Chết, có đáng sợ?

Nhiều người sẽ trả lời là không. Họ lý giải rằng ai mà chả chết, cái chết có chừa ai đâu. Và như vậy, cái chết là bình đẳng với mọi người. Triệu phú cũng như kẻ bần hàn, Tổng thống cũng như phó thường dân đều bị chi phối bởi cái chết. Xét cho kỹ thì câu lý giải này chỉ là một hình thức để tự trấn an.

Trước cái chết, hay chỉ nhận được một kết quả dương tính xét nghiệm một bệnh nan y, thường thì mọi người đều bủn rủn tay chân, mất hết tinh thần. Và đôi khi, chính sự suy sụp tinh thần mới là nguyên nhân cái chết của họ.

Chúng ta hãy bình tĩnh suy ngẫm những lời sau đây của Sharon Salzberg trong cuốn Loving Kindness: “Khi chúng ta chấp vào thân này như một thực thể riêng biệt, là căn nhà duy nhất của ta, ta sẽ cho rằng mình phải kiểm soát nó để duy trì cái “ta””. Nhưng làm sao ta có thể kiểm soát được bệnh tật, sự già nua và cái chết! Có cố gắng lắm rồi ta cũng chỉ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực mà thôi.

Hãy nhìn cho thật sâu sắc, ta sẽ thấy được cơ thể ta đang tiếp nối với những tinh cầu trong vũ trụ. Ta liên tục trao đổi vật chất và năng lượng, qua lại với thế giới chung quanh ta thật nhịp nhàng. Đó chính là hơi thở, trong mỗi hơi thở, ta mang thán khí trong ta ra để đổi lấy dương khí ở bên ngoài. Thường thường chúng ta xem tiến trình này như một chuyện dĩ nhiên. Nhưng sự trao đổi này, sự tiếp nối này, đang có mặt trong từng giây phút, chính là kinh nghiệm của sự sống.

Chúng ta không thể sống như những thực thể rời rạc, cô lập, mà mỗi chúng ta là một phần nhỏ của một cái chung to lớn, linh động và biến hóa - khi ta có một ý niệm cố định riêng biệt về mình, cái chết sẽ trở nên rất đáng sợ. Còn như ta ý thức mình chỉ là một phần nhỏ của sự sống toàn vẹn của sự sinh diệt không ngừng nghỉ của vũ trụ luôn thay đổi và luân chuyển, thì cái chết đâu có gì để cho ta sợ hãi?

Theo đó, cái chết chỉ là sự trở về, sự hội nhập với vũ trụ, với nguồn sống, với thế giới xung quanh với cái toàn vẹn mà khi sống chúng ta cũng đã từng trải nghiệm từng phút giây. Có phải vậy không?

NGUYỄN MẶC HÀ