Tào Tháo không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự tài năng mà còn là nhà thơ kiệt xuất, có nhiều sáng tác góp phần đáng kể vào dòng thơ hiện thực truyền thống của Trung Quốc. Ở phương diện nhà thơ, ông cùng hai con trai Tào Phi và Tào Thực với danh xưng đẹp đẽ “Tam Tào” đều được đánh giá rất cao, và mỗi người có một phong cách riêng rõ rệt…
Tào Tháo là nhân vật tiêu biểu trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa rất quen thuộc với độc giả nước ta.
Nhưng đó là Tào Tháo trong tiểu thuyết, là nhân vật đã được tác giả La Quán Trung dày công xây dựng trong thâm ý “ủng Lưu phản Tào” rõ rệt. Sự thật thì nhân vật Tào Tháo có thật trong lịch sử Trung Quốc đã được giới nghiên cứu phiên án từ lâu. Căn cứ vào sử liệu và những nhìn nhận công bằng biện chứng, người ta đã khẳng định: Tào Tháo là nhân vật tích cực trong giai đoạn lịch sử đó.

Chân dung Tào Tháo
Sau khi trấn áp lực lượng “Hoàng cân”, Tào Tháo đã phát triển thế lực của mình, rồi theo Viên Thiệu dẹp họa Đổng Trác, sau đó đưa Hán Hiến đế về Hứa Xương, tự lên làm Đại tướng quân rồi làm Thừa tướng, trở thành người thống trị thực sự cả vùng Bắc phương. Tào Tháo đã rút kinh nghiệm từ các cuộc khởi nghĩa nông dân, áp dụng chính sách đánh đổ hào cường, ngăn cản kiêm tính, rất có lợi cho sản xuất xã hội, lại ra sức chiêu dụ nhân tài nên tụ hợp được quanh mình rất nhiều người giỏi.
Về kinh tế, về quân sự có nhiều biện pháp tích cực, dần dần phát triển lớn mạnh, thống nhất được Bắc phương, đặt cơ sở cho sự thống nhất cả nước. Các hoạt động này phù hợp với yêu cầu phát triển của lịch sử. Và Tào Tháo đã được đánh giá là một nhân vật anh hùng.
Đặc biệt, Tào Tháo không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự tài năng mà còn là nhà thơ kiệt xuất, có nhiều sáng tác góp phần đáng kể vào dòng thơ hiện thực truyền thống của Trung Quốc.
Ở phương diện nhà thơ, Tào Tháo cùng hai con trai Tào Phi và Tào Thực đã tạo ra những thành tựu xuất sắc được giới văn chương rất kinh nể.
Tào Tháo sáng tác nhiều song tác phẩm còn lưu lại chỉ hơn 20 bài, phần lớn miêu tả cuộc sống hiện thực đương thời, nhiều nhất là các bài nói lên nỗi thống khổ của nhân dân trong chiến loạn, nhiều bài nói lên khát vọng chính trị, ý chí mạnh mẽ muốn bình định giang sơn, thống nhất đất nước.
Thơ Tào Phi cũng nhiều song còn lại chỉ hơn 40 bài, phần nhiều miêu tả tình cảm nhớ thương ly biệt. Do cuộc sống cung đình hạn chế nên đề tài thơ hẹp, chủ yếu biểu đạt tình cảm thông thường của con người uẩn khúc và tế nhị.
Còn Tào Thực, so với cha và anh, thơ Tào Thực nhiều hơn, tác phẩm còn lưu lại cũng nhiều hơn (hơn 80 bài). Thơ ông giai đoạn đầu chủ yếu bộc lộ lý tưởng hoài bão của tuổi trẻ. Giai đoạn sau biểu đạt sự bi phẫn do mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực.
Về phong cách, ba cha con thể hiện ba phong cách khác nhau:
* Thơ Tào Tháo trầm hùng bi tráng, khí thế mạnh mẽ: Thí dụ một bài tiêu biểu: Quy tuy thọ
Nguyên văn:

Phiên âm:
Quy tuy thọ
Thần quy tuy thọ, do hữu cánh thời
Đằng xà thừa vụ, chung vi thổ hôi
Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý
Liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ
Doanh súc chi kỳ, bất đãn tại thiên
Dưỡng di chi phúc, khả đắc vĩnh niên
Hạnh thậm chí tai, ca dĩ vịnh chí.
Dịch thơ:
Rùa tuy sống thọ
Rùa thần tuy thọ, vẫn dứt cuộc đời
Rắn cuộn mây gió, cũng thành tro thôi
Ngựa già chuồng cũi, chí ngàn dặm khơi
Liệt sĩ tuổi xế, tráng tâm vẫn ngời
Đời lúc đầy vơi, chẳng do trời định
Di dưỡng điều đẹp, mệnh sẽ thảnh thơi
May mắn rồi đến, chí vịnh thành lời.
Tư tưởng trung tâm của bài thơ là: ngựa tuy già yếu nằm trong chuồng song chí hướng vẫn rong ruổi ngoài ngàn dặm. Liệt sĩ về già, tráng chí vẫn còn không mất. Toàn bài thơ nói lên tinh thần hướng thượng. Người ta không nên lo lắng cho thọ mệnh, không nên vì tuổi già mà thoái chí. Tinh thần là quan trọng, tinh thần lạc quan có thể kéo dài tuổi thọ:
Đời lúc đầy vơi, chẳng do trời định
Di dưỡng điều đẹp, mệnh sẽ thảnh thơi.
Các bài thơ khác phần lớn cũng thể hiện một phong cách khỏe khoắn, mạnh mẽ, đầy lạc quan. Ngay cả những bài miêu tả nỗi khổ của nhân dân trong chiến loạn cũng toát lên ý chí mong muốn an định xã hội, sự hăng hái quyết tâm và tin tưởng.
Nhiều câu thơ được đời sau xem là châm ngôn. Sĩ đại phu văn nhân thời ngụy Tấn rất thích ngâm những câu: “Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý / Liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ”. Ngày nay, người ta cũng thường treo trong phòng sách những câu thơ này.
* Thơ Tào Phi thì thanh tân, mềm mại, trữ tình uyển chuyển, tế nhị sâu xa qua những ngôn từ trau chuốt tươi đẹp. Bài nào cũng miên man nét buồn thương ai oán lay động lòng người. Bài thơ tiêu biểu là Yên ca hành.
Nguyên văn:

Phiên âm:
Yên ca hành Thu phong tiêu sắt thiên khí lương Thảo mộc dao lạc, lộ vi sương Quần yến từ quy, nhạn nam tường Niệm quân khách du tư đoạn trường Khiểm khiểm tư quy luyến cố hương Quân hà yêm lưu ký tha phương? Tiện Thiếp quỳnh quỳnh thủ không phòng Ưu lai tư quân bất cảm vương (vong) Bất giác lệ hạ triêm y thường Viện cầm minh huyền phát “Thanh thương” Đoản ca vi ngâm bất năng trường Minh nguyệt hiệu hiệu chiếu ngã sàng Tinh Hán tây lưu dạ vị ương Khiên ngưu Chức nữ dao tương vương (vong) Nhĩ độc hà cô hạn hà lương? |
Dịch thơ:
Khúc hát xứ Yên Gió thu hiu hắt trời thu lạnh Cỏ cây xào xạc đẫm móc sương Yến bay về tổ, nhạn lượn phương nam Nhớ chàng đi xa, lòng đau đứt đoạn Tình nhà da diết thương nhớ cố hương Sao chàng ở mãi chốn lạ tha phương? Lòng thiếp lẻ loi, ôm phòng ngóng đợi Đau buồn trăm nỗi, tình chàng vấn vương Lệ rơi thấm đẫm ướt ngang vạt áo Cầm đàn nắn gẩy khúc nhạc “Thanh thương” Khe khẽ ngâm buồn lời ca ngắn Trăng khuya vằng vặc sáng bên giường Sao chuyển phía Tây, trời chưa rạng Ngưu Lang, Chức Nữ hoài ngóng trông Vì đâu ta cách trở cùng chàng? |
Ba câu đầu tả cảnh thu hiu hắt. Rồi qua cảm nhận thị giác, thính giác và cảm xúc, người đọc thấy tình cảm của nhân vật dâng lên tràn đầy. Từ câu thứ 4 là tâm trạng phức tạp tế nhị của nhân vật nữ: sầu bi, cô tịch, nhớ nhung da diết, có mong ngóng, có lo âu, có cả nghi ngờ, oán hận và trách than, phẫn nộ. Lời thơ hết mà dư vị vẫn còn man mác sâu xa.
* Thơ Tào Thực là sự kiêm cả sở trường của Tào Tháo và Tào Phi nhưng nổi bật cá tính sáng tạo. Thơ ông vừa có bi tráng mãnh liệt vừa có uyển nhã tươi đẹp, thể hiện khác biệt ở 2 giai đoạn khác nhau do hoàn cảnh và tâm trạng thi nhân khác nhau, song cũng có nhiều bài bao gồm cả 2 đặc điểm đó. Tào Thực được đánh giá rất cao, là thi nhân kiệt xuất nhất đương thời.
Sau đây là một tác phẩm tiêu biểu: Bạch mã thiên
Nguyên văn:

Phiên âm:
Bạch mã thiên
Bạch mã sức kim ky, liên phiên tây bắc trì
Tá vấn thùy gia tử? U tính du hiệp nhi
Thiếu tiểu khứ hương ấp, dương thanh sa mạc thùy
Túc tích bỉnh lương cung, hộ thỉ hà sâm si
Khống huyền phá tả đích, hữu phát thôi nguyệt chi
Ngưỡng thủ tiếp phi nhu, Phủ thân tán mã đề
Giảo tiệp quá hầu viên, dũng phiếu nhược báo ly
Biên thành đa cảnh cấp, Hồ lỗ sổ thiên di
Vũ hịch tòng bắc lai, Lệ mã đăng cao đề
Trường khu đạo Hung Nô, tả cố lăng Tiên Ty
Khí thân phong nhận đoan, tính mệnh an khả hoài?
Phụ mẫu thả bất cố, hà ngôn tử dữ thê?
Danh biên tráng sĩ tịch, bất đắc trung cố tư
Quyên khu phó quốc nạn, thị tử hốt như quy.
Dịch thơ:
Ngựa trắng gióng cương vàng, ruổi rong vùng Tây bắc
Hỏi rằng con ai vậy? Chàng du hiệp thiếu niên
Tuổi nhỏ rời làng quê, danh vang vùng gió cát
Tay cầm chắc cung nỏ, tên lắp thẳng thành hàng
Giây cung bật phía trái, phía phải đẩy trăng lên
Tay đón con thú lạ, Vó ngựa cúi sáp mình
Nhanh nhẹn hơn khỉ vượn, dũng mãnh như báo chồn
Nơi biên thành cảnh giới, giặc Hồ bao phen chuồn
Hịch chiến phương Bắc tới, ngựa hùng lên cao phong
Ruổi dài phá Hung Nô, lại Tiên Ty phá tiếp
Bỏ thân đầu mũi nhọn, tính mệnh có quản chi?
Cha mẹ chẳng dám nghĩ, nói gì vợ với con?
Tên ghi hàng tráng sĩ, còn bận riêng tư gì?
Dấn thân vì quốc nạn, nhìn cái chết như quy.

Tranh ngựa của Từ Bi Hồng.
Bài thơ ký thác lý tưởng của tuổi trẻ, đẹp đẽ và trong sáng, vừa có chất hào sảng khí khái lại có chất hồn nhiên lãng mạn, vừa cứng cỏi lại vừa mềm mại. Đặc biệt lời thơ, không cổ kính chân thực như thơ Tào Tháo mà tươi đẹp mượt mà như thơ Tào Phi nhưng sắc thái phong phú hơn, giọng điệu đa dạng hơn.
“Tam Tào” không chỉ là 3 thi nhân danh tiếng mà còn có công đóng góp cho sự phát triển của nền văn học Trung Quốc: Tào Tháo là người có công khai sáng và vun đắp cho một giai đoạn văn thơ lẫy lừng – giai đoạn Kiến An của Trung Quốc (196-220), Tào Phi không chỉ sáng tác mà còn viết sách về lý luận văn học. Thiên Luận văn trong sách Điển luận của ông được xem là chuyên luận đầu tiên nói về lý luận sáng tác và phê bình văn học, được đời sau đánh giá rất cao.
Tào Thực thì có công lớn trong sự phát triển và hoàn thiện thể thơ ngũ ngôn truyền thống của thơ ca cổ Trung Quốc.