Các nhà văn bây giờ sướng hơn nhiều chứ!

Tình cảnh các nhà văn chúng ta bây giờ, so với dạo còn chiến tranh, đã khá hơn rất nhiều. Hiện nay, miễn là cần cù lao động, viết lách đều đều và nhất là có tí ti kiến thức về hạch toán kinh tế gia đình thì nhà văn không còn lo phải thiếu thốn về các khoản bánh mì, đường sữa và thuốc lá nữa.

Hơn thế, anh ta còn để dành được một ít tiền lẻ và hàng tháng có thể đi xem kịch hoặc đi xem xi nê. Ngoài ra, nếu không phải là thành viên của Hội Bài trừ tệ nạn rượu chè, nếu vẫn có sự nhận thức rằng cuộc đời này bao giờ cũng nên được quên đi bằng mọi cách thì nhà văn nhất định sẽ có nhiều ưu tiên nhất và sẽ thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp nhất trong công việc đi giật tạm đâu đấy vài ba trăm hoặc một ngàn để thỉnh thoảng cùng bạn bè lai rai tiêu sầu trong năm bảy phút. Về khả năng vay mượn, sức thuyết phục của con nhà cầm bút dạo này hãy còn nguyên vẹn như xưa, có khi còn vượt cả dạo xưa là đằng khác, vì hiện nay bọn nhà văn chúng ta đã bắt đầu được tin cậy và quý trọng. Chả bù ngày trước, dạo còn chiến tranh, cứ bị xem như là con chó không bằng. Dạo ấy mọi việc không tốt đẹp như bây giờ. Tôi xin kể hầu các bạn câu chuyện để chứng thực lời tôi nói.

Những ngày trước khi có chiến tranh, ở Praha có tờ tạp chí tên là Vesela Praha vẫn đăng các truyện trào phúng của tôi. Tiền bài được trả theo tiêu chuẩn cứ mỗi 3 truyện ăn được 2 cua-ron. 2 cua-ron, tuy có người chê là ít quá, nhưng dạo ấy đối với thằng nhà văn bụng quanh năm suốt tháng lép kẹp như tôi thì lại là cả một cái gì không phải bất cứ lúc nào cũng có thể kiếm được một cách dễ dàng.

Minh họa: Đinh Dũng

Có một hôm, tôi vác đến tòa soạn một lúc đến những 6 truyện ngắn. Theo tiêu chuẩn đã quy định thì là 4 cua-ron, nhưng tay quản lý tờ báo lúc bấy giờ bỗng dưng đổi ý, không bằng lòng trả như thế nữa. Thay vào đấy, hắn ta đề nghị ký với tôi một bản hợp đồng có điều khoản như sau: Tôi sẽ viết cho hắn ta 20 truyện và sẽ được hắn ta trả trước tiền bài. Trả bằng hiện vật, dĩ nhiên. Hắn ta vừa tình cờ nhận được từ một cơ quan chức năng X hay Y nào đấy một lô một lốc đồng hồ mà hắn ta chưa biết phải tiêu thụ vào đâu và tiêu thụ cách nào. Loại đồng hồ này, ngoài thị trường thấy đề giá 2 cua-ron một chiếc. Với tôi, hắn ta tính rẻ, chỉ 1 cua-ron thôi, và tôi có thể mang về nhà 14 chiếc ngay trong một lúc. Hắn ta bảo tôi: - Trả như thế là đã thiệt mất cho tòa báo đến 1/3 cua-ron rồi đấy. Nhưng mà chả sao… cũng được… Vả lại, với nhà văn, ai lại nỡ so kè từng tí…

Ấy thế là tôi bùi tai, ký luôn vào bản hợp đồng và bước ra khỏi tòa báo với cái thùng to đựng 14 chiếc đồng hồ quả quýt.

Ở ngoài cửa, một anh chàng trẻ tuổi đang đứng đợi tôi. Đấy là một nhà thơ vẫn được tòa báo mua thơ với giá 2 xu một đoạn 5 câu ngắn. Nhìn thấy mớ đồng hồ, anh ta tròn mắt:

- Ơ… ông anh định làm gì với những cái quái quỷ thế này?

Tôi đáp:

- Chúng mình sẽ mang đi bán ở các cửa hàng ăn. Dạo này đồng hồ quả quýt đang là mặt hàng khan hiếm.

Nghe tôi nói thế, anh nhà thơ trẻ tuổi đâm ra lúng túng, mặt đỏ lên đến tận mang tai. Anh ta thuộc loại những người sống bằng lý tưởng, chỉ biết bay bổng trên mây chứ không quen va chạm như tôi vào những thực tế của cuộc đời. Ngày trước, những người thích sống bằng lý tưởng vẫn có thể gặp nhan nhản ở khắp nơi trong thành phố.

Tôi nói thêm:

- Nếu ở các cửa hàng ăn không bán được chúng, mình sẽ đến bán ở những tụ điểm phục vụ giải khát.

Thái độ quả quyết của tôi làm anh nhà thơ giãy nảy:

- Nhưng em không tham gia mua bán được đâu. Em có chân trong nhóm các nhà thơ “Mây Trắng”, chắc ông anh cũng biết. Với lại, em chỉ có giọng ngâm thơ chứ không có giọng rao hàng.

Tôi gật đầu:

- Được rồi… cậu không có gì phải lo nghĩ cả. Tớ không buộc cậu phải đi bán đồng hồ. Cậu chỉ đi cùng với tớ, đi tham quan cho biết sự tình. Giản dị thế thôi… Cậu bằng lòng như thế chứ?

Rồi để mở đầu, chúng tôi đưa nhau đến quán “Bò Xào”, nơi tụ họp của hầu hết các tay lái heo có tiếng tăm, những tay lái heo mà chúng ta vẫn thấy hay đeo những chiếc đồng hồ to tổ bố lủng lẳng trên những sợi dây chuyền thật nặng bằng vàng. Một tay trong bọn các lái heo bằng lòng mua của chúng tôi một chiếc đồng hồ quả quýt. Anh ta cầm đưa lên ngang mắt, ngắm nghía hồi lâu, rồi không biết đã tí toáy, sờ mó thế nào mà… rắc một cái… làm đứt cha nó cái dây cót! Thực là tai hại! Nhưng cũng may… anh ta vội mời anh nhà thơ trẻ tuổi và tôi mỗi tên một ly bia gọi là có sự bồi thường. Riêng về chiếc đồng hồ bị hỏng thì ngay sau đấy chúng tôi gạ bán được cho một tay lái heo khác với giá 60 xu. Tay này cứ luôn mồn càu nhàu, nhất định bảo đồng hồ của chúng tôi đúng là đồng hồ ăn cắp.

Ở cửa hàng ăn thứ hai, bên kia đường, vừa đặt chân bước vào, chúng tôi đã tức khắc bị tống khứ ra ngoài về tội làm ăn phi pháp, không xuất trình được các giấy tờ chứng minh cần thiết của “Hội các nhà buôn bán lẻ”.

Cửa hàng ăn thứ ba mà chúng tôi mò đến là một cửa hàng có tấm biển mang mấy chữ “Quán Chân Heo” nằm ở lưng chừng một ngọn đồi thơ mộng, xung quanh là những khu vườn trồng nho bát ngát. Tại đây, chúng tôi bán được một chiếc đồng hồ với giá 1 cua-ron 60 xu cho một anh sinh viên đang ngồi đợi ông bố từ dưới tỉnh sắp sửa lên chơi. Anh ta cần mua để thay cho chiếc có mang nhãn hiệu chế tạo tại Thụy Sĩ đã được anh ta trót mang gửi vào tiệm cầm đồ từ vài hôm trước.

Ngoài “Quán Chân Heo”, chúng tôi còn lê la sang nhiều quán khác nhưng chẳng buôn bán thêm được gì cả. Chúng tôi đi về phía đại lộ Praha Năm mà dạo ấy hãy còn đông đảo những hiệu buôn và tấp nập những người qua lại. Ở một cửa hàng ăn sang trọng, vì kém cảnh giác, hai chúng tôi bị một bọn chôm chỉa nẫng mất 2 chiếc đồng hồ.

Ở một quán khác, một người đàn ông đầu đội mũ cát-kết vừa nhác thấy chúng tôi đã vội vàng bước ngay đến gần, tra hỏi đủ điều. Y còn rút từ trong túi áo một quyển sổ con, mở ra xem kỹ một lúc lâu, rồi reo lên thật to một tiếng như người vừa tìm được kho báu vật: “À, đúng đây rồi… không còn ngờ gì nữa”.

Sau tiếng reo, y túm ngay cổ chúng tôi, và lôi thẳng về đồn cảnh sát. Thế là chúng tôi đành nằm đấy chờ trời sáng vì trong đêm, tay quản lý tờ báo, người đã trả công 20 cái truyện ngắn của tôi bằng 14 chiếc đồng hồ quả quýt, đang còn bận đi công tác khẩn và đột xuất.

Hôm sau, hắn ta đến gặp các ông cảnh sát, đưa cho họ xem các giấy tờ, xác nhận anh nhà thơ trẻ tuổi và tôi là hai cộng tác viên lương thiện và trung thành của tờ báo. Hắn ta còn tốt bụng thu mua lại của tôi những chiếc đồng hồ còn bị ế với giá mỗi chiếc nửa cua-ron.

Vừa đếm tiền trả tôi, hắn ta vừa dặn đi dặn lại mãi:

- Phải viết cho xong 20 truyện ngắn cho tôi đấy nhé!

Mấy hôm sau, tôi mang lại tòa soạn thêm 2 truyện ngắn vừa viết xong chưa ráo mực. Hắn ta lại nhắc:

- Như thế là hãy còn thiếu lại 18 truyện phải không?

Đúng thế, hãy còn lại 18 cái truyện đã nhận tiền rồi. Nhưng mãi đến bây giờ có lẽ hắn ta vẫn đang dài cổ đợi. Tôi còn nợ đấy, vì viết chưa xong.

NGUYỄN MINH HOÀNG dịch


(*)

Jaroslav Hasek (1883 - 1923) là nhà văn lớn của Tiệp Khắc. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập truyện Chú lính Sơ-vê-ít kiên cường.

Jaroslay Hasek(*)