Trên dưới một lòng
Tháng 7-1300, hay tin Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng, vua Trần Anh Tông đến nhà thăm. Trả lời câu hỏi của nhà vua “Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”, vị đại vương đã chỉ ra những nguyên tắc phải thực hiện để chống ngoại xâm thắng lợi: về chính trị, phải “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa…, vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, nước nhà góp sức”; về quân sự, phải “có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”(1).
Hơn 6 thế kỷ sau, khi tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cũng nhận định tương tự: “Vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà 8-9 năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang”(2).
Cả hai vị đều xem sự đoàn kết nhất trí của toàn dân toàn quân là nhân tố hàng đầu làm nên chiến thắng.
Nhắc chuyện xưa để bàn chuyện nay: vào đầu tháng 5-2014 này, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, một vài tổ chức và cá nhân định lợi dụng tình cảm chống ngoại xâm của nhân dân ta bằng cách kêu gọi biểu tình vừa chống Trung Quốc vừa chống Chính phủ Việt Nam!
Nhưng âm mưu của họ đã thất bại. Trong các cuộc biểu tình, người dân yêu nước nêu cao khẩu hiệu “Đồng lòng cùng Chính phủ, chống quân bành trướng, bảo vệ Tổ quốc” (ảnh 1).
Nhiều người mặc áo in cờ đỏ sao vàng, mang theo ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Tất cả đều chung ý nghĩ: lúc này, khi chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước đang bị đe dọa, thì toàn thể người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị… cần phải trên dưới một lòng, tập trung ý chí và lực lượng để đấu tranh cho mục tiêu trước mắt duy nhất: đó là đòi Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam! Đặt thêm những yêu sách khác sẽ làm phân tán và suy yếu sức mạnh của dân tộc, là vô tình hay cố ý làm lợi cho kẻ thù!
Trong ngoài một ý
Sự đoàn kết nhất trí của nhân dân trong nước được các cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hưởng ứng. Các cuộc mít tinh, biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã diễn ra ở hầu hết các thủ đô lớn trên thế giới. Những hình ảnh trên các trang mạng đều đỏ rực màu cờ Tổ quốc. Ngay cả trong các cuộc xuống đường trên đất Mỹ, như ở Washington, New York…, màu cờ đỏ vẫn là màu chủ đạo (ảnh 2).
Đúng như Bác Hồ đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(3).
Cùng xuống đường với bà con Việt kiều còn có nhiều người nước ngoài. Họ là dâu, là rể, là bạn bè của Việt Nam, mà cũng có thể chỉ là những con người trung thực, yêu hòa bình và lẽ công bình “giữa đường thấy sự bất bằng, chẳng tha”. Ngày 11-5-2014 tại Berlin (Đức), một chàng trai không rõ thuộc quốc tịch nào, dẫn theo cô con gái nhỏ, tham gia biểu tình với cờ đỏ sao vàng dán trên trán và ảnh Bác Hồ cầm trong tay (ảnh 3). Ngày hôm sau, giữa Paris (Pháp), một chàng trai nước ngoài khác xuống đường chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông với dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam” trên trán (ảnh 4). Và còn nữa, một cặp đôi tỏ ra hạnh phúc trong đấu tranh, họ yêu nhau vì cả hai đều yêu Việt Nam! (ảnh 5) Thật là những hình ảnh tuyệt vời của tinh thần đoàn kết quốc tế!
Có thể nói chưa bao giờ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam tỏa sáng như trong những ngày hôm nay!
 |  |
Ảnh 1 | Ảnh 2 |
_____
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985, tập II, tr.77
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997, tập VII, tr.321
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996, tập VI, tr.171
(Hồn Việt số 83, 7/2014, Tr. 8)