Cảm hứng sáng tạo toán học từ Hà Nội

Vẫn nuối tiếc một điều…
Hơn nghìn năm qua, từ khi Hoàng đế Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, “nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời” không ngừng truyền cảm hứng cho bao bậc thánh đế minh vương, bao vị tướng lĩnh kiên trung thao lược, bao nhà thơ lỗi lạc tài ba.

Thượng tướng Trần Quang Khải viết kiệt tác Tụng giá hoàn kinh sư sau khi chiến thắng Nguyên - Mông, năm 1285, phò xa giá vua Trần trở lại kinh thành Thăng Long, với lời khuyên vang vọng sử xanh: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy muôn thu).

Thi hào Nguyễn Trãi ghi lại cảnh ngộ “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải” trong một bài thơ chữ Nôm cách đây hơn 600 năm: “Góc thành nam lều một gian/ No nước uống, thiếu cơm ăn/ Con đòi trốn dường ai quyến/ Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn…”. Rồi thi hào Nguyễn Du, năm 1813, trên đường đi sứ Yên Kinh (Trung Quốc), ghé qua Thăng Long, ngậm ngùi trước cảnh bể dâu: “Tản Lĩnh, Lô Giang tuế tuế đồng/ Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long/ Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung…” (Vẫn nguyên núi Tản, dòng Lô/ Thăng Long gặp lại, khách thơ bạc đầu/ Đường quen lầu cũ giờ đâu?/ Thành xây một dải chìm sâu bệ rồng…).

Và còn biết bao tác phẩm tài hoa, đầy xúc cảm khác nữa về Thăng Long - Hà Nội. Mảnh đất Rồng Bay luôn tạo nguồn cảm hứng cho bao tài năng văn học - nghệ thuật.

Tuy nhiên, đối với riêng tôi, một cây bút chuyên viết về khoa học, thì vẫn cứ nuối tiếc một điều: Trong bấy nhiêu thế kỷ ấy, do “bế quan tỏa cảng”, nước ta trở nên quá trì trệ, lạc hậu về mặt khoa học tự nhiên và công nghệ!

Thăng Long thiếu vắng những thiên huyền thoại về các nhà toán học, nhà vật lý, nhà sinh học ngang tầm Nicolaus Copernicus, Galileo Galilei, Giordano Bruno hay Isaac Newton, Charles Darwin…; dù rằng vẫn thấp thoáng bóng dáng vài nhà toán học mà ta trân trọng như Vũ Hữu (1437-1530), tác giả cuốn Lập thành toán pháp hay Lương Thế Vinh (1441-1496), tác giả cuốn Đại thành toán pháp, tuy nội dung chỉ dừng lại ở toán sơ cấp.

Nhìn chung, nền văn hóa cổ truyền nước ta chưa thể coi là hoàn chỉnh, bởi lẽ hầu như thiếu hẳn mảng khoa học tự nhiên và công nghệ – những bộ phận vô cùng quan trọng cấu thành nền văn hóa hiện đại.

Trước Cách mạng tháng Tám, lác đác mới xuất hiện mấy chục công trình của Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ… trên các tạp chí y học Pháp. Mấy năm sau, mới có thêm những nghiên cứu về hóa sinh của Bửu Hội, về toán học của Lê Văn Thiêm, Phạm Tỉnh Quát, về triết học của Trần Đức Thảo công bố ở Paris.

Các công trình nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam chỉ xuất hiện nhiều sau ngày Hà Nội giải phóng, khi hàng nghìn nghiên cứu sinh nước ta được cử sang các nước bạn viết luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, những công trình ấy hầu hết đều được viết ở nước bạn, chứ không phải ngay trên đất nước Việt Nam ta, không bắt nguồn từ những ý tưởng khoa học độc đáo của người Việt Nam ta.

Kỳ vọng, ở thế kỷ XXI, nước ta sẽ ngày càng có nhiều nhà khoa học “đứng chân” ngay tại Việt Nam, tại Hà Nội, mà vẫn sáng tạo nên những công trình đạt đỉnh cao thế giới. Và Mảnh đất Rồng Bay truyền cảm hứng không chỉ cho các văn nghệ sĩ, mà còn cho các nhà khoa học…

Tất nhiên, với đặc thù của khoa học tự nhiên là khám phá chân lý khách quan, chứ không phải biểu đạt cảm xúc chủ quan của chủ thể sáng tạo, cho nên, trong một công trình toán học hay vật lý, không thể có những mệnh đề miêu tả nỗi buồn man mác của chính tác giả như thơ Nguyễn Du: “Tản lĩnh, Lô giang tuế tuế đồng/ Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long…”.

Đối với các nhà khoa học tự nhiên và công nghệ, Thăng Long - Hà Nội truyền cảm hứng trước hết là vun đắp ở họ tình yêu tha thiết đất nước mình, nhân dân mình, như một thứ men rượu say nồng làm phấn chấn tâm hồn, thăng hoa trí tuệ, để phát minh, sáng chế ra cái mới, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức nhân loại…

Thành tựu toán học từ Hà Nội được giới bác học quốc tế thừa nhận
Sau khi dự Hội nghị Những đường biên trong vật lý học tại Collège de France (Học viện Pháp) ở Paris, tôi một mình đáp xe lửa sang Ý, thăm Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết Abdus Salam (ICTP) và Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (TWAS) tại thành phố Trieste, bên bờ biển Adriatic, giáp Croatia.

Tôi đến thăm ICTP cũng như TWAS vì muốn được tận mắt chứng kiến hoạt động của các bạn Việt Nam mà tôi thân quen ở hai cơ quan khoa học lớn ấy. Mỗi năm nơi đây đón khoảng 4.000 nhà khoa học đến làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn, trong đó có nhiều nhà vật lý và toán học Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập ICTP (vào năm 1964), Trieste đã đón hơn 100.000 nhà khoa học đến từ 170 nước: 2/3 từ các nước đang phát triển ở phương nam, 1/3 từ các nước phát triển cao ở phương bắc.

Abdus Salam, nhà vật lý Pakistan được tặng Giải thưởng Nobel năm 1979, là Giám đốc đầu tiên của ICTP và cũng là Chủ tịch đầu tiên của TWAS. Ông muốn thông qua mối giao lưu bắc - nam để giúp các nhà khoa học phương nam dần tiếp cận trình độ phương bắc.
Tôi được TWAS tặng một cuốn sách tiếng Anh, nhan đề TWAS - Members Elected in 2000 (Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba - Những viện sĩ được bầu năm 2000). Sách dành hẳn một trang viết về nhà toán học Việt Nam Ngô Việt Trung:

“Ngô Việt Trung đã đạt được những kết quả đáng chú ý về nghiên cứu và tổ chức. Ông công bố những công trình đáng khâm phục, đầy ý nghĩa về những chủ đề cốt lõi của đại số giao hoán hiện đại, một trong những công cụ chính để nghiên cứu hình học các vật được xác định bởi các phương trình đa thức. Trong nghiên cứu toàn cục của các vật hình học hay nghiên cứu các điểm kỳ dị, một trong những khó khăn là cấu trúc đại số trở nên cực kỳ phức tạp. Một thành quả của ông là tìm ra phương pháp đại số thích đáng để nghiên cứu những biến dạng của các vật hình học. Những đóng góp của ông khiến ông trở thành một trong những nhà đại số học quan trọng nhất trên thế giới (one of the world’s leading algebraists)”.

Cuốn sách tiếng Anh của TWAS ghi rõ: Ngô Việt Trung sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 8-5-1951, đỗ thạc sĩ năm 1974, tiến sĩ năm 1978, tiến sĩ habil (tiến sĩ khoa học) năm 1983 tại Đại học Halle, Đức. Trong những năm 1983-1990 (32 tuổi), ông là phó giáo sư Viện Toán học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ năm 1991 (40 tuổi), là giáo sư, trưởng phòng đại số và lý thuyết số Viện Toán học. Ông là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Nagoya, Nhật Bản, 1982; Đại học Halle, Đức, 1983; Đại học Genoa, Ý, 1985, 1988; Viện Max-Planck Toán học, Bonn, Đức, 1987, 1993, 1997; Đại học Essen, Đức, 1990, 1995, 2000; Đại học Cologne, Đức, 1990; Đại học Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, 1999…
Lĩnh vực nghiên cứu của ông rất rộng, bao gồm: đại số giao hoán, bất biến của vành địa phương và phân bậc, cơ sở Glöbner, đối đồng điều địa phương, hình học đại số, đa tạp định thức, chỉ số chính quy Cartelnuovo-Mumford...

Những dòng “liệt kê khô khan” trong cuốn sách nói trên của TWAS là sự vinh danh rất chính xác và đầy trân trọng đối với một nhà toán học Việt Nam lỗi lạc. Địa chỉ Ngô Việt Trung, Institute of Mathematics, National Center of Natural Sciences and Technology, Hanoi, Vietnam trở thành nổi tiếng.

Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba được thành lập ngày 5-7-1985 tại Trieste. Ban đầu, các viện sĩ của viện là những người có gốc gác từ các nước đang phát triển, nhưng đã được tặng Giải thưởng Nobel, Huy chương Fields, hoặc đã trở thành viện sĩ hàn lâm ở các nước phát triển. Về sau, các viện sĩ và viện sĩ thông tấn được bầu là công dân các nước đang phát triển đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất (have attained the highest international standards). Quy trình bầu viện sĩ và viện sĩ thông tấn được quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm minh.

Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ TWAS năm 2000, khi ông 49 tuổi. Ông là viện sĩ thứ 7 người Việt Nam: Nguyễn Văn Hiệu (vật lý lý thuyết), Đào Vọng Đức (vật lý lý thuyết), Nguyễn Huy Phan (y học, đã mất), Vũ Tuyên Hoàng (nông hoc, đã mất), Lê Dũng Tráng (toán học), Nguyễn Văn Đạo (cơ học, đã mất), Ngô Việt Trung (toán học).

Sau Ngô Việt Trung, còn có thêm 5 nhà toán học Việt Nam nữa trở thành viện sĩ TWAS: Hà Huy Khoái (toán học), Đào Trọng Thi (toán học), Lê Tuấn Hoa (toán học), Phan Quốc Khánh (toán học) và Hoàng Xuân Phú (toán học).

Xem qua bản danh sách ấy, ta thấy rõ: Các nhà toán học chiếm tuyệt đại đa số. Ngay cả những nhà vật lý lý thuyết như Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức thì cũng có thể coi là nhà toán học trong vật lý; hay nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo là nhà toán học trong cơ học.
Toán học là ngành khoa học cơ bản số một của Việt Nam ta mà thành tựu được giới bác học quốc tế thừa nhận.

Lẽ nào dám phụ lòng đất nước đã cưu mang?
Mới ba tuổi, cậu bé Trung mắc chứng bệnh bại liệt. Mẹ cậu là y tá quân đội, nên cấp cứu kịp thời, giữ lại được mạng sống, nhưng nửa người bên trái của cậu bị liệt hoàn toàn. Về sau, nhờ tập luyện mà hồi phục dần, nhưng cái chân trái vẫn mang tật suốt đời.

Là con trai nhà ngoại giao nổi tiếng Ngô Điền, thời trẻ, Ngô Việt Trung theo học Trường Việt - Đức, Hà Nội. Năm 1969, anh giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Anh cũng đỗ đầu cuộc thi kiểm tra kiến thức toán dành cho các học sinh đi du học ở nước ngoài mà người ra đề là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. Năm ấy, Việt Nam chưa dự thi Olympic Toán quốc tế, chứ nếu dự, thì - theo tôi nghĩ - anh Trung có thể đoạt huy chương vàng. Năng khiếu toán của anh được bác Bửu chú ý ngay từ dạo ấy.