Ông, từ một người nông dân mù chữ, đi kháng chiến, cách mạng… và đã làm bảo vệ cho đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Đức Thọ, Tướng Trần Văn Trà… đi với đoàn “anh Ba” ra Việt Bắc – được gặp cụ Hồ, đi với đoàn “anh Sáu” sang Paris và trở về làm Cục trưởng Cục Quản trị – Văn phòng Trung ương.
Bạn đọc sẽ gặp Tư Hoành qua mấy trang chuyện đời tự kể dưới đây nói về chuyện ông lấy vợ, bị vợ chê. Sau đó, thoát hiểm trong một vụ bị quân Pháp xử bắn và lại được vợ yêu…
…
“… Tôi là kết quả của mối quan hệ không chính thức giữa người làm thuê và ông chủ Bảy Đằng – người Quảng Đông sang lập nghiệp từ nhiều đời trước ở vùng đất này (xã Thành Triệu, huyện Sóc Sải, tỉnh Bến Tre). Do chòm xóm xì xầm rằng tôi giống ông Bảy Đằng như đúc nên vợ ông buộc má tôi phải đi nơi khác ở, tiếp tục cuộc đời làm thuê để nuôi con dại…
Suốt thời thơ ấu, hầu như tôi không có áo để mặc, quanh năm suốt tháng, chỉ độc một chiếc quần xà lỏn, ngủ thì cuốn chiếc nóp, nhà ở trống trước trống sau.
Má tôi làm thuê ở đâu tôi đều đi theo đó để xin cơm ăn. Đến mùa cấy, tôi theo bỏ mạ cho má tôi để hết buổi làm được cho ăn xôi. Có lần, đang ôm bó mạ, tôi bị một con rắn nước tông vào cổ, sợ quá, ngã ra chết ngất… Đói ăn là nỗi ám ảnh thường xuyên trong thời thơ ấu của tôi và việc đi xin cơm thừa của xóm giềng không phải là chuyện hiếm. Tôi còn nhớ có lần đói quá phải đi xin ăn, vừa xin được một chén cơm mang về nhà thì nghe tiếng đứa cháu gọi ngoài cửa. Tôi vội vàng trút hết chén cơm vào miệng rồi chui xuống gầm chõng tre. Cháu tôi vào hỏi “Cậu làm gì trong đó?”, tôi còn ngậm một miệng đầy cơm làm sao có thể trả lời được…

Tác giả (bìa trái) với đồng chí Nguyễn Văn Linh (1992).
Hồi ức đậm nét của tôi thời thơ ấu là năm 12 tuổi, tôi phải đi ở đợ, chăn bò cho ông Tư Đinh ở xóm trên… Mấy con bò rất hung hăng, có một con cứ rượt tôi chạy, nhiều lúc sợ quá tôi vừa chạy, vừa khóc sướt mướt trên đường.
Năm 14 tuổi, má tôi lại xin cho tôi ở đợ ở nhà ông Chín Ư – thợ bạc. Sau đó, lại xin ông Chín Ư cho tôi được học nghề thợ bạc, giao kèo là ba năm làm công không lương… Phải mất bốn năm sau, ông chủ mới cho phép tôi làm nghề chính thức… Năm 18 tuổi, tôi đã giỏi nghề và làm thợ cho ông Chín Ư.
Đối diện với tiệm của ông Chín Ư là chợ Sóc Sải. Hàng ngày ngồi làm việc trong tiệm, tôi chú ý đến một cô gái ngồi bán hàng bì bún trước chợ. Đó là cô Nguyễn Thị Tư, cùng tuổi với tôi, con gái thứ tư của ông Nguyễn Văn Chuông làm thợ cắt tóc, còn vợ ông thì bán bì bún tại chợ Sóc Sải. Hai ông bà nhà nghèo lại không biết chữ nhưng các con đều được ăn học đàng hoàng. Cô Tư đã học hết lớp nhất trường tiểu học Sóc Sải, vừa đi học vừa phụ mẹ buôn bán ở chợ.
Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thiếu nữ hiền lành, lúc nào cũng mặc áo vá, có cái vá cả ở hai bên vai. Tôi rất có cảm tình với cô nên nhờ một người quen là ông Hai Bính làm mai mối hỏi cưới. Năm ấy tôi vừa 19 tuổi.
Ông bà Tư Chuông thấy tôi tính tình chất phác, siêng năng lại giỏi nghề nên rất thương và muốn bắt rể. Khổ nỗi, trong mắt cô con gái có học ở thị trấn nhỏ thời đó, tôi không phải là mẫu người chồng lý tưởng và cô cương quyết từ chối. Tuy cô khóc lóc không đồng ý nhưng cuộc hôn nhân vẫn được thực hiện bởi ông bà Tư Chuông nhất định ép gả con gái cho tôi.

Tác giả (bìa phải) và đồng chí Lê Duẩn tại nhà khách T78 (1979).
Từ ngày tổ chức lễ hỏi, cô Tư không nói năng gì, cứ lầm lầm lì lì cho đến ngày cưới thì bỏ trốn về nhà người bà con, cả nhà phải đi tìm về. Cuối cùng mọi chuyện đâu cũng vào đấy, sau đám cưới, tôi về ở rể tại nhà cha mẹ vợ.
Đêm tân hôn, vợ tôi cuốn tròn chiếc chiếu quanh mình mà ngủ, tôi đụng tới thì cô gạt ra. Tôi không dám la vì cha mẹ vợ nằm ngủ kế bên, hai giường chỉ cách nhau một vách lá dừa nước. Cả mấy tháng trời như vậy, sau đó cô viết một lá thư bỏ vào túi áo tôi. Khổ nỗi hồi ấy tôi đâu có biết đọc mà cũng không dám nhờ ai đọc giùm nên cứ coi như không có chuyện gì xảy ra.
Tâm trạng buồn bã nên sau đó tôi bỏ quê lên Sài Gòn đi làm thợ đóng móng ngựa cho người Nhật. Có một kỷ niệm nhớ mãi là ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tôi mua đôi guốc mang cho có vẻ sang, mang được một buổi, đến chợ cầu Ông Lãnh thì bị phồng chân lên nên tôi buộc sợi dây vô đôi guốc rồi đeo lên vai! Làm việc ở đây quá cực nhọc và chán nản nên chỉ vài tháng tôi lại bỏ về quê. Lúc đó là vào cuối năm 1945.
Tôi về tiếp tục ở nhà vợ, nhưng tình trạng vợ chồng cũng như trước và tôi vẫn sống bên vợ với lá thơ “thầm kín” cất giữ bên mình mà sau này hỏi ra mới biết là vợ khuyên tôi nên rút lui.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, nhân dân huyện Sóc Sải hưởng ứng khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi gia nhập Thanh niên Tiền phong xã Tiên Thủy, được giao canh gác giữ gìn an ninh trật tự.

Ông Tư Hoành (đứng phía sau) bảo vệ đồng chí Lê Đức Thọ
đi thăm nhà trẻ ở Paris (Pháp) 6/1968.
Cho đến khi quân Pháp trở lại xâm lược, đưa quân chiếm tỉnh lỵ Bến Tre, lấn chiếm đóng đồn tại huyện lỵ Sóc Sải thì đơn vị của tôi phải rút vào hoạt động bí mật. Một hôm, khi cùng anh em tham gia đi thám thính đồn Sóc Sải, tôi bị địch bắt.
Tôi bị đánh đập tra tấn bốn năm ngày, quần áo rách tả tơi. Bọn chúng hỏi: nếu mầy chỉ ai làm Việt Minh ở địa phương này thì tao thả, không mầy sẽ bị xử bắn. Sau đó, chúng trói thúc ké và bịt mắt tôi đưa ra xử bắn ngay tại chợ Sóc Sải đang họp chợ rất đông người. Tôi yêu cầu trước khi bắn cứ mở trói và không bịt mắt. Không ngờ chúng đồng ý và khi tên chỉ huy vừa dứt tiếng “Chuẩn bị… bắn” thì tôi liền chạy lẩn vào chỗ đông người trong chợ. Địch rượt theo, chúng bắn chỉ thiên, dân chúng làm hỗn loạn lên để cho tôi chạy thoát. Tôi băng qua cầu Tre Bông chạy thêm mấy cây số hướng về xã Tiên Long, đến nhà người quen nằm vùi từ sáng đến chiều mới tỉnh người lại.
Nhưng giờ đây, tôi lại được niềm an ủi lớn. Người vợ “khó tính” đã rung động trước bản lĩnh và thái độ của tôi đối với kẻ thù, bắt đầu yêu tôi và chấp nhận tôi làm chồng. Cả nhà hòa thuận, cuộc sống yên lành. Nhưng lòng dạ tôi không yên, vẫn tìm cách nối liên lạc với kháng chiến…”
NGUYỄN VĂN HOÀNH
(Trích Hồi ký “Trưởng thành theo Cách mạng”)