Cảm nhận tác phẩm âm nhạc phải có trình độ âm nhạc

Chương trình Giai điệu tự hào của VTV1 tới nay đã được 7 kỳ và đã được nhiều ý kiến đóng góp trên các báo, hầu hết là xác đáng. Đây là chương trình tốt đáng cổ vũ, nhưng để cho nó ngày càng hoàn thiện và thực sự đi vào công chúng, những người làm chương trình nên lắng nghe thêm nhiều ý kiến xây dựng…

Có thể thấy, những kỳ 1, 2, 3 khá chệch choạc với những ý kiến nặng phần gây sốc cố tình câu khách của một vài thành viên trong Hội đồng bình luận, như kiểu Tăng Hà Nam Anh, Trang Hạ, Nguyễn Hoàng Phương nay không còn nữa. Nhưng tôi vẫn thấy có điều không ổn… Bởi vì tuy có nhiều ý kiến, nhưng rất ít khi khán giả được nghe những cảm nhận tác phẩm từ chính bản thân tác phẩm. Hầu hết đều nói lan man qua bên ngoài, về những hiện tượng tiêu cực xã hội bây giờ, rồi những mối lo toan của chính bản thân người bình luận về hiện tượng xã hội đó. Trong phê bình văn nghệ, người ta gọi đó là kiểu phê bình xã hội học dung tục. Cũng có người gọi đó là kiểu phê bình nói ngoài lề, lòng vòng (tourner autour du pot). Dường như bài hát chỉ là một cái cớ cho người bình luận nói về cái tôi của chính mình hơn là sự thẩm thấu của trái tim mình với tác phẩm âm nhạc. Ví như ở Giai điệu tự hào 1, khi nghe hát Bài ca 5 tấn, cô nhà báo Quỳnh Hương lại nói về hiện tượng cướp đất của nông dân hiện nay của các cường hào mới bây giờ. Hay ngay gần đây nhất, khi nghe bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thì Thiếu tá Nguyễn Minh Cường lại nói về hình ảnh “Các cháu nhìn ra biển đăm đắm, đó là sự mong ngóng của người vợ, người con chờ cha, chồng mình trở về” và hy vọng ngư dân ta sẽ có những con tàu thật lớn để đánh bắt an toàn hơn… Hay khi bình luận về bài hát Bến cảng quê hương tôi của Hồ Bắc thay vì nói về giai điệu của bài hát thì nhà nhiếp ảnh Na Sơn lại nói về “khía cạnh khác, công nhân bây giờ vất vả mà lương không cao, nên cho công nhân hiện nay mà hát vui tươi như các ca sĩ đã hát thì hơi khó”, và anh tiếp tục lan man về tình trạng tỉnh nào cũng vay tiền Trung ương xây cảng mà tính hiệu quả không cao.

Nhiều người cho rằng, những nhà bình luận trong chương trình không cần có kiến thức về âm nhạc mà chỉ cần có kiến thức xã hội là đủ. Thực ra, người bình thường nào cũng có thể cảm nhận được bài hát tùy theo sở thích cá nhân, nhưng không thể nói được nó hay ở chỗ nào, không thể phân tích cho người nghe từng giai điệu, từng thanh âm điệu thức, từng lời ca (ca từ) của nó. Cái mà khán giả cần ở các nhà bình luận đó là sự thẩm thấu âm nhạc chuyên nghiệp để chỉ ra từng nốt nhạc, từng giai điệu, từng lời ca độc đáo của bài hát, chứ không phải là những lời nói lan man về những chuyện không dính líu với tác phẩm rồi đặt cho nó những trọng trách xa lạ với thời điểm lịch sử ra đời của nó. Bởi vì qua đến 7 kỳ, khán giả đã quá ngán ngẩm khi nghe những lời bình luận kiểu của nhà thơ Dương Soái khi nghe bài hát Bài ca thống nhất của Võ Văn Di, anh liên hệ năm 1975, những anh bộ đội trên chuyến tàu Bắc Nam với con búp bê sau ba lô, về quê làng tiếp tục làm ruộng, rồi cảm thán: “Bây giờ đất nước và làng quê miền Bắc, miền Nam có những người không có xe đạp mà đi, có những người đi biển không có nổi tàu mà đi… Nghe bài hát mà thấy gờn gợn tạo cho mình một nỗi xót xa”… Cũng cùng ý tưởng ấy, nhà bình luận trẻ Ngô Hương Giang rất thích đưa ra các thông điệp từ bài hát hơn là thẩm thấu từ chính bản thân bài hát. Vì thế khi nghe bài Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng anh liền đưa ra lời hiệu triệu: “Bài hát gợi lên trách nhiệm của tất cả chúng ta… Nhà nghiên cứu sưu tập các cứ liệu để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta, các nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm khơi gợi và truyền lửa cho nhiều thế hệ…”. Anh say sưa đến nỗi PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái phải kêu lên: “Đừng đi quá xa bài hát, đừng chồng chất lên nó quá nhiều nhiệm vụ chính trị cực kỳ nặng nề. Đây là một bài hát nhẹ nhàng tình ca và được hát bằng một giọng trữ tình, tình cảm. Cái hay của bài hát là ca từ, âm nhạc hay và đẹp dịu dàng. Và dưới nó là toàn bộ chiều sâu của lịch sử. Đây là một câu chuyện về biển được hát bằng giọng cực kỳ giản dị. Nó êm như nhung, chúng ta hãy nghe hát, lắng lòng nghe tiếng hát Mỹ Tâm. Hồng Đăng viết nhạc như không, Mỹ Tâm hát cũng như không và chúng ta cũng nên nghe với tâm trạng như thế, chứ đừng quá nặng nề áp đặt…”. Có lẽ cùng đồng cảm với ý kiến này, nhà báo Hữu Việt cũng đã một lần lên tiếng trước những lời bình xa lắc khi nghe bài Xa khơi: “Đừng bắt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ gánh quá nhiều trách nhiệm. Ông đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình rồi”…

Không phải ai cũng có thể bình luận một tác phẩm âm nhạc. Người ta có thể nghe, cảm nhận, thẩm thấu bằng tâm hồn và trái tim. Và tác phẩm đi vào từng người lặng lẽ như vậy. Vì thế, để một người bình thường chỉ ra những gì thuộc về lãnh vực chuyên môn của một tác phẩm âm nhạc là điều không thể. Do đó, chúng ta không lạ khi cứ phải nghe những lời bình luận không chuyên cứ mải miết lan man những vấn đề đâu đâu không liên quan gì đến tác phẩm… Qua 7 kỳ chịu đựng, khán giả đã bắt đầu hết kiên nhẫn khi phải nghe những lời bình luận vô bổ như thế. Khán giả càng cảm thấy tiếc cho thời gian quá lãng phí để phải nghe những điều không ai muốn nghe. Mỗi bài hát phải nhường chỗ cho 15 phút bình luận, đó là thời gian cực hình và chán ngắt. Bởi lẽ ra đó là thời khắc cực kỳ thăng hoa của âm nhạc thì mọi người cứ phải nghe những lời bàn loanh quanh… Có cảm giác như người nói vì không biết nói gì về bài hát nên đành phải lôi chuyện xã hội vào cho có chuyện để nói. Người xem cũng tự hỏi, trên sóng truyền hình quốc gia, mỗi phút hàng trăm triệu đồng, sao người làm chương trình có thể lãng phí đến dường ấy?!

BÍCH CHÂU