- Anh có thể cho biết chủ tâm của Mac Namara qua cuộc hội thảo hơn hai chục năm sau cuộc chiến tranh là gì không?
- Là muốn ta phải thừa nhận rằng ta đã bỏ lỡ cơ hội sớm chấm dứt chiến tranh, nghĩa là ta hiếu chiến, còn Mỹ từ 1965 đến 1967 đã liên tiếp đưa ra những sáng kiến hòa bình.
- Nghĩa là ngược với Sainteny, vì cuốn “Truyện một cơ hội hòa bình bỏ lỡ”, khách quan hơn nhiều. Tại sao vào thời điểm 1965-1967, Mỹ lại tung ra một chiến dịch hòa bình?
- Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho chúng tôi hồi đó – có thật chính quyền Mỹ không còn muốn tiến hành chiến tranh ở Việt Nam mà muốn sớm có giải pháp hòa bình không? Phân tích tình hình thì thực ra đó là một động tác giả nhằm hậu thuẫn việc Mỹ leo thang chiến tranh, chuyển từ hình thái “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”.
“Chiến tranh đặc biệt”, sử dụng cố vấn Mỹ làm khung cho quân đội Sài Gòn bắt đầu 1961, đến 1964 đã thất bại. Để cứu chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ, Mỹ chuyển sang “Chiến tranh cục bộ” từ năm 1965. Quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến, chỉ huy cả quân đội Sài Gòn, với hai mũi tấn công theo kế hoạch Johnson – Mac Namara; nhằm kết thúc chiến tranh trong hai năm: 1964-1966. Có hai mũi tấn công: miền Nam đánh lớn với quân Mỹ tăng tới 23.000 người năm 1964, lên 468.000 người năm 1967. Miền Bắc bị Mỹ ném bom ồ ạt từ tháng 2/1965.
Kế hoạch quân sự này đi kèm với hỏa mù “sáng kiến hòa bình” với hai chủ mưu làm sức ép: sẽ ngừng ném bom miền Bắc và rút quân Mỹ khỏi miền Nam, nếu miền Bắc thôi thâm nhập, bỏ rơi miền Nam cho chính quyền Sài Gòn.
- Thực hiện kế hoạch “chiến tranh thật hòa bình giả” ấy Mỹ có mối quan tâm gì?
- Có 3 mối quan tâm. Một là thao túng dư luận trong nước và trên thế giới cũng ảnh hưởng để khỏi hướng đến việc Johnson tái cử tổng thống năm 1968. Hai là, để ngừa phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc, lợi dụng sự bất đồng Xô – Trung và chia rẽ ta với hai đồng minh. Ba là, đánh gục ý chí đề kháng của ta.
- Như vậy là năm 1965, ta đã thấy rõ âm mưu hòa bình giả của Mỹ?
- Ta cho là chưa phải lúc cho một giải pháp của chính họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Felix Green (18/11/1965): “Chính lúc Johnson nói nhiều về thương lượng hòa bình, thì Mỹ càng mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam và mở rộng leo thang miền Bắc”. Vì lúc này, Mỹ vẫn tin vào thắng lợi của “Chiến tranh cục bộ”.
Chính vì thế, chúng tôi đã xử sự đúng với thực chất của cuộc tấn công hòa bình của Mỹ chứ không phải lãnh đạo không quan tâm đến hòa bình. Không hề có sự khước từ tiếp xúc với Mỹ ở Paris, Rangoon, Moscow… hoặc gặp các trung gian ngay ở Hà Nội.

Phía Việt Nam kí kết hiệp định Paris tháng 1-1973
- Vào thời điểm nào ta thấy có thể thực sự đàm phán với Mỹ về hòa bình?
- Điều kiện chín muồi cho đàm phán vào cuối năm 1967. Chính quyền Johnson thấy rõ không thắng được ta bằng quân sự, Mac Namara từ chức. Mỹ xuống thang, vẻ hạ giọng.
- Phải chăng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân1968 của ta là cái đòn bẩy dẫn đến đàm phán ở Hội nghị Paris. Có nhà bình luận phương Tây cho là cuộc Tổng tấn công không phải là một thắng lợi cơ bản về quân sự, nhưng lại là một thắng lợi lớn về tâm lý, khiến dư luận Mỹ ép chính phủ Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Anh bạn tôi là GS Ratriaficas, người Mỹ còn cho Tết Mậu Thân là chất xúc tác cho các cuộc nổi dậy của thanh niên và quần chúng ở Pháp, Mỹ và trên khắp thế giới chống trật tự tư bản kỹ trị hóa…

Phía Mỹ kí kết hiệp định Paris tháng 1-1973
- Thế mà Hội nghị Paris cũng phải kéo dài đến 5 năm; đến tháng 1/1973. Từ giữa năm 1972, Nixon thấy rõ con bài “Việt Nam hóa chiến tranh” thất bại, điều đình thực sự mới có được. Tôi và một số anh em trong đoàn về nước trước để chuẩn bị triển khai hiệp định nên không dự lễ ký kết chính thức giữa bốn bên.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.