Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được Thành ủy Huế mời đóng góp bài cho cuốn sách Bác Hồ trong lòng dân Huế. Trong tay tôi đã có sẵn bài Ba lần được gặp cụ Hồ của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, mà tôi đã ghi được ngay sau ngày Việt Nam thống nhất, tôi xin bà Tâm Hải Đào Thị Xuân Yến (tức bà Nguyễn Đình Chi) đệ tử của Hòa thượng Thích Đôn Hậu bổ sung thêm bài Vinh dự lớn lao. Bà Tâm Hải bảo tôi:
- Sư bà Thích Nữ Diệu Không rất quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên xin gặp Bà và đề nghị Bà viết cho một bài. Tôi đến xin gặp Sư bà ngay nhưng lúc ấy Sư bà không có ở Huế.
Sau này có dịp lên thăm Sư bà ở chùa Hồng Ân, tôi kể lại chuyện cũ. Để chứng tỏ gợi ý của bà Tâm Hải là đúng, Sư bà Diệu Không đứng dậy mở tủ lục trong cặp tư liệu lấy đưa cho tôi bài thơ Kỷ niệm Hồ Chủ tịch 3 khổ, đánh máy trên nửa trang giấy ronéo vàng rộm và một chùm thơ đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng. Chùm thơ 16 bài vừa sáng tác vừa dịch, mang tựa đề Thăng Long ký sự.
Kỷ niệm Hồ Chủ tịch Giải phóng quê hương khỏi đọa đày Chí Người như núi vững không lay. Tình Người như nước lan tràn cả, Kỷ niệm Người như một bậc Thầy. Bậc Thầy cao cả của non sông Cùng với Thuyền Sư đôi điểm đồng Cách mạng tình người về nẻo Chánh, Phá vòng nô lệ thoát lao lung. Lao lung vì chẳng rõ đường ra, Dẹp hết ma tâm, sạch giống tà. Cần kiệm thanh cao nuôi Chí lớn, Lòng thành trong sạch Nước Nam ta. |
Tác giả không ghi thời điểm sáng tác bài thơ này. Theo văn cảnh và ý tứ trong thơ thì có lẽ Sư bà đã sáng tác bài Kỷ niệm Hồ Chủ tịch ngay trong những ngày vui đất nước được thống nhất vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với chùm thơ Thăng Long ký sự, Sư bà ghi rõ thời gian sáng tác là Mùa thu Bính Thìn năm 1976, trong dịp Sư bà đi thăm miền Bắc. Trong 16 bài trong Thăng Long ký sự có hai bài thơ dịch: Bài Cảm thời của Nguyễn Trãi do cụ Cao Xuân Huy (GS Bác cổ Hà Nội) sao lục và bài Đi chùa của Hồ Chủ tịch do cán bộ Phật giáo Vũ Ngọc Hồng sao lục tặng bà. Xin trích bài Đi chùa của Hồ Chủ tịch:
Sơn trung tiều phu xướng Thủy thượng khách Thuyền quy, Như thi trung họa họa Trung thi kỳ họa thi. |
Thích Nữ Diệu Không dịch:
Chú tiều trong núi hát Khách Thuyền trên sông về. Như thơ trong bức vẽ Bức vẽ trong lời thi. (Mùa thu Bính Thìn, 1976). |
Trong chuyến đi thăm Thăng Long - Hà Nội cuối năm 1976 ấy, bà đã đến viếng nhiều cảnh, nhiều người như Thăm chùa xưa, Thăm tháp Quảng Đức (chùa Hòa Giai, Hà Nội), Thăm tháp Bổn Sư Hồ Chủ tịch, Thăm trường Quảng Bá, Đêm thu trên Hồ Tây, Đi thăm mộ… và đặc biệt, xin trích bài Sư bà đi thăm lăng Hồ Chủ tịch:
Thăm lăng Hồ Chủ tịch Dù Người còn mất chẳng hề chi, Thống nhất non sông mới lạ kỳ. Bất diệt muôn đời đều nhớ rõ, Những lời Di chúc lúc ra đi. |
Tâm và ý của Sư bà đối với Hồ Chủ tịch thể hiện đầy đủ trong thơ của Sư bà.
Phật giáo cứu dân
Và Sư bà cũng kể những hoạt động của Phật tử Sài Gòn trước và sau ngày 30/4/1975 để tôi viết báo. Sư bà dạy tôi:
- “Kháng chiến lo cứu nước, mình là Phật giáo còn phải hoạt động cứu dân. Không những cứu bớt đổ máu, cứu những đổ nát mà còn phải cứu thoát ra khỏi sự sợ hãi để hưởng thống nhất hoà bình an lạc!”.
Tôi rất thấm thía lời dạy của Sư bà. Đây không phải là một lời nói, một khẩu hiệu suông mà cả một thực tế rất quý báu. Suốt những năm chiến tranh, sau các cuộc giao tranh diễn ra ở vùng nông thôn, nhiều xác cán bộ, bộ đội du kích cách mạng… không may nằm lại giữa ruộng đồng, dân chúng và người thân của liệt sĩ ít dám ra mặt nhận xác về chôn.
Gặp những tình huống như thế, các Khuôn hội Phật giáo chắp tay trước mọi hiểm nguy đứng ra đảm nhận việc chôn cất. Một số nơi còn dựng cả am miếu để thờ người chết trận.
Sau chiến dịch Huế - Xuân 1968, nhiều người Huế bị chính quyền VNCH bắt giam vào lao Thừa Phủ vì bị tình nghi đã cộng tác với Mặt trận Giải phóng. Đến ngày Rằm tháng bảy năm Mậu thân (1968), Sư bà Diệu Không tổ chức ngày “Xá tội vong nhân” đứng ra xin chính quyền VNCH trả tự do cho hàng trăm tù chính trị chưa xác định được “tội danh” - một trong những người được trả tự do năm ấy là anh Hoàng Phủ Ngọc Phan.
Nếu không được Sư bà “cứu” thì địch đã phát hiện ra Hoàng Phủ Ngọc Phan là một người Cộng sản thứ thiệt ở Huế và chắc chắn không còn có nhà báo chuyên viết chuyện châm biếm sâu sắc Hoàng Thiếu Phủ sau này nữa.

Sư bà Diệu Không và các ông (hàng đứng, từ trái sang):
Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Ân sau ngày đất nước thống nhất
tại Hà Nội. Ảnh TL gia đình Hồ Đắc.
Và, anh trai của Phan là Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi – ba anh em cùng thoát ly và cùng hoạt động ở chiến khu Huế sẽ khó lòng được yên ổn để đi đến tận cùng cuộc kháng chiến cứu nước.
Thời gian cuối tháng 4/1975, Sư bà Diệu Không đang ở Sài Gòn, ngày nào Phật tử cũng đem đến cho Sư bà những tin tức chiến sự nghe được qua các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội, BBC, VOA...
Sau khi nghe tin vùng Cao nguyên và các tỉnh dọc bờ biển miền Nam Trung phần từ Huế vào đến Xuân Lộc đã được giải phóng, đêm 29/4, sân bay Tân Sơn Nhất lại bị pháo kích dữ dội, Sư bà nghĩ thế nào ngày mai Quân giải phóng cũng vào đến Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, Sư bà cho tổ chức các xe phóng thanh chạy khắp thành phố kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng.
Tại Đại học Vạn Hạnh gần cầu Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), thanh niên sinh viên Phật tử đeo băng xanh đỏ thiết lập trạm tiếp nhận súng ống bên cạnh các xe tải cắm cờ Ngũ sắc của Phật giáo. Những binh lính ở xa nhà, lỡ đường có thể vào tá túc trong các chùa Phật Sư.
Bà vận động các chùa nấu cơm tiếp tế cho dân chúng đang tham gia công tác trên các đường phố và binh lính Sài Gòn vừa giải giáp. Những việc này chưa hề được ghi lại trong trang sử giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Tôi hỏi cảm tưởng của Sư bà trước sự kiện ngày 30/4/1975, Sư bà trả lời bằng một bài thơ ngắn nói về công ơn Hồ Chủ tịch:
Tặng Việt Nam độc lập Trăm tám năm rồi mới thấy đây, Tên Người vang dội cả thời nay. Non sông là vợ bao tình nghĩa, Cha của con dân nước Việt này. |
Qua đó ta thấy tâm và ý của một Ni trưởng Phật giáo khác với tâm và ý của các nhà yêu nước khác, khác với các vị lãnh đạo cách mạng đối với Hồ Chủ tịch.
Sư bà là một trong những người biết gia đình Bác từ thuở ấu thơ, không những biết rõ sự nghiệp cứu nước của Bác mà còn đồng hành cùng hoạt động yêu nước, yêu dân với Bác. Mặc dù, Bác là người đứng đầu Cách mạng Việt Nam, Sư bà là một Ni trưởng của Phật giáo Việt Nam, nhưng theo Sư bà, Bác Hồ có “đôi điểm đồng” với Phật giáo.
Đôi điểm đồng đó là khát vọng “Giải phóng quê hương khỏi đọa đày”, là “Cách mạng tình người về nẻo Chánh / Phá vòng nô lệ thoát lao lung”. Cách mạng Việt Nam đã thỏa mãn được khát vọng của dân tộc. Bác Hồ trở thành “Bậc Thầy cao cả của non sông”. Dân tộc Việt Nam, trong đó đa số là Phật tử “muôn đời đều nhớ rõ” ơn Bác, ơn Cách mạng Việt Nam.
Vài nét về Sư bà Thích Nữ Diệu Không Sư bà Thích Nữ Diệu Không, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, thế danh Hồ Thị Hạnh, sinh 24/12/1905, quê ở làng An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, con gái của Đại thần Hồ Đắc Trung, em ruột của những người có tên tuổi như Tổng đốc Hồ Đắc Điềm, Bác sĩ Hồ Đắc Di, Đệ nhất Giai phi của vua Khải Định Hồ Thị Chỉ, Sư bà Diệu Huệ (thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội)... Tuổi nhỏ bà theo Nho học, lớn lên theo Tây học. Bẩm chất thông minh, xinh đẹp. Năm 24 tuổi (1929), bà kết duyên với ông Tham tá Cơ mật viện Cao Xuân Xang (con trai cụ Cao Xuân Dục). Năm 1930, bà sinh Cao Xuân Chuân, không lâu sau đó ông Tham tá thất lộc. Tình nghĩa của bà chỉ vỏn vẹn 11 tháng. Bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con và hoạt động từ thiện xã hội với Đạm Phương nữ sử (thân mẫu của nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn).  Bà Hồ Thị Hạnh thời trẻ.
Năm 1932, bà vào ở chùa Trúc Lâm, được học Phật với tổ Giác Tiên sau các vị Mật Khế, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Mật Hiển, Mật Nguyện và Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Cuối năm 1932, bà lên chùa Khải Ân để cộng trú với Sư bà Thể Yến, Hướng Đạo (tức sư bà Diệu Viên). Năm 1933, bà thành lập Ni viện ở Tổ đình Từ Đàm. Năm 1934, lập nên Ni viện Diệu Đức - Ni viện đầu tiên ở Huế. Năm 1938, bà vào chùa Giác Linh, tỉnh Sa Đéc để lập trường đào tạo Ni giới. Năm 1949, bà khai sáng Hồng Ân Ni tự. Năm 1952, khởi xướng lập chùa Bảo Quang, chùa Bảo Thắng ở Đà Nẵng. Năm 1953, xây dựng chùa Tịnh Nghiêm ở Quảng Ngãi. Năm 1960, xây dựng Ni viện Diệu Quang ở Nha Trang. Năm 1961, lập chùa Dược Sư ở Gò Vấp, lập chùa Từ Nghiêm ở Chợ Lớn. Năm 1963, tham gia phong trào tranh đấu Phật giáo để chống lại chính sách bất bình đẳng tôn giáo của dòng họ Ngô, bà liền tham gia cuộc tuyệt thực ở chùa Ấn Quang. Khi Ủy ban Liên phái quyết định có thể phải hy sinh thân mạng, bà xin tự thiêu trước. Nhưng rồi Ni chúng phải y theo Tăng chúng, Hòa thượng Thích Quảng Đức được vị Pháp thiêu thân trước. Cũng thời gian đó, bà bí mật nhờ cháu là Bác sĩ Bửu Hội đưa hồ sơ chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ra nước ngoài. Nhờ đó thế giới biết rõ tội ác của chính quyền Diệm. Năm 1964, bà dựng chùa Diệu Giác ở Thủ Đức và góp phần xây dựng Đại học đường Vạn Hạnh. Năm 1965-1966, lại một lần nữa bà dấn thân cho cuộc tranh đấu đòi dân chủ dân quyền. Pháp nạn 1966 của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1967, tạo lập Tịnh xá Kiều Đàm ở đường Công Lý - Sài Gòn. Năm 1968, vâng lời Giáo hội Thừa Thiên, đứng ra lo công tác xây cất Cô nhi viện Bảo Anh ở Tây Lộc - Huế và Cô nhi viện Diệu Định ở Đà Nẵng, để có nơi nuôi dưỡng con em mồ côi do chiến tranh gây ra. Năm 1970, bà biến trụ sở nhà in Liên Hoa cũ thành Tịnh xá Kiều Đàm, tổ chức đào tạo cán bộ y tế cấp tốc, lập các trạm y tế Hồng Ân, Diệu Đế, Hòa Lương để cứu giúp dân bị thương tích trong chiến tranh. Năm 1975, tổ chức các hoạt động hưởng ứng công cuộc Giải phóng miền Nam. Năm 1986, tuy tuổi già sức yếu, bà vẫn đứng ra vận động và trực tiếp trùng tu chùa Đông Thuyền. Về văn hóa, bà đã để lại những áng thơ hay, nhiều bản dịch kinh, luận như: Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Đại Trí Độ Luận, Thành Duy Thức Luận, Kinh Duy Ma Cật. Bà quản lý hai tờ báo Phật giáo Viên Âm và Liên Hoa từ số đầu tiên cho đến ngày đình bản. Sư bà viên tịch vào ngày 23/8 năm Đinh Sửu (nhằm ngày 24/9/1997), hưởng thọ 93 tuổi, 65 năm ở chùa và được 53 hạ lạp. |