Phim truyện, dù là phim truyền hình hay phim nhựa là sản phẩm của một bộ máy công nghiệp điện ảnh. Một bộ phim hay, không chỉ nhờ vào kịch bản mà còn chịu sự tác động rất lớn của đạo diễn, bên cạnh ấy là sự đồng bộ của cả một dây chuyền sản xuất như quay phim, âm nhạc, bối cảnh, phục trang, hóa trang và cả đạo cụ… Chỉ cần một bộ phận trong ê-kip không đồng bộ cũng sẽ cho ra đời một sản phẩm không đủ sức thuyết phục.
KHI SẢN PHẨM KHÔNG ĐỦ SỨC THUYẾT PHỤC…
Từ khi phim truyền hình Việt Nam bắt đầu lấn vào khung giờ vàng của nhiều đài truyền hình, báo chí cũng đã phê phán, “nhặt sạn” khá nhiều. Một nghịch lý là khi phim hay thì bao lời khen ngợi, ca tụng đạo diễn được nhận; còn khi phim không thành công thì mọi yếu kém lại đổ lên đầu tác giả kịch bản. Còn tác giả kịch bản thì sao? Chính họ, khi xem phim còn phải há mồm kinh ngạc vì nhiều đoạn hoàn toàn xa lạ với kịch bản của họ, nếu không muốn nói là làm mất hết ý đồ tác giả.

Cảnh trong phim 13 nữ tù nhân.
Ông Q, một tác giả kịch bản ở trong nghề đã gần 20 năm, gắn bó với phim ngay từ ngày đầu có phim truyền hình, cũng kể lại rất nhiều pha giật mình, không nhận ra đó là phim của mình.
Người “bạn đồng hành” lâu năm của ông Q là đạo diễn T của Hãng phim truyền hình Việt Nam. Ông Q chuyên viết kịch bản cho ông T, vì là “anh em lâu năm”.
Bộ phim hai ông sản xuất cho Hãng phim truyền hình vào năm 2005 là một bộ phim có đề tài khá “hot”, về chuyện đại gia và mỹ nữ. Ông Q nhờ có mối quan hệ với các đại gia nên có đôi chút hiểu biết về giới này và phản ánh vào kịch bản.
Thế nhưng, đến khi lên phim, người “bạn đồng hành” của ông lại biến những ông đại gia thành những kẻ dốt nát, hèn hạ, đối lập hoàn toàn với hình ảnh ông đại gia trầm tĩnh, gian hùng nhưng cũng rất bao dung trong kịch bản. Còn chưa kể đến cô “mỹ nữ” thì ngây thơ tới mức kém hiểu biết và đặc biệt là nhan sắc của diễn viên quá xấu. Một điều ngạc nhiên nữa là, cái tên T nghiễm nhiên đứng cạnh tên Q trong phần giới thiệu tác giả kịch bản.
HTN một tác giả kịch bản trẻ lại kể một câu chuyện khác. Trong một bộ phim gần đây, cô hợp tác với đạo diễn N.Q - một đạo diễn có tên tuổi. Cô kể: “Trong kịch bản của tôi có cảnh cặp diễn viên chính đi chơi ngoài biển, mắc mưa, xe ô tô lại hỏng nên hai người phải chui vào ô tô trú mưa, và tình yêu nảy nở. Thế nhưng khi lên phim, lại chẳng thấy mưa đâu. Mà nếu không có mưa thì không hiểu đôi nam nữ kia chui vào xe làm gì cho bí bức, sao không ngồi luôn ngoài trời mà tâm sự. Sau này, tôi mới biết, đạo diễn và chủ nhiệm xót tiền thuê máy phun mưa nên cắt cảnh mưa cho đỡ tốn”.
Chung quy lại, phim truyền hình thiếu sức thuyết phục cũng tại bởi hai chữ: KINH PHÍ. Và cũng chính vấn đề kinh phí đã gây ra những chuyện dở khóc dở cười trong quá trình sản xuất phim truyền hình.
BỚT XÉN KINH PHÍ LÀM PHIM:
CÂU CHUYỆN DÀI CHƯA KẾT THÚC…
Anh V.B, một diễn viên nổi tiếng vào những năm 90, và bỏ nghề vào năm 1997. Khi được hỏi về nguyên nhân tại sao lại bỏ nghề, anh tâm sự: “Làm diễn viên, ai cũng tưởng là sung sướng, giàu có lắm. Có biết đâu đóng một vai chính, nhận cát-xê có hơn một triệu một tập, lại phải làm ngày làm đêm, tiền ăn ở thì bị bớt xén nên điều kiện sống kham khổ. Tiền sống không đủ, tôi còn phải làm cả thư ký trường quay để kiếm thêm. Thực sự là làm cửu vạn chứ không phải là nghệ sĩ nữa”.
Năm nay là năm 2009, những câu chuyện như vậy vẫn còn rất nhiều trong các dự án phim. Hiện VFC đang sản xuất một bộ phim dài hơi hơn 50 tập và có đề tài quan trọng nên được Đài truyền hình lưu tâm giúp đỡ rất nhiều. Thế nhưng, Ban giám đốc của Hãng phim mới đây nhận được đơn khiếu kiện đạo diễn T của anh em trong đoàn làm phim.
Để giảm thiểu chi phí, ông T tận dụng tối đa nhân lực trong đoàn làm phim. Ví dụ, chủ nhiệm phim đồng thời là tổ chức sản xuất và kiêm luôn cả thư ký trường quay. Tệ hại hơn thế, anh em trong đoàn làm phim kể rằng cả đoàn có hơn ba mươi người, vậy mà mỗi bữa ăn, ông T thuê người dân trong vùng nấu với giá hai trăm ngàn đồng (gồm cả công). Vậy thì không hiểu là đoàn làm phim phải ăn thứ gì?

Ảnh minh họa.
Còn đạo diễn N, cũng một tên tuổi lớn của điện ảnh nước nhà khi quay một bộ phim truyền hình ở Tây Bắc cũng để lại một câu chuyện về sự bóc lột sức lao động. Đạo diễn N thuê hơn chục diễn viên quần chúng, 2 giờ chiều mới quay nhưng đạo diễn và chủ nhiệm bắt họ đến từ 8 giờ sáng. Quá trưa, các diễn viên quần chúng cứ ngồi đợi, không được một miếng cơm và khi quay xong cũng không có một đồng cát-xê.
Anh V.B bỏ nghề đã hơn chục năm nay, vậy mà câu chuyện của anh và câu chuyện của năm 2009 vẫn là một, mặc dù tình hình kinh phí và công nghệ sản xuất phim đã được cải thiện rất nhiều.
Nói đi cũng phải nói lại, các đạo diễn phim cũng phải chịu nhiều cực khổ. Đạo diễn phim phải chịu trách nhiệm sản xuất phim từ A đến Z, làm việc cả ngày cả đêm, vậy mà cát-xê lại thấp.
Ở những hãng phim tư nhân, cát-xê của đạo diễn còn được 7 đến 8 triệu đồng/tập. Thế nhưng, ở những hãng phim Nhà nước như Hãng phim truyền hình Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam, cát-xê của đạo diễn chỉ 3 triệu đồng/tập với phim thường và 3,5 triệu đồng/tập với phim hình sự. Quay xong phim cũng vừa lúc hết tiền.
Ngoài ra, đạo diễn còn phải chịu sự chi phối của nhiều bộ phận khác như chủ nhiệm phim, kế toán, phòng dựng… Đạo diễn N.T.D, một đạo diễn trẻ mới về VFC than thở: “Không biết trên giấy tờ là bao nhiêu tiền, nhưng tiền đến tay đạo diễn như tôi thì mỗi tập chỉ còn có được hơn hai mươi triệu”. Như vậy, việc bớt xén kinh phí làm phim đã trở thành một hệ thống và nguy hiểm hơn, nó trở thành một thói quen khó thay đổi mặc dù phim truyền hình đã có nhiều khởi sắc.
THỊ TRƯỜNG PHIM TƯ NHÂN –
HY VỌNG “THAY DA ĐỔI THỊT”?
Trong mấy năm gần đây, với sự xuất hiện của nhiều hãng phim tư nhân và đặc biệt là chủ trương Xã hội hóa phim truyền hình, đã mở ra những cơ hội mới cho một thị trường phim tự do và có lẽ sẽ bình đẳng hơn. Biên kịch, đạo diễn, diễn viên… và các thành phần khác trong một đoàn làm phim có nhiều sự lựa chọn về giá cả cũng như cách đối xử của đạo diễn và chủ nhiệm.
Như vậy, chắc chắn một điều rằng, những đạo diễn “nổi tiếng” về chuyện bớt xén sẽ dần dần mất uy tín để nhường chỗ cho đội ngũ đạo diễn trẻ đầy nhiệt huyết, và đặc biệt là sòng phẳng trong vấn đề tài chính.
Không biết sự lạc quan ấy sẽ còn giữ được trong bao lâu, bởi vì với tư nhân đương nhiên vấn đề lợi nhuận là trên hết. Một giám đốc Hãng phim tư nhân đã tuyên bố: “Mỗi tập phim chúng tôi chỉ có thể cho quay 2 ngày, đạo diễn mà kéo đến 2 ngày rưỡi thì chỉ có húp cháo”.

Cảnh phim Có lẽ nào ta yêu nhau
Đạo diễn làm cho Hãng tư nhân đương nhiên cát-xê cao hơn nhà nước, kinh phí làm phim cũng rộng rãi hơn. Nhưng nếu anh mơ được thả sức sáng tạo khi làm phim truyền hình thì đó là chuyện khó xảy ra (trừ việc Công ty BHD phóng tay cho ĐD Nguyễn Thành Vinh thử nghiệm Có lẽ nào ta yêu nhau, nhưng tiếc thay sự thử nghiệm ấy hoàn toàn thất bại).
Bởi với tình hình “nhà nhà làm phim, người người làm phim như hiện nay”, chưa nói việc đoàn phim nào cũng chịu rất nhiều sức ép về kinh phí, chỉ riêng việc các diễn viên mắt nhắm mắt mở đọc kịch bản, vì còn phải chạy sô mệt lử, nên dù diễn chưa đạt đạo diễn cũng đành chắt lưỡi cho qua để theo cho kịp tiến độ làm phim, thì thử hỏi làm thế nào anh có thể đầu tư cho cái gọi là “tác phẩm nghệ thuật” được…?