 |
Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ hai từ trái sang) và các bạn thơ cùng thời |
Ngày 19-6-1989, nhà thơ Chế Lan Viên đã ra đi mãi mãi…
Nhà thơ Bảo Định Giang gửi viếng câu đối đậm tình lưu luyến:
Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi trời thấy trống
Người xưa đi vắng, hùng văn để lại mực còn thơm
Ít lâu sau, nhà văn Anh Đức tưởng tượng hương thơm ấy lan tỏa Trong ngọn cỏ và hạt sương (6-1994) như một sự hóa thân kỳ diệu: “Mới đó mà đã năm năm anh Chế Lan Viên ra đi, từ biệt cõi thế về cõi thơ”. Rồi nhà lý luận phê bình Mai Quốc Liên ghi lại nỗi “xát lòng” vẫn trôi chảy với thời gian: “Mười năm vắng bóng anh - Cỏ trong vườn vẫn xanh...” (Mười năm, 6-1999).
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên...
Tháng 6 này là tròn 25 năm Viên Tĩnh Viên vẫn xanh thắm một niềm tiếc thương vô hạn!
* * *
Chế Lan Viên mang nhiều tư cách cao đẹp. Ông là nhà thơ đa tài, nhà văn hóa lớn, là một trong số những gương mặt hàng đầu đại diện cho nền thơ hiện đại của Việt Nam.
Nhớ Chế Lan Viên, trước hết là nhớ một nhà thơ-chiến sĩ dũng cảm, người chiến đấu hết mình vì lý tưởng và nghệ thuật cách mạng cao cả. Nói cách khác, đó là một chính khách, một nhà tư tưởng làm thơ.
Thơ Chế Lan Viên nổi bật khuynh hướng chính luận như một xu thế rất mới của thơ ca ngày nay.
Làm chính trị bằng thơ, nói chính trị rất thơ. Đó là cuộc bứt phá mới mà các đồng nghiệp của ông như Tố Hữu, Xuân Diệu đã góp sức tạo cửa mở kể từ sau Cách mạng. Nhà thơ tiếp sức, dấn bước vô cùng ngoạn mục.
Ba mươi năm chúng ta phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đồng thời với xây dựng đất nước. Chiến tranh là tiến hành chính trị bằng vũ lực khi không còn lựa chọn nào khác. Nhân dân ta kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ chỉ để hiện thực hóa lý tưởng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thiêng liêng, cao quý như mệnh lệnh của dân tộc, cũng là chân lý của thời đại. Tiếng thơ Chế Lan Viên trở thành tuyên ngôn thơ:
Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời
(Sổ tay thơ)
Tất nhiên, đây cũng là một cách diễn đạt. Không chỉ là vấn đề giọng điệu mà chính là nội dung. Với Chế Lan Viên, thơ ngày nay cũng là một đại tự sự. Đó không chỉ là câu thơ văn xuôi như hình thức ngôn ngữ. “Phải văn xuôi” là lời kêu gọi thơ thế kỷ. Ai đó giở luận điệu cũ mèm cho thơ ca không liên quan chính trị, không cần chính trị chỉ là giả dối, ngụy biện. “Thi dĩ ngôn chí” - thơ nói chí: ý chí, tư tưởng, nguyện vọng, triết lý... Người xưa đã tuyên bố thẳng thắn minh bạch như thế đấy. Có thơ “mây, núi, trăng, hoa” đẹp nhưng thoát tục, như biểu hiện lẩn tránh sự đời, cuộc đời. Hoa ngày thường của Chế Lan Viên ngát hương theo cánh Chim báo bão. Là “Hoa trên đá” đầy sinh khí, dũng cảm yêu thương, làm “mát mắt cho đời”. Lại còn Hoa trước lăng Người thiêng liêng cao quý tuyệt vời. Phải chăng đó chính là “hoa chính trị” - rất cần ngát tỏa sắc hương cho cuộc đời dựng xây và chiến đấu?
Chính luận là một quan niệm khuynh đảo, có tính chất cách mạng trong thơ ca. Thơ Chế Lan Viên đã là tiếng nói chính thống khỏe khoắn, sức lực của cuộc đời mới, là tiếng thét căm thù trút lửa vào quân xâm lược, là khúc ca hào hùng ngợi ca sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, của Tổ quốc. Đó chính là sứ mệnh vinh quang, trách nhiệm cao cả của thơ ca cũng là của nhà thơ công dân chân chính.
Chế Lan Viên có những bài được coi là “xã luận bằng thơ” như những chùm hoa lạ. Tuy nhiên, “hoa chính trị” cũng phải trăm phần trăm hoa, thơ kiểu nào vẫn cứ phải là thơ! Chế Lan Viên là nhà vô địch về tuyên ngôn thơ với những cách nói lung linh “pháo hoa ngôn từ”. Chúng ta cần nhận rõ những “chùm pháo đỏ” nổi bật trên cái nền đa sắc màu rực rỡ ấy.
Thơ Chế Lan Viên, cũng như thơ Tố Hữu, cần được mệnh danh chính xác là thể loại trữ tình - chính trị. Thơ “có thép” là như vậy. Đó là niềm tự hào của nền thơ mới cách mạng hiện đại, cũng là của thơ ca tiến bộ thế giới.
Cần nhấn mạnh thơ Chế Lan Viên là thơ chính trị - thời sự. Thơ của ông được cập nhật như thông tấn: Thời sự hè 72, bình luận; Suy nghĩ 66; Nghĩ suy 68; Ngày vĩ đại; Thơ bổ sung... Thời sự đến cuối đời: Di cảo thơ I, II, III. Đó cũng là thời sự - thời đại, thời sự của tình huống lớn, tình cảnh phổ quát, vừa kịp thời vừa có giá trị lâu dài. Viết về tình thế một thời nhưng mang thông điệp đến cho mọi thời.
Chính luận thường đi đôi với triết luận. Đời thơ Chế Lan Viên là đời của một thi nhân - triết nhân. Chúng ta nhớ và cần phải nhớ Chế Lan Viên là nhà thơ đã làm thơ triết lý từ rất lâu. Từ một triết gia siêu hình, ông trở thành triết gia mácxít nhờ Cách mạng: Ta là ai (1940), Triết (1) (1985), Triết (2) (1987)...
Thơ Chế Lan Viên có không ít triết lý dưới dạng tuyên ngôn hàn lâm, hoặc bình dị, hồn nhiên. Từ cái nhìn đời thường dẫn đến tư tưởng cao siêu. Ánh sáng và phù sa: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”…; Hoa ngày thường, Chim báo bão: “Em đây, hoa những ngày thường - Yêu quá thành hoa chiến đấu”…
Làm triết lý là ngôn luận trên cơ sở phân tích sự vật đến tận cùng để biết rõ bản chất, hiểu rõ quy luật vận động và biến hóa của sự vật, hiện tượng; là tạo dựng hệ thống tư tưởng triết học: “Ta đổ máu lòng ta không vay mượn - Như Hồng Lĩnh tự mình xây núi lớn... Chính ta đây chứ còn có ai nào - Cầm sông núi và làm nên thống nhất... Ta thế thắng, thế đi lên, chủ động, mở cửa cho bình minh, cho thế kỷ - Và mày, thế bóng tối, thế đi xuống lụi tàn đế quốc hóa ra ma (Thời sự hè 72, bình luận). Ở các tập Di cảo thơ, triết lý hầu như rất đậm đặc. Từ triết lý nhân sinh xã hội: “Cuộc đời là trò chơi - Cuộc sống là trò chơi - Nhưng không chơi khổ đau thì không ù được nụ cười” (Hai chiều) đến triết lý thơ ca: “Muốn đổi Lời ư? Anh phải đổi Đời”, “Câu thơ lời lẽ này mà đa nghĩa, đa hình” (Tâm hồn), “Đọc chữ rồi còn phải đọc ngầm văn bản - Phía sau lưng” (Đọc thơ mạch ngầm văn bản)… Triết lý của Chế Lan Viên là triết học của trái tim - nghệ thuật.
Nhưng nhớ Chế Lan Viên tôi thấy nhớ nhất và tự nhủ cần nhớ nhất điều này: nhà thơ là một nghệ sĩ tài hoa bậc nhất, một danh nhân văn hóa nổi tiếng, không chỉ của đất nước ta.
Ảnh hưởng của Chế Lan Viên mang lại những hiệu quả tức thời. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều cần lưu ý hơn là hiệu ứng Chế Lan Viên với nền thơ chống Mỹ, với các nhà thơ cùng trang lứa đương thời và với thế hệ nhà thơ thứ ba cho đến tận ngày nay: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo...
* * *
Có thể giờ đây, trong một tình hình mới với nhiều cơ hội và thách thức, còn nhiều bề bộn ngổn ngang và phức tạp của phát triển văn hóa nghệ thuật thời kỳ mới, chúng ta lại nhớ và cần nhớ tới Chế Lan Viên.
Công cuộc Đổi mới đất nước và văn nghệ đã có một hành trình khá dài - hàng chục năm với những thành tựu to lớn của thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, những tiếng thơ hào sảng xứng đáng với sự nghiệp anh hùng mới của Đất nước và Dân tộc còn thiếu vắng. Chúng ta bỗng nhớ đến ca sĩ của những bản hùng ca một thời: Chim lượn trăm vòng; Tàu đến; Tàu đi; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng; Ngày vĩ đại… Chúng ta đã và đang kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 70 năm... những mốc sự kiện lịch sử đáng nhớ. Không thể ngủ quên trên chiến thắng, nhưng phải luôn biết gối đầu lên những truyền thống vinh quang:
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng.
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
Câu thơ vang động 50 năm trước kêu gọi tư duy và hành động anh hùng quyết liệt Chế Lan Viên đang đọc là của ngày hôm nay, là cho hôm nay đấy!
* * *
Thế giới thơ Chế Lan Viên chứa đựng nhiều bí ẩn - nhiều di cảo chưa được công bố hết - đang còn mời gọi tìm hiểu, khám phá. Ông là nhà thơ đang đồng hành với chúng ta như người cầm bút chiến đấu vẫn vững bước, là thi nhân mà những sáng tạo nghệ thuật chưa kết thúc.
Ta nhớ Chế Lan Viên, nhớ một tâm hồn cao cả, một trí tuệ sáng láng, một tấm lòng rộng mở, một tinh thần cách mạng tiến công mạnh mẽ.
Mượn cách nói của Phạm Văn Đồng, người bạn lớn của giới nghệ sĩ xin hãy nhớ Chế Lan Viên với mắt nhìn một ngôi sao của bầu trời nghệ thuật - “càng nhìn thì càng thấy sáng”.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 6-2014
___
* PGS-TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội