Các vua nhà Nguyễn với sân khấu hát bộ

Các vua nhà Nguyễn rất quý trọng sân khấu hát bộ và ca múa nhạc. Đào Duy Từ, được chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) - người kế tục chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1612) mến chuộng tài năng, đã mang sân khấu hát bộ từ Thanh Hóa truyền vào đất Bình Định đến thời vua Gia Long.

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), tiếp nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán, chúa cho diễn hát bộ.

Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765), ông nội của vua Gia Long, rất mê hát bộ, cho dựng rạp hát bộ với tên Đồng Lạc Hiệu.

Gia Long thích xem hát bộ. Trong tập hồi ký xuất bản năm 1867, Michel Đức Chaigneau, con của I.B.Chaigneau - một người Pháp theo Bá Đa Lộc (d'Adran) sang giúp vua Gia Long - có mô tả một buổi theo cha vào viếng Gia Long và xem hát bộ.

Ngày Gia Long làm lễ Hiến Phù (30/1/11/Nhâm Tuất), cũng cho chọn 50 người giáo phường ở Thanh Nghệ, đến cuối mùa đông, vào kinh đô để dâng ca nhạc tế Thái miếu.

Vào giai đoạn này, nối tiếp sự nghiệp từ Đồng Lạc Hiệu, tuồng hát Vẫn đi theo loại đề tài: “vua băng, nịnh tiếm” (vua chết, bọn gian nịnh cướp ngôi, hoàng tử chạy ra trấn, cầu cứu với vua Phiên mang quân về đánh, giành lại đất nước).

Thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), đất nước thanh bình, xã hội ổn định, sân khấu hát bộ trong cung đình và dân gian có điều kiện thịnh hành, phát triển. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua cho xây dựng Duyệt Thị Đường để biểu diễn hát bộ và cho đón kép hát người Trung Hoa là Càn Cương Hầu.

 

Minh Mạng chú ý đến việc múa hát nhạc nghi lễ, chăm lo hát bộ, ông đặt riêng một thự (như vụ, cục) là Hoà Thanh thự chuyên lo âm nhạc, ca vũ. Về sau, là Thanh Bình thự. Quan đầu thự là một quan võ hàm ngũ phẩm do vua tự chọn. Mỗi khi có việc tế tự, lễ hội, thì thự này đảm nhiệm âm nhạc, hát múa, chúc tụng bằng các vở tuồng “Tam kinh” (Phúc, Lộc, Thọ), “Vạn bửu trình tường” (nhân vật có tên là vị thuốc bắc). “Quần phương hiến thụy” (nhân vật có tên các loài hoa), “Quần tiên hiến thọ” (các tiên chúc thọ nhà vua), rồi diễn liên tục các tuồng khác như. “Sơn hậu”, “Tam nữ đồ vương”…

Tại rạp hát Duyệt Thị Đường, Minh Mạng để câu đối:

Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm, nhi dưỡng kỳ chí
Nghiêm xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi.

Có nghĩa là:

Đàn hát cùng hòa tấu lên là nhằm điều hòa tâm hồn, bồi dưỡng ý chí

Cái tốt, cái xấu cũng được diễn ra là để giữ gìn điều phải, ngăn ngừa điều trái.

Ông Nguyễn Đức Xuyên, người Gia Định, công thần, lập tuồng hát riêng, nuôi gánh hát. Vua thường xem gánh hát của ông diễn. Gánh hát ăn xài to nên túng thiếu. Ông tâu với vua Minh Mạng: “Tâu Hoàng Thượng, thần túng bấn quá, xin cho thần lĩnh trước tiền lương sang năm về chi cho diễn viên ăn”.

Vua ban cho một ngàn quan tiền, một ngàn vuông gạo, và dụ rằng: “Nếu có thiếu, cứ nói, nhà nước có tiếc với khanh cái gì đâu”. Ông mất lúc 67 tuổi. Vua nghỉ triều 3 ngày, sai quan đến tế, phát lĩnh một ngàn quan tiền, 10 súc vải đi đám tang, truy tặng Công thần Thái phó Khoái Châu quận công (Công thần làm bầu gánh hát bộ, lo nuôi nấng bọn “xướng ca vô loại” mà vinh quang đến thế!).

Vào lễ tứ tuần đại khánh của Minh Mạng (1830), cho tuyển lựa những phường hát bộ hay, những bạn nhạc ca múa nổi tiếng, người leo dây, múa rối, đánh đu, những người múa thuộc các dân tộc ít người từ Bắc Thành, Thanh Hóa, Nghệ An, Cam Lộ, Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Nam, về kinh đô cùng với diễn viên, nhạc công của Thanh Bình thự, diễn trong những ngày lễ cho công chúng xem. Tại Duyệt Thị Đường, diễn các vở tuồng hát bộ cổ cho gia đình nhà vua và các quan xem.

Năm Minh Mạng thọ 50 tuổi, Nguyễn Đình Nghi viết vở “Quần tiên hiến thọ” để mừng. Vua Minh Mạng cũng viết một đoạn về nhân vật “Táo chúa” của vở diễn.

 

Thời vua Tự Đức (1820 - 1840), hát bộ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Vua Tự Đức quý trọng nghệ thuật, yêu văn thơ, say mê hát bộ. Giỏi văn chương, Tự Đức đặt ra phòng hiệu thơ, vời các danh nho trong triều vào đấy, để phụng xướng họa văn, thi ca và biên soạn, sáng tác tuồng hát bộ.

Năm Tự Đức thọ 50 tuổi (1873), trước một năm, đã lo việc biên soạn, sáng tác các bài hát chúc tụng, mừng thọ. Nhà vua giao việc này cho một vị đứng đầu nội các chỉnh lý các bài hát cũ. Đó là Nguyễn Thuật, Phó bảng, biểu tự Hiệu Sanh, hiệu Hà Đình, người huyện Thanh Bình, nổi tiếng văn thơ hay, chữ tốt. Vâng lệnh vua, ông mang số bài hát bằng chữ Hán cùng vài học trò biên soạn, làm lời.

Làm xong, dâng lên, vua Tự Đức xem và phê: “Các bài hát có nhiều chỗ không hợp âm điệu, nhưng miễn cưỡng, hát cũng được. Nay giao cho chỉnh đốn, thay đổi lại. Ví dụ: nguyên bản âm thanh này đổi thành âm thanh khác, sửa đổi phát âm nhiều chỗ ngang họng, tréo hầu, dù người hát giỏi cũng không thể nào hát hay được. Ví dụ từ âm trắc cũng có âm dài ngắn khác nhau. Từ “quốc” thì âm cao, từ “diễn” âm bằng, từ “ngọc” âm ngắn, từ “hạ” âm dài… từ âm bằng cũng vậy “bàng hoàng” âm thấp mà dài, nay đổi làm từ “tôn vinh”, vả chăng, từ “tôn” là âm cao không hợp, giao về làm lại”.

Vua Tự Đức đặt riêng 3 đội Thanh Bình quản lĩnh ca công, trong đó, đội thứ nhất là để riêng về việc hát diễn chầu tại Duyệt Thị Đường.

Những pho tuồng đồ sộ “Vạn bửu trình tường”, “Quằn phương”, “Học lâm” ra đời. Mỗi pho phải diễn trong nhiều buổi. Nhiều tác giả hát bộ nổi tiếng: Đào Tấn, Nguyễn Văn Diệu, Nguyễn Gia Ngoạn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiêm, Phan Xuân Thận, Nguyễn Hiển Dĩnh…

Ngoài việc sáng tác, các tác giả còn lựa chọn những lớp tuồng hay nhất chấp nối với nhau, đặt lại tên nhân vật, viết lời mới, dựa truyện Trung Hoa để biên soạn vở diễn.

Về sự thưởng thức hát bộ của Tự Đức có giai thoại sau đây: Đội Vung (chức danh đội trong hát bộ) là kép có tài, bị tội giam ở ngục. Một lần theo ý muốn của Tự Đức, đội hát bộ riêng diễn vở tuồng Lý Phụng Đình, nhưng thiếu kép đóng vai con yêu cá Tự Đức cho gọi Đội Vung ra diễn, xong lại về ngục.

Tự Đức đã tập hợp nghệ sĩ giỏi hát bộ từ các nơi trong nước về kinh đô chuyên diễn cho vua, quan xem. Tự Đức ra lệnh cho thu nhặt tất cả kịch bản hát bộ trong dân gian (gọi là Phường Bản) đưa về kinh đô để bắt buộc phải theo đúng nguyên văn.

 

Lúc xây Khiêm Lăng dành cho mình sau khi qua đời, Tự Đức cho xây nơi đây một rạp hát có tên Minh Khiêm Đường khá rộng rãi, nằm ở phía Đông điện Hòa Khiêm, đối mặt với Ôn Khiêm Đường, nơi ở của hoàng hậu và các cung nữ. Có thể nói, đây là một nhà hát Việt Nam chính quy nguyên vẹn nhất còn lại đến nay.

Tự Đức sống ở Khiêm Lăng gần 20 năm (1864-1883). Ông chỉ đạo hoạt động sân khấu rất chặt chẽ, theo quan điểm của triều đình. Nhưng, phải nhìn nhận rằng, ở giai đoạn này, văn chương kịch bản tuồng hát bộ đạt đến trình độ bác học, uyên thâm, nghệ thuật biểu diễn không ngừng nâng cao, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Từ sau vua Tự Đức, các vua khác (Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại), do hoàn cảnh riêng của từng người, có người chỉ biết xem diễn, có người bận việc nước, việc dân, sân khấu hát bộ không còn được quan tâm nữa.

Chẳng hạn, Đồng Khánh, vì thích vở hát bộ “Vạn bửu” lấy tên các nhân vật ở vở diễn này đặt cho các cung nữ. Vua Thành Thái (1876-1954), ở ngôi (1888-1907), cũng thích hát bộ, có đội hát bộ riêng tên Võ Can, đôi khi cũng lên sân khấu diễn chơi.

Từ thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, do các vua quan tâm chăm sóc sân khấu hát bộ mà thể loại sân khấu này phát triển khá hoàn chỉnh về văn chương của kịch bản, về phong cách nghệ thuật biểu diễn, nâng hát bộ thành một thể loại sân khấu kịch bản.

TRƯƠNG ĐÌNH QUANG