Cho đến năm 1909, có thể khẳng định được rằng, Trung Quốc không lần nào phản kháng Việt Nam chiếm hữu, quản lý và khai thác Hoàng Sa, thậm chí còn mặc nhiên thừa nhận việc đó.
TỪ THỜI CỔ ĐẾN NĂM 1909 – LÝ LẼ MƠ HỒ CỦA TRUNG QUỐC…
Phía Trung Quốc đã viện dẫn nhiều sách cổ từ đời Tam Quốc đến ngày nay, chủ yếu là từ các triều đại sau này. Chỉ có một vài tài liệu có thể coi là chính thức, còn lại là những sách của các nhà văn, nhà hàng hải viết (tường thuật hành trình biển, địa chí, địa lý).
Tất cả các tư liệu đó đều nói người Trung Quốc từ xa xưa đã biết có những Cửu Nhũ Lọa Châu, Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Vạn Lý Thạch Đường, Trường Sa, Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa.
Họ giải thích những tên đó tương ứng với các quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa ngày nay, tuy rằng việc phân biệt trong các tên đó cái nào là Tây Sa, cái nào là Nam Sa chưa giải quyết được một cách rõ ràng trên cơ sở khoa học.
Trong vụ Palmas có một đảo mà cũng có tới 4 tên, mà trọng tài Huber cũng phải đặt vấn đề, trước hết xác minh tên đảo. Huống chi ở đây có rất nhiều tên, nhiều đảo. Việc xác minh tên và vị trí các đảo nhất thiết phải có nhưng không phải dễ. Nếu chỉ nhìn thấy đất, không có một hành động nào dù là tượng trưng để chiếm hữu, hoặc chỉ nghe nói thôi mà không có một hành động nào tiếp theo thì không thể tạo ra một danh nghĩa chủ quyền.

Đảo Trường Sa nhìn từ trên cao.
Tạo ra quyền chưa đủ, còn phải duy trì quyền đó. Tạo ra quyền và duy trì quyền là hai vấn đề khác nhau. Dù cho các tên đó thật sự tương ứng với các tên Tây Sa, Nam Sa ngày nay thì điều đó cũng không có ý nghĩa về mặt xem xét chủ quyền vì nhân dân Trung Quốc chỉ biết mà không phát hiện, mà không chiếm hữu thì những yếu tố đầu tiên của việc xác lập chủ quyền lãnh thổ rõ ràng không có.
Vào khoảng thời gian từ đời Tam Quốc đến năm 1909, hơn 16 thế kỷ, phía Trung Quốc chỉ đưa ra được 3 sự kiện để chứng tỏ họ đã thực hiện chủ quyền: Đời Tống đã đi tuần biên vùng Tây Sa, việc đo đạc thiên văn ở phía nam Hải Nam và tướng Ngô Thăng đi tuần biên vùng Tây Sa.
Đời Nguyên, cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, việc đo đạc thủy văn ở đây là “quá” đảo Hải Nam, nghĩa là ngoài cương vực của Trung Quốc.
Sự kiện thứ ba là cuộc đi tuần của tướng Ngô Thăng chung quanh đảo Hải Nam, hoàn toàn không phải đi tuần đến Tây Sa. Cần nhấn mạnh một lần nữa là Trung Quốc không đưa được sự kiện nào về Nam Sa gọi là có giá trị. Không thể biến cuộc viễn chinh xâm lược của tướng Mông Cổ Sử Bật thành cuộc “tuần tiễu vùng biển Nam Sa”. Ba sự kiện trên quá nghèo nàn cho một thời gian dài, lại chỉ về Tây Sa thôi.
Cho đến năm 1909, có thể khẳng định được rằng, Trung Quốc không lần nào phản kháng Việt Nam chiếm hữu, quản lý và khai thác Hoàng Sa, thậm chí còn mặc nhiên thừa nhận việc đó. Câu trả lời của nhà cầm quyền Quảng Đông nhân vụ tàu Bellona và tàu Imezi Maru phản ánh đúng sự thật là Tây Sa không phải của Trung Quốc(2).
Trước khi Định ước chung Berlin năm 1885 đề ra nguyên tắc chiếm hữu thật sự, việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ cũng nêu ra hai yếu tố: Yếu tố vật chất (corpus) tức là sự phát hiện và yếu tố ý chí (animus). Việc phát hiện phải là kết quả của những sự kiện theo một bản chất nào đó và xuất phát từ những nhà chức trách cụ thể.
Phát hiện tiếp theo đó là chiếm hữu thật sự đi cùng với ý chí hành động như người làm chủ, đó là ba điều cần có để có một danh nghĩa chủ quyền, và đó cũng là ba điều mà Trung Quốc không có.
Ít nhất từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện Bãi Cát Vàng tức Hoàng Sa trong Biển Đông và đã tổ chức đội Hoàng Sa, đã khai thác và quản lý các đảo.
KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Các tiêu chuẩn thời bấy giờ về việc xác lập chủ quyền của nước Việt Nam đối với đất vô chủ (res nullius) là đầy đủ.
Quần đảo đã được phát hiện và tiếp liền việc phát hiện là ý chí chiếm hữu và làm chủ của Nhà nước dưới hình thức thành lập một tổ chức Nhà nước vừa quản lý vừa khai thác Hoàng Sa. Danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa được khẳng định, duy trì và củng cố ít nhất từ thời các Chúa Nguyễn đến khi Pháp thiết lập chế độ bảo hộ năm 1884.
Đội Hoàng Sa là một mô hình tổ chức Nhà nước thời các Chúa Nguyễn có nguyên tắc tổ chức và hoạt động rõ ràng. Nói chung, mỗi năm đội ra Hoàng Sa hoạt động 6 tháng liên tục.

Quân đồn trú Pháp-Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa.
Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng. Ảnh TL.
Sự liên tục thực hiện chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam không phải tính từng năm mà còn từ năm này qua năm khác trong suốt ba thế kỷ. Cho đến thời kỳ thuộc địa:
Hoàng Sa đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là phủ Quảng Nghĩa sau đổi là tỉnh Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) như các sách sử và địa lý chính thức trong Quốc Sử quán Triều Nguyễn đã ghi rõ.
Từ đời vua Minh Mệnh, trong khuôn khổ kế hoạch làm Địa bạ Gia Long kéo dài từ 1805 đến 1836, đã liên tiếp phái đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa vẽ bản đồ, đo đạc thủy trình.
Ý thức được trách nhiệm của nước mình trong cộng đồng các quốc gia, vua Minh Mệnh, năm 1833, đã lệnh cho đội Hoàng Sa trồng nhiều cây trên các đảo của Hoàng Sa để các tàu dễ nhận biết từ xa các đảo, do đó tránh được nạn đâm tàu.
Từ các Chúa Nguyễn đến Vua Nguyễn. Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ các tàu bị nạn ở Hoàng Sa, giúp đỡ lương thực thuốc men các người sống sót. Nói theo Max Huber, như thế là có “những bảo đảm nào đó cho các quốc gia khác và dân các nước đó”.
Suốt trong mấy trăm năm, không hề có sự phản đối của các nước láng giềng trực tiếp, trước hết là Trung Quốc, Phillippins hay Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, trong khi chính các nước này vào lúc bấy giờ, đang đi chiếm thêm thuộc địa ở Đông Nam Á. Thậm chí, Trung Quốc mặc nhiên công nhận đội Hoàng Sa, lại nói rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Đó là sự chấp nhận việc chiếm hữu Hoàng Sa của Việt Nam, là sự từ bỏ yêu sách của mình.
Từ năm 1884, với việc ký Hiệp ước thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp, tình hình Nhà nước Việt Nam có một sự thay đổi cơ bản: Nước Pháp thay mặt Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tồn tại, nhưng điểm mới là việc bảo vệ nó chuyển sang Chính phủ Pháp “nhân danh nước Việt Nam”.
Tóm lại, cho đến năm 1909, danh nghĩa lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi được, là có thật và thật sự.
TỪ NĂM 1909 ĐẾN NAY…
Năm 1909, sự kiện đô đốc Lý Chuẩn, theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuần, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm (Ile Boisee) đánh dấu sự thay đổi đột ngột thái độ của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa: Trung Quốc muốn khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ đối với đảo này mà mới cách đây 10 năm họ đã coi không phải là của Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc bắt đầu tranh cãi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
1. Cho đến nay, tình hình cuộc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa mở rộng ra quần đảo Trường Sa đã phát triển phức tạp trong một bối cảnh quốc tế phức tạp sau hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc chiến tranh lạnh. Gạt bối cảnh quốc tế chung ra một bên, chỉ xét những sự kiện liên quan tới cuộc tranh chấp quần đảo thì tình hình nội bộ một số nước có liên quan và tình hình quốc tế đã dẫn tới những vấn đề về thừa kế quốc gia và thay đổi thành phần các bên tranh chấp.
- Các quy định của Hiệp định Genève năm 1954 đã dẫn tới việc chia sẻ trách nhiệm về phía người Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa; Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cuối cùng là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng.
Tại Trung Quốc, ba Chính phủ kế tiếp nhau: Nhà Thanh, Trung Hoa dân quốc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đài Loan vẫn tồn tại và giữ nguyên yêu sách của họ đối với hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa; thực tế đang chiếm giữ đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Nam Sa.
- Nhiều bên, trong cuộc tranh chấp hai quần đảo đã chấm dứt yêu sách, rút khỏi cuộc tranh chấp trong khi đó lại xuất hiện những bên mới: Pháp đã trả lãnh thổ Việt Nam cho Việt Nam. Nhật Bản đã rút quân khỏi hai quần đảo và cam kết từ bỏ mọi quyền, mọi danh nghĩa và mọi đòi hỏi với hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa); Anh đã tuyên bố không tranh chấp gì về Trường Sa, ngược lại từ những năm 70, Phillippins rồi Malaysia đã chiếm một số đảo, bãi trong quần đảo Trường Sa.
Riêng Phillippins đòi cả quần đảo Trường Sa trừ đảo Trường Sa. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi đã chiếm đảo Hoàng Sa lại tiến xuống phía Nam chiếm một số bãi, kiểm soát một số vùng biển trong quần đảo Trường Sa.
Thực tế hiện nay đã nảy ra hai vấn đề:
Vấn đề quần đảo Hoàng Sa trở thành vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc (kể cả Đài Loan).
Vấn đề quần đảo Trường Sa trở thành vấn đề đa phương giữa Việt Nam và ba nước khác: Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Phillippins, Malaysia.
2. Như trên đã phân tích, từ năm 1909 cuộc tranh chấp về Hoàng Sa chỉ liên quan tới Pháp và Việt Nam (mà Pháp đại diện từ năm 1884) và Trung Quốc là nước duy nhất khi đó tranh cãi chủ quyền của Pháp và Việt Nam. Khi đó, sự thụ đắc chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được hoàn thiện, hai quần đảo đó đã là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
Cuộc đổ bộ lên đảo Phú Lâm của đô đốc Lý Chuẩn chỉ có thể coi là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ Pháp đã ba lần (năm 1932, năm 1937 và năm 1947), đề nghị với Chính phủ Trung Quốc lựa chọn hoặc là một giải pháp hữu nghị hoặc là một giải pháp trọng tài nhưng Chính phủ Trung Quốc khước từ cả ba đề nghị này.
Việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bằng hai đợt và chiếm một số bãi và đảo trong quần đảo Trường Sa, từ năm 1988 đến 1993 đánh dấu một sự phát triển rất nghiêm trọng.
Hiến chương Liên hợp quốc từ năm 1945 đã cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và độc lập lãnh thổ của các quốc gia (điều 2 và các khoản có liên quan).
Trên cơ sở nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và nguyên tắc các dân tộc tự quyết, năm 1970 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên bố liên quan tới các nguyên tắc của Luật quốc tế về các quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa các quốc gia theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc (Nghị quyết 26/25):
“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự thụ đắc bởi một quốc gia khác đi liền với việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Không một sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe dọa sử dụng vũ lực hay vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp”.
Việc sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số bãi và đá trong quần đảo Trường Sa không thể coi là hợp pháp, do đó không thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ.
3. Trong thời gian từ năm 1909 cho đến khi rút khỏi Đông Dương năm 1956, Pháp có một thời gian ngắn còn tỏ vẻ dè dặt trong lúc công cuộc bình định Bắc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ sức vươn ra quần đảo xa, lại cũng chưa thật sự hiểu danh nghĩa Việt Nam là vững vàng, cho nên không phản ứng kịp thời về cuộc hành quân của đô đốc Lý Chuẩn. Nhưng sau đó từ tuần tra, khảo sát đến lập đơn vị hành chính, cho quân ra đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Đông Dương ngày càng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Đối với quần đảo Trường Sa, Pháp đã cho lực lượng vũ trang chiếm hữu quần đảo này nhân danh Việt Nam, và chính thức thông báo cho các quốc gia khác. Hành động này củng cố thêm danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cộng hòa, có trách nhiệm quản lý miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, qua con đường ngoại giao cũng như bằng hành động vũ trang, đã kiên quyết chống lại việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Có một điều rõ ràng là, nhà cầm quyền Việt Nam của cả hai miền chưa lần nào tuyên bố từ bỏ danh nghĩa chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Pháp không phản ứng cuộc hành quân của đô đốc Lý Chuẩn là tiêu cực. Nhưng điều cũng rõ ràng là, Pháp không hề một lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc hay tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo và cho đến khi rút khỏi Đông Dương vẫn chiếm giữ các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay khi, dù Pháp im lặng trước hành động nào đó của Trung Quốc thì chủ quyền của Việt Nam vẫn tồn tại. Khi có điều kiện, những nhân vật có trách nhiệm trong Chính phủ quốc gia của Hoàng đế Bảo Đại cũng ba lần tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(1) | Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,chương VI, tr.55-62, NXB Công an Nhân dân Hà Nội, 1995. |
(2) | Hai tàu Bellona (của Đức) và Imezi Maru (của Nhật Bản) chở đồng cho Anh bị đắm năm 1898 tại vùng biển Hoàng Sa. Số đồng đó bị người Trung Quốc đi thuyền ra lấy mang về Hải Nam. Theo yêu cầu của các hãng bảo hiểm Anh, Công sứ Anh tại Bắc Kinh và lãnh sự Anh tại Hoihow can thiệp để lấy lại số hàng đó, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc trả lời rằng, Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc, không phải là đơn vị hành chính nào của Hải Nam và tuyên bố không chịu trách nhiệm. (Theo http://songchampls.vnweblogs.com). |
Bài liên quan: