Nhớ lại, những năm sáu mươi (1960), lớp sinh viên chúng tôi rất yêu thơ Chế Lan Viên. Riêng tôi yêu thơ anh và yêu anh như yêu một tình yêu. Bất cứ bài thơ bài văn nào của Chế, chúng tôi đều đọc say sưa và thấy rất tuyệt vời. Anh phát ngôn cho dân tộc, cho lý tưởng, và cho chính anh với những suy tưởng, khổ đau và vươn lên ánh sáng.

Từ trái qua: Chế Lan Viên, Anh Đức, Mai Quốc Liên, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Thái Sơn
Anh đã làm thơ với những tình ý khác lạ, những tìm tòi chắt lọc từ tâm hồn phong phú, từ tinh hoa văn hóa của anh. Kể về thơ, cũng như về văn hóa, Chế Lan Viên vượt lên như một đại diện xứng đáng cho văn hóa Việt Nam thời đại mình.
Anh đã đọc, đã học, đã chắt lọc không ngừng nghỉ tất cả những gì căn bản, cần thiết trong vốn văn hóa đồ sộ của nhân loại từ kinh kệ các tôn giáo cho đến toàn bộ thơ ca. Về dân tộc, từ thời Lý-Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đến hiện đại anh đều thông thạo, nhuần nhuyễn. Anh xem thơ là một cái nghề nghiêm túc, phải học nghề, hành nghề, thử nghiệm các thi pháp để tìm ra thi pháp tối ưu. Về phương diện đó, anh là một người lao động cật lực, và là một nhà bác học không bao giờ biết mỏi.
Tuy nhiên, cái chính vẫn là một tâm hồn lớn đối diện, đối thoại, trăn trở và sống hết mình với cuộc đời, với Tổ Quốc và nhân loại… Ở anh, đó là khát vọng và là khát vọng duy nhất.
Khoảng đầu những năm 50, anh bị lao phổi và phải sang Nam Ninh Trung Quốc chữa bệnh. Nằm trong bệnh viện nước bạn, anh làm thơ nhớ về Tổ Quốc, làm thơ để tự an ủi mình vươn lên và vẫn rất thi sĩ khi tiếp xúc với những bóng hồng - áo trắng để “che nỗi đau trong bóng nụ hoa cười”.

Từ trái qua: Văn Bình, Chế Lan Viên, Phan Quang, Gia Ninh (năm 1949)
Về nước, thì một sét đánh ngang tai: vợ anh, người vợ đã đến với anh một thời nữ sinh và đã yêu anh, có với nhau 3 mặt con, bỏ anh đi với người khác. Chuyện thường tình trong cuộc đời phải không, nhưng đó là nỗi đau trời giáng cho một tâm hồn thi sĩ tin yêu như anh. Đành chấp nhận số phận và lập gia đình mới. Nhưng vết thương tâm hồn ấy sẽ còn đau lâu trong thơ, đau lâu đến mãi về sau. Không có vết thương ấy cộng với chất cương cường nghĩ suy tích cực, dâng hiến hết mình cho đại nghiệp thì sẽ không có những bài thơ rạng rỡ trong Ánh sáng và phù sa. Đó là những bài thơ kết hợp niềm vui – phù sa – ánh sáng, đất nước – dân tộc – lý tưởng với nỗi niềm riêng, nỗi đau riêng. Cho nên nó vượt lên chính anh, vượt lên nhiều bài thơ cùng thời để đem đến cho thơ Việt một phẩm chất chưa từng có.

Chế Lan Viên cùng với vợ và 2 con
Những năm anh vào Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, là những năm gian khó của đất nước và của gia đình anh. Những năm ăn bo bo, những năm tiền mất giá, lương cả hai anh chị cộng lại không bằng lương một anh công nhân dệt… Anh vẫn mê mải sáng tác, viết tiểu luận – phê bình, hoạt động xã hội rất tích cực trong cương vị một lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà Văn, một đại biểu Quốc hội…
Lúc này, tình hình xã hội - văn nghệ biết bao phức tạp, chưa rõ xấu tốt, đổi mới thật và lợi dụng đổi mới đòi những cái chưa thể có, không thể có, quay ngược lại con đường đã đi. Anh vẫn sống hết mình, viết hết mình và anh không chỉ sống cho mình, cho vợ con dù chỉ thế thôi cũng đã là quá khó rồi.
Rồi tuổi già, nhà ngặt, bệnh tình lại phát (ung thư phổi) “tai ương dồn dập đánh vu hồi”. Thế mà, những năm cuối đời anh đã in liền mấy tập thơ, tiểu luận. Anh tiếp tục “đi sứ” nước ngoài, Đức, Bồ Đào Nha, Hungari… như ngày xưa đi Pháp, Liên Xô, Trung Quốc. Ở đâu anh cũng như Nam Trân nói: “Chế Lan Viên như một ông trạng khi đi sứ”. Ứng xử, làm thơ, đọc diễn văn… tất cả đều nổi trội, gây ấn tượng, đáng lưu truyền…
Lần này anh đối diện với bệnh tình hiểm nghèo. Phẫu thuật, di căn, chữa đủ thuốc… nhưng không thể nào qua được “mệnh”…. Thơ của anh trong Di Cảo, nhiều bài nói đến việc này, vừa cao cả, anh hùng, bất khuất vừa đẫm nước mắt…
Về Thơ, từ lâu anh đã sành vận dụng cái toàn diện toàn đồ của thơ, từ ý tưởng, hình tượng, nhạc… để có những bài thơ kiệt tác. Thơ Đường đã ngấm vào anh để anh luôn luôn vận dụng bút pháp của các đại thi hào phương Đông sành về đối nghịch trong tứ thơ, lời thơ, từ ngữ…; đồng thời có cách diễn đạt hiện đại.
Thơ anh là thơ trữ tình – triết học, một truyền thống lớn của thơ phương Đông và dân tộc, hiện đại và nó kết hợp với chất người anh, những suy tưởng của anh về đời. Gần 1000 bài thơ cuối đời trong Di Cảo là sự phát triển thêm một bước một bút pháp, một thi pháp mà anh nghiền ngẫm thử nghiệm: bút pháp phóng trực tiếp vào sự việc, vào đời, tinh gọn và mau lẹ, tóm gọn lấy tứ thơ như con chim bói cá lượn vòng trên hồ rộng tam thiên mẫu bỗng phóng xuống cực nhanh…
16 tuổi bắt đầu làm thơ, 17 tuổi xuất bản tập thơ đầu làm “kinh dị” cả nền thơ, cuối đời anh vẫn còn tìm tòi – sáng tạo không biết mỏi: “tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi – Bây giờ sáu ba. Cái trang mơ ước một đời chưa với tới… Dần xa…”
Đó là một cuộc đời sáng tạo, một cuộc đời lớn gắn liền với một giai đoạn lớn của Tổ Quốc và nhân dân. Với thơ Chế Lan Viên, Tổ Quốc và nhân dân ta, những tâm tình sâu kín nhất của con người cất lên tiếng hát.
Với Chế Lan Viên, thơ thành thơ sử thi - thời sự, và còn là thơ của đời thường. Đó là truyền thống của Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh… để lại; Đó còn là kinh nghiệm của P.Eluard, N. Hikmet, Pablo Neruda… của những người cùng thời… Chưa bao giờ nền thơ có một giọng thơ mà nó làm xúc động vừa sâu xa, đa nghĩa như vậy. Nó làm thỏa mãn người đọc thơ ở nhiều phương diện, nó trở đi trở lại ám ảnh và bắt người đọc khám phá. Thơ Chế Lan Viên có một ảnh hưởng lớn trong thơ, trong văn hóa, trong cuộc đời là vì vậy…
Đó là một thi sĩ của thế kỷ 20 nhưng mở ra những chân trời thơ, bút pháp thơ cho thế kỷ 21 hiện đại. Bình tĩnh lại, lọc qua thời gian, qua các biên giới dân tộc với những rào cản ngôn ngữ mà tiếng Việt thua thiệt. Chế Lan Viên – tôi nghĩ, là một nhà thơ lớn ngang tầm dân tộc và thời đại mình.
Chủ nhật, ngày 17/5/2009