HỎI:
Tạp chí Hồn Việt số 46, trong bài Mạc Đĩnh Chi, vài truyền thuyết có đoạn: “Mạc Đĩnh Chi ra quỳ trước lễ đàn nghe xướng xong mở Chúc văn ra để đọc chỉ thấy tờ giấy trắng tinh có bốn chữ “nhất”. Ông biết họ thử tài, nhanh trí ứng khẩu đọc bốn câu thơ, mỗi câu có một chữ “nhất” ở trong, ca tụng phong cách bậc nhất của người chết…”
Xin hỏi:
- Chữ “Chúc văn” là của tác giả bài viết hay trích dẫn ở Công dư tiệp ký?
- Chữ Hán “Chúc văn” có nghĩa là văn tế không?
Tôi được thầy dạy Hán văn cho biết trong các từ điển không có từ điển nào giải thích “Chúc văn” là văn tế.
Xin vui lòng cho biết để tôi được học hỏi thêm.
Độc giả hiendangv007@gmail.com
ĐÁP:
Bài Mạc Đĩnh Chi, vài truyền thuyết là của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã được viết theo ba tài liệu chính sau đây:
1. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (Phạm Trọng Điềm dịch), NXB Khoa Học Xã Hội, 1977.
2. Lịch triều hiến chương khoa mục chí của Phan Huy Chú (Tổ biên dịch Viện Sử học Việt Nam dịch), NXB Văn Học, Hà Nội, 1961.
3. Công dư tiệp ký Tập II của Vũ Phương Đề (Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch), Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962.
Bà đã không trực tiếp căn cứ vào các bản chữ Hán nên chữ “chúc văn” chỉ là căn cứ theo các bản dịch sang chữ quốc ngữ.
Chữ Hán 祝文 “chúc văn” có thể hiểu theo nghĩa văn tế chữ 祝 (chúc) ấy theo Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu có hai nghĩa chính là khấn và chúc mừng. Quyển Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng giảng theo hai nghĩa là lời đọc lên khi tế lễ và nói điều lành cho người khác. Người ta thường hiểu chúc là “lời chúc mừng, lời chúc điều lành cho người khác” mà không để ý rằng chữ chúc còn có nghĩa là “lời đọc lên khi tế lễ, lời khấn” .
Vậy “chúc văn” có thể hiểu là lời khấn, lời đọc khi tế lễ hoặc lời đọc chúc tụng Công chúa khi tế lễ như khi Mạc Đĩnh Chi đọc lúc bị thử tài mà ông đã nêu ra trong phần câu hỏi.
HỎI:
Mấy năm gần đây, báo chí, TV, các phương tiện truyền thông đâu đâu cũng nói đến việc phải “trong sáng tiếng Việt”. Thế nhưng chính họ lại nói sai, viết sai nhiều quá. Tôi từng hy vọng Hồn Việt sẽ mở một mục chuyên viết về chỉnh đốn lại vấn đề này. Nhưng tôi đã thất vọng. Xin cho phép tôi nêu vài thí dụ để chứng thật lời nói của mình:
Câu sai:
- Cơn gió nào đưa bạn tới đây?
- Ngậm bồ hòn làm ngọt.
-Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Câu đúng:
- Quel bon vent vous amène?
- Ngậm bồ hòn làm mật.
- Tránh vỏ dưa đạp vỏ dừa.
Nếu liệt kê hết ra đây, tôi e sẽ mất nửa ram giấy…
Một độc giả phường Tân Tiến - Buôn Ma Thuột
ĐÁP:
Xin cám ơn ông đã tín nhiệm Hồn Việt mà yêu cầu chúng tôi mở một mục chuyên về việc chỉnh đốn lại những chữ nói sai, viết sai thường gặp trên báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chúng tôi không mở ra một mục như vậy nhưng nếu các độc giả Hồn Việt ai có nêu ra chữ nào nói sai, viết sai chúng tôi sẵn sàng trả lời để đóng góp vào việc làm trong sáng tiếng Việt. Sự thực thì trên báo chí, truyền hình và truyền thông đại cũng có những sai lầm thật nhưng không đến nỗi nhiều như ông nói là “nếu kể ra thì mất cả nửa ram giấy”.
Ông chỉ nêu ra ba thí dụ trong đó hai thí dụ về tục ngữ thì chính ông lại sai. Người ta vẫn thường nói “Ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không ai nói “Ngậm bồ hòn làm mật” cả vì câu ấy có ý nói ngược lại là tuy bồ hòn mà ngậm thì phải thấy đắng (khổ) chứ không thể thấy ngọt (cam) được những vẫn phải nhẫn nhục cam chịu vậy.
Hoặc câu “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” thì chữ gặp cũng đúng hơn chữ đạp vì ta thường hiểu tránh mà vẫn gặp phải thì nghĩa mới đi với nhau.
Hai câu ấy trong quyển Tục ngữ Phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (in năm 1928) và quyển Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức (in năm 1931) đều chép là “Ngậm bồ hòn làm ngọt” và “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Chép như vậy thì mới đúng.
Riêng về câu “Quel bon vent vous amène?” mà dịch sang tiếng Việt là “Cơn gió nào đưa bạn tới đây?” thì cũng không hẳn sai vì người ta vẫn có thể hiểu là “May mắn nào đã đưa bạn tới đây?”. Chỉ có điều là câu tiếng Việt không dịch chữ “bon” thôi. (Theo tiếng Pháp thì bon vent (gió lành) có nghĩa là bonne chance tức may mắn).
Bộ Tự điển của Viện Hàn lâm Pháp - quyển II đã giảng nghĩa câu “Quel bon vent vous amène?” như sau:“Se dit: À une personne qui arrive, pour lui témoigner qu’on est surpris et bien aise de le voir” (Nói về một người khách đến thăm, để tỏ cho người ấy thấy mình lấy làm ngạc nhiên và thích thú được gặp lại).