Chào mừng Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII: Cái khó của lý luận phê bình hiện nay

LÊ QUANG TRANG
(Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM)

Phải thừa nhận rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VII đã quan tâm hơn đến công tác lý luận phê bình. Vì thế, cùng với đội ngũ làm công tác này ở các tổ chức khác, với cách nhìn mới, vận dụng những lý luận và phương pháp phê bình mới, đã đem lại cho nền lý luận phê bình của ta những bước tiến dài so với trước.

Những giá trị của quá khứ được đánh giá toàn diện hơn, khoa học và khách quan hơn. Những tác phẩm và những khuynh hướng mới xuất hiện cũng được thẩm định, bàn luận kịp thời và thấu đáo hơn.

Nhưng công việc lý luận phê bình xem ra vẫn còn nhiều trắc trở. Rất ít bài viết hoặc tập sách phê bình lý luận được sự đồng thuận. Nhiều hơn là những tác phẩm đều có những ý kiến trái ngược nhau.

Cắt nghĩa cho những hiện tượng này, chính là người thẩm định xuất phát từ những cách nhìn khác nhau, những tiêu chí thẩm mỹ khác nhau, những cách cảm thụ khác nhau.

Và điều này không chỉ hiện ra trên những khu vực đánh giá tác phẩm, tác giả hoặc đề xuất những xu hướng lý luận mới. Bởi vì cho dù “rào giậu” kín đến đâu thì thái độ, nhận xét của người viết cũng bộc lộ một cách rõ ràng chứ không thể khuất lấp hoặc ẩn giấu trong các biểu tượng như trong sáng tác.

Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, cái khó hiện nay của lý luận phê bình chính là sự phân tán, thậm chí phân liệt của đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực này. Có khi âm thầm, có khi quyết liệt, nhưng tất cả những xung đột biểu thị trên các trang giấy và cả trong các mối quan hệ thường nhật đã tác động không nhỏ đến những người cầm bút đi sau, hoặc các cây bút trẻ mới vào nghề.


Tân chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Lê Quang Trang (phải)
trao hoa cho Nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên chủ tịch Hội. Ảnh: Lam Điền.

Việc hình thành một cây bút, lý luận phê bình đã là khó, nhưng duy trì trọn đời trên lĩnh vực này còn khó hơn. Nó không chỉ đơn thuần là năng khiếu, mà còn đòi hỏi sự tích lũy về tri thức, về kinh nghiệm sống, về phương pháp ứng xử…

Trong khi đó, những mâu thuẫn trong và ngoài văn chương đã để lại những dấu vết không vui và không đẹp trong mối quan hệ giữa nhà phê bình, lý luận (và đôi khi cả người sáng tác) những năm vừa qua.

Trước thực trạng ấy, nhiều cây bút lý luận phê bình đang sung sức bỗng tạt ngang sang lĩnh vực nghiên cứu những giá trị đã có phần ổn định hoặc những đề tài chung chung ít va chạm hơn.

Không ít những cây bút phê bình, lý luận trẻ giàu đam mê với công việc này, nhưng khi soi những tấm gương như vậy, họ cũng ngần ngại dấn bước.

Tôi đã thấy không ít những cây bút trẻ hiện nay ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà xuất bản lớn không thích đi vào con đường chông gai và dễ mất bè bạn này. Vì vậy có thể thấy đội ngũ lý luận phê bình dường như ngày một teo tóp lại, thiếu sự nở rộ như những giai đoạn trước.

Đó là cái khó của lý luận phê bình ở ta, cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho lý luận phê bình nước ta, nhìn về tương lai, vẫn chưa thấy dấu hiệu phát triển trong thời gian tới.


Bài liên quan: