Chuyện tình tư và công

Chuyện tình cung điện Élysée đang gây sôi nổi không phải là một chuyện phiếm, nhảm, vì nó đưa lên ba vấn đề nổi trội của bối cảnh chính trị - xã hội, cũng do đó mà mọi báo chí đều xôn xao, đăng tải hằng ngày mọi chi tiết, mọi diễn biến, từ những tờ báo đứng đắn nhất cho đến những tờ báo lá cải “people” chuyên khai thác tin giật gân của những nhân vật nổi tiếng trong xã hội Pháp. Chủ đề thứ nhất là tự do báo chí, thứ hai là đời tư - đời công, và thứ ba là quan niệm của dân chúng, của cử tri.

Ngay khi các báo chí Pháp một loạt công bố là tổng thống đã có quan hệ tình cảm mới với cô đào điện ảnh Julie từ hai năm nay, dân chúng đều hiểu ngay rằng, hóa ra tự do báo chí cũng hàm chứa một sự “tự kiểm duyệt” của làng báo. Dân chúng đều thắc mắc, tại sao không phanh phui ra trước khi bà Valérie bước trên thảm đỏ vào cung điện Élysée trong tư thế “đệ nhất phu nhân nước Pháp” (première dame de France) trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống tháng 5-2012?

Đưa tin nào lên, giấu tin nào đi, khi nào phanh phui ra, viết như thế nào, ẩn dụ như thế nào trên báo chí, truyền hình, truyền thanh… là cả một sự cân nhắc tập thể của làng báo. Tại sao tạp chí Closer chờ mãi đến thời điểm ngày 10-1-2014 mới cầm cờ “tiên phong” khui chuyện tình của tổng thống? Tất nhiên là họ biết, họ sẽ bị kiện ra tòa nếu họ tung tin thất thiệt hay tin đụng chạm đến đời tư cá nhân. Bà Valérie, có sự ủng hộ của tổng thống và bộ trưởng bộ nội vụ, đã mấy lần kiện báo chí và tác giả viết sách để đòi bồi thường thiệt hại danh dự. Kiện cho chết, kiện cho sạt nghiệp là một phương pháp “kiểm duyệt” hiệu nghiệm trong bối cảnh tự do báo chí, tự do ngôn luận. Có lẽ làng báo đã chờ một sự chín mùi về tình cảm, sự tan rã giữa tổng thống và bà đệ nhất phu nhân đương nhiệm thấy rõ là không xa, và tổng thống đang đứng trước những thách thức chính trị cấp bách quốc gia, tỷ lệ thăm dò tín nhiệm của dân chúng ngày càng đi xuống, ngày 16-2-2014 chỉ còn có 20% dân Pháp tín nhiệm tổng thống, và cuộc bầu cử tầm mức địa phương gần kề (ngày 23 và 30-3-2014), đảng Xã hội Pháp đang đứng trước sự đe dọa sẽ bị mất nhiều phiếu của cử tri.

Các báo chí khác chỉ chờ Closer bắn phát súng đầu tiên là lao vào đề tài ngay, một sức ép dư luận công chúng nổi lên rất mạnh mẽ, các phóng viên đều viết theo phong cách chuyên nghiệp, nhưng hãy xem phần bình luận khá nặng nề, thẳng thắn của độc giả, dù đa số bình luận đã bị chủ báo lọc ra không đăng, thì thấy áp lực này. Tất nhiên mọi người chờ đợi phản ứng của hai nhân vật chính, chấp nhận nguồn tin là có thật hay cải chính tin đồn thất thiệt? Tổng thống làm thinh, tức là chấp nhận; cô đào điện ảnh thưa kiện báo chí xâm phạm đời tư cá nhân, cũng là chấp nhận. Thế là nước tràn bờ.

 

 Từ trái qua: Tổng thống F. Hollande, Ségolène Royal, Valerie Trierweiler

và Julie Gayet

 

Chuyện tình cung điện Élysée dấy lên một sự tranh luận sôi nổi về đời tư, đời công, tự do yêu đương, tự do chung sống và cũng mang lại một sự thiệt hại về chính trị - xã hội. Bình thường, pháp luật bảo vệ đời tư cá nhân, không được soi mói, không được tung tin thất thiệt, làm tổn hại danh dự của nạn nhân. Nhưng trên thực tế cái ranh giới đời tư, đời công rất mong manh, hầu như là không có.

Ngay trong một làng quê nhỏ với vài chục nóc nhà, bà có chồng ở đầu làng tư tình với một ông có vợ ở cuối làng là chỉ trong năm phút cả làng đều biết, với kết quả là một gia đình phải dọn đi ở chỗ khác vì không chịu nổi áp lực đàm tiếu của dân làng. Ông nào say rượu, ông nào đánh vợ, bà nào đanh đá lấn át chồng… cả làng đều biết.

Trên bình diện quốc gia, thể diện một quốc gia thì đời tư của một vị nguyên thủ đứng đầu lèo lái vận mệnh của cả nước mang một tính chất to lớn hơn, nghiêm trọng hơn, vì cả thế giới nhìn vào đấy, được ghi chép lại truyền ngàn đời trong sử sách. Nên, cho dù luật pháp bảo là phải tôn trọng đời tư cá nhân, nhưng không đơn giản như thế.

Ở một cương vị công, cao cấp, có trọng trách nặng nề, tiêu xài bằng ngân quỹ quốc gia là tiền đóng thuế của dân thì mọi con mắt của dân chúng đều nhìn vào: ông, bà là người đại diện cử tri, đã được dân bầu lên chức quyền cao nhất, vinh quang nhất thì ông, bà thể hiện nước Pháp, một cường quốc châu Âu, như thế nào? Đó là một yêu cầu chính đáng của người dân đi bầu.

Nhân sự kiện này người ta cũng nhắc nhiều đến những quan hệ “ngoài luồng” của các vua chúa Pháp, tổng thống Pháp tiền nhiệm, nhưng những quan hệ đó đã được khéo léo che giấu, một phần là do phương tiện thông tin, các đầu mối thông tin không rộng rãi, hiện đại như ngày nay, một phần là các bà đệ nhất phu nhân chính thức đã khôn ngoan biết giữ chồng, giữ ngôi.