Quảng Nam Đà Nẵng là địa phương có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, diễn viên xuất sắc… nhưng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết đều sống và làm việc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; những người gắn bó với quê hương như các ông Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Văn Xuân… không nhiều. Thơ Lưu Trùng Dương thời chống Pháp được phổ biến rộng ở Liên khu 5 và những bài thơ của ông đã là một tiếng kèn xung trận, một lời ca ngợi động viên rất hào hùng và cũng rất thiết tha. Ngày học cấp hai, tôi thuộc lòng bài thơ Người lính của ông:
“Họ từ bãi Cà Mau lau trùng lách điệp,
Họ từ Hải Vân quan núi tiếp mây mù.
Họ tự bưng biền
Họ tự chiến khu
Một ngày biết đổ xô về đô thị.
Ôi Sài Gòn yêu quý,
Ôi Hà Nội mến thương.
Ôi Cửa Hàn trăm quý
Ôi Phố Hội nghìn thương
Hãy vùng dậy đón đoàn quân bách thắng…”
Những câu thơ dự đoán đó của nhà thơ, mãi gần ba mươi năm sau mới trở thành sự thực trọn vẹn.
***
Tôi nhớ nhất là ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười về vấn đề nông dân, nông thôn thời kỳ đó mà tôi đã ghi rất cẩn thận trong sổ công tác:
“Dứt khoát không để nông dân không có ruộng đất. Nếu không có ruộng thì phải có nghề khác, phải có thu nhập để sống. Trang trại ở trung du, miền núi cũng phải xem xét kỹ. Nếu cán bộ, đảng viên trở thành phú nông cả thì nguy hiểm. Để cán bộ bóc lột nông dân là không được. Phải thực hiện dân chủ hóa nông thôn. Bài học Thái Bình là rất đáng chú ý. Nếu không lo cho nông dân đến nơi đến chốn, nếu để mất nông dân thì chúng ta sẽ chết! Cần chú ý hợp tác hóa. Không có hợp tác sẽ khó khăn đối với nông dân. Thương nghiệp quốc doanh không thể bỏ thị trường nông thôn được. Nhất thiết thương nghiệp quốc doanh phải có mặt ở nông thôn. Phải nghiên cứu và có các biện pháp chỉ đạo chặt chẽ vấn đề này. Phải có chương trình đưa công nghiệp nhỏ vào nông thôn để giải quyết việc làm cho nông dân. Thu hồi đất để lập các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm thực hiện công nghiệp hóa nhưng không thể bần cùng hóa nông dân. Đó là nguyên tắc. Nếu để xảy ra thì đó là sai lầm chiến lược”.
Ý kiến đó của Tổng bí thư Đỗ Mười khi tôi viết những dòng này cách đây đã mười năm, nhưng vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở nước ta vẫn ngày càng nóng bỏng; những giải pháp mà Tổng Bí thư đưa ra hồi ấy vẫn chưa được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; tình trạng nông dân nhiều vùng vẫn còn quá cơ cực, bức xúc: mất đất, không có việc làm, giá cả vật tư tăng vọt, nông sản không được tiêu thụ, tệ nạn xã hội phát triển đến cả những vùng xa xôi hẻo lánh!
Trong kỳ họp thứ hai, cũng là kỳ họp cuối năm 1997, tôi và chị Trương Thị Mỹ Hoa được Chủ tịch Quốc hội phân công điều hành các phiên họp thảo luận về tình hình năm 1997 và nhiệm vụ năm 1998. Và ngay trong phiên đầu tiên đó, tôi đã rút ra được một bài học. Do thời gian quy định thảo luận ngắn, nhưng một số đại biểu phát biểu dài, thường nêu tình hình và yêu cầu của địa phương mà không đi vào những vấn đề chung của đất nước nên khi chủ trì, tôi đề nghị các đại biểu phát biểu vào trọng tâm với cái giọng Quảng Nam hơi gay gắt. Vào giờ giải lao, trong hành lang hội nghị, tôi được một số anh em phản ảnh là chủ trì hơi cứng nhắc, làm cho việc thảo luận hơi gò bó, mà đây lại là phiên họp đầu tiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội khóa X có nhiều đại biểu mới. Tôi nhận ra thiếu sót của mình và ngay sau khi giải lao vào lại hội trường, tôi đã tự phê bình trước các đại biểu:
- Tôi vốn là dân Quảng Nam hay cãi. Khi tập kết ra Bắc, về công tác lâu năm ở đất Kinh Bắc đã cố gắng học tập phong cách quan họ nên trong ứng xử đã dịu dàng đi nhiều. Nhưng mấy năm vừa qua lại được về công tác ở Quảng Nam, cái tính hay cãi và gay gắt lại tái hiện. Xin các đại biểu thông cảm và tôi xin hết sức sửa chữa.
Cả hội trường cười ồ, thông cảm. Anh Nông Đức Mạnh bảo tôi:
- Tôi cứ tưởng ông khô khan, nhưng không ngờ ông cũng hóm hỉnh ra trò.
***
Chất vấn và trả lời chất vấn trong các phiên họp toàn thể của Quốc hội tại hội trường đã có từ các khóa trước, nhưng thực sự thành nếp từ Quốc hội khóa IX, nhất là khi có truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi. Kế thừa kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, trong khóa X, hoạt động này đã được cải thiện một bước. Theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội điều khiển các phiên họp này. Tôi thường được bố trí với một Phó Chủ tịch khác cùng ngồi ở Đoàn Chủ tịch để theo dõi ý kiến trả lời của các đối tượng được các đại biểu chất vấn. Nhược điểm rõ nhất của hoạt động này là đại biểu chất vấn thường đặt câu hỏi dài dòng, nhiều khi gần như một kiến nghị; còn người được trả lời thì lại nói nhiều về thành tích của Bộ, ngành mình, giải trình dàn trải, nhiều khi không đi vào trọng tâm. Trong điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã linh hoạt cho giảm thời lượng trả lời của những đối tượng ít câu hỏi; ngược lại tăng thời gian trả lời cho những đối tượng có nhiều câu hỏi. Mặc dù vậy, trong nhiều phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội và cử tri tỏ ý chưa hài lòng với cách trả lời của một số Bộ trưởng. Kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa X, sau ba ngày ngồi theo dõi việc trả lời chất vấn của sáu vị Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, qua nghe ý kiến của các đại biểu trong hành lang hội nghị vào những giờ giải lao, ý kiến cử tri đăng lên các báo, tôi làm một bài thơ vui “Trả lời chất vấn”:
Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy
Trả lời chất vấn nghe có lý.
Nhưng mà tiêu cực ngành Ngân hàng
Cử tri đòi hỏi phải xử trí.
Bộ trưởng Thương mại ông Vũ Khoan
Mới nhận nhiệm vụ một thời gian
Giải đáp nhập xe còn lúng túng,
Nhân dân cả nước vẫn phàn nàn.
Bộ trưởng Giao thông Lê Ngọc Hoàn
Trình bày vấn đề còn lan man.
Bệnh viện, con số cứ nhầm lẫn.
Giao thông chắc hẳn chưa an toàn.
Bộ trưởng Dân tộc Hoàng Đức Nghi
Vụ việc nổi cộm đã nhiều kỳ
Ông đều đổ lỗi cho huyện, tỉnh.
Còn Ủy ban ông chẳng việc gì.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc
Giải đáp còn vòng vo tam quốc
Ý kiến đưa ra còn chủ quan
Đại biểu Quốc hội chưa thông suốt.
Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ
Nét mặt có lúc hơi nhăn nhó
Thuyết trình điểm nào nghe cũng thông,
Sao Nông nghiệp ta khó vẫn khó.
Còn ông Chánh án Trịnh Hồng Dương
Kỳ này trả lời có khá hơn
Nhưng còn chất lượng các Tòa án
Cần phải nâng cao thật khẩn trương.
Viện trưởng Kiểm sát Hà Mạnh Trí
Trình bày những vấn đề pháp lý
Xem ra còn nhiều án oan sai
Ngành này cần phải xem xét kỹ.
Ba ngày có tám vị trả lời
Mọi việc chưa phải đã êm xuôi
Chỉ mong các vị giữ lời hứa
Tạo đà chuyển biến, dân mới vui.
Âu cũng là một kỷ niệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X. Theo dõi thì thấy Quốc hội khóa XI đã cải tiến thêm một bước hoạt động này bằng cách khống chế mỗi người trả lời chỉ một giờ đồng hồ dù có nhiều hay ít câu hỏi và người trả lời trực tiếp trả lời ngay câu hỏi của đại biểu. Nhưng việc quy định chỉ một giờ cho một người trả lời thì cũng không ổn vì có Bộ, ngành có nhiều vấn đề, đại biểu Quốc hội muốn hỏi nhưng không còn thời gian nên gây bức xúc cho đại biểu; mặt khác, kỳ họp nào cũng bố trí chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong phiên họp đó vẫn không có hiệu lực và hiệu quả nên trở thành hình thức. Ngay trong khóa X, có ý kiến của cử tri là phiên họp trước đã trả lời, đã hứa giải quyết thì phiên sau phải nói rõ hiệu quả giải quyết; căn cứ vào đó mà Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Chính vì thế trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 do Quốc hội khóa X thông qua có điều khoản về bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng rất tiếc là cả nhiệm kỳ khóa XI vẫn không thực hiện được!