Một trăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh, tinh tường, vẫn say mê lao động sáng tạo, vẫn hoạt động xã hội tích cực thì quả là một sự kỳ diệu. “Người chưa năm chục đã than già” (Nhân vị ngũ tuần thường thán lão); nhiều người cứ “hưu” rồi lại đâm ra chán đời, nên mau già yếu. GS Vũ Khiêu thì mấy chục năm nay, vẫn giữ một nhịp sống đều đặn, không mỏi, vừa khoa học vừa nghệ sĩ. Đối nhân xử thế, tuy là bậc trưởng thượng, vẫn khiêm nhường, nhỏ nhẹ, khuyến khích người khác thành đạt. Gần ông, người ta cảm thấy như gần ánh trăng dịu mát, hiền hòa.
Tôi nhớ những năm 60 ở Ủy ban Khoa học Xã hội. Một thời chiến tranh, một thời gian khó và nhiều sóng gió, những năm “có lắm chông gai trên đường chân lý”. Chúng tôi vừa mới ra trường, vừa mới vào đời, xiết bao bơ vơ trên đường đời, đường nghiên cứu. GS Vũ Khiêu lúc ấy đã trải qua kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, ở Khu 3, làm Giám đốc Thông tin – Văn hóa…, rồi lãnh đạo viện Triết… đối với chúng tôi là bậc thầy, về đường đời cũng như kiến thức, vị thế. Tuy thế, tiếng lành đồn xa khắp cả Ủy ban rằng đó là một người hiền, có tác phong dễ mến kiểu nghệ sĩ, có tinh thần dân chủ với mọi người, từ người nhân viên đánh máy đến cán bộ dưới quyền, đến bè bạn văn nghệ sĩ… Thầy tôi lúc đó là nhà phê bình nổi tiếng Lê Đình Kỵ rất mến phục Vũ Khiêu, ông rất coi trọng những động thái học thuật – chính trị của Vũ Khiêu như là những chỉ dẫn đáng tin cậy cho việc ứng xử, trước thú lập ngôn của mình.
Và quả vậy, bây giờ, sau năm - sáu chục năm nhìn lại, thì thấy cái nhìn, cách xử thế của GS Vũ Khiêu đúng. Sóng gió, thời cuộc… rồi qua, còn lại là tình người, là lòng nhân hậu bao giờ cũng hiếm quý, cũng cần trong cuộc đời, giữa những con người…
Những năm đó, nghiên cứu Triết, GS Vũ Khiêu viết cuốn Mỹ học. Hồi đó- viết những chuyên đề loại này, dễ bị phê phán không hữu thì tả, không duy tâm cũng là duy vật tầm thường. Nhờ tố chất nghệ sĩ, nhờ kiến thức uyên bác, GS Vũ Khiêu vượt qua, đứng lại. Rồi sau đó là “Anh hùng và nghệ sĩ”, là “Văn hiến Việt Nam”, những công trình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trên đường gian khổ… Nhưng cái cống hiến đặc sắc cho văn hóa Việt Nam của GS, theo tôi là ở những chuyên luận về Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm… Những năm đó, công chúng văn học cũng như giới nghiên cứu chưa ai biết nhiều về các tác gia này, chỉ mới nghe tên tuổi các ông qua một vài giai thoại, chứ chưa lường được hết cái lớn lao, cái tầm vóc thời đại của những đại gia. Được sự khuyến khích của đồng chí Trường Chinh, GS Vũ Khiêu lập ra một nhóm nhà Hán học vừa sưu tầm vừa phiên dịch về Cao Bá Quát… Hơn 1.000 bài thơ của Cao được các nhà nho lão thành Nguyễn Văn Tú, Đỗ Ngọc Toại, Hoàng Tạo… khám phá. Và GS Vũ Khiêu chấp bút viết một bài Tổng luận vừa tâm huyết vừa tri âm, văn từ điển nhã mà sâu sắc, ai đọc cũng thấy mình vừa phát hiện ra một thiên tài của văn học dân tộc. Rồi đến Ngô Thì Nhậm (1746-1802), một người bị vùi dập trong những định kiến nhiều khi ác độc của triều Nguyễn, cũng được GS Vũ Khiêu “chiêu tuyết”, trả lại đúng vị trí lịch sử cho ông, cho những chiến công quân sự - ngoại giao, thơ và phú, chiếu biểu nghị luận sâu sắc, hoa lệ một thời… Đó là những viên ngọc bị vùi trong bụi thời gian, mà nếu không có tầm nhìn, tấm lòng… vượt qua thời gian, vượt qua định kiến “tục nhân”, dễ gì làm sáng tỏ…
Cũng có thể nói GS Vũ Khiêu là “bậc quân tử bác nhã hiếu cổ” vậy. Được rèn luyện Nho học từ trong truyền thống gia đình họ Vũ nức tiếng nhiều tiến sĩ đất Hải Dương, từ tuổi trẻ ông đã thích từ phú cổ điển. Thơ Đường luật làm đã khó, từ phú còn khó hơn. Rất dễ trật nhịp, rất dễ không khớp ở các “gối hạc” (hạc tất), phải rèn luyện nhiều năm, tập làm văn ở các trường thi của các ông Nghè, rồi phải thuộc cái bài mẫu “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi” nữa.
Có điều, GS Vũ Khiêu không phải tiêu dao trong từ phú. Giáo sư với tay ra xa trong thời gian, dùng lại một thể loại cổ điển để phụng sự cho đời sống mới. Những bài GS viết ở đền Hùng, ở Văn bia các liệt sĩ là nhà giáo đi Nam chiến đấu, ở đền thờ Nguyễn Trung Trực, ở nhà bia Gia Định… là những bài văn bia duy nhất… Lớp trẻ sau này không quen từ chương cổ điển, đành chịu, mà cũng chẳng ai làm, nếu cảm thấy mình không có cái cảm hứng về con người, về thời đại ẩn dưới những nhịp, những từ xưa cũ đó…
Rồi câu đối… Câu đối, cái thể loại nghìn xưa quen thuộc đó, vào tay ông, nhiều câu thù tạc, vui với bè bạn trong Nam ngoài Bắc, nhưng nhiều câu là vĩnh cửu…
Câu đối khóc vợ:
Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối
Một nhành mai nhỏ thức thâu canh
Câu đối tại đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu:
Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu chính khí vượng sơn hà
Đó chẳng phải là những câu đối ngang tầm cổ kim hay sao?
* * *
Thời xưa, người ta nói Khổng tử có “tam thiên” (ba nghìn) đệ tử. Vũ Khiêu có thể tự hào là mình có ba nghìn bạn bè, trong đủ các giới, từ giới khoa học, chính trị, đến nghệ sĩ, văn nhân… Nhiều người bạn quý đã ra đi, nhưng số còn lại trong cả nước còn rất nhiều. Ông đối với họ mến thương, nâng đỡ, lấy cái nhìn của người đàn anh mà khoan dung (chắc cũng có đôi người sẽ lợi dụng “sự cả nể” của ông). Cũng có người đòi hỏi ở ông những điều mà một người trăm tuổi khó làm được.
Ta chỉ cần noi gương phấn đấu, để có vừa tuổi thọ vừa cống hiến như ông.