Ông bà ta ngày xưa, mỗi khi dạy bảo con cháu về tánh tình nết na của người phụ nữ thường lấy câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” để so sánh giá trị của nhân cách bên trong và ngoại hình bên ngoài của phái yếu, ngỏ hầu khuyên răn mọi người nên coi trọng “cái nết” hơn “cái đẹp”.
Câu nói này có giá trị không khi mà từ ngàn xưa người ta đã liệt phụ nữ vào hàng phái đẹp. Câu cửa miệng “Trai tài gái sắc” đã mặc nhận là con trai thì trọng nhân tài còn con gái thì phải có nhan sắc, bốn tiêu chuẩn hàng đầu của phụ nữ ngày xưa vẫn còn giá trị tới ngày nay “công, dung, ngôn, hạnh”, trong đó chữ dung đứng bậc thứ nhì cho thấy sự quan trọng của “dung” đối với phụ nữ rất nhiều, người ta còn ví von “Lấy chồng cho đáng tấm chồng / Bỏ công trang điểm má hồng bấy lâu”; người phụ nữ ngày xưa đã có ý thức trau dồi nhan sắc cho đẹp để kiếm tấm chồng xứng đáng.
Ngày nay, nhan sắc của phụ nữ càng được tôn vinh tối đa qua các cuộc thi hoa hậu trong nước và thế giới, người chiếm được vương miện hoa hậu và các cuộc thi sắc đẹp, cuộc đời sẽ lật sang trang mới đầy hào quang rực rỡ?!
Vậy “cái nết” ngày nay có còn giá trị không? Nhất là trong thời đại mà cuộc sống nghiêng về phần thực dụng, hào nhoáng bên ngoài. Thiết nghĩ, dù cho thời đại nào, dù cho con người văn minh hiện đại tới đâu thì vẻ đẹp bên trong của con người vẫn luôn tỏa sáng, lấp lánh bền lâu, chinh phục mãnh liệt lòng người hơn vẻ đẹp bên ngoài. Vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ như vẻ đẹp của bông hoa, thường thu hút nhãn quang người nhìn đầu tiên và nhanh chóng nhưng nó giống như đóa hoa, người ta ngắm nhìn, say đắm nó trong thời gian hữu hạn, rồi cũng nhàm chán vì hoa chóng tàn, còn vẻ đẹp tâm hồn thì mãi mãi đọng lại trong tâm tưởng của con người, khó thể phai nhòa.
Thật ra, đã là người được đời xưng tụng là “phái đẹp” mà nhan sắc không có, chữ “dung” bị lép vế thì cũng chịu thua thiệt nhiều điều, nhưng phụ nữ ngày nay được tạo điều kiện tối đa trong việc chăm chút nhan sắc, kỷ thuật chỉnh sữa cùng những dịch vụ làm đẹp chăm sóc có hiệu quả cho ngoại hình người phụ nữ, cho nên, dù người phụ nữ kém nhan sắc đến cỡ nào vẫn có thể “nâng cấp” lên theo ý mình mong muốn. Việc sửa đổi ngoại hình ngày nay nhờ tiến bộ của khoa học kỷ thuật không còn khó khăn, nan giải như ngày xưa, chỉ cần biết cách tôn ưu điểm và che bớt khuyết điểm thì phụ nữ nào cũng có nét đáng yêu cùng sự duyên dáng của riêng mình. Vì vậy, có câu “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp” mà thôi.
Không như ngày xưa, phụ nữ ngày nay bôn ba ra xã hội, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, tài năng được xã hội tôn vinh, quyền lợi và nghĩa vụ gần như ngang tầm với nam giới. Song song với kiến thức về văn hóa, họ cũng tự nâng cao kiến thức về việc chăm sóc bản thân, biết giữ gìn sức khỏe và muốn lưu giữ bền lâu sự tươi trẻ của mình, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người có cách trang điểm, ăn mặc theo phong cách của mình. Phụ nữ ngày nay ra đường, hiện diện nơi công sở cũng như tại nhà đa số ngoại hình tươm tất, phong cách tự tin, nói năng duyên dáng, kiến thức uyên bác… Chính những điều trên khiến cho vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ thu hút được mọi người và “đối phương”.

Áo dài. Ảnh: Coli_Le.
Cũng có nhiều trường hợp “cái nết” và “ cái đẹp” không song hành tạo cho người phụ nữ nhiều mặc cảm hoặc tự tôn quá đáng, khiến cho cuộc sống của họ thất bại. Có người thất bại trong tình yêu, hôn nhân, có người thất bại trong sự nghiệp… và cũng có thể nhiều bi kịch khác xảy ra với họ. Thiết nghĩ, nguyên nhân của sự thất bại trên có thể là do bản thân người phụ nữ chưa hiểu rõ bản thân mình để kịp thời chấn chỉnh những điều khiếm khuyết.
Ví như, người kém nhan sắc thì phải chăm chút phần ngoại hình thường xuyên, người xưa đã dặn “Phụ nữ phải trau dồi nhan sắc”, tùy theo hoàn cảnh mà “trau dồi”, không phải nghèo là không làm đẹp được. Ngược lại, người đẹp mà có tính cách chưa “đẹp” thì phải “trau dồi” chữ “hạnh”. “Hạnh” không có mà đẹp đến đâu thì vẻ đẹp đó chỉ đập vào mắt người nhìn trong giây lát, giống như vẻ đẹp của loại hột xoàn giả mà phái nam hay nói đùa là vẻ đẹp “hỗn”, nó chóa mắt người khác trong giây lát rồi người ta cũng nhận ra đó là vẻ đẹp giả chớ không thật.
Phái “mày râu” thường bị vẻ đẹp “hỗn” này hút hồn, có người tán gia bại sản vì chạy theo sắc dục, có người cưới phải một cô vợ đẹp mà vô hồn, vô duyên, tấm lòng không nhân hậu, kiến thức cuộc sống nghèo nàn, cư xử vụng về thô lỗ, thử hỏi vẻ đẹp đó có kéo dài được tình yêu không? Còn người phụ nữ xấu thì thường tự ti, lúc nào cũng lo người ta không thích mình, sợ người yêu hoặc chồng về tay người khác rồi sinh ra tính nghi kỵ, đau khổ với sự nghi kỵ đó càng làm cho nhan sắc của mình xuống cấp nhanh. Nếu phụ nữ nào cũng biết trau dồi vẻ đẹp bên trong với vẻ đẹp bên ngoài cho được hài hòa thì mỗi người là một bông hoa, dù đó là hoa sang trọng hay hoa dại đều có vẻ đẹp rất riêng, tất cả tô điểm cho đời đẹp thêm.
Ngày Xuân, có biết bao văn nhân thi sĩ đề thơ, viết những áng văn hay nói về vẻ đẹp của người phụ nữ mà khi nghe ai cũng thấy tự hào về nhan sắc được trời cho dành riêng cho phái nữ, nhờ nhan sắc khuynh nước khuynh thành và trí óc thông tuệ mà nhiều nữ nhi đã làm đảo điên các bậc quân vương, các vị chính khách, nhưng quan trọng hơn là những phụ nữ tài giỏi ngày nay đã góp phần vào những công việc lớn lao cho đất nước, gia đình và xã hội.