Cái giá cho Kiev là mất Crimea hoặc chiến tranh

Dưới đầu đề Ly khai còn hơn là chiến tranh trên tạp chí Ý Panorama, học giả Nga EVGENY UTKIN, cây bút xã luận của nhật báo Rossiyskaya Gazeta và từng nhiều lần xuất hiện trên các chương trình bình luận về Nga của các kênh CNN, Sky, BBC và RAI, cho rằng, chính phủ tự phong của Ukraina ở Kiev đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi đụng vào Moskva.

Sau khi nhắc lại việc Crimea có đa số người nói tiếng Nga và trong quá khứ đã từng có nhiều thế kỷ gắn bó với nước Nga cho đến năm 1954, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushev “chuyển hộ khẩu” Crimea về Ukraine, ông viết: “Ở Crimea, tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức. Điều đó chưa từng có ai ở Ukraina dám động chạm. Nhưng khi chính quyền mới ở Kiev quyết định bãi bỏ quy chế ngôn ngữ chính thức của Ukraina của tiếng Nga, họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng”. Theo ông, cuộc bạo loạn ở quảng trường Độc Lập và cuộc đào tẩu của Tổng thống Yanukovich sẽ trở nên hoàn hảo hơn với chính quyền lâm thời Kiev nếu như những lãnh đạo theo tinh thần dân tộc của Ukraine không đụng chạm đến vấn đề ngôn ngữ, vốn từ lâu đã là một câu chuyện nhạy cảm giữa cộng đồng người nói tiếng Ukraina và tiếng Nga.

Đối với cộng đồng người Nga ở Crimea, làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng nổ từ Kiev là một mối đe dọa lớn lao đối với họ. Một phụ nữ cao tuổi ở Sevastopol nói trên tờ Rossiyskaya Gazeta rằng, bà sẽ mở cửa cho lính Nga vào nhà bà để bảo vệ gia đình bà, chừng nào họ chưa “quét sạch” những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích Ukraina ở Crimea. Quan điểm ấy có thể được chia sẻ bởi rất nhiều người đang sống ở bán đảo này. Họ lo sợ ngay cả khi hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng quân ở đây. Câu hỏi đặt ra là Putin sẽ làm gì? Bằng việc đưa quân đội vào Crimea để “bảo vệ đến cùng quyền lợi của nước Nga cũng như của công dân Nga ở đây” như lời ông đã tuyên bố, hay sẽ chơi con bài “hòa bình” như trong cuộc nội chiến ở Syria?

Những xe tăng Nga đã có mặt ở Crimea. Hàng chục đơn vị quân đội Nga đã đóng ở các vị trí then chốt trên bán đảo. Hạm đội Biển Đen neo đậu ở đây đã được đặt trong tình trạng báo động. Putin đã hành động, và hành động nhanh hơn rất nhiều người nghĩ. Bằng việc đưa Crimea vào tình trạng xung đột, dù chưa tiếng súng nào vang lên và chưa có ai ngã xuống, Putin đã đi trước một quân cờ và đặt cả Kiev, Bruxelles lẫn Washington vào sự đã rồi: nếu các anh muốn Ukraina gia nhập EU và sau đó là NATO, các anh phải trả một cái giá là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, khi những sự kiện ở Crimea không chỉ có hàm ý xảy ra với riêng bán đảo này, mà còn với các vùng đất có dân nói tiếng Nga thuộc miền Đông Ukraina nữa. Sau đó sẽ là việc Putin leo thang chiến tranh thương mại và tiếp tục buộc Kiev phải trả những cái giá rất đắt nữa cho nền kinh tế sắp sụp đổ của họ.

Với việc đưa quân vào Crimea, Putin đang đối đầu trực tiếp với phương Tây. Đây là điều chưa từng xảy ra trong quá khứ, kể cả trong sự kiện Gruzia cách đây gần 6 năm, khi nước Nga đánh Gruzia với lý do Tbilisi gây chiến tranh ở Nam Osetia. Lần này, lý do hoàn toàn khác. Theo ông Utkin, Putin không muốn chiến tranh và cũng không hề muốn một cuộc ly khai Crimea khỏi Ukraina. Nếu ông thực sự muốn chiến tranh, thì những động thái như của các nhà lãnh đạo đối lập Ukraina với tiếng Nga có thể được coi là một cái cớ tốt cho cuộc chiến. Nhưng điều mà Tổng thống Nga cần là có một đối tác tin cậy và ông đã chờ đợi Kiev tỏ ra như vậy. Nhưng nếu chính quyền mới ở Kiev có một động thái sai lầm khác, một lời khiêu khích, một lời tố cáo vô nghĩa, họ sẽ phải trả một cái giá đắt hơn: hãy nhìn những gì đã xảy ra với Georgia vào mùa hè 2008. Tbilisi đã bước một bước về phía EU và NATO để rồi bị Nga tấn công, mất Abkhazia và Nam Osetia. 

Từ bên kia Đại Tây Dương, Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo rằng nước Nga sẽ “phải trả giá” nếu sử dụng vũ lực ở Ukraina. Lời cảnh báo này không có ý nghĩa gì với Putin, bởi quân đội Nga đã có mặt ở Crimea và số lượng quân tăng lên hàng giờ. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng, sau sự kiện Georgia 2008, tốt nhất là không nên khiêu khích Putin, nhất là với một vấn đề ở sân sau của Moskva. Trong cuộc chơi này, sự hỗn loạn của Ukraina có thể ảnh hưởng không nhỏ đối với Moskva trong nhiều khía cạnh, từ thương mại, kinh tế cho đến chính sách đối ngoại, nhưng đây không phải là lần đầu tiên, và Ukraina cũng không phải là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đầu tiên, gây rắc rối cho họ. Nước Nga đã quá quen với việc xử lí những sự cố như vậy, khi họ nắm trong tay rất nhiều quân bài. 

Utkin kết luận: Một kịch bản ít đau đớn đối với Ukraina chính là việc nước này sẽ mất Crimea mà không xảy ra đổ máu như ở cuộc nội chiến tại Nam Tư cũ. Những nước cộng hòa thuộc Balkan ấy cuối cùng cũng đã độc lập, nhưng với một cái giá quá đắt về sinh mạng và thiệt hại kinh tế. Ukraina có chịu được cái giá như vậy không?

PHƯƠNG ANH dịch

Hồn Việt