…Thế rồi đến một hôm, tôi và mấy người trong cơ quan làm xong một tạp chí nữa, và khi tôi vừa đưa cho cụ Tô Hoài, để cụ duyệt, thì cụ lại rủ tôi đi làm một tí chút rượu với ngẩu pín. Tôi và cụ ngồi trong quán, vừa một hớp rượu, cụ nói với tôi, cũng vẫn thong thả như thế:
- Anh nghỉ sau số này, anh Chế Lan Viên sẽ thay anh. Anh Chế có hỏi về Bùi Bình Thi, anh nói kỹ về em, và anh Chế muốn em làm tiếp trong giai đoạn anh ấy ngồi chức Tổng biên tập…
Thế rồi đến cuộc giao ban ấy, là một cuộc bàn giao giữa cụ Tô Hoài và ông Chế Lan Viên. Cuộc giao ban cực chóng vánh, giữa lúc mọi người kéo ghế đứng lên thì nhà thơ Chế Lan Viên nói như dằn giọng:
- Bùi Bình Thi ở lại làm việc với tôi.
- Vâng ạ! - Tôi tỏ ra cực ngoan ngoãn, vì đó là thứ vũ khí hàng đầu trong điều kiện người nói như dằn giọng đó, nhất định rồi sẽ từ từ dịu giọng.
Và khi mọi người ra khỏi phòng rồi, thì tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh nhà thơ Chế Lan Viên với thần kinh bắt đầu căng thẳng.
Nhà thơ Chế Lan Viên không nhìn tôi, và ông lấy ra từ trong túi áo một tệp giấy hình chữ nhật, nó vốn là những tờ có trong blốc lịch mà ông bóc ra. Và, các tờ giấy lịch đó đằng sau đều có chữ viết của ông, ông đưa tôi, và nói cũng cứ như là dằn giọng:
- Đây, tôi có mấy chữ gửi cho mấy ông nhà văn nhà thơ, bảo mấy ông ấy có bài cho số tạp chí tới. Bùi Bình Thi cầm lấy, đọc rồi đến tận nhà người có tên trong thư mà đưa cho từng người nhé. Các nhà văn nhà thơ này mà tạp chí ta mời thì thể nào họ cũng có bài, không ai chối đâu. Tạp chí mình có uy lắm, rõ không?
- Thưa có ạ. – Tôi chăm chú với tệp giấy và khẽ thưa.
Bỗng nhiên ông dịu giọng, nói liền một câu dài:
- Mà này, Bùi Bình Thi, cậu sao có vẻ sợ tớ thế nhỉ. Thôi đi nhé, anh em ta cùng làm việc với nhau, thì phải thoải mái. Khiếp, quan hệ lại cứ giống như công chức thời Tây thì làm sao mà làm được tạp chí cho hay, đúng không?
Tôi thều thào:
- Em hiểu ạ. – Và trong tôi bỗng thấy một cái gì đó nhẹ nhõm.
Và điều nhẹ nhõm nhất là tôi có trong tay một vũ khí siêu việt đi chạy bài là những tờ thư của nhà thơ Chế Lan Viên. Bằng cách này ông đã làm nhẹ đi biết bao nhiêu về công tác chạy lo bài vở. Những ngày sau đó quả thật tôi tận mắt chứng kiến, các nhà văn nhà thơ nhận được thư của ông, dẫu chỉ là viết trong khổ mặt sau của tờ blốc lịch, họ đã nể trọng nhà thơ Chế Lan Viên đến như thế nào. Và, tôi phải nói ngay, tất cả những người có thư ông gửi đều góp bài có chất lượng nhất cho tạp chí.
Rồi một hôm, tôi đang ngồi đọc các bài ấy thì có điện thoại của nhà thơ Chế Lan Viên gọi tôi. Ông bảo tôi đem tất cả các bài ông đặt đó đến cho ông xem luôn.
Tôi phóng đến nhà ông ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Cầm tệp bản thảo tôi kẹp chặt vào cặp chuyên dùng để đựng hồ sơ văn phòng, ông nói:
- Sáng mai 9 giờ tôi mang lại, Bùi Bình Thi cho đánh máy, xem kỹ bản đánh máy rồi đem lại đây cho tôi ký in là xong.
Ôi chao, nhà thơ Chế Lan Viên đã có một lối làm việc vô cùng thú vị. Và điều thú vị nhất là ông kiêm luôn cả việc của người biên tập một cách như không. Vậy mà tôi lại “sợ ông như sợ cọp” thì có chán cho cái thằng tôi không. Rồi tôi đem tệp bản thảo về đưa cho chị đánh máy. Chị liền bảo tôi:
- Bùi Bình Thi ngồi luôn đây này, tôi đánh xong tờ nào, cậu lấy mà đọc luôn tờ ấy. Mà đọc cho kỹ đấy nhé. Làm với ông Chế mà sót chữ là ăn “quả” mắng liền đấy.
Tôi ngoan ngoãn làm theo. Chị đánh máy đánh xong trong một buổi đẫy. Rồi chị lại bảo tôi:
- Nào bây giờ, cậu đọc bản thảo đi, tôi dò bản đánh máy.
Công việc này chúng tôi cũng làm một buổi đẫy nữa. Xong xuôi, tôi vừa định phóng đến ông Chế Lan Viên để trình ông duyệt, thì ông đã đến ngay cạnh chúng tôi, rồi ông cầm luôn tệp bản thảo, ngồi xuống bên một chiếc bàn gần đó, lần lượt ông ký xuống cạnh đầu đề từng bản thảo. Có tất cả bảy chữ ký. Ký xong ông nhìn tôi gật đầu nói:
- Số này chất lượng được không Bùi Bình Thi?
- Dạ. Em thấy trên sự được ấy ạ.
- Hừm!... Đúng, đúng… Mình đồng ý với nhận xét của cậu. – Nói rồi ông lại móc từ trong túi ngực ra một tập độ 4, 5 tờ giấy blốc lịch nữa. Nhưng lần này tất cả đều là các bài vui cười, ông đưa tôi, nói một giọng vui vui – Mình ký duyệt rồi đây. Đây là một số bài vui cười mình lấy trong các báo Tây ra, cho tạp chí mình nó có vị lạ lạ một chút cho xôm trò, đúng không?
Tôi thưa và đón lấy tệp giấy đưa cho chị đánh máy. Vậy là số tạp chí đó mà nhà thơ Chế Lan Viên làm Tổng biên tập, chúng tôi đã làm xong chỉ trong vòng có hơn một tuần, mà nhàn nhã, chất lượng lại cao.
Thời gian nhà thơ Chế Lan Viên làm Tổng biên tập, ông đến cơ quan đều đặn, đúng giờ và ngồi xuống bên bất cứ cái bàn nào đó trong hai căn phòng tại trụ sở 65 Nguyễn Du (Hà Nội). Và ông giở ra trong túi xách một tờ báo, tờ Nhân Dân, ông đọc mà tôi thấy khá lâu, bài trong tờ báo Nhân Dân mà ông đọc đầu tiên thời bao giờ cũng là bài xã luận; có hôm ông cũng tới, trong túi xách ông rút ra một tờ Nhân Dân mới ông vừa mua, và ông đọc vào một bài ngay ở cuối trang tư, thế rồi khoảng 20 phút sau ông khẽ kêu lên:
- Này, Bùi Bình Thi, cậu có hay đọc báo không?
Tôi rụt rè:
- Dạ có ạ…
- Nhưng ít đọc tờ Nhân Dân chứ gì…
Tôi thật thà thưa:
- Vâng ạ.
… Rồi ông lấy ra trong túi một cuốn bút ký dày độ gần 200 trang, ông viết và ký tặng tôi, ông nói một thôi dài:
- Anh quá dại, quá tham, đi viết văn xuôi mới hâm chứ, để bây giờ Thơ nó giận nó quay mặt đi, gọi mãi mà chả thấy dòng nào nó về, thế mới khổ chứ. Còn cậu, có hứng thì cứ văn xuôi mà viết thôi, đừng có dở hơi dở hồn mà làm thơ là chết đấy. Đương nhiên nếu có lúc nào Thơ nó tán riết gạ gẫm riết thì cũng nên làm. Nhưng anh đảm bảo với Bùi Bình Thi, đấy là loại thơ dị hình dị tướng, đọc nó lọ lọ thế nào ấy, thật mà. – Rồi ông đột ngột hỏi tôi: Có nhận được nhiều bài lai cảo không?
- Dạ cũng kha khá anh ạ.
- Đưa anh xem.
Tôi lấy tuốt đến hơn mười cái truyện ngắn và các thể loại văn xuôi khác, đưa ông.
Nhà thơ Chế Lan Viên cầm ngay lấy và cứ vậy ông cắm cúi đọc. Tôi để ý, có bài ông đọc chậm, có bài ông đọc qua, có bài ông đang đọc mấy trang sau, bỗng ông lại lật lại mấy trang gần trang đầu. Và thường hai loại bài, đọc chậm và đọc lâu lại thì ông để riêng ra. Còn các bài ông đọc nhanh, ông cũng để riêng ra một bên.
Sau đó đương nhiên là số bài ông đọc chậm và hay đọc lộn lại ông cầm bên tay phải, số bài đọc nhanh ông cầm bên tay trái, và ông đưa trả tôi:
- Số bên tay phải dùng tốt, số bên tay trái thì bỏ. Nhưng lại phải giữ cho kỹ, vì tuy mình dặn trên tạp chí bài lai cảo không trả lại bản thảo, nhưng là các tác giả nào quen, họ đến xin lại bản thảo thì vẫn phải cho lại họ, Bùi Bình Thi nghe rõ không?
- Rõ ạ.
Nhà thơ Chế Lan Viên bật cười:
- Trả lời theo lối quân sự hả… cũng được. – Ông đứng lên định đi thì chợt ông quay lại nói tiếp với tôi – Cậu đưa cái tệp bản thảo loại bỏ đây…
Tôi nhanh chóng lấy một túi khổ rộng và bỏ tất cả số bài đó vào và đề ngoài một câu thế này: “Tạp chí Tác Phẩm Mới. Bài lai cảo đã bị TBT loại” rồi tôi đưa cho ông.
Ông tiếp với tôi:
- Cậu nào tới đòi lại bản thảo thì cứ bảo cậu ấy đến gặp mình, cậu cứ nói: “Ông Chế đang cầm, mời anh lại gặp ông ấy mà lấy bản thảo”. Làm thế thì tạp chí mình có trả lại bản thảo, người nhận họ cũng thấy thoải mái. Còn mình, mình sẽ đọc lại lần nữa để khi trả còn có điều mà nói với tác giả, vừa nẫy là tớ đọc “nếm” thôi, phải cứ “nếm” cái đã, nghe chưa?
- Vâng ạ.
Nói rồi ông đi ra ngay, và lần nào đi khỏi phòng ở cơ quan, ông cũng quên một thứ đó là cái túi xách, và ra đến đường ông cứ vậy cuốc bộ một mạch dọc đường Trần Bình Trọng rồi rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo.
Biết được lối đi thường xuyên đó, một hôm tôi hỏi ông:
- Anh hay đi bộ và từ cơ quan về anh cũng chỉ đi có lối đi ấy, là sao anh?
- À, rất dễ hiểu, lối đi ấy mình hay gặp Thơ hoặc là Thơ nó mai phục ở chỗ nào đó, rồi mình đi qua, thế là nó hiện ra nhập vào hồn mình, hoặc là mình rất hay gọi được ra Thơ ở lối đi đó mà chỉ có lối đi đó thôi. Mình gọi lối đi ấy là lối để “Chăn Thơ” đấy. Nghe nó sướng cái lỗ nhĩ đấy nhỉ.
Tôi và anh cười chan hòa. Rồi bỗng anh đứng lại bên khung cửa giữa hai buồng và nói liền một mạch:
- Bùi Bình Thi nhớ kỹ điều này, tối kỵ là với một số tạp chí toàn in bài lai cảo đấy nhá. Vì sao nào, vì như vậy đã chệch ra ngoài phương pháp làm tạp chí. Mà mỗi số tạp chí nội dung số bài đặt phải là chủ yếu, tỉ dụ: mỗi số có 10 truyện thì truyện lai cảo chỉ được phép tới 4, mà 4 là nhiều rồi, là quá rồi.
Tôi đánh bạo chêm vào:
- Dạ, thế là khó lắm đấy ạ.
- Đúng. Và chính số bài đặt, bài đặt khi nào cũng có chất lượng hơn bài lai cảo. Tuy nhiên đột xuất cũng gặp được bài lai cảo khá. Nhưng bài đặt là thể hiện ngày càng cao uy tín của tạp chí. Và khi người viết, các nhà văn nhà thơ người ta gửi bài cho tạp chí, thời bao giờ người ta cũng nghĩ đến mặt mũi cái anh Tổng biên tập ra sao, rồi đến nội dung tạp chí đó thường đăng bài hay, thế là khi mình đến đặt, là họ viết liền. Vậy tạp chí ngày càng hay, đúng không nào?
- Dạ đúng lắm. Thật là em nghe anh nói mà thấy sáng mắt…
Nhà thơ Chế Lan Viên bật cười:
- Xem ra Bùi Bình Thi cũng là cái anh biết nịnh lắm – Rồi ông cười vang hơn và phẩy tay một cái quay đi.
Còn một mình trong phòng, tôi ngồi ôn lại những điều nhà thơ Chế Lan Viên nói, thú thực với tôi lúc bấy giờ lời ông ngang với lời dạy bảo tôi. Ông nhận trả lại bản thảo lai cảo không dùng là một sự phải nói là tuyệt vời, nghĩa là ông nhận cái khó nhất về mình. Trong đời làm tạp chí và báo, tôi hãi nhất là phải trả lại người viết bản thảo của họ. Nhất là khi trả bản thảo cho một ông đã có tí danh. Loại này thường rất kiêu và lắm lúc khi cần cũng hỗn ra phết. Tôi đã bị nhiều rồi. Có lần tôi đưa trả bản thảo cho một ông cỡ èng èng ở tỉnh H. Tôi nói rất cẩn thận thế này:
- Mặc dù tạp chí đã in rõ “Bài không dùng, không trả lại bản thảo”. Nhưng thôi, anh đã tới lấy thì tạp chí cũng cứ xin là gửi lại anh ạ.
Lão ấy chưa nghe hết câu tôi nói, tay đã giằng lấy bản thảo và đốp vào mặt tôi một câu mà khiến tôi đau cho tới tận bây giờ, thế này:
- Tao không hiểu ra làm sao mà cái thằng chỉ đáng vét đĩa như mày, mà lại chễm chệ ngồi ở cái tạp chí này hả. Mày nói đi xem nào…
Mặt tôi tức khắc dày bì lên và tê dại hoàn toàn, tôi khẽ thưa:
- Dạ anh đã dạy thế để tôi xin ngẫm nghĩ và xin cảm ơn anh ạ.
- Cảm ơn cái đ… gì… Tao thề sẽ không bao giờ gửi đến cái tạp chí này nữa – Lão hùng hục đi ra thì vừa lúc nhà văn lão thành Đỗ Quang Tiến rón rén đi vào, vẻ mặt ông buồn thiu, ông nhỏ nhẹ:
- Bùi Bình Thi này, ta làm cái nghề này thì cũng phải có lần da mặt cho dày để mà nghe chửi. Anh nghe đâu cái nhà ông tác giả này, ở quê ông ấy nhà ông ấy có cổng xây hẳn hoi và bên cổng có một cái biển đề tên ông ấy rất trịnh trọng. “Nơi đây là nhà của nhà văn D.K.T.A” đấy nhé.
Tôi nghe nhà văn Đỗ Quang Tiến nói mà lúc ấy hai tai ù đặc, mặt thì tái dại đi, nóng như sốt…
(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 28)