Tôi không biết những con số về diện tích, về năng suất, sản lượng của những thửa ruộng, cánh đồng, của lúa, ngô, đậu, lạc. Tôi không làm công việc thống kê của nhà quản lý nông nghiệp hay kinh tế. Tôi chỉ là khách vãng lai của cánh đồng.
Cánh đồng màu mỡ đổi màu theo thời vụ. Về mùa xuân, lúa con gái xanh non mơn mởn, dịu dàng, nghiêng nghiêng, nem nép vào nhau mãn nguyện với làn mưa xuân nhẹ như sương khói nhuần nhị tan ngấm vào sâu thẳm của sự non tơ. Những cánh én chao nghiêng đan dệt, khi sà thấp xuống ngọn lúa như lả lơi gợi tình, khi bay vút lên cao ảo mờ trong làn mưa xuân như mơ, như thực, như có, như không.
Khi cây lúa chia vè, tròn mình, trổ bông, cả cánh đồng dậy lên mùi hương hoa lúa, mùi hương của mênh mông, vô cùng, vô tận. Mùi hương chỉ đủ để người ta cảm nhận và ngây ngất. Kẻ tham lam như tôi có muốn mùi hương hoa lúa ấy đậm đặc cho riêng mình để cất giữ đầy ắp trong lồng ngực, trong từng tế bào cơ thể cũng không được. Mùi hương quyến rũ ấy của đồng nội không dành riêng cho ai, không thiên vị một ai, chỉ có điều ai biết hưởng thụ thì người ấy được nhiều. Vào kỳ lúa ngậm sữa, lại cho ta một cảm giác liên tưởng thú vị đến hình ảnh em bé ngậm bầu vú mẹ, em bé ấy cũng chính là mỗi chúng ta thuở lọt lòng nằm trong vòng tay mẹ, uống dòng sữa mẹ mà lớn lên.
Đến khi bông lúa chắc hạt, hoe vàng, úa lá gừng, cũng là lúc xóm làng chuẩn bị cho ngày thu hoạch. Những ngày ấy, không ai nói với ai, nhưng trong lòng mỗi người đều khấp khởi niềm vui. Người ta lo toan liềm hái, quang gánh, sân phơi, chum chóe, bao bì đựng thóc. Trên cánh đồng đã đến ngày nhấp nhô nón trắng, những lưng áo trắng muối mồ hôi. Mùa thu hoạch, không gian rực rỡ màu vàng của nắng, màu vàng của lúa và màu hồng trên gương mặt những cô thôn nữ. Rồi chả bao lâu sau, cánh đồng còn lại với mênh mông gốc rạ và gió. Những đường cày lại lật đất, màu nâu của đất, giản dị mà bền bỉ, phơi dưới nắng. Cây màu ngắn ngày: rau, đậu, lạc, vừng, ngô, khoai... lại được gieo trồng tiếp nối. Đất hóa thân khoác lên mình màu xanh mới như minh chứng cho một khả năng tiềm tàng đã được chắt chiu tự ngàn đời để bây giờ trù phú, mỡ màu. Mọi sự như thế của đất hiện hữu ở từng củ khoai, hạt lúa, chính những điều ấy đã làm nên tên làng, tên xã: Hưng, Thịnh, Phú, Quý... Làm nên sự bền chặt của nền văn minh lúa nước Đất Việt.
Đến thời vụ chính, cây mạ trên tay người chỉ trong tích tắc cắm xuống ruộng đã được đổi tên thành cây lúa. Chu kỳ của mùa màng lại bắt đầu. Những kênh mương thẳng tắp chia cánh đồng thành những ô vuông vức, đem dòng nước mát tưới cho lúa màu khi hạn hán, rút nước cánh đồng mùa lũ lụt. Cánh đồng không bao giờ khô hạn, cũng chẳng bao giờ ngập úng. Mùa màng chẳng bao giờ thất bát. Đất sinh sôi ăm ắp đủ đầy. Nhìn cánh đồng thấy yên lòng, chắc dạ. Nhìn cánh đồng lòng ta dâng lên cảm xúc thi nhân.
Cũng trên cánh đồng ấy, bây giờ mỗi lần tôi qua, một cảm giác như bâng khuâng, như day dứt. Tôi cứ tự hỏi mình nuối tiếc hay mừng vui, khi cánh đồng bị thay hình đổi dạng, thu hẹp lại, nhường chỗ cho những khu công nghiệp? Thì hẳn là mừng rồi, vì đất nước đang trên đường công nghiệp hóa hội nhập cùng xu thế phát triển toàn cầu. Điều đó là đương nhiên. Có biết hy sinh cái nhỏ thì mới có được cái lớn chứ? Đất nước mình, bây giờ cứ cho là 75% nông nghiệp, con số này trước đây là 85%, thì làm sao có thể nói mạnh về công nghiệp được? Vậy thì phải chuyển đổi để theo kịp thế giới, để mạnh giàu sánh vai cùng năm châu bốn biển. Đó là sách lược của Đảng, là điều tất yếu của sự vận động cách mạng. Vậy thì cánh đồng kia nhường đất cho công nghiệp, công nghiệp có khói và công nghiệp không khói, là đúng.
Những người nông dân được hưởng chính sách đền bù đất đai, hoa màu, con cái họ còn được ưu tiên nhận vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Đấy là hình dáng của công nghiệp hóa nông nghiệp. Ấy thế mà tôi cứ tự lục vấn mình: Sao những khu đồi trọc đến cây cối không mọc được người ta lại không xây dựng khu công nghiệp ở đó để giữ đất canh tác cho nông dân? Tại sao khu công nghiệp lại cứ phải ở những mặt bằng sát với đường quốc lộ, cho dù nơi ấy là những cánh đồng màu mỡ từ ngàn đời người nông dân đã cày cấy trên đó? Kể cả những hố bom đạn từng cày xới sau chiến tranh cũng đã được san lấp để trả lại màu xanh cho mùa màng? Còn những nền móng kia, những tũa nhà kia có bao giờ trả lại thân đất mỡ màu như nó vốn có? Mà khu công nghiệp xưởng sản xuất thì ít, nhà hàng, khách sạn, cây xăng thì nhiều, đấy là chưa nói đến có những nơi người ta xí phần đất rồi để đấy như báo chí đã đưa tin.

Về phương diện rộng của cả nước tôi không dám đề cập, mà chỉ nói đến cánh đồng quê tôi, nơi tôi thường xuyên mục sở thị và thân thuộc từng cây lúa, củ khoai... Những người nông dân đã tiêu hết tiền đền bù bây giờ trở nên vô công rồi nghề. Trai trẻ khoẻ mạnh thì kiếm cái xe đi lên thành phố làm xe ôm, thanh niên lớn lên may mắn học hành thành đạt kiếm được việc làm, nhưng có phải tất cả đều thành đạt? Số còn lại đi làm cho các công ty, các liên doanh trong Nam, ngoài Bắc. Rồi vì rất nhiều lý do có người lại bỏ về.

Tôi đã gặp một bà nông dân đội nón ngồi bên đường nhìn đăm đăm khu công nghiệp. Tôi hỏi: "Sao bác buồn?". Bà chậm rãi trả lời: "Tôi đang nhìn về khu nhà hàng kia, nơi ấy trước đây là ruộng cấy lúa của nhà tôi đấy, còn bây giờ thì...". Bà lắc đầu, giọng nói như một tiếng thở dài: "Không có đất cày cấy buồn tay, buồn chân lắm, thu nhập hoa màu cũng không. Hạt gạo thiếu đi đong đã đành, cái rau cũng phải đi mua. Nhà nông chúng tôi bây giờ sướng vậy đó. Bà chua chát đay đả tiếng "sướng" tôi nghe mà giật mình. Nông dân họ chỉ biết lợi nhuận. Không, ai cũng thế thôi, lợi nhuận trước mắt dễ cám dỗ, cho đến khi cái lợi nhuận ấy nhanh chóng qua đi người ta mới nhận chân sự bền vững thì tất cả đã qua rồi, đã muộn rồi. Như đất đai kia, đồng ruộng kia có phải ai ai cũng hiểu hết được giá trị của nó?