Thông điệp “cấp cấp” của bầy rái cá
Không biết từ đời nào, đầu suối ngàn nơi “phân mao rẽ cỏ” này có bầy rái cá sinh sống. Chúng trú ngụ bình yên trong những hang hốc bên suối, dưới vòm cây um tùm che kín. Ban ngày chúng tung tăng đùa giỡn thả sức bắt mồi, “tình tự” trên suối nước trong lành. Bỗng vài hôm nay bầy rái cá nháo nhác kêu “cấp cấp, cấp cấp” hoảng sợ, bỏ nơi trú ngụ bơi tản ra các ngả suối.
Hiện tượng kỳ lạ ấy được các chiến sĩ trinh sát biên phòng và người dân xóm Kim giáp biên chú ý. Đồn trưởng Tiến Tương mời cụ Huấn, người cao tuổi nhất xóm, từ đời ông, đời cha đã làm nghề săn bắt thú rừng lên. Theo cụ Huấn, rái cá sống từng bầy, gắn bó với nhau từng cặp đôi lâu đời ở dòng suối Ngàn này. Nó như một “xóm thú” ở bên xóm Kim vắng vẻ này đấy. Thân hình nó dài hơn con chồn, chân có màng để bơi lội. Cá là thức ăn hàng đầu của nó. “Nó sống thân thiện với nhau, không làm hại mùa màng, không xung khắc với các loài thú khác – cụ Huấn cười hóm hỉnh – Lão chỉ thấy nó tranh nhau “bạn tình” là quyết liệt thôi. Dân xóm Kim chưa bao giờ thấy rái cá “chạy loạn” bỏ vực suối, bờ cây như mấy hôm nay. Nó vừa bơi vừa hoảng hốt kêu “cấp cấp”, lão nghĩ nó gọi con người cứu nó đấy…”.
Nghe cụ Huấn nói, Đồn trưởng Tiến Tương nhớ có lần anh được xem một tài liệu nói về động vật hoang dã. Anh biết thêm những điều thú vị về loài thú này. Nó là loài động vật có vú, chuyên ăn thịt. Nó là động vật mà biết… “xấu hổ”. Khi đánh nhau thua, mất chỗ ở, mất “bạn tình”, rái cá đội mảng rêu, ngọn lá lên đầu che mặt, bơi đi. Hiện nay, rái cá đang có biến động bất thường về sinh sản, về nòi giống. Bởi chất độc trong các dòng suối làm cho “của quý” của nó nhỏ dần, teo tóp đi…
- Thưa cụ – đồn trưởng hỏi cụ Huấn với giọng nể trọng của lớp cháu con – Bầy rái cá ở suối Ngàn có biến động lạ thường như vậy là vì sao ạ?
- Lão chưa thấy như thế bao giờ. Theo lão, có thể có con thú dữ, hoặc con trăn đã theo dòng nước về chiếm chỗ ở của nó, hoặc có người quấy phá.
- Trăn... – đồn trưởng nhìn về phía dòng suối, vẻ ngỡ ngàng – Theo cụ suối Ngàn có trăn không ạ?
- Đoạn này không có. Nhưng vùng rừng đầu nguồn giáp biên thì có đấy. Ở đó có trăn mốc, trăn hoa, trăn đất, trăn đen, lão đã nhìn thấy rồi. Có con dài đến hai ba sải tay. Nó không có nọc độc, nhưng nó quấn xiết con mồi, có lúc là con hoẵng, con nai… mềm nhừ ra rồi nuốt. Trăn có thể tiêu hóa toàn bộ con mồi nó bắt được kể cả xương, lông. Nó có bộ phận hút canxi trong xương con mồi để có nhiều chất dinh dưỡng. Nên nó nhịn được hàng tháng đấy. Trăn cũng ăn chuột, ăn cá, bắt gà, vịt, chim xuống bờ suối. Nó ở trong hang đá, hốc đất, ẩn nấp dưới thảm rừng ẩm ướt, cây cối um tùm…
… Sau buổi tham vấn ý kiến của cụ Huấn và với những tình huống đột biến vừa xảy ra, đồn trưởng nhận định có hai khả năng: Một, có con trăn theo dòng suối đến ở trong hang đá dưới vòm cây lá che khuất. Hai, rất có thể có bọn biệt kích tránh để lại dấu vết ở thảm rừng đã lội theo dòng suối về đang ẩn nấp ở đó, chờ thời cơ xâm nhập vào nội địa. Đồn trưởng biên phòng nghiêng về khả năng thứ hai. Anh nói với các chiến sĩ trinh sát: “Mấy trận đánh trong năm qua, ta đã tóm gọn biệt kích dù chúng dùng thủ đoạn đi giày dưới đế có gắn lốt chân hổ, chân gấu, hoặc đi giày đế ngược. Chúng đi vào nhưng dấu vết để lại trên đất rừng là đi ra… Lần này có thể chúng đã lội theo suối để không có dấu vết. Bởi phía dưới dòng chảy suối Ngàn là khu lâm trường lớn. Mục tiêu đó chúng đã rình rập lâu nay...”.
Đội trinh sát thống nhất với nhận định của đồn trưởng. Các phương án chiến đấu được triển khai ngay.
- Phương án một, phải xác minh hang đá, bờ cây bên suối có trăn trú ngụ không.
- Phương án hai, “nước có lặng cá mới sủi tăm, rừng có yên thú mới lộ mặt”. Bao vây chốt chặn các ngả rừng, phong tỏa chặt suối Ngàn, 24/24 giờ trong ngày.
Đội trinh sát lập tức thả 6 con vịt từ trên dòng nước để nó bơi về đoạn suối cửa hang đá… Hai lần thử, bầy vịt vẫn nhởn nhơ vỗ cánh bơi lội trên suối Ngàn…
Thế là rõ. Cánh rừng biên cương vẫn vắng lặng, trầm tư. Dòng suối Ngàn vẫn rì rào chảy. Vòng vây của các chiến sĩ biên phòng khép chặt. Vòng ngoài dân quân, tự vệ lâm trường đã lên tiếp sức. Một buổi chiều muộn mưa bay, sương mờ núi, mây trắng về thung lũng, hai tên biệt kích từ hang đá trong vòm cây rậm chui ra. Chúng men theo bờ suối đi về phía lâm trường. Đoạn vực sâu, chúng ngồi xuống tra chân vịt vào để bơi qua. Chúng đã nằm gọn trong trận địa phục kích. Các chiến sĩ biên phòng đang chờ chúng…
Những ngày sau, bầy rái cá lại gọi nhau về. Suối Ngàn xanh biêng biếc, in bóng núi biên cương hùng vĩ, từng đôi rái cá tung tăng bơi lội trong cuộc sống thanh bình. Anh chiến sĩ đội tuần tra nhìn chúng đã có câu thơ vui:
Mong con rái cá suối Ngàn
Yên lành “của quý” thêm đàn cháu con
Tao canh đỉnh núi chon von
Mày canh suối biếc giữ non nước này
Chiến công bắt giặc hôm nay
Giữ miền biên ải có mày, có tao…
Thỏ trắng say tình dưới trăng khuya
Trăng trung tuần, rừng biên cương nhuộm màu vàng huyền ảo. Cuối tiết thu các lối mòn khô ráo. Lợi dụng những đêm đẹp trời như thế lũ “ma rừng” cõng ma túy vượt biên vào đất Việt. Chúng đi từng tốp 5-6 tên, lưng mang ba lô, tay cầm súng AK.
Đội đặc nhiệm biên phòng đón chúng ở bìa rừng. Khuya vắng. Chỉ có tiếng gió xạc xào. Và, biết cơ man nào là tiếng giun dế, côn trùng, nỉ non khắp cả bốn phương tám hướng. Đội trưởng Thanh Mai chỉ định chiến sĩ trinh sát trẻ giữ vị trí đầu đội hình chiến đấu, chốt lối mòn. Phía trước chiến sĩ trinh sát chừng ba tầm đá ném là đám cỏ nhuộm vàng ánh trăng. Bỗng chiến sĩ trinh sát phát hiện tiếng động. Tiếng “sàn sạt, sàn sạt”. Anh trinh sát trẻ ngồi im, nghe ngóng. Tiếng động càng rõ dần giống như nhịp chân người bước trên lớp lá, thảm rừng. Anh báo cáo với Đội trưởng phát tín hiệu “sẵn sàng chiến đấu”. Đội trưởng Thanh Mai im lặng. Anh cũng đã nghe được tiếng động “sàn sạt, sàn sạt” ấy rồi. Sự từng trải của người chỉ huy đã qua nhiều trận phục kích đối mặt với lũ “ma rừng”, nên anh hiểu rõ từng tiếng động giữa rừng khuya. Anh đập nhẹ tay xuống đất rừng ra hiệu: “bình tĩnh, bình tĩnh”. Dưới trăng rừng, trong vòm cây lá, Đội trưởng Thanh Mai vẫn ngồi im như khối đá núi. Anh đã biết tiếng động này rồi…
… Anh đã được các cụ già ở vùng sơn cước và các anh ở Trạm lâm nghiệp nói chuyện về loài thỏ đuôi bông ở khu rừng này. Nó được xếp vào danh mục loài thú quý hiếm. Con người biết tới nó từ trước công nguyên và cũng đã thuần hóa được nó. Vùng rừng nào cây cỏ tốt tươi như vùng này là nhờ có nước tiểu và phân của nó… bón. Bởi trong phân nó có nhiều chất nitơ. Nó là loài động vật có vú, gặm nhấm, sống hoang dã ở bìa rừng và phát triển rất nhanh. Thời kỳ mang thai của nó ngắn lắm, chỉ 31 ngày. Điều kỳ lạ nữa là thỏ đuôi bông mẹ sinh ra lũ con thì chúng mở mắt ngay và có bộ lông đầy đủ. Thỏ đuôi bông đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước tiểu. Nó rất hung dữ và hiếu chiến. Tranh “bạn tình” thì cắn nhau suốt cả ngày, đến lúc “tình địch” chết mới thôi. Còn chuyện say tình thì chưa con vật nào sánh bằng nó.
Những đêm mùa thu trăng sáng trời đẹp như thế này, thỏ đuôi bông chọn đám cỏ xanh gọi bạn tình ra đó… tình tự. Nó chỉ biết dùng hai chân sau phẩy, cào mặt đất, dùng đuôi đập xuống thảm cỏ để chuyển đạt thông tin, biểu lộ thái độ trao đổi tình cảm với nhau. Ông bà ta từ xa xưa đã nói rồi: “Mồm ếch, tai thỏ là thế” (ếch chỉ biết kêu, không biết nghe; thỏ thì biết nghe, mồm không kêu được). Khi con thỏ đực đạt đến đỉnh cao tình cảm thì nó có động tác đập đuôi mạnh gây ra tiếng động như thế. Hoặc khi nó liên tục phẩy hai chân sau nghe như nhịp chân người đi trên thảm rừng là nhằm khẳng định với bạn tình rằng vùng lãnh thổ này là của nó, chỉ có nó thôi…
Đội trưởng Thanh Mai biết chắc tiếng động này không phải lũ “ma rừng cõng ma túy” gây ra, mà là tiếng động của đôi thỏ đuôi bông báo “tín hiệu” rằng đang lúc bình yên.
Đội trưởng đi đến cầm tay chiến sĩ trinh sát. Hai người di chuyển nhẹ nhàng đến gần bãi cỏ trải vàng ánh trăng khuya.
Trước mặt các anh, đôi thỏ đuôi bông đang say tình đùa giỡn nhau, vờn nhau.
Anh đội trưởng và người chiến sĩ đứng im, các anh không nỡ gây ra tiếng động làm dở cuộc tình của đôi thỏ trắng. Khi đã rời xa đám cỏ, anh đội trưởng ghé tai người chiến sĩ trinh sát dặn nhỏ: “Nhớ nhé, khi tuần tra, phục kích trong rừng mà nghe tiếng động như đêm nay là con thỏ đưa đến cho chúng ta tín hiệu vui: rừng đang bình yên đấy nhé…”.
Hôm sau trong cuốn nhật ký chiến công của Đồn biên phòng anh đội trưởng ghi những vần thơ vui:
Rừng khuya đôi thỏ trắng
Say tình dưới ánh trăng
Xạc xào nền núi vắng
Rung rinh màn sương giăng
Tôi nắng mưa dầu dãi
Giữ suối thẳm rừng sâu
Mong muôn loài cầm thú
Sống hiền hòa - yêu nhau
Con sóc “phất cờ” chỉ điểm
Con sóc đuôi cờ lông màu hạt dẻ chuyền cành trước. Cái đuôi nó bông lên như “phất cờ” theo từng bước nhún nhảy, vẫy gọi. Ba bốn con chuyền cành theo. Con trước cắp cái túi giấy bóng. Các con sau cắp những mảnh giấy rách, con sau cùng cắp cái gì nhìn xa như mẩu đầu lọc điếu thuốc lá…
Hiện tượng kỳ lạ này xảy ra ở một khu rừng đệm giáp biên. Đội trưởng Công Tạo chỉ huy đội tuần tra nép mình bên gốc cây quan sát các hoạt động của bầy sóc cờ. Anh thấy nó chỉ chuyền cành di chuyển đến một hướng để cắp nhặt các vật lạ đó. Nhiều năm sống với rừng biên cương, anh đã được bà con người các dân tộc anh em nói cho biết về loại sóc cờ này. Nó là loài gặm nhấm, chỉ hoạt động được ban ngày, đêm không nhìn thấy gì. Sóc cờ, sóc đất, sóc bay… đều tránh rét, ngủ suốt mùa đông trong tổ chúng lót ở các hốc cây, hang đá. Vào những tháng cuối mùa thu thì sóc thay “bộ áo ấm” lông dày hơn, mượt mà hơn. Và, chúng rủ nhau đi tìm “vật liệu” làm tổ chống lạnh. Tổ chúng thường làm bằng lá khô, gỗ mục, xơ cây… Nhưng sao giờ đây chúng lại tìm ra những thứ lạ lùng này. Những thứ ấy ở đâu ra giữa rừng hoang này. đội trưởng Công Trợ cùng các chiến sĩ có lần được nghe cán bộ bảo vệ động vật hoang dã nói về các loài thú ở vùng rừng này. Nghe xong, anh đội trưởng suy ra rằng “lính biên phòng sống ở rừng nào phải biết giống cây, loài thú ở rừng đó. Có lúc mình cần nó “hợp tác” với mình đấy”. Nên anh đã tìm hiểu sâu về con sóc. Nó là loài động vật quý hiếm, còn ít và có nguy cơ tuyệt chủng. Rồi, thật là thú vị, khi anh biết sóc là “chúa” mưu mẹo ngụy trang. Sóc vốn là món “khoái khẩu” của rắn. Anh được nghe chuyện kể rằng con rắn cạp nong nhìn thấy con sóc đang rình mồi. Rắn cũng đang đói, bò đến. Con sóc vội vàng cắp cái xác con rắn mới lột quấn kín mình. Sóc ngồi chồm chỗm nhai cái xác rắn bôi vào lông. Con rắn bò đến, nằm im nhìn, thập thò cái lưỡi chẻ đôi nhánh, hít ngửi (rắn không có thính giác, vị giác, ngửi bằng lưỡi), rồi bò đi. Sóc khôn ngoan thoát chết. Loài sóc có môn võ “cực độc” đối với loài nhím. Gặp nhím, sóc leo lên cành cây nơi gần nhím nhất rồi nín thở căng bụng, phun ra từ hậu môn một thứ hơi “đặc biệt thối”. Nhím hít vào lập tức lăn đùng ngã ngửa quằn quại hôn mê. Thế là sóc gọi bầy đến moi ruột nhím. Nên nhím có thù truyền kiếp với sóc. Rừng có sóc thì họ hàng nhà nhím lánh xa.
Sóc còn lưu giữ cái “di truyền cực kỳ” của nòi giống nó. Đó là sự “sung mãn tình dục”. Con sóc cái có đặc quyền nhất – trong loài sóc – ở khu rừng nó trú ngụ. Vì nó có nhiều “bạn tình”. Và, nó có thể thỏa mãn không hạn chế với tất cả, 15 đến 20 con đực một ngày. Thời điểm sóc cái “động tình”, nó tỏa ra mùi thơm giống mùi lá cây cơm nếp mọc bìa rừng để quyến rũ bạn tình đến. Một ông lang người dân tộc nói rằng, loài sóc sung mãn “điều ấy” là bởi nó chuyên tìm “huyết lình” (của con khỉ cái đến tháng) để ăn. Ông cũng tìm thứ ấy về làm thuốc. Ông lang còn nói rằng sóc ăn quả cây rừng, ăn bắp… Nhưng nó rất thích thú gặm nhấm cây thuốc lá…
… Với những hiện tượng đó, Đội trưởng Công Trợ, các chiến sĩ đội tuần tra khẳng định rằng: biệt kích đã xâm nhập biên giới ta. Chúng đang ẩn nấp ở đâu đó. Những con sóc cờ này biết nơi chúng ở, nó đang tha bao gói thức ăn, đầu lọc thuốc lá, giấy gói thuốc lá về tổ.
Thông tin ấy được báo ngay về đồn biên phòng. Các phương án tác chiến lập tức được triển khai. Đội tuần tra bám sát, dõi theo bầy sóc chuyền cành đến tận nơi chúng nhặt các hiện vật nghi vấn đó. Con sóc cái nhảy nhót tung tăng “phất cờ” dẫn đầu. Đám “bạn tình” của nó di chuyển trên cành cây theo nó về phía đầu mạch suối. Đội tuần tra ập đến. Các anh phát hiện ra hố chôn giấy gói lương khô, giấy bọc thức ăn, bao thuốc lá… lấp kỹ dưới lớp đất ẩm, lá mục thảm rừng, nhưng bầy sóc đã bới tung tóe. Cách đó không xa, dưới gốc cây lim bên một tảng đá lớn còn có một hố chôn nữa. Trong hố này có ba bộ quần áo chúng vừa thay ra và có cả súng, lựu đạn, thuốc chữa bệnh… Tất cả được bọc trong một túi giấy dầu chống ẩm. Đội trưởng Công Trợ chỉ vào túi áo quần: “Toán biệt kích có ba tên”.
Chú chó “Dũng Cảm” trong đội chó chiến đấu được điều đến phối hợp. Chú “Dũng Cảm” bắt mùi từ các hiện vật rồi truy tìm theo dấu vết. Ngay sáng hôm sau, ba tên biệt kích bị tóm gọn. Chúng mặc quần áo công nhân giống ba cán bộ lâm trường đi khảo sát rừng. Chúng cầm bản đồ đi xuyên rừng mò đến cây cầu trên đường giao thông huyết mạch xuyên biên giới. Cả ba tên biệt kích đều mang theo mìn, thuốc nổ.
(Kỳ sau tiếp)