“Chới với” với “Chơi vơi”

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Sau khi ngao du một vòng tại các Liên hoan phim Quốc tế Venice, Toronto, Bangkok… và nhận giải của Hiệp hội phê bình Quốc tế (FIPRESCI) tại Liên hoan phim Venice lần 66, Chơi vơi trở về nước và công chiếu trên toàn quốc. Tại TP. Hồ Chí Minh phim được rạp Galaxy sắp lịch chiếu vào hai xuất ban ngày: 10g và 12g trưa.

Khán giả trong nước đến với Chơi vơi vì đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã là một tên tuổi đáng tin cậy từ dấu ấn sâu sắc của Sống trong sợ hãi và tất nhiên là cũng có chút tò mò về cái giải thưởng “danh giá” nước ngoài này.

Vì thế, tuy bị chiếu vào giờ khá trái khoáy, rạp chiếu cũng không đến nỗi đìu hiu như số phận của một số phim được nhà nước tài trợ hiện nay. Nhưng quả thực phim đã gây một hiệu ứng ngược bởi sự xa lạ mà đạo diễn đang cố gắng dựng lên trong phim về đất nước và con người Việt Nam. Không có bắt đầu, không có kết thúc. Chỉ là tâm trạng con người, là những trạng thái không ai biết nó là cái gì. Và vì không lý giải được nên người ta gọi tên nó là Chơi vơi.

Thực ra, đó chỉ là một cách nói bởi những gì diễn ra trên phim quá dễ hiểu cho một cách lý giải duy nhất: đó chính là bản năng con người. Bởi không có cách lý giải nào khác hơn cho một cô gái trẻ đẹp, có trình độ tiếng Anh lưu loát như Duyên lại lấy một anh tài xế taxi nhỏ hơn mình 2 tuổi, đang sống với mẹ và một bầy em trong một căn nhà lụp xụp chỉ với một lý do là trông anh ấy ngủ như trẻ con và hơi thở cực kỳ tinh khiết (?!). Cô gái ấy lấy chồng không toại nguyện vì anh chồng cứ tiếp tục ngủ như trẻ con?

Người đàn ông mới cưới vợ, nhưng cứ ngủ khì khi ở bên cạnh vợ và không có xúc cảm gì khi cô vợ cố gắng mời mọc… Anh ta có vấn đề về sinh lý chăng? Không phải, anh ta vẫn là đàn ông bình thường nhưng người đàn ông ấy lại sẵn sàng kiêng khem với vợ chỉ vì một nguyên cớ kỳ lạ là để lấy hên cho bạn mình trong những trận đỏ đen (!).


Tình cảm khó hiểu giữa Cầm (Linh Đan) và Duyên (Hải Yến).

Chừng ấy những tình huống kì cục như vậy là để chuẩn bị cho một cuộc ngoại tình chớp nhoáng của Duyên. Có anh chồng như vậy, nên Duyên ngay lần đầu tiên gặp Thổ khi mang lá thư của Cầm đến cho anh ta, cô đã lập tức trở thành con mồi cho một cuộc cưỡng bức bạo liệt. Lần đầu tiên gặp mặt và bị cưỡng bức ngay trong căn phòng của anh ta, nhưng cô không hề căm giận mà ngược lại… Và cô tiếp tục bị cuốn vào cơn lốc nhục dục cùng Thổ. Còn anh chồng vẫn tiếp tục vô tư ngủ như trẻ con…

Cái bẫy ấy là do Cầm xếp đặt để đẩy Duyên đến với tình nhân của mình như một cách cho Duyên thấy rõ sai lầm của cô khi cưới Hải, cái đám cưới mà Cầm không tới dự dù là bạn thân thiết của Duyên. Tình bạn này không bình thường nên được coi như có chút đồng tính trong đó. Nhưng dân đồng tính thứ thiệt chắc chắn sẽ không công nhận thứ tình yêu kiểu này.

Có lẽ vì nó lưng chừng, không giống ai, nên nó cũng được lý giải theo kiểu của chơi vơi. Rồi lại thêm mối tình của cô gái tên Vi với Thổ, mối tình theo kiểu “nô lệ” này cuối cùng được kết thúc bằng cuộc tự sát ngay trong chuyến hướng dẫn du lịch của Thổ cùng các khách nước ngoài.

Những mối tình ngổn ngang, lộn xộn ấy được đạo diễn cảnh báo là không nên nhìn nhận nó rạch ròi một cách lý trí mà chỉ nên cảm nhận bằng cảm xúc. Nhưng cảm xúc sao đây khi mà mọi tình huống trên phim nó không giống gì với hoàn cảnh, con người của đất nước mình. Ngay cả chi tiết vụn vặt nhất là đạo diễn cố tình cho cô nhà văn trẻ ngồi trước trang giấy viết tay?

Trời ạ, tâm lý nhân vật thì quá hiện đại, quá thời thượng, nhưng bối cảnh vẫn cứ cố giữ những nét cổ khó hiểu, dường như đưa cái máy vi tính vào phim thì sẽ không còn cái sắc thái Việt Nam vậy? Ngay cả cái kiểu hướng dẫn du lịch của anh chàng Thổ cũng lạ, đưa vài người khách Tây đi dã ngoại mà mang theo đến hai cô bồ, một cũ, một mới: Vi và Duyên. Đạo diễn hiểu nghề hướng dẫn du lịch như thế nào mà để cho Thổ và Duyên âu yếm với nhau kiểu đó trước mặt mọi người, để dẫn đến hậu quả là Vi tự sát ngay trong chuyến đi…

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng trả lời phỏng vấn báo chí là anh buồn cười khi có ý kiến cho rằng Chơi vơi không thực. Anh muốn mọi người xem phim bằng cảm xúc, và phải biết thoát ra khỏi thực tại. Vì thế tình huống có thực hay không có thực ở Việt Nam không dính dáng gì với mạch cảm xúc của phim (?!).

Như vậy, có nghĩa là những ai có trình độ xem phim thuộc “đẳng cấp quốc tế” mới có thể hiểu được Chơi vơi. Mà cũng đúng thôi, người nước ngoài xem phim Chơi vơi bởi vì họ chẳng biết gì về Việt Nam, họ chơi vơi theo các tác giả và họ hứng thú với những mối tình đầy bản năng trong một bối cảnh lạ lẫm với họ. Nhưng với người Việt Nam, những tình huống mà các tác giả đặt ra cho cô Duyên, tạo hoàn cảnh cho cô ngoại tình là những chuyện khó tin, ngay tính cách mỗi nhân vật cùng những cách hành xử của họ cũng quá lạ lùng với người Việt Nam. Người ta chỉ có thể cảm xúc cùng nhân vật khi có sự đồng cảm và nhận diện được họ như là một phần đời gắn bó cùng cuộc sống quanh ta…


Hải (Duy Khoa) ngủ vùi bên cạnh vợ - Duyên (Hải Yến)

Nhưng tiếc rằng cuộc đời và tính cách nhân vật được bày biện trong phim nó quá xa lạ, dường như nó ẩn hiện trong dòng phim Tác giả của Pháp, của Ý… hay đâu đó ở phương Tây. Một cách bày biện tâm trạng và cảm xúc con người mà không cần thông điệp gì đằng sau nó, không ai can thiệp vào và để tự nó lên tiếng?! Cách lý giải nghe rất thời thượng, rất “sang”. Bởi “Nghệ thuật thời thượng” là ai muốn hiểu thế nào cũng được, tác giả không biện minh, không tham gia (?!). Nhưng vấn đề chủ yếu của một bộ phim làm ra là khán giả.

Tác giả hướng tới khán giả số ít, vì sự “sang trọng” nên không cần số đông cũng được. Nhưng khổ thay, tiền tài trợ của nhà nước chính là đồng tiền góp lại từ số đông. Nên anh không thể dùng đồng tiền đó để cho rằng mình chỉ hướng về số ít khán giả…

Phim có sự góp mặt của hai diễn viên Việt kiều: Phạm Linh Đan, Johnny Trí Nguyễn và Hải Yến - cô Phượng của Người Mỹ trầm lặng. Cả ba đều là diễn viên nổi tiếng, nhưng thực sự họ không thể làm nên thứ cảm xúc mà đạo diễn kêu gọi ở người xem. Nhất là Trí Nguyễn, nhân vật lẽ ra phải rất ấn tượng và đầy cá tính để hút hồn được cả ba người phụ nữ trong phim. Nhưng Thổ của Trí nguyễn quá nhạt nhòa, không để lại cái gì cho người xem ngoài việc cắt nát chiếc áo ngủ trước khi làm tình với Duyên, đó là chiếc áo mà mẹ Cầm đã thêu cho con gái cả năm trời và Cầm đem làm quà cưới cho Duyên.

Cả Cầm và Duyên cũng thế, Cầm vừa yêu vừa hận, vừa thân thiết vừa xa lạ bởi vì cô không thể đạt được điều mà cô mong muốn nơi Duyên. Nhưng cái tình cảm khó hiểu, lưng chừng ấy không tìm thấy trong ánh mắt Linh Đan. Còn Duyên của Hải Yến lại càng nhẹ tênh dù chính cô là nhân vật trung tâm của Chơi vơi.

Đúng như nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ trên báo Thể thao Văn hóa, xem phim Chơi vơi chợt nhớ đến Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng, một phim rất Việt kiều do đạo diễn Việt kiều thực hiện. Đây là thể loại phim làm không có cốt truyện, không cần thông điệp, ý nghĩa mà là một cách bày biện từng mảnh đời chắp nối với nhau. Lối làm phim này không phải mới, nó chỉ nhấn vào cảm xúc với sự mơ hồ về kết cục và tâm lý nhân vật.

Và người ta gọi đó là “cái gu” của các nền điện ảnh Pháp, Ý, Nhật… Đó cũng là lời giải vì sao hiện nay những nền điện ảnh này ngày càng mờ nhạt trước sức mạnh như vũ bão của Hollywood.

  • Tác phẩm hợp tác giữa Hãng phim Truyện 1 Việt Nam và Acrobates Film (Pháp).
  • Biên kịch: Phan Đăng Di.