Ông Phạm Viết Đào nguyên là Thanh tra của Bộ Văn hóa – Thông tin dưới thời Bộ trưởng NKĐ. Thanh tra không phải là không có “quyền uy”, “quyền lợi”!. Cand.com.vn đăng bài phê phán ông: “Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”, “bảo ban”, “dạy dỗ”, “trùm lấp”, “chữ dùng thì gay gắt”, “chỉ tay day mặt”, “song những tình tiết đưa ra có khi lại không căn cứ trên thực tế”. Ông quen đem cái giọng “thanh tra”, tư duy thanh tra vào văn chương là chỗ phải có một cái đầu tinh tế!
Bây giờ nói vào chuyện ông PVĐ qui chụp. Đọc xong bài của ông, chúng tôi tưởng mình đang ở quận Cam, California, nơi mà hở một tí liền bị qui là “thân Cộng”! Cái không khí cực đoan, hung hăng đó thật là quá quắt, nhưng đó là ở những phần tử chống cộng cực đoan, còn ông Đào?
Ông PVĐ tưởng phen này vớ bở. Ông dùng cái búa tạ đập xuống, với những câu chữ tưởng sẽ đập chết đối phương “đánh một búa chết tươi”. Nào là: “Đọc xong bài viết, chủ Blog thấy bàng hoàng, đau đớn (sic!) trước thái độ vô cảm, vô luân (sic!) của Tạp chí Hồn Việt, dám công khai đăng bài viết của Lưu Á Châu chà đạp thô bạo một sự thật lịch sử, đứng ra thanh minh, biện hộ cho hành động ăn cướp, du côn của Đặng Tiểu Bình và quân Trung Quốc xâm lược”, nào là “trong khi báo chí nhà xuất bản giới văn nghệ Việt Nam run sợ (?) không dám đụng bút tới vấn đề chiến tranh biên giới Việt Trung, cố tình lãng quên xương máu của hàng vạn đồng bào chiến sĩ ta đã đổ ra để sống mái với quân xâm lược Trung Quốc… HV lại mở cửa đăng lại bài của Lưu Á Châu ca ngợi Đặng Tiểu Bình và mang những bia mộ vinh danh tôn thờ những tên lính xâm lược Trung Quốc bị quân dân Việt Nam tiêu diệt…” v.v và v.v…
Ghê chưa!
Thật ra thì không cần thiết phải đối thoại với những lời lẽ hung hăng mà nông cạn như thế!
Trước hết, dưới tiêu đề bài viết “Đọc Lưu Á Châu để hiểu thêm một vài vấn đề về Trung Quốc”, cuối bài có ghi “trích và bình”. Và đây mới là kỳ 1. Chúng tôi còn đăng kỳ 2. Chúng tôi quan niệm: trước hết hãy trích, rồi mới bình. Và chúng tôi cũng sẽ không bình theo giọng của ông Phạm Viết Đào. Cuộc chiến 1979, Trung Quốc xâm lược Việt Nam, đài báo văn nghệ Việt Nam phản ứng dữ dội như thế nào, ông Đào lúc đó chắc còn đang học ở Lỗmani, nên không biết. Có việc gì mà “run sợ”. Nhưng cái thời chiến tranh ấy qua đi, từ khi Việt – Trung nối lại quan hệ, một quan hệ Việt – Trung khác đang hình thành, tuy rất phức tạp, ai cũng biết. Đối sách của ta là kiên quyết giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc trên từng tấc đất của Tổ quốc, nhưng kiên trì, kiên nhẫn, không mắc mưu khiêu khích, giữ vững ổn định và môi trường hòa bình, có lợi cho tất cả các bên.
Các hội nghị mà ASEAN, trong đó Việt Nam là chủ tịch, với các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Úc… và kết quả tốt đẹp của nó, thể hiện rất rõ lập trường kiên định nhưng thiện chí của Việt Nam. Như lời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố ở Singapore trước đây, đại ý: trong khi tăng cường quan hệ hợp tác đoàn kết với tất cả các nước bạn bè, Việt Nam sẽ không làm tổn hại mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nước láng giềng, đối tác, anh em, đồng chí.

Nhà văn Phạm Viết Đào.
Bài học giữ nước hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc, đánh và đàm, quân sự và ngoại giao, cứng và mềm, cân nhắc khôn khéo trên chiến lược, trên đại cục, không để một bất hòa, bất đồng nổ tung ra thành đối đầu, đối kháng.
Về phía Trung Quốc, ta biết rằng tham vọng và âm mưu của một số giới “diều hâu” là rõ ràng, nhưng bên cạnh đó còn có những cái đầu tỉnh táo, biết tính toán lợi ích chiến lược – lợi ích toàn cục của họ. Và còn nhân dân Trung Quốc. Như Giang Trạch Dân từng dẫn câu thơ thi hào Đỗ Phủ để nói về việc này: “Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiểu” (Khi trèo lên đỉnh núi cao nhất, sẽ thấy các núi ở dưới thấp lè tè). Chúng ta khuyến khích thái độ đó.
Bọn chống phá điên cuồng Tổ quốc Việt Nam rất muốn Việt Nam và Trung Quốc đánh nhau để chúng ở giữa vỗ tay cười, thủ lợi. Chúng nói những lời kích động, khiêu khích, ra vẻ chúng mới là người bảo vệ Tổ quốc, mới là người yêu nước nhất. Chúng kích động nhân dân làm trái chủ trương sâu sắc, đầy trách nhiệm của lãnh đạo Việt Nam, từ đó quy kết cho lãnh đạo Việt Nam là “bán nước cho Tàu”, “hèn yếu”, “nhượng bộ”. Sự thật của tình hình và chủ trương đúng đắn, thắng lợi của ta làm bọn này bẽ mặt, nhưng chúng vẫn không thôi lợi dụng và kích động mỗi khi có dịp.
Hồn Việt thấy rằng chửi rủa, mạt sát, lên án… Trung Quốc kiểu như ông Phạm Viết Đào lúc này là không cần thiết, là không có lợi cho bang giao. Nhân dân ta yêu nước thương nòi, hàng ngàn năm chiến đấu, có giác ngộ về Tổ quốc, về chính trị rất cao, không lo nhân dân nhầm lẫn.
Hồn Việt trích đăng một số đoạn của tướng Lưu Á Châu, là để cho người đọc nghe tường tận từ miệng người Trung Quốc nói ra sự thật là vì sao họ đánh Việt Nam 1979?
Đó là vì, như Lưu Á Châu nói; một là, đánh để cho Mỹ xem, Mỹ khoái, Mỹ viện trợ…; hai là đánh để củng cố quyền lực của Đặng Tiểu Bình vừa mới giành lại quyền sau Cách mạng văn hóa; ba là đánh Việt Nam “dạy cho Việt Nam một bài học”, để Việt Nam không qua mặt Trung Quốc đi với Liên Xô.
Không cần phải “chính trị” cao, ai cũng biết đó là những lý lẽ vị kỷ, thực dụng và trái đạo lý, phi nghĩa. Nhưng đây là lần đầu tiên, ta nghe một người Trung Quốc có trách nhiệm cao trong quân đội, nói ra những điều như thế! Có cần phải rủa sả “ăn cướp, du côn của Đặng Tiểu Bình và quân Trung Quốc xâm lược”, thì mới rõ ràng, sâu sắc hay không?
Chúng tôi tin rằng bạn đọc khi đọc những dòng ấy của Lưu Á Châu, họ sẽ tức khắc rút ra kết luận. Dĩ nhiên chúng tôi cũng sẽ có lời bình, nhưng chúng tôi sẽ không viết như kiểu PVĐ!
Về đoạn Lưu Á Châu viết về quân sĩ của Trung Quốc, chúng tôi cũng không cắt xén. Và chỉ cần biết trước khi ra trận, lính Trung Quốc bị từ hôn 100%, lính Trung Quốc còn thắc mắc nay mai khi Việt – Trung trở lại quan hệ bình thường, liệu những người chết trận có còn là “liệt sĩ”. Tâm trạng quân lính, nhân dân như thế nói lên cuộc chiến tranh đó là phi nghĩa, khác xa với chiến tranh chống Mỹ của ta. Đó mới là điều đáng nói, và cũng dễ nhận ra.
Chúng tôi không cắt xén khi tranh luận, bình luận đối phương – đối thoại. Lưu Á Châu là Trung tướng, đi lính khi mới 15 tuổi, trung thành với quân đội đến cùng, ông ta nói về sĩ tốt của ông ta như thế là việc của ông ta, ta cũng nên biết, còn sự thật bộc lộ ra qua những câu chuyện đó là gì mới là quan trọng và tự nó đã nói lên tất cả. Phải đâu ai cũng có cái đầu nóng, thích quy kết tràn lan như ông Phạm Viết Đào! (“Khiêng cái bia mộ mà Lưu Á Châu dựng ấy đem về Việt Nam bắt mọi người thờ chung”!).
Ông Phạm Viết Đào “sinh bất phùng thời”, giá ông sinh ở Trung Quốc thời Cách mạng văn hóa, hẳn ông sẽ leo lên làm người lãnh đạo “tổ Cách mạng văn hóa” để tha hồ đấu tố, quy chụp! Thành ra, ông chống Trung Quốc nhưng bản chất của ông có phần giống một số người trong họ, giống y một phần tử “hồng vệ binh ”– maoiste!
Chúng tôi thất vọng về ông quá đỗi, ông PVĐ ơi! Cũng tự xem mình là “văn nhân”…, mà có một cái đầu đơn giản, nóng nảy như thế, thì thật không còn biết nói sao, đành phải nói theo cách của GS Cao Xuân Hạo thường nói vui là “ông ta có một cái đầu toàn bã đậu”! Với một cái đầu như thế, mà bình luận lung tung hết chuyện này đến chuyện khác, vượt khỏi sức mình, thì hiển nhiên là sẽ nói bậy!
HỒN VIỆT