Tối 18/12/1972, 129 máy bay chiến lược B-52 (gồm 87 chiếc cất cánh từ căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam ngoài khơi Thái Bình Dương và 42 chiếc khác xuất phát từ căn cứ Không quân Utapao trên đất Thái Lan), mỗi chiếc chở 24 tấn bom(1), được 39 máy bay chiến thuật hộ tống, cùng hướng về miền Bắc Việt Nam, tạo ra – theo lời đại tá Không quân Walter J. Boyne – “một lực lượng ném bom tấn công phối hợp lớn nhất kể từ sau thế chiến lần thứ hai”(2).

|
Đường bay của B-52 |
19 giờ 45, các máy bay B-52 bắt đầu trút bom xuống thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở màn chiến dịch tập kích chiến lược vào Hà Nội – Hải Phòng (được biết dưới biệt danh “Chiến dịch Linebacker II”).
Kéo dài trong 11 ngày đêm(3), cuộc ném bom này được các nhà nghiên cứu đánh giá là “mạnh nhất”, “dữ dội nhất”, “tập trung nhất”, “có mức tàn phá nhất”… trong lịch sử chiến tranh trên không của Mỹ ở Việt Nam. Khác với các chiến dịch ném bom mà các tổng thống Mỹ Johnson và Nixon đã tiến hành trước đó, Linebacker II nhằm tiêu diệt không hạn chế mọi mục tiêu quan trọng trong khu vực Hà Nội – Hải Phòng. Nixon đã nói với Kissinger, cố vấn về an ninh quốc gia của ông ta, rằng: “Chúng ta sẽ phải có một quyết định lớn là đánh Hà Nội – Hải Phòng bằng B-52. Bất cứ cái gì ít hơn chỉ khiến đối phương trở nên cà khịa”(4). Ông ta triệu tập đô đốc Thomas Moorer, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đến để giao nhiệm vụ triển khai quyết định đó: “Đây là cơ hội cho ông dùng sức mạnh quân sự để thắng cuộc chiến tranh này. Và nếu ông không làm được, tôi sẽ xem ông là người chịu trách nhiệm”(5).
Để hiểu vì sao Nixon có quyết định đó, chúng ta trở lại Paris, nơi diễn ra hội nghị bốn bên về Việt Nam.
Thực hiện chủ trương “đánh cho Mỹ cút” trước rồi mới “đánh cho ngụy nhào” sau, trong phiên họp riêng chiều ngày 8/10/1972, cố vấn Lê Đức Thọ trao cho cố vấn Kissinger bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Dự thảo ưu tiên giải quyết các vấn đề: các bên cùng ngưng bắn, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ (như Hàn Quốc, Thái Lan…) rút quân về nước, ta thả hết tù binh Mỹ… Ta chưa đòi lật đổ chế độ Sài Gòn, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức… như trước nữa.

|
Lê Đức Thọ và Henry Kissinger |
Sau vài điều chỉnh không quan trọng, cả Nixon lẫn Kissinger đều tuyên bố chấp nhận bản dự thảo hiệp định do ta chủ động đưa ra, cam kết sẽ cùng ta ký kết vào cuối tháng 10/1972. Nhưng rồi Nixon bội ước. Khi các cuộc họp riêng được nối lại từ 20/11, Mỹ đòi sửa bản dự thảo 69 điểm, trong đó có yêu cầu bộ đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Nói một cách khác, hầu như phải viết lại một hiệp định khác.
Cho đến ngày 13/12, hai bên “đã thỏa thuận được mấy chục điểm lớn nhỏ” tuy vẫn “còn một số vấn đề lớn chưa thỏa thuận được”(6), trong đó có vấn đề bộ đội miền Bắc ở miền Nam. Hai bên đồng ý tạm ngưng các phiên họp riêng để hai cố vấn về nước xin chỉ thị của lãnh đạo mỗi bên. Trước khi chia tay, Lê Đức Thọ nói: “Những vấn đề [còn tồn đọng], chúng tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng có thiện chí, thì sẽ thảo luận với nhau và sẽ giải quyết được”(7). Kissinger cũng thừa nhận: “Cuộc thương thuyết đã hoàn thành 99 phần trăm”(8).
Tuy nhiên, ngày 14/12, Nixon họp cùng Kissinger quyết định tiến hành Linebacker II bốn ngày sau đó.
Đối với ta, Linebacker II không phải là chuyện bất ngờ. Được chỉ đạo của cấp trên, bộ đội ta, gồm bộ đội tên lửa, bộ đội ra đa, bộ đội pháo cao xạ, không quân và cả dân quân, tự vệ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nên chỉ nửa giờ sau khi xâm phạm vùng trời thủ đô, vào lúc 20 giờ 16, chiếc B-52 đầu tiên rơi xuống xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh). Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại đêm lịch sử ấy: “Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng Long [tức tên lửa SAM] nối nhau bay vút lên không trung, đan những vệt sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội”(9). Trong đêm đầu tiên, bộ đội ta bắn rơi tại chỗ 3 máy bay B-52, 1 máy bay F-111 và 1 máy bay A-7. Ba B-52 đến từ Guam bị hư hại nặng phải đáp khẩn cấp xuống Utapao.
Mỹ chỉ sử dụng B-52 và F-111 ném bom ban đêm, còn ban ngày thì dùng các loại máy bay chiến thuật như F-4, F-105, A-6, A-7… của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Bộ đội ta vừa chiến đấu vừa đúc rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, đêm 20/12, ta hạ thêm 6 chiếc B-52 và 1 chiếc A-6. Chiếc B-52 thứ bảy bị hư hại nặng, ráng bay về căn cứ ở Thái Lan, nhưng đã rơi xuống đất Lào.

|
Bác Hồ thăm bộ đội tên lửa |
Chỉ trong 3 đêm có tới 10 máy bay chiến lược B-52 bị hạ, 2 chiếc khác bị hư hại, 12 phi công và nhân viên phi hành chết, bị thương và bị bắt làm tù binh. Earl H. Tilford nhận định: “Chiến thuật nghèo nàn cùng với sự tin tưởng thái quá khiến cho mấy đêm đầu tiên của Chiến dịch Linebacker II trở thành cơn ác mộng đối với các phi hành đoàn B-52”(10). Mặt khác, Herman L. Gilster nhận xét vùng trời Hà Nội – Hải Phòng là “nơi có mối đe dọa cao”(11). Sáu phi công vừa bị bắt đã thừa nhận nỗi kinh hoàng trước lưới lửa dày đặc của quân và dân ta khi gặp đông đảo phóng viên các nước tại Câu lạc bộ quốc tế ở Hà Nội chiều 19/12. Lo lắng trước những tổn thất nặng nề về người và máy bay B-52, nhiều quan chức Mỹ yêu cầu Bộ tư lệnh Không quân chiến lược (Strategic Air Command) phải “chấm dứt cuộc tàn sát (carnage)” các phi hành đoàn B-52 mà theo họ “nó đã trở thành một cuộc tắm máu (a blood bath)”(12). Nhà sử học John Prados cho biết: “Ở những đơn vị có nhiều máy bay bị hạ, phi công và nhân viên phi hành trở nên khó bảo đối với sức ép của các chỉ huy. Có tin một vài người đã chống đối, hay ít ra đã từ chối thi hành mệnh lệnh. Không quân nhiều lần bác bỏ tin đó, nhưng cuốn sử chính thức của Cơ quan An ninh quốc gia (National Security Agency) đã xác nhận có cuộc ngưng làm việc xảy ra trong giới tình báo Không quân. Nhân viên điện đài ở 2 căn cứ, bao gồm người của Không quân và Lục quân, đã ngừng xử lý các thông tin về việc báo cho các máy bay B-52 biết những hoạt động phòng không của Bắc Việt Nam. Những sự cố đó đã bị bưng bít”(13).
Đêm 22/12, B-52 ném bom trúng bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện lớn nhất thủ đô này bị phá sập gần như hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân chết và bị thương. 28 bác sĩ, dược sĩ và y tá đã hy sinh(14).
Bốn ngày sau, đến lượt phố Khâm Thiên, khu Tương Mai, Mai Hương… (ở Hà Nội) và 11 tiểu khu thuộc các quận Hồng Bàng, Lê Chân cùng nhiều xã ngoại thành (ở Hải Phòng) bị ném bom rải thảm. Thế nhưng, báo cáo dài 10 trang của Bộ tư lệnh quân Mỹ ở Sài Gòn hoàn toàn không nói tới những khu vực dân sự bị trúng bom. Khi được đưa tới những nơi bị ném bom, một phi công Mỹ thốt lên: “Tôi hết sức kinh ngạc khi thấy những nơi bị chúng tôi ném bom: sự thật là tôi không thấy có bất cứ mục tiêu quân sự nào tại vùng đó cả”(15). Một nhóm người Mỹ gồm chuẩn tướng về hưu Telford Taylor (tác giả cuốn Nuremberg and Vietnam: An American Tragedy), nữ ca sĩ Joan Baez, Barry Romo (thuộc tổ chức Những cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam chống chiến tranh – Vietnam Veterans Against the War)… mang 500 thư và quà cho các tù binh Mỹ nhân lễ Giáng sinh đã chứng kiến “làng Dục Nội bị hoàn toàn xóa sạch, chẳng còn gì sót lại ngoài những xác người và đống đổ nát”(16). Khi không thể trốn tránh trách nhiệm, Mỹ phải thừa nhận những tổn thất về sinh mạng và tài sản của dân thường, nhưng gọi đó là “những thiệt hại phụ” (collateral damage).
Trừng trị B-52 gây tội ác với đồng bào ta, liên tiếp trong hai đêm 27 và 28/12, hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều lái máy bay tiêm kích MiG-21 lần lượt bắn hạ 2 B-52.

|
Pháo đài bayB-52 đang gây tội ác |
Những người Mỹ yêu chuộng hòa bình là những người đầu tiên lên tiếng phản đối chính quyền Nixon. Bất chấp thời tiết giá lạnh của mùa đông, nhân dân Mỹ xuống đường tuần hành trước Nhà Trắng (Washington, D.C.), ở quảng trường Thời Đại, trước văn phòng đại diện Mỹ trong trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York), từ bang Massachusetts bên bờ Đại Tây Dương đến bang California ven Thái Bình Dương… Kết quả cuộc thăm dò dư luận quần chúng do viện Gallup thực hiện ngay sau khi cuộc ném bom kết thúc cho thấy 60% dân Mỹ nghĩ rằng chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam là “một sai lầm” (a mistake) và hơn 2/3 dân Mỹ cho rằng Nixon đã không nói sự thật về vấn đề Việt Nam(17).
Trên tờ New York Times ra ngày 23/12, dưới nhan đề Vietnam Delenda Est (Việt Nam phải bị hủy diệt)(18), nhà báo Anthony Lewis viết: “Gửi B-52 đi ném bom những vùng đông dân cư như Hải Phòng hay Hà Nội chỉ có thể nhằm một mục đích là khủng bố… Những phương tiện mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh này từ lâu đã vượt khỏi điểm mà chúng có thể được biện minh bằng cứu cánh… Lịch sử sẽ phán xét đó là một tội ác chống nhân loại”. Hai ngày sau, cũng trên tờ báo ấy, A. Lewis gọi Nixon là “kẻ giết người hàng loạt” (mass murder), lên án “những kẻ không còn tính người” (men without humanity) đã ra lệnh ném bom rải thảm trong “một lễ Giáng sinh khủng khiếp” (a Christmas of horrors). Xã luận tờ báo này ngày 20/12 viết: Nước Mỹ có nguy cơ trở lại “sự dã man của thời đồ đá” (Stone Age barbarism)(19). Trong khi đó, báo Washington Post nhận xét cuộc ném bom là “man rợ và điên rồ” (savage and senseless), “hàng triệu người Mỹ phải cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của tổng thống của họ”(20). Nhà báo Joseph Kraft gọi chiến dịch ném bom là một hành động “khủng bố điên rồ làm hoen ố uy danh nước Mỹ”(21).
Ngay cả một số chính khách Mỹ cũng không đồng tình với Nixon. Chẳng hạn, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia John Negroponte phê phán: “Trận ném bom đó là quá đáng”, còn đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Ellsworth Bunker cho rằng: “Tôi nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta không nên làm”(22).
Ngoài biên giới nước Mỹ, phong trào phản đối càng dữ dội hơn. Các cuộc biểu tình chống Mỹ nổ ra ở nhiều thành phố: London, Berlin, Rome, Amsterdam… Công đoàn hàng hải các nước Ý, Úc quyết định tẩy chay bốc dỡ hàng hóa cho tàu bè của Mỹ. Báo Die Zeit ở Hamburg (Tây Đức) lên án cuộc ném bom là “một tội ác chống nhân loại” (a crime against humanity) (23) trong khi một tờ báo xuất bản ở Buenos Aires (Argentina) gọi đó là “tội diệt chủng” (genocide)(24).
Roy Jenkins, một thủ lĩnh Đảng Lao động Anh, nhận định cuộc ném bom là “một trong những hành động nhẫn tâm nhất trong lịch sử hiện đại” (25), còn Thủ tướng Thụy Điển Olof Palmer ví Chiến dịch Linebacker II với những tội ác của Hitler trước đây như vụ ném bom xuống Guernica (26) hay vụ tàn sát dân thường ở Oradour-sur-Glane(27, 28). Trên các biểu ngữ, những người biểu tình viết chữ X trong tên của Nixon thành chữ thập ngoặc (biểu tượng của Đức Quốc xã): NION.
Ngày 29/12, Nixon quyết định chấm dứt Chiến dịch Linebacker II từ 19 giờ ngày 29/12 (theo giờ Mỹ) tức 7 giờ sáng 30/12 (theo giờ Việt Nam).

|
Báo Mỹ loan tin về Hiệp định Paris |
Trong 11 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 206 máy bay chiến lược B-52 thực hiện 741 phi vụ trong ban đêm để ném 15.237 tấn bom và 1.077 máy bay chiến thuật của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến tiến hành 1274 phi vu với 5.000 tấn bom vào ban ngày. Ngoài ra, Mỹ còn dùng máy bay EA-6, EB-66 để gây nhiễu ra đa, máy bay KC-135 để tiếp tế nhiên liệu trên không… Máy bay của Hải quân cất cánh từ các hàng không mẫu hạm America, Enterprise, Midway, Oriskany, Ranger và Saratoga. Trong khi B-52 xuất phát từ hai căn cứ không quân Andersen và Utapao, các máy bay chiến thuật cất cánh từ các căn cứ không quân trên đất Thái Lan (như Korat, Takhli, Ubon, Udon) hay Đà Nẵng. Theo đại tá Hà Văn Lâu, khoảng 100.000 quả bom ném xuống Hà Nội – Hải Phòng có sức nổ tương đương 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã sử dụng ở Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối thế chiến thứ hai(29).
Ngoài sự phản đối mãnh liệt của dư luận ở Mỹ và trên thế giới, còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng đã ngăn chặn bàn tay hiếu chiến của Nixon. Trong hồi ký của mình, Nixon viết: “Nỗi lo lớn nhất của tôi trong tuần lễ đầu tiên này không phải là làn sóng phê phán ở trong nước cũng như ở nước ngoài vì điều đó đã được thấy trước, mà là mức độ tổn thất hệ trọng về máy bay B-52”(30). Số máy bay bị bắn rơi (rơi tại chỗ hay rơi trên đường về căn cứ) và bị hư hại lên tới hàng chục chiếc(31), mỗi chiếc trị giá 7.946.780 USD(32). Nhưng cái đắt giá hơn đối với Mỹ là khoảng 100 phi công B-52 được đào tạo một cách công phu đã chết, bị thương và bị bắt làm tù binh(33). John Prados bình luận: “Mỹ không thể để tổn thất máy bay chiến lược ở mức độ cao trong thời gian dài được. Có hơn 200 chiếc B-52 dành cho chiến tranh ở Đông Nam Á, để mất 15 chiếc tức là 7,3%. Nhiều máy bay B-52 bị chuyển từ lực lượng tấn công chiến lược(34) sang… Bộ tư lệnh Không quân chiến lược không thể chịu đựng việc B-52 bị chuyển cũng như bị tổn thất trong thời gian quá lâu – ngay cả khi tổn thất ở mức độ thấp hơn – trước khi Việt Nam chạm đến khả năng chiến tranh hạt nhân”(35).
Trong các phiên họp riêng (được nối lại từ 8/1/1973), phía Mỹ không còn đòi bộ đội miền Bắc rút khỏi miền Nam nữa.
Ngày 23/1, hai cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bốn ngày sau, hiệp định được các ngoại trưởng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Mỹ ký chính thức.
Phía Mỹ luôn cho rằng Chiến dịch Linebacker II đã buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại bàn Hội nghị Paris trong thế yếu và phải nhân nhượng trước những yêu sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Không có gì hoang đường hơn lập luận đó. Các nhà sử học nhận định:
“Khác với Hiệp định Genève năm 1954 đòi hỏi bộ đội Việt Minh phải tập kết ra miền Bắc, Hiệp định Paris cho phép lực lượng của miền Bắc và của Mặt trận dân tộc giải phóng có mặt ở miền Nam tại những vùng do họ kiểm soát” (Stanley Karnow)(36).
“Hiệp định cuối cùng được Kissinger và Lê Đức Thọ ký tắt ở Paris trưa 23/1/1973 giống như bản mà hai bên đã đồng ý hồi tháng 10 [1972]” (Michael Maclear)(37).
Từ những nhận định đó, các nhà sử học kết luận:
“Ném bom không đem lại một cách giải quyết khác rõ rệt so với cách mà trước đó Mỹ đã bác bỏ” (George Herring)(38).
“Chiến dịch ném bom sôi động của Nixon là thừa” (Stanley Karnow) (39).
Melvin Laird, Bộ trưởng Quốc phòng của Nixon, cũng đồng ý với các nhà sử học: “Tôi không nghĩ rằng nó là cần thiết”(40). Thậm chí, một chính khách khác của Mỹ là John Negroponte còn kết luận: “Chúng ta ném bom miền Bắc Việt Nam để buộc họ chấp nhận những nhượng bộ của chúng ta”(41). Câu nói thoạt nghe có vẻ phi lý, nhưng ngẫm nghĩ càng lâu càng thấy chí lý. Với Nixon, người được nhà báo Anthony Lewis tặng cho xú danh “tên bạo chúa đã hóa điên” (un tyran devenu fou)(42), không có sự khác nhau giữa hợp lý và nghịch lý trong lời nói và hành động của ông ta.

|
Ký Hiệp định Paris 27/01/1973 |
(1) (25) (28) Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan, Who Spoke Up?, NXB Doubleday & Company, New York, 1984.
(2) Walter J. Boyne, “Linebacker II”, Air Force Magazine, tập 80, số 11, tháng 5/1977.
(3) Cuộc ném bom bắt đầu từ 19 giờ 45 tối 18/12 đến 7 giờ sáng 30/12/1972, có tạm ngưng 36 tiếng nhân lễ Giáng sinh.
(4) (23) A. J. Langguth, Our Vietnam, NXB Simon & Schuster, New York, 2000.
(5) (8) (19) (36) (39) Stanley Karnow, Vietnam – A History, NXB Penguin Books, New York, 1987.
(6) (7) Nguyễn Thành Lê, Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam (1968-1973), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1998.
(9) Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000.
(10) Earl H. Tilford, Setup: What the Air Force Did in Vietnam and Why, Air University Press, Alabama, 1991.
(11) Herman L. Gilster, The Air War in Southeast Asia: Case Studies of Selected Campaigns, Air University Press, Alabama, 1993.
(12) McCarthy, James R. và George B. Allison, Linebacker II: A View from the Rock, Air University Press, Alabama, 1979.
(13) (16) (17) (35) John Prados, Vietnam – The History of an Unwinnable War 1945-1975, University Press of Kansas, 2009.
(14) Wayne Thompson, To Hanoi and Back: The U.S. Air Force and North Vietnam, 1966-1973, Smithsonian Institution Press, Washington, D.C., 2002.
(15) (22) (24) (29) (32) (37) (40) Michael Maclear, Vietnam: The Ten Thousand Day War, NXB Thames Methuen, London, 1984.
(18) Nhại lại câu nói của quan đô sát Cổ La Mã Cato (234-149 trước CN) “Delenda est Carthago” (Carthage phải bị hủy diệt). Năm 146 tr.CN, Cato đã ra lệnh tàn phá Carthage (nay thuộc
Tunisia) và giết sạch cư dân của thành phố này.
(20) (21) (30) (42) Richard Nixon, Mémoires, NXB Stanké, Paris, 1978.
(28) Thành phố Guernica ở Tây Ban Nha bị máy bay của Hitler ném bom hủy diệt năm 1937.
(29) Ngày 10/6/1944, lính Đức Quốc xã tàn sát toàn thể dân làng Oradour-sur-Glane ở Pháp (trong đó có 267 trẻ em).
(33) Theo Viện lịch sử quân sự Việt Nam, có 35 máy bay B-52 bị hạ. Phía Mỹ chỉ nhận 15 B-52 bị bắn rơi và 10 bị bắn hư.
(35) Theo Robt F. Dorr và Lindsay Peacock trong sách Boeing’s Cold War Warrior: B-52 Stratofortress xuất bản năm 1995, có 43 phi công và nhân viên phi hành chết, 49 bị bắt làm tù binh.
(36) Lực lượng tấn công chiến lược là lực lượng dùng để đối phó với Liên Xô khi cần thiết (chú thích của P.V.H).
(40) George C. Herring, America’s Longest War, NXB McGraw-Hill, New York, 1996.
(41) Stephen E. Ambrose, “The Christmas Bombing”trong The Cold War : A Military History (Robert Cowley chủ biên), NXB Random House, New York, 2005