Chuyện nhuận bút của Bác Hồ

Chúng ta đều biết, trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với hoạt động cách mạng, Người còn là một nhà báo cách mạng, một nhà văn hóa lớn trên thế giới và trong nước với hàng trăm bút danh khác nhau. Người còn viết nhiều cuốn sách, trong đó có cả ký, tiểu thuyết, kịch bản bằng tiếng Pháp… Từ trước tới nay, ít ai được biết Bác đã nhận và sử dụng tiền nhuận bút như thế nào. Sau đây chỉ là một số thông tin ít ỏi ban đầu mà người viết bài này cố gắng tìm hiểu.

Theo sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của tác giả T.Lan (một bút danh của Bác) kể lại chuyện khi ở Paris, Bác đã tập viết báo bằng tiếng Pháp, còn viết cả ký và truyện ngắn (Bác nảy ra ý tưởng viết truyện ngắn sau khi đọc những truyện ngắn của L.Tolstoy, đại văn hào Nga mà sau này khi nhớ lại kỷ niệm này Bác đã viết bài Tôi là người học trò nhỏ của L. Tolstoy cho một tờ báo văn học của Liên Xô).

Người rất vui mỗi khi nhận được nhuận bút vì nhờ đó có thể bớt thời gian đi làm thuê để có thì giờ đến đọc sách báo ở thư viện, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ để mở rộng tầm nhìn và các mối quan hệ cho hoạt động cách mạng. Trong hành trình đi tìm đường cách mạng qua nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, châu Á, nước Anh… Người cũng không ngừng viết báo bằng những ngôn ngữ khác nhau về những gì tai nghe, mắt thấy với mục đích duy nhất là vận động cách mạng và làm cho thế giới biết và hiểu về đất nước, con người Việt Nam, cách mạng Việt Nam.


Tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện.

Cuối năm 1924, khi từ Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc, Người vẫn tiếp tục cộng tác, viết bài cho một số tờ báo ở Liên Xô, trong đó có cả Tạp chí Rabotnhitxa, một tạp chí dành cho phụ nữ. Sau đây là bức thư Người gửi cho tạp chí:

“Gửi Ban biên tập Tạp chí Rabotnhitxa

Quảng Châu ngày 12 tháng 11 năm 1924

Các nữ đồng chí thân mến,

Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi rất phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay tôi muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì ở đây hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức “Những bức thư từ Trung Quốc” và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy những bài viết có tính độc đáo hơn và phong phú hơn với độc giả, đồng thời cũng bảo đảm giấu được tên thật của tôi.

Xin các đồng chí gửi đều đặn cho tôi không chỉ riêng báo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ và thiếu nhi, nhưng các đồng chí của chúng ta ở đây lại chưa có đủ tài liệu huấn luyện và tuyên truyền. Về phần tôi, tôi hứa sẽ cung cấp cho các đồng chí tin tức về phong trào phụ nữ ở phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng.

Nếu phải trả tiền đặt mua các báo mà các đồng chí đã gửi cho tôi, xin các đồng chí cứ giữ lại tiền thù lao các bài báo tôi viết để trả.

Xin các đồng chí nhận lời chào cộng sản của tôi.

Nguyễn Ái Quốc” (1)

Thư đánh máy bằng tiếng Pháp, hiện bản chụp còn được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tiếc rằng, những bài báo với bút danh mang tên người phụ nữ như trong thư Bác viết trên đây nay chúng ta vẫn chưa sưu tầm được.

Khi trở về Việt Nam năm 1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã sáng lập tờ báo Việt Nam Độc Lập, viết rất nhiều bài, cả tranh minh họa để vận động, tuyên truyền cách mạng, cả sách huấn luyện cách đánh du kích, cách dụng binh của Tôn Tử, dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, viết diễn ca Lịch sử Việt Nam, Địa lý Việt Nam làm tài luyện huấn luyện cán bộ. Tất nhiên tất cả những bài viết này của Người không hề có một đồng nhuận bút, thù lao nào.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, trở về thủ đô Hà Nội, Bác vẫn tiếp tục viết báo, viết sách cho các tờ báo, nhà xuất bản ở trong nước và nước ngoài, được trả nhuận bút theo chế độ hiện hành. Chỉ riêng sách của Người được xuất bản ở Nhà xuất bản Sự Thật (nay là Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia – Sự Thật), theo sự tìm hiểu của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân – nguyên Vụ trưởng Vụ Tài vụ Nhà xuất bản thì chỉ trong 24 năm, từ khi thành lập nhà xuất bản năm 1945 đến tháng 9 năm 1969, số đầu sách của Người đã lên tới gần 80 tác phẩm với hàng chục bút danh khác nhau.

Đầu tiên là cuốn Đời sống mới xuất bản năm 1947 với bút danh Tân Sinh, cuốn Mười năm cỏ héo với bút danh Trần Lực. Nhiều cuốn sách được tái bản rất nhiều lần. Là người phụ trách công tác tài vụ của NXB Sự Thật những năm này, chị Thanh Xuân đã nảy ra ý định tìm hiểu xem nhuận bút những cuốn sách của Bác đã được thanh toán như thế nào. Nhưng vì sự việc đã qua nhiều năm với nhiều người thay nhau đảm trách công việc nên chuyện tìm hiểu không dễ dàng.

Chị được ông Cù Văn Chước, nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bí thư Chi bộ 41A (mật danh của cơ quan Bác Hồ lúc đó), nguyên là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người được coi là “tổng quản” chăm lo công việc phục vụ Bác làm việc và sinh hoạt hằng ngày, cho biết: Năm 1956, khi đang phụ trách nhà khách Phủ Chủ tịch, ông Chước được ông Vũ Kỳ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch, giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý bộ phận anh em trong Văn phòng phục vụ Bác. Ông Chước còn được ông Kỳ giao quản lý chi tiêu cho Bác, hàng tháng nhận lương và các khoản tiền của Bác. Nhận bao nhiêu tiền ông đều ghi vào sổ, trừ vào chi dùng mua sắm đồ dùng cần thiết, ăn uống hàng ngày…


Bác Hồ là tác giả của rất nhiều bài báo, ký, tiểu thuyết, kịch bản...

Mỗi năm hai lần, ông Chước tập hợp số liệu chuyển ông Vũ Kỳ báo cáo với Bác. Ngoài các khoản chi dùng thiết yếu như ăn, mặc, sắm đồ dùng cá nhân…, số còn lại Bác làm quà gửi trại trẻ mồ côi, các cháu Trường Học sinh miền Nam, anh em phục vụ làm việc ở Văn phòng gặp khó khăn… Tết đến, năm nào Bác cũng trích tiền lương và thu nhập gửi về biếu các bậc cao niên trong tộc họ. Nghe tin người thân ốm đau, bệnh tật Bác cũng gửi tiền về thêm vào mua thuốc men. Bác dặn nhớ nói rõ là tiền lương và tiền thu nhập riêng của Bác tiết kiệm được.

Món quà bằng tiền to nhất là món Bác tặng cho Bộ đội Phòng không – Không quân khi biết những ngày hè nóng rực, nhiều đơn vị pháo cao xạ phải trực chiến trên những sân thượng nóc nhà cao của Hà Nội và nhiều trận địa khác, không đủ nước uống. Số tiền lên tới 25.000 đồng, gần hết cả số tiền ông Chước giữ và rút ở sổ tiết kiệm. Số tiền này tính ra gấp hơn 100 lần lương tháng của Chủ tịch nước ở thời điểm đó.

Thu nhập của Bác, ngoài lương tháng, còn có phụ cấp đại biểu Quốc hội nhưng nhiều nhất vẫn là tiền nhuận bút viết báo, viết sách của Bác kể cả trong nước và nước ngoài. Bác viết với nhiều bút danh nên thường các nhà xuất bản và báo chí trong nước khi nhận bản thảo và thanh toán nhuận bút đều chỉ biết địa chỉ của người viết là ở Phủ Chủ tịch. Ông Chước nhớ lại có một số phiếu nhuận bút của các nhà xuất bản gửi về Văn phòng Phủ Chủ tịch ông trực tiếp mang phiếu đến nhà xuất bản nhận tiền nay vẫn còn lưu giữ được. Như tờ phiếu đề ngày 18/12/1967 của Nhà xuất bản Sự Thật:

“Kính gửi Văn phòng Hồ Chủ tịch,

Chúng tôi xin báo để Văn phòng biết: cuốn Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc đã in xong và xuất bản. Kính mời Văn phòng cử đại diện đến Nhà xuất bản tại 24 Quang Trung vào khoảng thời gian từ… đến… để lấy séc thanh toán nhuận bút cho Hồ Chủ tịch.

Nhuận bút cuốn sách ấn định như sau:

1. Nhuận bút cơ bản: Tổng số chữ: 4.020. Bậc tính nhuận bút: 15đ/100 chữ. Nhuận bút cơ bản: 60 đồng 03 hào. Tỷ lệ được tính 100%. Nhuận bút cơ bản tính theo tỷ lệ được hưởng: 60 đồng 03 hào.

2. Lũy thoái: Số bản: 130.000. Đơn vị tính lũy thoái: 5.500 bản/1 đơn vị. Tỷ lệ tính lũy thoái và 5% nhuận bút cơ bản.

Tiền lũy thoái: 36đ18 + 48đ24 = 84đ42” (2)

Số tiền nhuận bút trên Nhà xuất bản trả bằng séc như các tác giả khác, không hề có đặc quyền đặc lợi nào. Bác nhắc người đi lĩnh nhuận bút phải theo quy định chung, không được nhận bất cứ sự ưu tiên, ưu đãi nào. Ông Chước cho biết sổ tiết kiệm của Bác thời gian đầu do ông Quốc Lâm, phụ trách tài vụ của Phủ Thủ tướng đứng tên, sau đến ông Lê Hữu Lập, một trong những thư ký của Bác đứng tên. Khi đó có phong trào động viên mọi người thi đua gửi tiết kiệm. Bác tự nguyện thực hiện nghiêm chính sách trước. Như năm 1945 Bác nêu phong trào “hũ gạo cứu đói”, Bác cũng tự nguyện cứ 10 ngày nhịn một bữa dành gạo cứu đói. Bao giờ cũng vậy, lời nói và việc làm của Bác là một. Suốt cuộc đời Bác sống rất giản dị “Bác thường để lại đĩa thịt gà và ăn trọn quả cà xứ Nghệ”, “sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Chỉ riêng việc nhận và sử dụng nhuận bút của Bác cũng là bài học lớn, vô cùng quý báu với tất cả mọi người chúng ta…


(1)

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr.3 – NXB Chính Trị Quốc Gia, 2000.

(2)

Chuyện nhuận bút xuất bản…– Tạp chí Nhịp Cầu Tri Thức, số 12/2009.

Bài liên quan:

NGUYỄN GIA NÙNG