Tìm hiểu ẩn dụ trong ngôn ngữ của Bác, chúng ta có thể học được cách mà Bác dùng biện pháp ngôn từ này để làm rõ cấu trúc của các quan niệm trừu tượng, bằng lời lẽ dễ hiểu và cụ thể hơn. Ẩn dụ trong ngôn ngữ của Bác còn bao hàm cả một tầm sâu rộng về tư tưởng và văn hóa.
CHỈ LÀ NÉT VIỀN QUANH
Từ ngày 31/5 đến ngày 18/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách của nước Pháp đến Paris để cứu vãn hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc cho cả hai dân tộc. Trong phần ba của cuốn Cuộc gặp gỡ định mệnh, những gì Vũ Đình Huỳnh - thư ký của Bác kể, nhà văn Sơn Tùng ghi chép, được trích lại dưới đây. Đó là một câu chuyện với lời lẽ thân mật, tự nhiên, cho phép người đọc cảm nhận về một không khí chân tình, đầm ấm giữa những người bạn thâm giao, lâu ngày gặp lại nhau:
“Tôi thay bộ đồ sĩ quan, mặc com-lê. Lúc lên xe đi được một quãng sang địa giới quận 8 gần Khải Hoàn Môn, Bác mới nói:
- Hôm nay chúng mình đến thăm nhà danh họa Picasso.
Tôi ngạc nhiên:
- Bác cũng quen họa sĩ Picasso ạ?
- Giả sử không quen biết từ trước, thì đến thủ đô Paris chúng ta cũng phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu, mà nghệ thuật tranh của ông lại làm say đắm lòng người.
Bác Hồ đến không báo trước, lúc người giúp việc của Picasso đón Bác vào gần cửa, Picasso đã nhận ra Bác, ông chạy vội tới:
- Chào anh Nguyễn - Hai người ôm chầm lấy nhau. Picasso lùi ra một bước, ngắm Bác:
- Anh già chóng quá. Đôi mắt anh vẫn trẻ và sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở Clắcfê.
Picasso đưa Bác đi xem xưởng họa của ông. Bác đi và ngắm từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà. Picasso hỏi Bác:
- Anh cho tôi một lời khuyên.
Bác đứng dậy nói:
- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người hiểu về hội họa quá ít…
Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:
- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Trung Quốc và lời chú thích bức tranh: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều. Bằng chứng ư?”. Ngày ấy tôi nói với anh Henri Barbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa. Như hôm nay anh Nguyễn đã là Hồ Chủ tịch, tác giả tập tranh Việt Nam đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của các dân tộc”.
Ông mời Bác uống nước, ông phác mấy nét chân dung Hồ Chủ tịch. Nhưng ông cất vào cặp giấy vẽ đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao tay Bác. Sau đó, Bác giao cho tôi. Tôi ngắm bức chân dung mà sững sờ. Chỉ mấy nét họa đơn sơ đã biểu hiện gương mặt Bác mênh mông với hai con mắt là hai ngôi sao.

Tranh của Đồng chí Nguyễn Ái Quốc in trên báo Người cùng khổ (1922).
Chú thích của tác giả: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà,
Nhưng chúng vẫn còn khá nhiều. Bằng chứng ư?”
Về nước sau 4 tháng đi xa, Bác tập trung vào việc lãnh đạo chính phủ và nhân dân, một mặt tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền còn non trẻ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân; một mặt tiếp tục cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao chống thế lực thực dân phản tiến bộ, âm mưu tái lập chế độ thuộc địa, chia cắt đất nước ta. Những bài viết, lời phát biểu của Người vào giai đoạn này về đối ngoại hoặc đối nội phần lớn đều tập trung vào các chủ đề ấy.
SÔNG VÀ NÚI
Sông và núi là hình ảnh thường trực của đất nước trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Và theo sự trải nghiệm thông thường của mỗi người về lẽ đổi thay của các sự vật tưởng như bền vững ấy, thì sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng có một trải nghiệm khác bất tương hợp với trải nghiệm thông thường ấy. Đó là sự bền vững của chân lý.
Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người viết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.
Ở đây Bác đã vận dụng cách so sánh không tương hợp “để cấu trúc nên một trải nghiệm dựa vào một trải nghiệm khác” (G.Lakoff, 1980) (1). Và nhờ đó, chân lý “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam” đã có sức mạnh thuyết phục không gì sánh nổi. Bởi vì, chân lý mà Bác nhấn mạnh ở đây tuy không phải là chân lý trong triết học hay một khoa học nào khác, nhưng lại là chân lý dựa vào thực tế cuộc sống.
CÁ VÀ NƯỚC
Cá và nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập lần đầu tiên sau ngày độc lập 2/9/1945, trong dịp Người nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V, Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam.
Về quan hệ giữa cán bộ với nhân dân, Người nhấn mạnh: “Phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình (tức là cán bộ - BKT) như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”.
Dùng ẩn dụ nước, Bác đã gợi nhớ một truyền thống dùng ẩn dụ trong ngôn ngữ đã có từ Nguyễn Trãi (2) để chỉ sức mạnh của nhân dân. Ở Nguyễn Trãi, ẩn dụ nước đặt trong mối quan hệ với ẩn dụ thuyền, còn ở Bác, nước được đặt trong quan hệ với cá.
Sự gắn bó giữa hai ẩn dụ cá - nước không chỉ cho ta thấy quan hệ hữu cơ giữa hai ẩn dụ, mà còn hàm ý làm nổi bật vai trò quyết định của nước - không chỉ là môi trường sống, mà còn là nguồn tạo sức mạnh - đối với cá, tức là người chiến sĩ cách mạng.
CHỦ NHÂN VÀ CÔNG BỘC
Ngày 19/9/1945, trên báo Cứu Quốc, số 46, dùng bút danh Chiến Thắng, trong bài báo có tên gọi Chính phủ là công bộc của dân, Bác đặt hai vế so sánh: “Trước cuộc khởi nghĩa ngày 19/8/1945 nói tới hai chữ chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một mối cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa… Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói chính phủ là công bộc của dân vậy”. Nói chuyện với các đại biểu báo chí ngày 6/10/1945 khi đề cập đến vấn đề nội trị, Người nhấn mạnh: “Chính phủ Dân chủ cộng hòa lâm thời là công bộc của dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trên tầng 2 nhà sàn. Ảnh TL.
Trong thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, nói về những đại biểu dân cử, Người nhấn mạnh: “Những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân, chứ không phải làm quan phát tài”.
Qua việc tìm hiểu cách Bác dùng ẩn dụ người chủ - người đầy tớ ta thấy Bác đã vận dụng một mối quan hệ vốn phổ biến trong đời thường để phát biểu và làm cho dễ hiểu một quan điểm cách mạng về mối quan hệ giữa chính quyền, người trong bộ máy công quyền và nhân dân.
ẨN DỤ VỀ CÁI GỐC
Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, để làm rõ quy luật “cán bộ quyết định mọi việc”, Bác viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Huấn luyện là công việc gốc của Đảng”. Xuất phát từ quan điểm truyền thống “lấy dân làm gốc”, Bác căn dặn “tất cả anh chị em bộ đội, cơ quan chính phủ và các đoàn thể” trong quan hệ với nhân dân “6 điều không nên và 6 điều nên làm”, và dùng một đoạn thơ ngắn đặt ở cuối bài viết với hai câu kết:
“Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Bác dùng ẩn dụ cái gốc trong lời khẳng định: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Và đọc Sửa đổi lề lối làm việc chúng ta lại gián tiếp gặp ẩn dụ này trong những trang sách Người viết tóm tắt về năm đức tính mà người cách mạng chân chính cần noi theo để rèn luyện đạo đức là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Tiếp theo đó, Người dẫn giải: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Lời dẫn giải cho thấy Bác xác định đạo đức có tầm quan trọng như thế nào ở người cán bộ cách mạng, và vì sao Người dùng ẩn dụ cái gốc để ngầm chỉ về đạo đức cách mạng.
NGHỆ THUẬT ẨN DỤ TRONG NGÔN TỪ
Còn được thể hiện những khi đấu lý, đấu trí với kẻ địch, có thể dẫn ra một trường hợp rất tiêu biểu.
Sau thời gian làm việc ở Pháp và rời đất nước này trên chiến hạm Dumont d’Urville, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến vịnh Cam Ranh ngày 18 tháng 9. Thủy sư Đô đốc D’Argenlieu đưa chiến hạm Suffren nghênh đón Hồ Chủ tịch và cố ý bố trí đội lính danh dự gồm Thủy quân, Lục quân trên chiến hạm ấy thành hình vuông. Lúc Hồ Chủ tịch vào tới tâm điểm cái hình vuông Thủy, Lục quân Pháp, D’Argenlieu với giọng đắc thắng nói: “Monsieur le Président, vous voilà bien encadré entre l’Armée et la Marine”.
Hồ Chủ tịch mỉm cười:
- “Mais, vous savez, Monsieur l’Admiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre”.
Ta nhớ lại ẩn dụ “nét viền quanh” Bác nói với Picasso khi họa sĩ này đề nghị với Bác sau khi đưa Người đi xem xưởng họa của mình: “Anh cho tôi một lời khuyên!”. “Nét viền quanh” trong câu chuyện với Picasso là ẩn dụ thể hiện đức tính khiêm tốn của Bác trước người bạn - nhà danh họa có tầm vóc thế giới. Còn ẩn dụ cái khung và bức họa là những ẩn dụ thể hiện trước hết tài ứng đối của Người trong việc đấu lý và đấu trí với đối phương.
ẨN DỤ TRONG NGÔN TỪ CỦA BÁC VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI VĂN HÓA
Về chủ nghĩa tư bản và bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản hẳn không phải ai cũng hiểu rõ, nhưng khi dùng ẩn dụ con đỉa bám hai đầu để hút máu thì chắc rằng người dân của một xứ nông nghiệp trồng lúa nước không ai còn thấy xa lạ. Có ẩn dụ Bác dùng, bắt nguồn từ thành ngữ có ý nghĩa triết lý thông thường trong dân gian (sông cạn, núi mòn); nhưng khi được Người đưa vào kết cấu câu để vận dụng phương thức ẩn dụ thì thành ngữ ấy được cải biên - thêm từ có thể vào thành ngữ và dùng từ nhưng ở vế đối ứng - để phục vụ cho nội dung tư tưởng cần diễn đạt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư ký Vũ Đình Huỳnh tại Paris năm 1946.
Ảnh TL.
Tìm về cội nguồn xa hơn ta còn biết thêm quan hệ nước và thuyền của Nguyễn Trãi được dựa vào sách Gia ngữ. Sách ấy chép: Khổng Tử thưa với Ai Công rằng: “Vua là thuyền, thứ dân là nước. Nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”.
Trong câu chuyện ẩn dụ “đóng khung” (bien encadré) của Đô đốc Hải quân Pháp Georges Thierry d’Argenlieu cũng như ẩn dụ cái khung (cadre) và bức họa (le tableau) qua lời đối đáp của Bác, chúng ta lại càng khâm phục Người về sự am hiểu sâu sắc văn hóa Pháp và tài năng ứng đối nhạy bén trong các tình huống giao tiếp ngôn từ.
Để chia sẻ sự cảm nhận về điều này, trước tiên tôi xin nêu cách hiểu của mình về một số từ ngữ Pháp trong câu chuyện. Encadrer là một động từ được cấu tạo theo phương thức phái sinh (dérivation) từ danh từ cadre có nghĩa là cái khung (ảnh), khuôn khổ, khung cảnh. Encadrer có nghĩa đóng khung, lồng khung (ảnh), viền quanh; mà cũng có thể hiểu là bao quanh, vây xung quanh.
Từ đó, câu nói của D’Argenlieu có thể được tạm hiểu theo ý tốt là: “Thưa Chủ tịch, Ngài được đội hải quân và lục quân viền quanh (vây quanh)”, mà cũng có thể được hiểu theo ẩn ý thiếu thiện chí: “Thưa Chủ tịch, các ông hoàn toàn đang ở trong vòng vây của Lục quân và Hải quân (chúng tôi)”.
Biết rõ ẩn ý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển sang thế tấn công bằng cách dùng lối chơi chữ (jeu de mots) rất tinh tế trong văn hóa Pháp. “Nhưng, thưa Đô đốc, chính bức tranh mới làm tôn giá trị cho cái khung”.
Để kết lại một cách ngắn gọn cho tiểu mục này, tôi xin mượn lời nhận xét dưới đây của cố giáo sư Phạm Huy Thông nói về phong cách ngôn ngữ Pháp của Bác: “Dùng tiếng Pháp, Người nắm ngôn ngữ Pháp vững vàng, sử dụng ngôn ngữ Pháp tế nhị… Năng lực về ngôn ngữ Pháp của Người được thể hiện trước tiên trong việc Người đã nhận thức được đầy đủ về các loại văn Pháp, và đã lựa được xác đáng loại nào là hợp, là có hiệu quả cao ở từng trường hợp” (Phạm Huy Thông, 1988).
Nhiều ẩn dụ được Bác dùng cho thấy Người vận dụng linh hoạt các triết lý nhân văn trong truyền thống phương Đông (về vai trò của nhân dân, về đạo đức, về nghĩa vụ của người được trao cho quyền quản lý xã hội…), đồng thời Người còn thấm nhuần và huy động vốn văn hóa dân tộc hết sức thích hợp trong mọi hoàn cảnh giao tiếp (cá và nước, châu chấu và xe hoặc voi).
Bác cũng sử dụng hết sức sinh động vốn hiểu biết sâu sắc của mình về ngôn ngữ, về văn hóa phương Tây trong hơn 20 năm sống, học hỏi và hoạt động trong lòng nước Pháp, đồng thời trải nghiệm cuộc sống đa dạng ở nhiều nơi trên thế giới.
Chúng ta đã có thể thấy một biện pháp tu từ trong ngôn ngữ của Bác có thể biểu lộ cả chiều sâu rộng về tư tưởng và văn hóa ẩn chứa trong sản phẩm ngôn từ của Người như thế nào. Đó chính là một trong những thành tố làm nền tảng của tinh chất “Minh triết Hồ Chí Minh”.