Chuyện Kim Lân và Nguyễn Tuân

Nhà văn Kim Lân hẹn tôi buổi chiều mùa thu 1996. Nhân chuyến đi dự Hội nghị văn học đồng bằng sông Cửu Long, anh em gặp nhau hẹn uống chén rượu.

Chuyện vui, Kim Lân nói nhiều kỷ niệm với Nguyễn Tuân:

- Ông thử xem: Nguyễn Tuân là một nhà văn đầy tâm huyết và nhiệt tình với cách mạng. Kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Tuân có hai tập tùy bút kháng chiến, cải cách ruộng đất sáng tác Bóng nó đè lên xóm làng cũng là tập tùy bút rất hay. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có tùy bút Sông Đà, đánh Mỹ hai miền có tùy bút Sông Tuyến, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Các tùy bút này đều tái bản nhiều lần.

Nhà văn Kim Lân lại cười vang nói thêm:

-Ông có thấy không, không ai đi sát, phản ánh từng giai đoạn chiến tranh ái quốc và xây dựng hòa bình như bác Nguyễn.

Ngoài văn tài và tâm huyết của bác Nguyễn, Kim Lân còn kể cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp với Nguyễn Tuân:

-Năm ấy, vào khoảng thập niên 60, Kim Lân, nhà thơ Tế Hanh và Nguyễn Tuân được cử đi thăm và làm việc ở Bungari. Mặc dù Tế Hanh Thường vụ Hội là trưởng đoàn, nhưng đâu đâu bạn cũng rất trân trọng và kính nể bác Nguyễn, không những bác lớn tuổi, nổi tiếng và tài hoa, mà hình như bác có cái uy thuyết phục bạn. Để tỏ sự trọng thị, bạn xép phòng cho bác Nguyễn vào loại A1, thì chúng tôi A2 chẳng hạn. Nhưng con người đã viết Yêu ngôn, một loại truyện kiểu Liêu trai chí dị đầy ma quái, chính là người rất sợ ma, sợ sự trống vắng. Không biết bác sợ thật hay là giả vờ, mà đêm đêm bác lại sang ngủ với tôi, ít dám ngủ một mình. Có bữa đi thăm một địa phương có hành cung củavua chúa thời xưa, bọn chúng tôi được xếp ở vào các phòng của đại thần, thì Nguyễn được xếp vào phòng quốc vương và hoàng hậu. Phòng quốc vương thì rộng, trang hoàng đẹp hơn, mâm vàng, chén ngọc… lại trang trí nhiều ngà voi, sừng tê ngưu, đầu hươu, đầu bò… Nghĩa là bạn muốn bác làm “nhất dạ đế vương”, tất nhiền là thiếu cung phi. Nhưng bác lại chạy sang phòng “thái giám” để ngủ với “đại thần” Kim Lân. “Mình sợ cái đầu trâu mặt cọp lắm, mình sang ngủ với cậu đây!” – Nguyễn Tuân nói.

Mỗi lần bác sang tôi là tôi vui lắm. Nghiệt một nỗi, khi mình ngủ thì bác thức, bác giở sách báo ra đọc – báo địa phương in bằng tiếng Pháp. Đọc chán chê lại đem rượu và khô mực ra nhắm một mình. Bác đã chuẩn bị từ nhà các thứ linh tinh, bác lục cà lục cục suốt đêm, đến khi mình dậy thì bác chợp mắt lim dim. Mình lại chẳng dám động mạnh, bác ngược đời như thế!

pic

Nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Sài Gòn năm 1977


Khi về ghé Mátxcơva, các bạn Nga quý bác lắm. Hai cha con nhà thơ Ximônốp tranh nhau ôm hôn bác. Thằng con trai nhà thơ lớn của Nga, đạo diễn điện ảnh, râu xồm, cao to, cúi xuống nhấc bổng bác, mừng mừng tủi tủi, nước mắt rơi lả tả. Khi Ximônốp tiễn chúng tôi, tặng quà, tôi và Tế Hanh như nhau, trái lại Nguyễn lại được món quà khác, một cái píp chẳng hạn. Cái píp bọc da rất quý, rất đẹp. Bác Nguyễn lại bỏ thuốc vào châm lửa đốt, bộ dạng oai vệ như nguyên soái Xtalin vậy! Bác nói đùa: “Chỉ Xtalin mới cầm píp kiểu này, ở nước chúng tôi thì người vùng cao nguyên mới hút píp – mà píp lại cán dài như ống thổi sáo”. Thế là cả nhà Ximônốp cười vang. Vui nhất là bạn làm cơm thết chúng tôi. Người Nga đâu có quen ăn cơm mà biết nấu. Cơm đổ nhiều nước như cháo loãng. Bác Nguyễn lại đùa: “Chắc nhà ta hết gạo rồi cho khách ăn cháo?”. Ximônốp là nhà văn lớn của toàn Liên bang Xô Viết mà quý bác như thế, nên đâu đâu bác cũng được tiếp như “ông hoàng” vậy!

Xủng xẻng tiền, bác lại tiêu pha rất phung phí, bác bảo “của thiên trả địa”, bác thường puốcboa(*) rất hậu hĩ cho những người phục vụ. Người ta chỉ cho năm, mười côpéc, bác lại cho năm, mười rúp (một rúp bằng 100 côpéc). Có khi bác cho những người phiên dịch hoặc cán bộ tùy tùng hàng trăm rúp. Như Marian Kachốp – nhà văn Nga, dịch giả nhiều sách Việt Nam – đã nói “Bộ cụ muốn làm ông hoàng châu Á à?”. 100 rúp có thể mua một cái quạt tai voi lúc ấy, hoặc một cái tủ lạnh Xaratốp mà. Đi thăm đâu bác cũng mua hoa tươi tặng, mà hoa tươi mùa đông ở Mátxcơva rất đắt. Rồi về đến Trung Quốc, hết tiền bác lại vay mượn chúng tôi để tiêu vung xích đế. Kể ra cũng có lúc bực bác thật. Mình dành dụm chút đỉnh mua quà về tặng gia đình bè bạn… Nói vậy, chứ vẫn cho bác mượn thôi. Ông anh cả mà! Bẵng đi hàng chục năm sau, quên khuấy đi mất, khi vào TP Hồ Chí Minh, biết tôi cần tiền, bác lại ấn vào tay tôi: “Mình trả cho Kim Lân khoản mượn ở Bắc Kinh đó!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên, nhớ ra, thì ra bác quá chu đáo và sòng phẳng, mà số tiền lớn gấp bao lần. Bác Nguyễn là con người rất tình nghĩa như thế.

Có lần, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng và tôi đến nhà bác “liên hoan”, gọi là “liên hoan” thật ra là nhậu nghèo. Hết rượu, bác bò xuống góc giường dưới tủ tìm rượu. Bác mang ra được một chai vang trắng Pháp. Thế là anh em lại say khướt, tất cả cùng ký tên vào chai ấy. Tôi vẫn giữ trong nhà hàng chục năm nay, thế mà gần đây dọn đồ đạc không còn thấy. Chắc mấy bà đồng nát đã thu mua rồi. Cái chai ấy hết rượu, nhưng vô cùng quý giá vì có chữ ký của bốn nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những ngày cuối đời bác, tôi biết bác là người thích hoa, yêu hoa, nhất là phong lan. Đang giữa mùa hè 1987, Hà Nội tìm khắp phường xa, phố gần không đâu có phong lan nở muộn. Tôi đạp xe ra tận Nghi Tàm, Quảng Bá, nhưng cũng không làm sao có phong lan. Đừng nói Bạch Ngọc, mà cả Hoàng Lan cũng ko có. Thế rồi tôi tìm vào nhà ông Châu Ký, may quá ông có giò Bạch Lan đang trổ. Sau biết ý, ông sốt sắng ngay: “Ai chứ Nguyễn Tuân thì biếu ngay”. Tôi mừng như được vàng, đem ngay vào bệnh viện tặng bác. Bác đang ngủ, giấc ngủ chập chờn của bệnh nhân, tôi không dám gọi. Tôi để trên đầu giường. Khi tỉnh dậy, bác biết Kim Lân đến thăm, bác vui được vài ngày rồi vĩnh biệt chúng ta.

Những câu chuyện như thế, người viết đã có dịp hầu rượu bác Nguyễn, đã nghe, đã có biết. Nhưng hôm nay Kim Lân kể rất xúc động, đêm nay thức trắng để viết, không thì nhiều việc lại trôi đi.

Tấm lòng của Kim Lân với Nguyễn Tuân, với bạn văn thật đáng trân trọng, kính nể.

 

(*) Pourboire: tiền thưởng thêm, tiền bo

Đoàn Minh Tuấn