Người Việt xa quê mỗi khi nhớ về quê hương làm sao không nhớ đến tô bún bò Huế của miền Trung, món bún mộc, bún riêu cua của miền Bắc, món bún thịt nướng, bún lẫu mắm, bún lẫu chua… Nam Bộ.

Bún riêu cua
Trước hết, điểm qua về cách chế biến con bún tươi (không kể đến loại bún khô có bày bán ngoài chợ) để thấy việc ăn bún không phải giản đơn, để thấy “nghề ăn cũng lắm công phu”, đòi hỏi người làm ra nó phải có bàn tay khéo léo, đảm đang mới làm ra được con bún ngon cho người thưởng thức.
Cách chế biến bún tươi: Gạo ngon (loại gạo trắng khô cơm chớ gạo dẻo sẽ làm cho con bún yểu xìu, không khô ráo nhìn không bắt mắt) ngâm một đêm rồi xay nhuyễn, sau đó lược bột lại cho mịn, pha với bột cái (loại bột đã ủ lên men) quậy đều trên lửa cho đến khi bột chín thơm thì lần lượt bỏ vào khuôn bún, con bún trắng ngần được nặn ra, tuôn xuống thau nước sạch, bàn tay khéo léo nhẹ nhàng của người làm bún vớt từng tép bún, vắt nước cho ráo rồi sắp lần lượt vào rổ có xếp lá chuối dưới đáy. Cọng bún khéo là cọng bún dai, khô ráo, mùi thơm, không chua, trắng ngà. Tùy theo món ăn mà người nội trợ chế biến hình dạng cọng bún to nhỏ khác nhau, bún để ăn bún bò Huế thì cọng lớn gấp hai, ba lần bún thường, bún miệt Thủ Đức cọng nhỏ rứt như cọng bánh hỏi, màu trắng ngà trông thật hấp dẫn.
Bún thịt xào: Khách tới nhà, món ăn gọn nhẹ, nấu nướng nhanh chóng mà ngon miệng là món bún thịt xào. Thịt nạc xắc mỏng, ướp hành tỏi, bột ngọt, tiêu, đường khoảng 30 phút. Làm tô nước mắm ngon pha bằng nước dừa xiêm, rau sống, giá, dưa leo xắc nhuyễn, đậu phộng rang vàng giã nhuyễn. Bún xé nhỏ để sẵn vào tô, sắp rau giá, dưa leo lên trên, bắc chảo dầu hoặc mỡ thì béo hơn, phi hành, tỏi, sả, củ hành trắng cho thơm rồi cho thịt vào xào. Thịt săn chín, thơm lừng thì múc ra tô bún, rắc đậu phộng sau cùng. Món ăn chỉ làm trong khoảng 10 phút. Chủ và khách đã có thể ngồi bên nhau “nhâm nhi” rồi lai rai câu chuyện, nếu bụng còn đói có thể trộn thêm tô nữa bởi món bún rất nhẹ bụng lại thêm chất sả, ớt tỏi sẽ làm cho món ăn mau tiêu hoá.
Bún mắm: Đối với món bún mắm, khi ăn nhớ bỏ vào tô bún cho đủ các loại rau và “phụ tùng” của nó thì mới đủ hương đủ vị. Bún ăn với mắm còn nhiều món “độc chiêu” khác như bún ăn với mắm cá lóc trộn đu đủ, bún ăn với mắm tép, bún mắm Sóc Trăng có thêm chả và thịt heo quay…
Bún bò Huế: Món này thì phải chính tay mấy bà nội trợ Huế nấu và ăn theo cách Huế mới sành điệu. Cọng bún của món ăn này trong ngần, lớn gấp ba lần bún thường. Miếng giò heo được luộc mềm vừa phải, vớt ra rồi ngâm với nước giấm và muối vài giờ, sau đó ninh với gia vị cho miếng giò trắng thơm. Giò ninh xong vớt ra rổ cho ráo nước rồi sắp bún vào tô, sắp thịt giò và thịt bò luộc vào, chế nước bún bò trong vắt có vị sả và vị ruốc (vị thoang thoảng để đưa hương chớ không cần đậm). Trộn ghém bắp chuối và rau thơm cho đều tô bún, chốc chốc cầm miếng giò heo chấm với nước mắm thật cay, vừa ăn vừa hít hà, nước mắt chảy ròng ròng mới thấy hết vị ngọt ngon của tô bún.

Bún bò Huế
Bún riêu: Muốn ghi lại kỷ niệm với người bạn nơi góc phố hay con đường nào đó, một buổi chiều đẹp trời, ta dẫn bạn tìm tới góc phố thân quen có chị bán bún riêu ốc quen thuộc, tìm chỗ ngồi thích hợp rồi gọi hai tô bún. Tô bún riêu ốc có cà chua, rau sống để kề bên keo nước mắm ruốc, một dĩa nhỏ đựng, tỏi, chanh ớt để phục vụ người ăn. Bên nồi bún riêu bốc khói thơm nồng, ta cùng bạn vừa ăn vừa nghe hương vị chua chua ngọt ngọt, cay cay, dòn dòn, nhất là mùi vị đặc biệt của riêu cua.
Còn nhiều món bún với những hương vị hấp dẫn khác nhau nhưng món nào cũng khiến cho người ăn khó quên món ăn yêu thích của người bình dân và của cả giới sành ăn.