc các văn bản phức tạp, hoàn thành các dự án nghiên cứu, vượt trội trong thực hiện các bài tập về nói và nghe trong lớp, và học tập với môi trường kỹ thuật số”.

Còn tổ hợp SMARTER “sẽ kiểm tra các học sinh bằng cách sử dụng công nghệ thích nghi với máy tính điện tử để hỏi học sinh những câu hỏi được tương ứng với mức kỹ năng của chúng, dựa trên những câu trả lời trước của chúng”. Một khía cạnh quan trọng khác của cả hai gói trợ cấp là sự tham dự của các học sinh hoặc khuyết tật hoặc Anh ngữ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ được lập kế hoạch từ đầu.

Cả hai nhóm có ý định làm ít nhất ba việc để xúc tiến cải cách giáo dục. Trước hết, họ là một biểu hiện của công chúng hỗ trợ cho ý tưởng cần có những Chuẩn cốt lõi chung cho các bang (Common Core State Standards) về đọc Anh ngữ và Toán, đã được công bố vào mùa hè 2010 và được chấp nhận bởi hơn 40 bang.

Những chuẩn chung này còn là một cách nói lên rằng những chuẩn gồm những chắp vá hiện tại lập ra bởi các bang riêng rẽ đã đưa tới những sai biệt lớn lao trong việc so sánh trình độ kiến thức của học sinh trong các bang khác nhau.

Và những lời chỉ trích xác đáng

Trong bài Cuộc chạy đua lên hàng đầu của ông Obama sẽ không cải thiện được giáo dục, Giáo sư sử học Đại học bang New York, Diane Ravitch(7), cho rằng ông Obama đã không nản lòng trước những phê phán gắt gao về RTTT bởi các tổ chức nhân quyền hàng đầu nước Mỹ, họ cho rằng việc tài trợ giáo dục của chính phủ liên bang nên căn cứ vào nhu cầu chứ không vào sự cạnh tranh.

Chương trình chứa những yếu tố chủ chốt này: Giáo viên sẽ bị đánh giá liên quan tới điểm thi kiểm tra của học sinh. Nhà trường nào tiếp tục có điểm thi kiểm tra thấp sẽ bị đóng cửa hay chuyển thành trường charter(8) hay giao cho sự quản lý của tư nhân. Trong các trường có thành tích kém, hiệu trưởng sẽ bị đuổi việc, và tất cả hay một nửa cán bộ nhân viên sẽ bị đuổi việc.

Các bang được khuyến khích tạo ra nhiều hơn các trường charter quản lý bởi tư nhân. Tất cả những yếu tố này đều có vấn đề. Việc đánh giá giáo viên liên quan tới điểm thi kiểm tra của học sinh sẽ có nhiều hệ quả bất lợi. Nó sẽ làm cho các bài thi kiểm tra chuẩn hóa (standardized tests) về các kỹ năng hiện nay trở thành quan trọng hơn bao giờ hết và nhiều thời gian và tài nguyên hơn sẽ bị dành cho mục đích nâng điểm trong những bài thi kiểm tra này.

Do đó chương trình sẽ bị thu hẹp lại còn hơn dưới NCLB của ông George W. Bush, bởi vì chỉ lo dạy những môn thi. Các môn không thi như nghệ thuật, khoa học, lịch sử, công dân, ngoại ngữ, ngay cả giáo dục thể chất thì bị dạy qua loa. Các giáo viên sẽ dạy cốt để thi (teach to test). Sẽ có nhiều gian lận hơn, nhiều trò xảo trá hơn trong hệ thống giáo dục.

Việc dùng tỉ lệ đỗ làm yếu tố chính để đánh giá hiệu quả đào tạo của giáo viên và của nhà trường đã bị chỉ trích gắt gao từ NCLB của ông Bush tới RTTT của ông Obama, đặc biệt là những tỉ lệ đó có được từ những bài thi kiểm tra đơn giản dựa nhiều vào trắc nghiệm.

Người ta đã đưa ra một số vụ tai tiếng. Thí dụ mới đây nhất về là điểm thi kiểm tra của bang New York. Tỉ lệ đỗ các bài thi kiểm tra của bang cứ năm sau lại rộ lên cao hơn năm trước tới cái mức trở nên lố bịch, làm trò cười cho mọi người, chỉ trừ những kẻ cả tin.

Năm 2009, có 86,4% học sinh của bang đã “tinh thông” môn toán, và 77,4% “tinh thông” môn đọc. Nhưng qua năm 2010, sau khi bang nâng mức ngưỡng đỗ lên khó hơn, từ mức quá thấp đã chìm xuống trước đây thì hỡi ôi, tỉ lệ đỗ môn toán tụt dốc xuống còn 61%, và tỉ lệ đỗ môn đọc chỉ còn 53,2% .(Coi bộ mấy chú Sam học tập Việt Nam ta chiến dịch Hai Không năm 2007!).

Riêng cái lạm phát tỉ lệ đỗ của thành phố New York đã gây ra sự “khó nói” cho ngài Thị trưởng Michael Bloomberg. Trước đây Thị trưởng Michael Bloomberg được uy tín, nổi danh nhờ cái tỉ lệ đỗ cao vút, sáng chói, lịch sử. Nhờ đó, ông đã được bầu lại làm thị trưởng và đã dùng nó để thắng lần nữa về việc điều khiển giáo dục.

Nhưng nay, tỉ lệ đỗ về đọc của học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 đã tụt dốc từ 68,8% xuống còn 42,4%, và tỉ lệ tinh thông toán chìm xuống một cách khó tin: từ 81,8% xuống còn 54%!

Hơn nữa, về trung bình, các trường charter không đem lại kết quả tốt hơn các trường công lập bình thường, tuy nhiên Obama và Duncan đang thúc đẩy họ chuyển qua trường charter mạnh hơn. Duncan biết rằng có nhiều trường charter tầm thường hay tồi tệ, nhưng lại tin rằng trong tương lai, những trường charter mới là những trường duy nhất có thành tích cao.

Học sinh phản đối chương trình "Không trẻ em nào bị bỏ tụt hậu" của Tổng thống Bush.

Vì thế Diane Ravitch đã viết: “NCLB và RTTT thực chất là như nhau, chỉ trừ “Cuộc đua” của Tổng thống Obama và Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncane có gần 5 tỉ USD được dùng như miếng mồi nhử để thuyết phục các bang bước lên chuyến tàu lửa tốc hành tư nhân hóa (nền giáo dục công lập)(9).

Diane Ravitch cũng cho rằng Tổng thống Obama đã mô tả sai lạc về RTTT khi ông nói RTTT không phải là chương trình áp đặt từ trên xuống và không phải là đặt ra luật bắt người ta theo.

Nhưng Petrilli của Viện Thomas B. Fordhan Institute đã chỉ ra rằng chính phủ đã không hỏi ý kiến các bang để tìm những ý tưởng tốt nhất của họ mà lại đưa ra một danh sách gồm 19 ý tưởng cho là tốt nhất, mà ít trong số đó là thực sự dựa trên chứng cứ, và nói với các bang rằng chấp nhận càng nhiều càng tốt nếu muốn nhận được tiền. Cho nên Petrilli đã gọi RTTT là phiên bản 2 của NCLB.

Sai lầm từ việc đánh giá giáo viên qua tỉ lệ thi đỗ của học sinh

Hiệp hội Giáo viên bang California (CTA = California Teacher Association) đã cho rằng RTTT của Tổng thống Obama đã lặp lại những sai lầm của NCLB của Tổng thống Bush(10).

Theo CTA, những sai lầm của cả hai chương trình NCLB và RTTT là ở các điều sau đây:

1. Gắn liền thành tựu học tập của học sinh với điểm thi bài kiểm tra. Sự đánh giá thành tựu học tập của học sinh không thể đúng được nếu chỉ căn cứ trên điểm bài thi kiểm tra dưới hình thức trắc nghiệm chọn câu đúng trong nhiều câu trả lời được học sinh làm trong một buổi, mà phải đánh giá cả một quá trình liên tục việc am hiểu phạm vi tổng hợp nội dung chương trình và các kỹ năng đạt được bằng sự phối hợp của việc viết, truy tìm, nghiên cứu khoa học, giải quyết vấn đề, áp dụng công nghệ và nhiều kỹ năng quan trọng chủ yếu khác.

Đó là chưa kể vì các áp lực bị đánh giá hiệu quả đáo tạo kém khi điểm thi của học sinh thấp mà giáo viên chỉ dạy để thi (teach to the test), nhà trường cắt xén chương trình chỉ dành ưu tiên dạy các môn thi, bang thì ra đề thi dễ dưới chuẩn bình thường.

2. Việc đánh giá khả năng làm việc của giáo viên mà chủ yếu dựa vào điểm thi kiểm tra của học sinh là một việc sai lầm, không bao giờ cải thiện được việc giảng dạy hay kết quả học tập của học sinh vì:

Thứ nhất: phẩm chất thấp của bài thi kiểm tra được dùng và phạm vi hạn hẹp của nội dung được học ứng với nội dung bài bài kiểm tra.

Thứ hai: điểm thi bài kiểm tra của học sinh không cung cấp thông tin về các điều kiện trong đó việc học tập xảy ra và các điều kiện mà người giáo viên không điều khiển được như: sĩ số học sinh trong lớp, thành phần học sinh (như số học sinh có năng khiếu, học sinh khuyết tật, gặp khó khăn...), phương tiện giảng dạy.

Thứ ba: điểm thi không cho biết sự đóng góp của những người khác vào sự phát triển của học sinh, chẳng hạn như công sức các giáo viên dạy trước đó. Ngoài ra, điểm thi bài kiểm tra luôn biến động, sai biệt từ lớp này qua lớp khác, năm này qua năm khác, và thậm chí từ bài kiểm tra này qua bài kiểm tra khác cho mỗi cá nhân giáo viên.

3. Khen thưởng, trừng phạt giáo viên mà chủ yếu dựa vào điểm thi của học sinh là không công bình. Phải xem xét nhiều yếu tố để đánh giá công sức mà người giáo viên đã bỏ ra cho giáo dục, trong đó điểm thi của học sinh chỉ là một phần.

4. Cổ xúy việc phát triển trường charter mà không có kiểm tra chất lượng thích hợp: Một nghiên cứu gần đây cho thấy có 37% học sinh trong các trường charter đạt thành tích kém hơn các học sinh trường công lập, chỉ 17% đạt thành tích cao hơn, và 46% trường charter không tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa thành tích của học sinh với trường công lập.

5. Dùng các chiến lược sai lầm trong việc làm chuyển biến các trường đang gặp khó khăn thành trường tốt: Nếu mục tiêu là giúp làm chuyển biến một trường đang gặp khó khăn thành một trường tốt thì cần phải giúp đỡ trường nhiều hơn về mọi mặt, trong khi cả NCLB và RTTT lại chọn chiến lược sai lầm là trừng phạt, cắt giảm tài trợ... , và như vậy đẩy nhà trường tới chỗ khó khăn hơn.

Để sau cùng buộc phải chọn các giải pháp mà NCLB và RTTT đề ra: thay lãnh đạo và nhân viên của một trường, chuyển trường thành trường charter, hay đóng cửa trường. Không một phương án nào trong ba phương án này đề cập đến nhu cầu hoạt động của trường để nâng cao thành tích học tập của học sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người ta ước tính khoảng 80% trường công lập Mỹ không thể có 100% học sinh thỏa được tiêu chuẩn của AYP vào năm 2014 như kế hoạch mà NCLB đã đề ra. Vì vậy Bộ Giáo dục hiện nay (dưới thời Tổng thống Obama) đang cho lo kế hoạch “điều chỉnh mục tiêu|” của NCLB trong 16 tháng nhằm làm giảm nhẹ áp lực lên nhà trường.

Nhân đó sẽ có nhiều bang không muốn áp dụng NCLB nữa, chẳng hạn, một bài báo ngày 14/8/2011 cho biết bang Georgia đang chuẩn bị nộp đơn lên Bộ Giáo dục liên bang để xin miễn áp dụng NCLB vì biết chắc không thể nào thỏa được yêu cầu của YAP(11).

Và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…

Như vậy, ở nước ta cũng như ở Mỹ, nếu hiểu sai ý nghĩa của tỉ số đỗ hoặc lạm dụng tỉ số đỗ như phương tiện chủ yếu trong việc đánh giá hiệu quả đào tạo, để từ đó mà khen thưởng, trừng phạt cán bộ giáo dục gồm các nhà quản ký, nhân viên và giáo viên thì sẽ đưa đến những hiện tượng tiêu cực, mà gian lận để nâng tỉ số đỗ lên cao là rất dễ có nguy cơ xảy ra, bởi các nhân sự trong giáo dục cũng chỉ là con người, không phải thánh nhân, nên nếu bị dồn vào cái thế phải chọn giữa cái bị đuổi việc và cái gian để nâng điểm thi của học sinh thì rất nhiều khả năng họ phải chọn cái gian.

Một chính sách cải cách giáo dục dù đúng đắn mà không có đủ số con người có tri thức và lương tâm chức nghiệp để thực hiện thì việc thi hành chính sách ấy cũng sẽ thất bại, huống là chính sách sai lầm.

Nhưng trong ngành giáo dục, nhân sự vốn có sẵn khả năng tri thức để dễ hiểu được chính sách, vấn đề là lương tâm chức nghiệp. Nhưng lương tâm chức nghiệp chỉ có thể được củng cố, phát huy tác dụng khi luật pháp nghiêm minh, quy trình xử lý công việc trong suốt để mọi người dễ thấy được tính trong sáng, nghiêm minh của quy trình thực hiện và sự đúng đắn của chính sách.

Cô và trò. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cho nên ngoài sự đúng đắn của chính sách, còn cần phải có biện pháp thanh tra hợp lý. Những hiện tượng làm nâng tỉ số đỗ ở nước ta cũng như ở Mỹ trong thời gian qua là do thiếu một cơ chế thanh tra hợp lý từ Bộ Giáo dục (ở nước ta, và Sở Giáo dục bang ở Mỹ).

(Kỳ sau: Nước ta có nên bỏ thi tú tài? Có nên giao cho từng địa phương tổ chức thi tú tài?)


(1)

“Obama offers “Race to the Top” contest for schools”. The Guardian (London). January 23, 2008. Retrieved January 26, 2010.

(2)

http://en.wikipedia.org/wiki/Race_to_the_top; “Race to the Top Program Executive Summary”. U.S. Department of Education. Retrieved January 26, 2010.

(3)

Program Office: Implementation and Support Unit (ISU, CFDA Number: 84.395). http://www2.ed.gov/programs/racetothetop/index.html

(4)

President Obama, U.S. Secretary of Education Duncan Announce National Competition to Advance School Reform.  http://www2.ed.gov/news/pressreleases/2009/07/07242009.html

(5)

Anderson, Nick (March 10, 2010). "Common set of school standards to be proposed". Washington Post. p. A1

(6)

President Obama, U.S. Secretary of Education Duncan Announce National Competition to Advance School Reform. http://www2.ed.gov/news/pressreleases/2009/07/07242009.html

(7)

Diane Ravitch (Historian, NYU professor): Obama's Race to the Top Will Not Improve Education. http://www.huffingtonpost.com/diane-ravitch/obamas-race-to-the-top-wi_b_666598.html

(8)

Trường charter (charter school) là một công lập trong hệ thống K-12, nhưng không thuộc quyền quản lý của Sở Giáo dục hay học khu địa phương mà được điều hành bởi một Hội đồng do cộng đồng địa phương và Hội phụ huynh bầu chọn ra, chương trình học và triết lý giáo dục do Hội đồng ấy quyết định, có thể khác với những trường công trong vùng ấy.

(9)

http://4lakidsnews.blogspot.com/2009/12/rtttnclb-v20-meier-alternative.html

(10)

Race To The Top: One-Size-Fits All Hurts Students (http://www.cta.org/Issues-and-Action/RTTT/CTA-Position-Paper.aspx)

(11)

Lindsay Field, State will seek waiver from No Child Left Behind, http://mdjonline.com/bookmark/15089200


Tin liên quan:

Lê Tự Hỷ