Chuyện dạy con

Bố đã sống ở lứa tuổi bảy mươi được vài năm, cùng nhiều lần tự vấn về mình để rút ra những điều coi như kinh nghiệm sống: tốt – chưa tốt; được – mất; thành công – thất bại... Thế nhưng nói về chuyện dạy con thì cũng còn thiếu tự tin để khẳng định điều này điều nọ.

Nhìn bề ngoài thì các con đều học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, thậm chí có địa vị trong xã hội; tính cách khá trung thực, hiền hậu, lễ phép và hiếu thảo, đối với bạn bè có nghĩa có tình... nhưng vừa ý chưa thì vẫn còn phân vân.

Tại sao thế? Vì chuyện dạy con là vô cùng khó, kết quả cũng vô cùng tận. Dù đã hết lòng thương yêu con, vì con mà chăm nom dạy bảo một cách chu đáo, nhưng không phải đã được như ý mình. Tuy nhiên, bố cũng tạm rút ra một số điều cần lưu tâm trong việc dạy con.

Yêu cho roi cho vọt, đúng hay sai?

Đã có nhiều ý kiến bình luận điều này. Thời của bố, ông nội con là người rất nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc thể hiện bằng roi vọt và hình phạt (quỳ, giơ tay lên trời), nhưng khi ngoan thì chiều chuộng vô cùng. Bố rất sợ ông. Chỉ cần lừ mắt là đã biết ý. Việc lễ phép, thưa gửi, vâng lời gần như tuyệt đối. Đến lúc ông già rồi, bố cũng có tuổi thì quan hệ vẫn như vậy. Quả thật, nếu sau này khi ra đời tự tin hơn thì cách dạy con như vậy cũng hay. Nhưng bố không thích cách dạy con “roi vọt” như vậy. Nó mâu thuẫn với tình cảm thật của cha mẹ (chính ông cũng công nhận là khi phạt con thì thương lắm!). Và nhất là roi vọt làm con cái mất tự tin, hay rụt rè, thiếu mạnh dạn trong ứng xử. Càng tai hại hơn khi đánh con vì cáu giận…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thay vì cách đó, bố tuyệt đối không dùng roi, không bắt phạt quỳ… mà thường chỉ khuyên giải. Có lẽ vì vậy mà con cái thường “dân chủ quá trớn” với bố mẹ. Cực đoan quá ắt không hay, nhiều khi bố lừ mắt mà không thấy các con để tâm, cứ theo ý mình mà hành động. Bố kết luận, không “cho roi cho vọt” nhưng phải rất nghiêm khắc và kiên quyết. Thuyết phục, làm gương… đi đôi với những quy định bắt buộc. Đi có thưa về có gửi, mời chào, nói năng lễ phép, trên dưới phân minh. Tuyệt đối không chiều chuộng vô lối.

Bố nhớ, khi con học cấp 3, con muốn xin tiền mua sách, bố thường không cho ngay (hơi cực đoan). Đi học xa, ngày bốn lần đi lại, bố vẫn bắt con đi xe đạp. Từ lúc học cấp 1, cấp 2, bài làm, kể cả thủ công khâu vá thì bố mẹ không làm thay… Tất cả những điều đó là dạy con lòng tự trọng và tính tự lập.

Khi đi đón con hồi còn nhỏ, bố chứng kiến một số phụ huynh thưởng hoặc chiều con mình bằng cách cho tiền ăn quà. Riêng các con của bố thì ngay như con, mãi đến khi học đại học, ở xa, có học bổng thì mới biết tiêu tiền. Đó cũng là kinh nghiệm con nên áp dụng…

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Bố muốn nói đến việc cha mẹ cần hết sức quan tâm đến các quan hệ của con. Quan tâm một cách tế nhị và khi càng lớn thì sự quan tâm càng cần tế nhị hơn. Đó là sự xếp đặt và thuyết phục, nhưng tránh áp đặt và thô bạo. Thông thường thì “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, kẻ xấu hay tìm đến với nhau, tính xấu ảnh hưởng đến nhau nên đã hư đốn càng hư đốn hơn. Ngược lại, trẻ ngoan hay chơi với nhau, ảnh hưởng tới nhau và tính cách ngày một tốt lên. Tuy nhiên, việc chọn bạn mà chơi thì không phải là chuyện đơn giản. Những cạm bẫy trong học đường, trong xã hội dễ hấp dẫn. Vả lại, học điều xấu dễ hơn làm và học điều tốt. Vì lẽ đó, nhiều ông bố bà mẹ luôn tìm hiểu bạn của con mình kỹ lưỡng, từ tính cách, khả năng, thậm chí cả hoàn cảnh gia đình để định hướng bạn bè cho con mình. Cố sao, chính những người bạn đó còn “cải tạo” những thói xấu con mình mắc phải.

Như con đã thấy, bố mẹ luôn gần gũi các bạn của con đến mức chơi thân với các bạn của con. Một trong những bài học dạy con là phải chọn bạn mà chơi, phải hết lòng với bạn bè. Bố luôn nhắc các con “giàu vì bạn” mà. Bây giờ, khi đã lớn khôn, con đi đâu cũng có bạn tốt. Rõ ràng, đó là tài sản vô giá mà con dày công xây dựng, trong đó có sự vun đắp của cha mẹ. Âu cũng là bài học sau này con dạy con mình.

Làm bạn thân của con

Như bố con mình thì có gọi được là bạn thân của nhau không nhỉ?

Đã chín năm con xa nhà, ngày nào bố con mình cũng gửi thư điện tử cho nhau. Mọi suy tư, công việc và sinh hoạt của con cũng như việc nhà, bố con mình đều thông báo, chia sẻ. Chúng ta chả giấu nhau điều gì. Chân thành và bình đẳng. Bố cảm thấy con trở thành bạn thân nhất! Những ngày bố đi Hà Nội hay đi đâu đó, không gửi thư cho con được, con thường dùng điện thoại để liên lạc. Không thấy vậy lại lo, lại nhớ. Bố nhắc lại chuyện bố con mình cũng để con nay mai sẽ thực hiện như vậy với cháu của bố, con sẽ có hạnh phúc lớn như tâm trạng của bố lúc này…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nói phải làm bạn thân của con thì thấy đơn giản, nhưng khi ở vị trí làm cha mẹ thì khó đấy con ạ. Trước tiên, cha mẹ phải rất yêu con mà muốn con mình thân thiết như một người bạn. Đứa con tôn trọng bố mẹ nhưng không sợ hãi. Lại có câu “Yêu chó chó liếm mặt”. Dùng câu nói đó trong trường hợp này có phần khập khiễng, nhưng quan hệ cha mẹ và con cũng cần khoảng cách cần thiết, thể hiện sự tôn trọng cao. Muốn thế, bố mẹ cần xây dựng uy tín đối với các con. Uy tín cao đó, chính là do nhân cách và tình cảm của bố mẹ đối với các con.

Dạy con tức là rèn mình

Có câu “ngôn xứng kỳ đức”, nôm na là, mình nói điều hay lẽ phải thì bản thân phải làm được điều đó, lời nói phải tương xứng với việc làm.

Vậy thì, những gia đình mấy anh chị em đều giàu có mà lẩn tránh việc nuôi cha mẹ; các cặp vợ chồng đuổi cha mẹ ra khỏi nhà; những kẻ hành hạ, thậm chí đánh đập bố mẹ mình, hoặc nhẹ nhàng hơn là đã để con cái chứng kiến những giọt nước mắt của ông bà khóc vì tủi thân, vì đau khổ. Những bậc cha mẹ đó sao có thể dạy con những điều hiếu thảo?

Những gia đình mà cha hoặc mẹ ngoại tình trăng hoa không ngớt thì sao dạy con lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng?

Những ông bố, bà mẹ ăn ở với bạn bè vô tình bạc nghĩa, thậm chí “lừa thầy phản bạn” thì làm sao dạy con về tình bạn, và con cái sau này làm sao có “gia tài bạn bè vô giá” ?

Hoặc như các bậc cha mẹ nói năng tục tĩu, văn hóa ứng xử thấp hèn... thì sao dạy con lễ phép, lịch sự, ứng xử văn hóa, văn minh...

Biết bao thảm cảnh trớ trêu, bi kịch chua xót đang diễn ra trong xã hội ngày nay ngày một nhiều, đáng báo động về trách nhiệm dạy bảo con cái của bậc làm cha mẹ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Từ đó, điều dễ thấy là muốn dạy con phải rèn mình; rèn mình để dạy con nên người. Hãy dừng lại trước khi có cử chỉ, hành động, lời nói không đạo đức, thiếu văn hóa. Ngay như bố đây đã già rồi thì cũng phải tâm niệm, dạy con thì mình phải làm gương, tức là phải rèn mình. Một điều nữa cũng cần suy nghĩ. Có câu “phúc đức tư lương”, hàm ý phúc đức ví như lương thực, tiền của mà con người mang theo trên đường đời. “Có phúc có phần” – phần lưu lại cho con, phần của cha mẹ. Sống lương thiện, tử tế, biết sẻ chia, chính là tạo phúc.

Dạy con là một sự nghiệp lớn của bậc cha mẹ. Dù hoàn cảnh khách quan chủ quan ra sao thì kết quả giáo dục con cái cũng được đánh giá mức độ việc hoàn thành trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình và xã hội.

LÊ MẠNH ĐỨC