Đó là một công việc của mỗi cá nhân người nghệ sĩ, mang cá tính độc đáo sâu sắc của mỗi người thể hiện trên mỗi tác phẩm của mình, là tiếng nói với âm thanh, màu sắc riêng không lẫn với ai, chưa từng có trước đó và sau đó khi nó xuất hiện, “Anh làm nên vẻ đẹp/ Chưa có ở trên đời”. Đó là hai câu thơ của Huy Cận nói về lao động của người thợ gốm, một người nghệ sĩ tạo hình.
Lao động của người nghệ sĩ ngôn từ - nhà văn, nhà thơ - cũng vậy. Chúng ta thường hình dung nhà văn một mình một bóng trước trang giấy, bên ngọn đèn: “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Đó là đọc văn. Viết văn cũng vậy “Một ngọn đèn khuya với một tiếng gà” (Chế Lan Viên). Có người gọi đó là việc làm của người nghệ sĩ cô đơn, giãi bày thế giới riêng tư của mình lên trang giấy.
Tuy nhiên, mọi nhà văn, nhà thơ đều biết rằng: Khi ngồi trước trang giấy, bên ngọn đèn, người nghệ sĩ ngôn từ thực hiện một sự giao tiếp, một cuộc đối thoại thầm lặng mà sâu rộng với những người đọc vô hình, với những người tri kỷ ở ngoài muôn dặm, thậm chí không chỉ đời nay mà còn đời sau. Bản chất của văn chương là giao tiếp, là tiếng người gọi bạn như tiếng chim gọi bầy.
Từ xưa, Kinh Thi đã có câu: “Anh kỳ minh hĩ/ Cầu kỳ hữu thanh (Cất tiếng kêu ríu rít/ Mong tiếng đáp bạn bè)”, “Từ bao giờ đến bây giờ, thơ là sự đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” (Hoài Thanh). “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí” (Tố Hữu). Làm văn chương, không gì buồn bằng vắng kẻ tri âm: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa?” (Nguyễn Khuyến). “Hỏi thăm những cá cùng chim/ Chim bay xa bóng, cá chìm mất tăm/ Bây giờ vắng mặt tri âm/ Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình?” (Tản Đà).
Cho nên nghệ thuật, nhất là văn học có đặc trưng là lao động cá nhân song đồng thời mang bản chất là liên kết cộng đồng, giao lưu xã hội.
Cô đơn chỉ là chiều sâu thầm lặng của giao lưu.
Ngoài ra, trong văn chương, cùng với mối đồng tâm của người viết với người đọc, còn mối đồng tâm của người viết với người viết. Đó là điều người xưa gọi là “duyên hàn mặc”.
Cho nên từ xa xưa, sáng tác văn chương còn là cuộc tâm giao giữa những người đồng điệu. Các thi xã, văn đoàn nhiều thời vẫn có, sang thời cận đại, các tao đàn, nhã hội càng nhiều hơn.
Trên tiến trình lịch sử dân tộc, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật đối với công chúng, đối với nhân dân càng lớn, tiếng nói, trang viết của nhà văn, nhà thơ càng có tác động xã hội sâu rộng thì văn thơ càng vượt qua các giới hạn cá nhân để liên kết thành cộng đồng. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, các nhà văn, nhà thơ cùng chung thanh khí tìm đến nhau trong ý nguyện đem tài năng, tâm huyết phục vụ một lý tưởng chung, một sự nghiệp chung.

Đại hội chi hội Nhà văn khu vực phía Nam tại TP.HCM. Nguồn: Internet.
Ở nước ta, từ khi nước nhà lâm nạn cuối thế kỷ XIX, văn chương trở thành vũ khí cứu quốc, các nhà văn, nhà thơ tìm cách liên kết, hợp đồng với nhau thành lực lượng, thành phong trào cần vương, văn thân. Sang thế kỷ XX , đó là phong trào của các chí sĩ duy tân, ái quốc. Dưới chế độ thực dân phong kiến, văn chương Việt Nam không quên lời Thề non nước (Tản Đà), các nhà văn nhà thơ vẫn tập hợp cùng nhau quanh các tạp chí, trong các văn đoàn với tình yêu tiếng Việt, mong dựa vào đó mà “bảo quốc hồn, tuyết quốc sỉ” (Lương Văn Can).
Sự tiếp xúc của Phương Tây giúp các nhà thơ phát hiện (đúng hơn là tái phát hiện) cá tính, cá nhân trong sáng tác văn thơ song lập tức sứ mệnh lịch sử của dân tộc đã sớm làm cho họ tái khẳng định sức mạnh của văn thơ ở sự liên kết cộng đồng.
Trong những ngày tàn của chế độ thực dân phong kiến cuối thời kỳ 1930-1945, trong ánh bình minh của thời đại mới, các văn nhân, nghệ sĩ yêu nước tập hợp dưới ngọn cờ của Hội Văn hóa Cứu Quốc, hạt nhân đầu tiên của tổ chức văn học nghệ thuật yêu nước và cách mạng thời kỳ hiện đại, kế thừa truyền thống văn chương học thuật hàng nghìn năm trước, rồi sau đó trở thành Hội Nhà văn Việt Nam trong Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Chưa bao giờ lịch sử chứng kiến sự cống hiến lớn lao của văn học nghệ thuật dân tộc cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc như từ Cách mạng tháng Tám đến ngày nay. Cũng chưa bao giờ các văn nhân nghệ sĩ ý thức được sứ mệnh và sức mạnh lớn lao của mình như trong thời kỳ lịch sử mới hơn nửa thế kỷ qua từ ngày lập quốc. Từ đầu thập niên 1950, ngọn cờ “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh) được giương cao, trở thành ngọn cờ hướng đạo, đem lại vinh dự và trách nhiệm chưa từng có cho những người hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn chương - nghệ thuật.
Hoàn thành sự nghiệp cứu quốc, bước sang thời kỳ kiến quốc, từ thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, sau 25 năm đổi mới đất nước, tiến lên đỉnh cao kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chưa bao giờ lực lượng và đội ngũ văn học nghệ thuật Việt Nam lớn mạnh và hùng hậu như ngày nay, trong đó chủ lực là Hội Nhà văn Việt Nam với hơn 900 hội viên chính thức và vô số các bạn đồng nghiệp, đồng hành, đồng tâm ngoài Hội.
Trong bối cảnh hiện nay, Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn Việt Nam mở ra trong lòng Đại lễ hoành tráng của Thủ đô và của Dân tộc. Đây là cuộc hội ngộ lớn, tập hợp tài năng và năng lực sáng tạo của 4 thế hệ nhà văn song hành, đồng hành, chung sức sáng tạo, tiến tới tương lai.
Đại hội toàn thể lần thứ VIII của Hội Nhà văn Việt Nam nhất định sẽ là một dàn Đại hợp xướng Văn chương Việt Nam, đa thanh mà đồng thanh ca ngợi Tổ quốc, Nhân dân và Chủ nghĩa Xã hội, ca ngợi sự nghiệp Đại Phục hưng Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ mới, thời đại mới.
Bài liên quan: