Các khối nợ quốc gia 2011

Năm 2011 là năm có chủ đề «Nợ » của sân khấu chính trị thế giới.

Nước Hy Lạp mở màn đầu tiên với khối nợ quốc gia 326,9 tỉ euro vào cuối năm 2010 và có nguy cơ «phá sản» toàn diện trong năm 2011. Khối Liên minh châu Âu phải lo lắng tìm mọi biện pháp tài chính để bơm tiền vào giúp Hy Lạp, đồng thời làm áp lực lên Hy Lạp phải chấp nhận những biện pháp giảm chi tối đa. Dân chúng Hy Lạp phản đối mạnh mẽ, vì họ chính là những nạn nhân của các biện pháp cắt giảm đó.

Vì đâu mà các quốc gia mắc nợ?

Một quốc gia cũng như một gia đình, một người, phải mắc nợ vì chi tiêu nhiều mà thu nhập ít, đó là cách nói dễ hiểu nhất. Không có một nước nào, nếu chỉ nói riêng về các nước trong khối Liên minh châu Âu hiện nay, mà ngân sách quốc gia cân bằng hay tốt đẹp (thu nhiều hơn chi).

Nguyên nhân đầu tiên là chính phủ đương nhiệm chi nhiều hơn thu trong thời gian nắm quyền cai trị nước. Nguyên nhân thứ hai là số nợ chồng chất của quá khứ do các chính phủ cũ để lại, cộng thêm lãi mẹ và lãi con, vẫn còn đó chưa trả hết.

Nguyên nhân thứ ba, là một số luật lệ «cho phép» chính phủ đương nhiệm vay thêm một số nợ mới một cách hợp pháp. Nguyên nhân thứ tư là đến một thời gian và mức độ nào đó thì chính phủ đương nhiệm chỉ vay nợ mới để trả nợ cũ, thậm chí có khi chỉ trả lại được ít vốn mà phần lớn chỉ trả được tiền lời, vì lãi mẹ đẻ thêm lãi con, lãi cháu.

Vay nợ để làm gì?

Mỗi chính phủ có nhiều ngân sách quốc gia cho từng khoản chi tiêu về quốc phòng, an ninh nội địa, hưu trí, thất nghiệp, giáo dục, y tế, cầu đường, hành chánh… luôn cả các ngân sách «mật» dùng cho tình báo, quốc phòng, ngoại giao...

Mỗi hệ thống, thí dụ như hệ thống giáo dục, cần có một ngân sách cho nhiều cấp bậc từ nghiên cứu đến thực hành, từ đại học xuống đến nhà trẻ, không có ngân sách là tê liệt hẳn, thiếu hụt ngân sách là phải giảm mọi hoạt động về cả chất và lượng.

Bình thường, các chính phủ đều có thu nhập với các nguồn thu nhập chính như các loại thuế trực thâu và gián thâu (thuế lương bổng, thuế tài sản, thuế nhà đất, thuế tiêu thụ, thuế xe…) và tiền gom góp của các quỹ xã hội như quỹ hưu trí, quỹ sức khỏe, quỹ thất nghiệp…, cộng thêm các phụ thu cho ngân sách quốc gia. Nhưng nếu các nguồn thu nhập này không đủ để trang trải mọi ngân sách, thì các chính phủ vay nợ để bù đắp vào.

Vay nợ của ai ?

Chính phủ vay nợ của các ngân hàng quốc gia, ngân hàng tư nhân trong và ngoài nước, nhất là những ngân hàng tầm vóc quốc tế. Ngoài ra chính phủ cho in nhiều loại công phiếu để vay tiền của các công ty tư nhân hay cá nhân. Các hãng bảo hiểm tư, thí dụ như bảo hiểm đời sống, thường dùng vốn từ các hợp đồng tiết kiệm của dân, để mua các công phiếu của chính phủ, coi như là cho chính phủ vay nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn có tiền, ra ngân hàng, mua công phiếu của chính phủ, vì bạn đồng ý với điều kiện bán công phiếu, thí dụ thời gian có hiệu lực là bốn năm, tiền lời mỗi năm cố định là 4%, tức là bạn đã cho chính phủ vay tiền, và chính phủ phải trả cả vốn lẫn tiền lời cho bạn.

Không trả được nợ nữa thì sao ?

Khi một chính phủ đứng trước nguy cơ «phá sản», tức là không còn tiền để trang trải mọi chi tiêu nữa, nhiều hoạt động trong xã hội bị tê liệt, thì hậu quả rất trầm trọng, dân không có lương, không có tiền hưu, đời sống của hàng triệu người dân đồng thời bị nguy ngập…

Khả năng nổi loạn, lật đổ chính phủ, thay đổi thể chế, guồng máy cai trị… rất lớn, và kéo theo những hậu quả về chính trị, kinh tế và an ninh… không lường trước được. Nên bằng mọi cách, các chính phủ phải tìm một lối thoát để giải quyết nguy cơ phá sản.

Tình trạng nợ nần của Mỹ cho thấy một thí dụ điển hình. Khối nợ của Mỹ trong năm 2011 lên đến 1.600 tỉ USD, tương đương với 98% tổng sản lượng quốc dân (BIP), chỉ riêng tiền trả tiền lãi lên đến 250 tỉ USD/năm. Khả năng khối nợ này sẽ tăng lên trong năm 2012 bằng 102% tổng sản lượng quốc dân (theo Focus, 26/1/2011).

Theo dự đoán thống kê cho các năm sắp tới thì ngân sách hưu trí sẽ không tăng bao nhiêu, trong khi hai mối lo lớn nhất của xã hội Mỹ là ngân sách dành cho y tế, sức khỏe và mọi ngân sách chi tiêu khác có nguy cơ tăng trội.

Ngân sách doanh thu của năm 2011 đem lại 2.200 tỉ USD gồm có 53% tiền thâu thuế, 37% tiền của các quỹ xã hội, 10% các loại thu nhập khác. Ngân sách chi ra lên đến 3.800 tỉ USD gồm có 24% cho quốc phòng và các loại chiến phí, thương binh, 23% cho hệ thống sức khỏe, 20% cho lương hưu và 33% chi phí các loại.

Ngày 16/5 vừa qua, khối nợ tổng cộng của Mỹ đạt mức tối đa theo luật định: 14.300 tỉ USD. Theo tờ New York Times, nếu phân tích khối nợ 14.300 tỉ USD qua các thời kỳ tổng thống kể từ Reagan thì danh sách mắc nợ là như sau: Ronald Reagan 7% (cho đến 1981), Ronald Reagan 13,2 % (1981-1989), George Bush (cha) 10,5% (1989-1993), Bill Clinton 9,8% (1993-2001), George W. Bush (con) 42,7% (2001-2009) và hiện tại chỉ trong hai năm, kể từ 2009 đến nay Tổng thống Obama mắc nợ 16,8% của khối nợ.

Hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq làm cho ngân sách quốc phòng dưới thời George W. Bush phình to nợ lớn, qua đến thời Obama cũng chưa chấm dứt.

Trong tổng số 4.500 tỉ USD nợ nước ngoài (tương đương với 29% tổng số nợ) thì có 26,7% là tiền vay mượn của Trung Quốc; chủ nợ thứ hai của Mỹ là Nhật Bản với 20,3%, các chủ nợ khác là Brasil, Đài Loan, Nga, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Luxembourg, Đức… và nhiều quốc gia khác trên thế giới (theo Der Spiegel, 27/7/2011).

Mãi đến ngày 2/8 vừa qua cả hai nghị viện Mỹ mới biểu quyết cho phép Tổng thống Obama được nâng số nợ lên thêm 2.400 tỉ USD cho đến thời điểm bầu cử tổng thống mới vào mùa thu 2012, đồng thời phải lần lượt cắt giảm 2.500 tỉ USD của các ngân sách chi tiêu.

Theo các bản báo cáo của International Monetary Fund, Statista 2011 thì tổng số nợ hiện nay của Đức lên đến 2.035 tỉ euro (2011), so với tổng sản lượng quốc dân của năm 2010 là 2.500 tỉ euro thì khối nợ này chiếm khoảng 80%. Nước Tây Ban Nha nợ 638,77 tỉ euro, Bồ Đào Nha nợ 144 tỉ euro, nước Anh nợ 1.122,81 tỉ bảng Anh, nước Nhật Bản mắc nợ 1.077.847,3 tỉ yen.

Thống kê của viện INSEE cho biết là cuối tam cá nguyệt 2011 tổng số nợ của nước Pháp lên đến 1.646,1 tỉ euro, tương đương với 84,5% tổng sản lượng quốc dân. Năm tới, khối nợ của nước Pháp sẽ có khả năng tăng lên đến 90% tổng sản lượng quốc dân. Pháp và Đức là hai quốc gia mạnh trong khối Liên minh châu Âu, cho nên vai trò của hai nước này trong việc gìn giữ giá trị đồng euro không phải là nhỏ.

Năm 1997 khối Liên minh châu Âu đã nhất trí đặt ra một kế hoạch như sau:

- Toàn thể số nợ không được vượt quá 60% tổng sản lượng quốc dân.

- Số nợ mới không được quá 3% tổng sản lượng quốc dân.

- Khi vi phạm quy luật này, quốc gia sẽ bị phạt 0,5% tổng sản lượng quốc dân.

Nguyên tắc đã được đặt ra như thế, nhưng trên thực tế thì không ai kiểm soát được ai, ngược lại, các nước còn đặt ra thêm nhiều «ngoại lệ» để tự biện hộ.

Điều thiếu sót cơ bản trong kế hoạch này là vấn đề tiền lãi, mấu chốt của sự kiện vay nợ và trả nợ – câu hỏi mức độ tiền lãi tăng trưởng theo thời gian là bao nhiêu – không được giải quyết.

Phương thuốc căn bản để giải quyết khối nợ khổng lồ còn đọng đó và không phải vay nợ thêm vẫn là: giảm nợ, tăng thu. Giải pháp kìm số nợ mới phải vay thêm mỗi năm dưới mức chỉ số phát triển kinh tế đang được coi là một cách thích ứng nhất.

Tại sao khối nợ cứ tăng mà không giảm được?

Để trả lời câu hỏi này thì người Đức có câu tục ngữ «ein Schuß nach hinten» (một cú bắn ngược về phía sau), còn người Pháp thì nhún vai nói «une balle dans les pieds» (tự bắn đạn vào chân).

Nguyên tắc hoạt động của xã hội tư bản rất đơn giản: làm thế nào để đạt mức lợi nhuận tối đa? Tức là giảm giá thành và chi phí xuống mức tối thiểu để tăng lợi nhuận tối đa.

Muốn có lợi nhuận, có lãi mẹ lãi con thì phải có tiêu thụ và thúc đẩy tiêu thụ. Tiêu thụ cá nhân, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài là ba nền tảng thương mại chính để đồng tiền «quay vòng» và sản sinh ra lợi nhuận.

Thế nhưng, bắn ngược về phía mình, hay bắn vào chân mình, là khi các hãng xưởng đóng cửa, sa thải nhân viên, dân chúng thất nghiệp nhiều và lâu dài thì tất nhiên sức tiêu thụ của họ giảm mạnh, hàng hóa dù rẻ đến đâu thì rẻ, họ cũng không có tiền mua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm của Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người dân mắc nợ đến một mức nào đó, chỉ cần không có tiền trả nợ góp hàng tháng nữa là phải gánh chịu rất nhiều áp lực nặng nề: mất nhà, tịch thu tài sản, xe hơi, xiết lương tại gốc, bị ghi án tòa, ghi danh vào "sổ đen" của hệ thống nhà băng và bảo hiểm… không còn chạy thoát đi đâu được.

Nhiều thảm cảnh gia đình xảy ra vì thất nghiệp và nợ nần, giết nhau rồi tự tử. Các nhà chính khách và ngân hàng, tài chánh làm ngơ trước những hiện tượng xã hội bức xúc đó, có vẻ như họ không hiểu hậu quả gì sẽ xảy ra, cho dù lịch sử đã nhiều lần chứng minh, bạo loạn hay cách mạng đổi đời sẽ nổi lên khi đa số dân chúng không chịu nổi sức ép, không còn đường sống nữa.

Nhưng tăng thu như thế nào để làm đầy công quỹ nhà nước?

Đứng về phương diện kinh tế mà nói thì giải pháp làm giảm nợ cho các «siêu cường» trên thế giới có nhiều phương cách:

Xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1- Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cao cấp đi những thị trường tiêu thụ của các nước nhỏ, đang phát triển nhưng dân chúng của các nước đó còn có «sức mua», qua đó thúc đẩy các phản ứng dây chuyền kế tiếp: tăng sản xuất hàng hóa, tăng lao động, tăng thu nhập công ty và cá nhân, tạo công ăn việc làm để tăng sức mua của dân chúng trong nước, tăng tiêu thụ nội địa, tăng mức thu thuế cá nhân.

2- Thu hút sức mua vào nội địa qua các chương trình thí dụ như du lịch, trao đổi văn hóa nghệ thuật, thể thao…

3- Thực hiện công việc tái phân phối tài sản xã hội cho thành phần yếu kém, nghèo khó.

4- Cải tổ hệ thống thuế vụ để thu thuế cho quân bình: tăng thuế, thí dụ như tăng tỷ lệ thu thuế hoặc ban hành các loại thuế mới... nhưng không làm giảm sức tiêu thụ của đa số dân chúng, đặc biệt là tăng mức thu thuế trên thành phần giàu có.

5- Giảm chi, thí dụ cắt bỏ những hệ thống hành chánh rườm rà, nặng nề, giảm bớt các tầng lớp quản lý hành chánh, tăng kiến thức quản lý hành chánh...

6- Chống tham nhũng, hối lộ, chợ đen, lãng phí công quỹ và các thủ đoạn chiếm đoạt của công làm của riêng.

Trên thực tế, các phương cách giải quyết thường bị vô hiệu hóa bởi các đường hướng và quyết định chính trị, các phản ứng ngược của các «lobby», thí dụ như Tổng thống Obama không thể tăng thu nhập thuế của thành phần giàu có trong nước.

Mọi biện pháp cắt giảm, sa thải…có ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ của đa số dân chúng trong xã hội là đi ngược lại mục đích tăng thu giảm nợ. Dân có giàu nước mới mạnh. Phản ứng mất giá trầm trọng trên thị trường chứng khoán hiện nay là sự tất yếu, bởi vì con rắn tự cắn đuôi mình.


Nguồn tham khảo:

Các báo, tạp chí: Der Spiegel, Handelsblatt, Focus, Le Parisien, Marianne…

Viện thống kê INSEE Paris (Pháp).

Mathilde Tuyết Trần