Chơi trò chơi với Google

Ngày 30 tháng 9 năm 2011, tại trang web trannhuong.com có đăng bài của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, "Thử đánh giá sự nổi tiếng của từng nhà văn". Quý độc giả có thể đọc toàn văn bài viết ở bên dưới.

Lâu nay xem trên tivi tôi thường thấy trong các cuộc thi như ca hát, nhảy múa, người mẫu…các ban tổ chức thường sử dụng điểm số của quần chúng bên cạnh điểm số do Ban chấm khảo đưa ra. Và như thế có giải của Ban giám khảo, bên cạnh đó có giải của khán giả bình chọn. Từ cách làm việc đó, tôi suy nghĩ, tại sao trong văn chương những người có trách nhiệm không sử dụng hình thức này nhỉ?

Tất nhiên bằng số đông chúng ta không thể đo được giá trị của mỗi tác phẩm nhưng với số đông chúng ta có thể biết được độ “nổi” của từng tác phẩm cụ thể và của từng nhà văn trong cộng đồng. Vừa qua tôi đã dùng công cụ tìm kiếm google trên mạng internet để tìm hiểu vấn đề trên thì thấy có được đáp số thật thú vị.

 Tức là phàm những nhà văn nhà thơ nổi tiếng hoặc với những tác phẩm nổi tiếng thì đều cho ra những kết quả (bằng con số rất cao so với những nhà văn ít nổi tiếng) dù người đó mất đã lâu, đã sống vào thời kỳ mà nói về internet chắc còn cho là chuyện viễn tưởng như Ngô Tất Tố, Tản Đà, Nam Cao hoặc với những nhà văn nhà thơ hiện đang sống nhưng rất xa lạ với phương tiện truyền thông hiện đại này như Thanh Tùng và nhiều nhà văn già khác…Như vậy, có thể khẳng định sự nổi tiếng của họ không hề liên quan đến việc hàng ngày họ sử dụng hay không sử dụng in ternet.

Sau đây là những kết quả của những nhà văn được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh (những nhà văn đã từ trần hoặc xin rút tên không có trong danh sách này): Đỗ Chu (75.600), Hồ Phương (40.300), Ma Văn Kháng (109.000), Hà Minh Đức (6.120), Hữu Thỉnh (493.000), Lê Văn Thảo (110.000), Lê Lựu (227.000), Hoàng Tích Chỉ (5).

Còn đây là số “phiếu” với các nhà văn được đề cử giải thưởng Nhà nước (những nhà văn xin rút tên và quá cố không có trong danh sách này): Nguyễn Khắc Phê (42.200), Lê Minh Khuê (90.000), Hồ Sĩ Vịnh (3), Văn Linh (28.100), Phan Hồng Giang (5840), Nguyễn Chí Trung (13.700), Hoàng Nhuận Cầm (40.500), Thái Bá Lợi (13.000), Văn Công (không có kết quả), Ngô Văn Phú (14.700), Nguyễn Thị Hồng Ngát (24.700), Mai Quốc Liên (2420), Anh Ngọc (38.500), Xuân Cang (8080), Ông Văn Tùng (5310), Trang Thế Hy (39.800), Bùi Bình Thi (13.000) Nguyễn Viết Lãm (4920), Hồng Nhu (11.300), Nguyễn Phan Hách (18.400), Ngô Thảo (20.900), Thanh Quế (3400), Cao Tiến Lê (3770), Trần Ninh Hồ (2370), Lê Thành Nghị (3980), Trần Văn Tuấn (43.100), Nguyễn Thị Như Trang (5630), Nguyễn Hữu Nhàn (13.300), Tô Nhuận Vỹ (12.900), Đức Hậu (6850), Vân Thanh (4), Nguyễn Trọng Tạo (278.000), Hoàng Minh Châu (10.900), Hoàng Minh Tường (29.200), Hồ Anh Thái (118.000), Đình Kính (54.600), Đặng Hấn (1390), Vũ Huy Anh (9) .

Như trên đã nói con số vừa dẫn không nói lên giá trị tác phẩm và giá trị sự nghiệp văn chương của các nhà văn nhưng nó đo được độ “nổi” của mỗi nhà văn trong cộng đồng.

Nhân có “con chuột” trong tay tôi thử bấm sang vài nhà văn không được đề cử giải thưởng xem sao. Tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp có số phiếu cao ngất ngưởng (531.0000), tiếp đến Trần Đăng Khoa (348.000), Bảo Ninh (211.000) rồi Trần Nhương (63.000), Tạ Duy Anh (55.600)…

Cũng tiện tay, tôi bấm sang mấy nhà văn mới được vào Hội mà tôi có cơ hội quen biết thì thấy cho ra một kết quả thật buồn. Có người có số “phiếu” dưới 10, có người là con số “không” tròn trĩnh. Tôi nghĩ Ban Chấp hành Hội Nhà văn từ nay trong quá trình xét kết nạp Hội viên cũng nên tham khảo cách đánh giá này. Chả lẽ là hội viên Hội nhà văn mà không có ai đọc họ, không một lần được bạn đọc nhắc tên của họ trên mạng.

Cuối cùng, tiện có cái cân trong tay, chả lẽ chỉ đi cân trọng lượng của người mà không dám cân mình, tôi cũng bấm chuột vào mấy tên anh em cùng làm trong một tờ báo (Kiến thức Gia đình) xem sao. Thật may kết quả cũng không đến nỗi nào. Cụ thể là: Lê Thiếu Nhơn (83.700), Thanh Tùng (70.700), Nguyễn Khoa Đăng (25.700).

Những con số trên đây được cập nhật vào hồi 3 giờ 30 ngày thứ sáu 30.9.2011.

Đây rõ ràng chỉ là một cuộc dạo chơi của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, thế nhưng một số độc giả của Hồn Việt có phản ánh rằng, các con số đưa ra chưa được chính xác. Vì thế mà chúng tôi, để làm rõ thắc mắc cũng như mở rộng đường cho độc giả tham khảo, đã ngồi kiểm tra lại từng cái tên được nêu ở trên với công cụ tìm kiếm Google.

Thứ nhất, hiện nay, Internet đã đến với từng nhà, việc đưa thông tin cá nhân lên mạng đã trở nên phổ biến với bất kỳ ai. Google chỉ là công cụ tìm kiếm theo từ khóa, cho nên chỉ tìm theo tên để trong ngoặc kép sẽ không chính xác, chính vì thế chúng tôi để thêm phía sau họ tên từ khóa ("nhà văn", "nhà thơ", "GS", "TSKH"...) để tăng tỉ lệ đúng của kết quả tìm kiếm.

Kết quả như sau. Quý độc giả đọc theo thứ tự: Họ tên nhà văn - số liệu lấy từ trang web trannhuong.com - số liệu chúng tôi tự tra vào lúc 14h ngày 03 tháng 10 năm 2011.

1. Đỗ Chu - 75.600 - 39.800

2. Hồ Phương - 40.300 - 90.400

3. Ma Văn Kháng - 109.000 - 311.000

4. Hà Minh Đức - 6.120 - 76.700 (với từ khóa “nhà văn”) - 60.000 (với từ khóa“GS”)

5. Hữu Thỉnh - 493.000 - 198.000

6. Lê Văn Thảo - 110.000 - 310.000

7. Lê Lựu - 227.000 - 103.000

8. Hoàng Tích Chỉ - 5 - 22.200

9. Nguyễn Khắc Phê - 42.200 - 76.400

10. Lê Minh Khuê - 90.000 - 213.000.

11. Hồ Sĩ Vịnh - 3 - 6.020 (với từ khóa “GS”) - 6.820 (với từ khóa “nhà văn” )

12. Văn Linh - 28.100 - 1.850 (với từ khóa “Mùa hoa dẻ” ) - 4.450.000 (với từ khóa “nhà văn” - kết quả này gồm nhiều người khác nhau, không chính xác)

13. Phan Hồng Giang - 5.840 - 21.600 (với từ khóa “TSKH” ) - 8.900 (với từ khóa “Dịch giả”) - 31.000 (với từ khóa “Nhà văn” )

14. Nguyễn Chí Trung - 13.700 - 9.980 (với từ khóa “nhà văn” ) - 13.600 (chỉ để tên)

15. Hoàng Nhuận Cầm - 40.500 - 80.600 (với từ khóa “nhà thơ” ) - 254.000 (chỉ để tên)

16. Thái Bá Lợi - 13.000 - 26.500 (với từ khóa “nhà văn”) - 31.300 (chỉ để tên)

17. Văn Công - Không xác định được.

18. Ngô Văn Phú - 14.700 - 385.000 (với từ khóa “Nhà văn”) - 183.000 (“Nhà thơ”)

19. Nguyễn Thị Hồng Ngát - 24.700 - 76.200

20. Mai Quốc Liên - 2.420 - 42.600 (với từ khóa “GS”) - 55.800 (với từ khóa “Nhà văn” ) - 142.000 (chỉ để tên)

21. Anh Ngọc - 38.500 - 49.000

22. Xuân Cang - 8.080 - 13.100

23. Ông Văn Tùng - 5.310 - 21.000 (với từ khóa “Nhà văn” ) - 19.800 (với từ khóa “Dịch giả” ) 

24. Trang Thế Hy - 39.800 - 7.240 (chỉ để tên) - 22.800 (với từ khóa “Nhà văn” )

25. Bùi Bình Thi - 13.000 - 27.200

26. Nguyễn Viết Lãm - 4.920 - 16.900

27. Hồng Nhu - 11.300 - 123.000

28. Nguyễn Phan Hách - 18.400 - 64.500 (“nhà văn”)

29. Ngô Thảo - 20.900 - 12.100

30. Thanh Quế - 3.400 - 16.800 (với từ khóa “nhà văn” ) - 9.760 (với từ khóa “nhà thơ” )

31. Cao Tiến Lê - 3.770 - 14.500

 32. Trần Ninh Hồ - 2.370 - 48.700

 33. Lê Thành Nghị - 3.980 - 28.200 

34. Trần Văn Tuấn - 43.100 - 286.000

35. Nguyễn Thị Như Trang - 5.630 -  24.000 

36. Nguyễn Hữu Nhàn - 13.300 - 18.800

37. Tô Nhuận Vỹ - 12.900 - 30.100

38. Đức Hậu - 6.850 - 52.100

39. Vân Thanh - 4 - 6 (“nhà văn Vân Thanh” ) 

40. Nguyễn Trọng Tạo - 278.000 - 505.000

41. Hoàng Minh Châu - 10.900 - 41.100

42. Hoàng Minh Tường - 29.200 - 70.100

43. Hồ Anh Thái - 118.000 - 306.000

44. Đình Kính - 54.600 - 29.300

45. Đặng Hấn - 1.390 - 1.160

46. Vũ Huy Anh - 9 - 9.210

47. Nguyễn Huy Thiệp - 5.310.000 - 240.000 (với từ khóa “nhà văn” ) - 284.000 (chỉ để tên)

48. Trần Đăng Khoa - 348.000 - 2.720.000 (chỉ để tên) - 616.000 (với từ khóa “nhà thơ” )

49. Bảo Ninh - 211.000 - 511.000 (với từ khóa “nhà văn”) - 1.540.000 (chỉ để tên)

50. Trần Nhương - 63.000 - 93.500

51. Tạ Duy Anh - 55.600 - 170.000

52. Lê Thiếu Nhơn - 83.700 - 207.000 

53. Thanh Tùng - 70.700 - 119.000

54. Nguyễn Khoa Đăng - 25.700 - 67.400

Thứ hai, việc chênh lệch vài nghìn trong mỗi lần tìm kiếm khác nhau trên Google là bình thường. Tuy nhiên, những con số mà chúng tôi lấy từ trannhuong.com và tự mình kiểm chứng có khá nhiều khác biệt. Điều đó nhường cho quý độc giả xem xét.

Thứ ba, mạng Internet là thế giới “ảo”, nó không phản ánh được giá trị đích thực của một nhà văn hay các tác phẩm của họ, cũng không đo được sự hâm mộ của độc giả, và càng không phải là minh chứng cho “độ nổi” của một người. Nói như thế thì thành ra những ai siêng năng lên mạng, những ai chăm phát biểu với báo mạng, ai có các website, blog cá nhân... thì “nổi” hơn? Văn chương ở ta còn được đo, và chủ yếu được đo ở sự đọc trên sách, trên báo.

Thế nhưng đã đưa ra cho bàn dân thiên hạ xem thì cần có sự chính xác, khách quan, như thế mới vui trọn vẹn được.

Cách đây không lâu, một nhà tâm lý học có đưa ra cảnh báo rằng, một bộ phận không nhỏ giới trẻ bây giờ sống khép kín với gia đình, bạn bè, xã hội mà phần lớn ăn ngủ với máy tính, với Internet. Nếu tự “đo” độ nổi tiếng của bản thân qua công cụ tìm kiếm Google thì dễ đắm chìm vào thế giới “ảo”. Đó là một trong nhiều điều nên tính đến khi “chơi” “trò chơi” này.

Trương Thị Mỹ Dung