Chái bếp của mẹ

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã di chuyển qua nhiều nơi chốn, đã thay đổi bao nhiêu căn nhà, nhưng đến giờ tôi không thể nào quên được căn nhà của cha mẹ tôi ở một vùng quê nghèo miền Trung, thời tôi còn niên thiếu. Một căn nhà mái tranh, vách đất như đa số căn nhà ở nông thôn thời ấy. Nhưng đọng lại trong tâm trí tôi bao năm tháng vẫn là phần chái bếp sau nhà, trong đó có cái gác bếp của mẹ thần kỳ như chuyện cổ tích.

Phần chái bếp đó là phần phụ nằm liền sau căn nhà, mái thấp hơn và diện tích nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ cho mẹ tôi ra vô làm bếp. (Đến bây giờ tôi cũng không hiểu và không giải thích được tại sao với một chái bếp lợp tranh thấp lè tè, việc đun nấu lại bằng than củi, mà kéo dài hàng chục năm, gia đình tôi cũng như các gia đình khác ở vùng quê này lại chưa bao giờ xảy ra hoả hoạn).


Ảnh: Dung.

Trong phần chái bếp đó, mẹ tôi cho găm vào mái tranh vài thanh tre nhỏ rồi đặt lên đó một phên tre mỏng làm thành một cái gác bếp nhỏ gọn. Trên đó mẹ để lăn lóc bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, cùng với những quả mướp già, những trái bắp khô cứng như đá, những bông vạn thọ héo khô, những vỏ bầu lâu ngày lên bóng đỏ au…

Mẹ còn nhặt những nuộc lạt do cha làm rơi vãi, găm vào chái bếp và nhét những gói lá chuối khô vào dưới những tấm tranh, trong đó không biết đựng những thứ gì. Những mạng nhện giăng đầy các góc bếp, qua năm tháng, bám khói than đen lấp lánh và dẻo quẹo, mẹ vẫn giữ nguyên, không quét chúng đi. Những việc làm của mẹ tưởng như vô bổ và ít ai trong nhà để ý đến.

Lúc tôi còn nhỏ, mỗi buổi đi học về là chạy ngay vào bếp, lúc nào mẹ cũng cho một củ khoai lang lùi tro còn nóng hôi hổi hoặc một trái bắp nướng thơm lựng kích thích dạ dày của cậu bé đang háu ăn. Càng lớn lên, tận mắt chứng kiến những gì xảy ra, tôi mới hiểu được việc làm của mẹ và những điều lo xa của bà dưới chái bếp gia đình. Một lần tôi đi chơi về, bị té gây trầy xước làm chảy máu hai đầu gối, mẹ đưa tôi vào bếp, lấy tay quơ một nắm mạng nhện bám đầy khói bếp đắp vào vết thương của tôi. Lạ thay, vết thương ở hai đầu gối cầm máu ngay và bớt đau nhức. Đó không phải là điều thần kỳ từ chái bếp của mẹ tôi hay sao?

Những quả mướp, những trái bắp khô, những bông vạn thọ mẹ cất giữ ở gác bếp, chờ đúng ngày đúng vụ, tự tay mẹ hoặc nhắc nhở các anh chị tôi đem hạt đi gieo trồng để cuối cùng thu hoạch hoặc nở hoa đúng mùa đúng vụ, không bao giờ sai lệch.

Nhớ nhất và gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi là một lần trời mưa to gió lớn sắp chuyển thành bão, cha và các anh trai tôi phải cuống cuồng cột lại mái tranh, vá các phên cửa lỏng lẻo để chống chọi với gió bão. Trong lúc cha lo sợ thiếu lạt buộc, chính mẹ là người cung ứng kịp thời những nuộc lạt dẻo dai mà bà nhặt được và cất giữ ở chái bếp từ lâu tưởng như vô dụng, giờ trở nên hữu dụng.


Ảnh: Quỳnh Anh.

Chái bếp của mẹ còn theo tôi đến tận bây giờ với tiếng cơm sôi réo rắt và những làn khói bếp từ mái tranh toả lên bầu trời vào mỗi buổi chiều tà khiến cho bất cứ người xa xứ nào cũng phải nao lòng.

Bây giờ thời đại công nghiệp hoá, với các thiết bị gia dụng tiên tiến, phần không gian bếp không còn là chỗ riêng tư dành cho người nội trợ. Người ta đã biến không gian bếp thành không gian chung để họp mặt gia đình và cả làm nơi tiếp khách khi có tiệc tùng. Người ta sử dụng nào bếp gas, bếp điện, lò vi ba, nồi áp suất, lò nướng, nồi cơm điện và nhiều vật dụng hiện đại khác. Dĩ nhiên không dễ gì còn nghe được tiếng cơm sôi réo rắt của thời thơ ấu, mà tôi được nghe bên nồi cơm mẹ nấu bằng than củi. Còn khói bếp, nếu có, cũng mất tăm trong các lò nướng hiện đại.

Có thể ai đó sẽ chê tôi ở tuổi bạc tóc nên hay hoài cổ một cách bảo thủ. Nhưng quả thật, đã bao năm tháng trôi qua với biết bao biến thiên của lịch sử, của đời người nhưng tôi không bao giờ quên được chái bếp ở quê nhà với bao thứ lỉnh kỉnh tưởng như vô dụng mà hữu ích của mẹ suốt một thời nghèo khó.

Tôi và các anh chị tôi đã trưởng thành từ căn nhà có chái bếp của mẹ một thời lam lũ, gian khó đó. Giờ đây, khi cha mẹ trở thành người thiên cổ, mỗi khi gặp gỡ, nhắc nhớ lại nơi xưa chốn cũ, chúng tôi đều rơi nước mắt.

HUỲNH QUANG NAM