Chủ nghĩa cá nhân - một nguy cơ thật sự đối với Đảng cầm quyền

Trước lúc đi xa, với tầm nhìn sâu rộng cao xa, Bác Hồ đã để lại một lời dạy bất hủ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (tháng 6/1968) (Hồ Chí Minh: Tư cách người đảng viên cộng sản - NXB Sự Thật, Hà Nội, 1988, trang 94-95).

Đó là lời dạy bất hủ sâu sắc nhất. Bác không dừng lại ở một con người mà nói rộng ra một dân tộc, một đảng. Lời dạy ấy đã được thực tiễn chứng minh, sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trong thập niên 90 của thế kỷ 20 trở thành bài học lịch sử đối với các đảng cầm quyền đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời Bác Hồ thường giáo dục cán bộ, đảng viên về những tác hại to lớn không thể lường được do chủ nghĩa cá nhân gây ra đối với sự nghiệp cách mạng. Người vạch rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó… Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó…” (sđd, tr.38-39).

Theo Bác Hồ, thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể tách rời cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người có tính cách riêng, có sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích riêng đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là xấu”. Nhân ngày kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1969), tại nhà 67 trong khu Phủ Chủ tịch Bác đã viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Toàn Đảng mở đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức học tập quán triệt bài viết của Bác, gắn “xây” với “chống”.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa II - 8/5/1960 tại Hà Nội

 

Xây là tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chống là quyết tâm đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. 43 năm đã qua, bài viết của Bác vẫn còn nguyên giá trị cả lý luận và thực tiễn. Với Đảng cầm quyền, lời dạy đó của Bác thấm thía, thiết thực xuyên suốt thời kỳ cách mạng mới.

Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn phê phán rất sâu sắc: “Cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, về vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”. Chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, là kẻ địch ở trong lòng. Muốn quét sạch nó, phải thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.

Bác Hồ nói: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa và cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc mới tốt. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù”. Nâng cao đạo đức cách mạng mà buông lỏng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, né tránh tự phê bình và phê bình là báo hiệu của sự thoái hóa về chính trị. Chính Lênin đã cảnh báo: “Cái chết về đạo đức là tiền đề chắc chắn cho cái chết về chính trị”. Nghị quyết Trung ương 4 quyết làm cho Đảng trong sạch.

Cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” hiện nay, đang mang trong mình nó nhiều căn bệnh trầm kha cần có thuốc đặc trị để cứu chữa mới mong có hiệu quả. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động theo lời Lênin đã dạy: “Phải nhẫn nại, kiên trì, sẵn sàng, kiên quyết và biết cách làm. Ai để cho những khó khăn làm mình khiếp đảm, ai tỏ ra tuyệt vọng, hoang mang và hèn nhát, người đó không phải là người xã hội chủ nghĩa”.

LÊ VĂN HIẾU
(329/13 Nguyễn Trọng Tuyển, Q. Phú Nhuận, TP.HCM)