Cảm nhận về phim "Bí thư Tỉnh ủy"

1. Biết VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam trình chiếu bộ phim Bí thư Tỉnh ủy thì cả nước chờ đợi để đón hình ảnh - nguyên mẫu của một người cán bộ lãnh đạo và những cộng sự của ông về cách nghĩ, cách làm trong nông nghiệp, nông thôn giữa những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước.

50 tập phim là 50 tình tiết diễn ra trong hợp tác xã, trong nông nghiệp, nông thôn thủa ấy được tái hiện. Nhiều năm rồi khán giả truyền hình Việt Nam hầu như chỉ quẩn quanh với các phim tâm lý xã hội của Hàn Quốc, phim dã sử của Trung Quốc, phim hành động của Mỹ.

Màn ảnh nhỏ xuất hiện một phim truyện dài tập về nông thôn, nông nghiệp đã tạo nên sự hấp dẫn với khán giả. Nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là đề tài nóng bỏng, cánh cửa rộng mở chờ đợi các văn nghệ sĩ, các nhà làm phim xung trận.

Phim Bí thư Tỉnh ủy có nhiều nhân vật thông qua diễn xuất của nhiều nghệ sĩ từ nhân vật chính, nhân vật phụ, quần chúng… mỗi vai, mỗi nhân vật đều đã thể hiện tốt vai trò của mình để bộ phim chuyển tải đến khán giả những điều cốt lõi mà chủ đề bộ phim muốn nói.

Nghệ sĩ Dũng Nhi sắm vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim - hiện thân của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc quá đạt. Anh đạt cả về vóc dáng, bề ngoài và cách thể hiện tâm tính, tác phong, xem Dũng Nhi thể hiện vai Bí thư Tỉnh ủy tôi thầm nghĩ đồng chí Kim Ngọc nơi suối vàng đã phù hộ, độ trì chắp cho anh cái hồn, cái tâm để thể hiện xuất sắc vai diễn. Là người có những năm tháng giúp việc đồng chí Kim Ngọc, khi xem phim Bí thư Tỉnh ủy khi thấy anh xuống ruộng với nông dân, xách súng đi bắn chim, hút thuốc lào… gợi lại trong tôi những hình ảnh quen thuộc của người thủ trưởng rất đỗi kính trọng và thương yêu. Tôi đã khóc khi hình ảnh đó tái hiện.

Nghệ sĩ Minh Châu sắm vai chị Thường hiện thân của đồng chí Nguyễn Thị Đồng rất hợp. Minh Châu đã nhập vai thành công từ phong cách, suy nghĩ, hành động. Là chị em kết nghĩa với đồng chí Kim Ngọc, chị Đồng luôn chăm sóc Kim Ngọc từ bữa ăn, giấc ngủ, lúc khỏe mạnh, lúc yếu đau, lúc vui, lúc buồn…

Trước Tết Tân Mão, tôi đến thăm bà Liên - vợ của đồng chí Kim Ngọc - trong câu chuyện vui bà hỏi tôi: Chú có xem phim Bí thư Tỉnh ủy không? Chú có nhận xét gì về nhân vật “bà Lê” trong phim? Tôi lựa lời hỏi lại: Thưa chị, có điều gì sái ý chị không ạ? Bà phấn chấn nói với tôi: Cô ấy vào vai chị rất đạt. Chị rất cảm ơn cô ấy!

2. Thành công của phim Bí thư Tỉnh ủy là rất lớn song vẫn còn những việc đáng bàn. Người viết bài này xin được mạo muội bộc lộ suy nghĩ của mình với một tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Trước hết là tên phim chưa gắn kết với nhau. Bởi lẽ là Bí thư Tỉnh ủy, trọng trách đặt lên vai nhiều thứ: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng nhưng nội dung của bộ phim chỉ xoay quanh nông nghiệp và hợp tác xã, về khoán hộ là chưa phù hợp.

Sinh thời, đồng chí Kim Ngọc là người rất say sưa công việc, kiệm thời gian nên không có chuyện cùng lái xe và thư ký ngồi ngoài bìa rừng để đàm tiếu chuyện phiếm (tập 4). Đồng chí Kim Ngọc là người rất cẩn trọng khi xuống cơ sở (đi đâu yêu cầu cán bộ mang theo tem gạo nếu ăn cơm ở huyện, xã đều phải trả tiền và tem gạo. Không có chuyện ăn canh chuối nấu lươn với một gia đình nông dân như trong phim đã thể hiện (tập 4).

Đồng chí Kim Ngọc hút thuốc lào và trong cặp ông lúc nào cũng có cái điếu nhỏ làm bằng xác máy bay giặc Mỹ do bộ đội pháo cao xạ tặng, không có chuyện xách điếu cày bằng tre nứa đi trên đường... Chị Thường trong phim - cũng là người nghiện thuốc lào nhưng chị là người cẩn thận, giữ gìn danh dự với vị trí là Trưởng ban kiểm tra và sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú nên không có chuyện hút thuốc lào say nằm lăn ra hè như phim đã dựng.

Về vấn đề hợp tác xã, sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết số 68/NQ-TU ngày 10/9/1966 ra đời thì ở Vĩnh Phúc có tới 75% số hợp tác xã thực hiện khoán hộ nhưng trong phim chỉ có hình ảnh hợp tác xã Gia Đạo và trong hợp tác xã này chỉ duy nhất có mỗi một đội sản xuất do ông Ngọ làm đội trưởng, tình tiết trở nên đơn điệu, phản ánh chưa đầy đủ hiện thực.


Một cảnh trong phim Bí thư Tỉnh ủy. Nguồn: Internet.

Suốt thời gian từ tháng 8/1964 Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, công tác phòng không trở nên một nhiệm vụ quan trọng nhưng trong phim xe Bí thư Tỉnh ủy cài cắm lá ngụy trang còn Bí thư Tỉnh ủy và những người cùng đi đều mặc quần áo màu sáng. Chi tiết đó không phù hợp với tác phong và nếp sinh hoạt của đồng chí Kim Ngọc - một thượng tá quân đội dày kinh nghiệm.

Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc từ tháng 8/1964 ác liệt, đâu đâu cũng có những trận địa phòng không của bộ đội chủ lực, của dân quân du kích nhưng trong bộ phim chỉ có hình ảnh một khẩu đội súng 12 li 7 của mấy cô gái là quá đơn điệu. Đạo diễn dường như quên rằng, dân quân xã Tiền Châu Vĩnh Phúc đã từng bắn rơi máy bay giặc Mỹ thứ 4.000 là chiếc F111 cánh cụp, cánh xòe. Giá như trong phim mượn những cảnh trong phim tài liệu về cuộc chiến đấu của dân và quân ta đánh trả máy bay của giặc Mỹ thì sinh động biết nhường nào.

Từ tập 43 mâu thuẫn trong phim được đẩy lên đỉnh cao, việc khoán hộ ở Vĩnh Phúc trở nên đại trà, ông Ẩn tổ trưởng phái viên của Trung ương được rút về thay vào đó là ông Đỗ. Đỗ vốn là cán bộ cấp dưới của Kim Ngọc - Hoàng Kim trong phim khi ông còn là Phó cục trưởng Cục Dân quân. Phái viên Đỗ có lập trường khác hẳn ông Ẩn về vấn đề khoán hộ ở Vĩnh Phúc. Và qua Đỗ, đồng chí Trung Chính - một cán bộ cấp cao của Đảng đã về Vĩnh Phúc làm việc với Tỉnh ủy, với Bí thư Hoàng Kim về quan điểm đường lối.

Quan điểm của đồng chí Trung Chính là bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề tập thể xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận việc xé rào chệch hướng. Do phim thể hiện một cách gấp gáp để sau tập 49 đến tập 50 Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim qua đời vì bệnh đau dạ dày tái phát, nhưng vô tình các nhà làm phim dường như gán cho ông Trung Chính đã làm cho Hoàng Kim phải chết.

Vấn đề này xin được nói rõ là công việc khoán hộ theo Nghị quyết 68/NQ-TU từ ngày 10/9/1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ở Vĩnh Phúc đã có 75% số hợp tác xã thực hiện khoán hộ. Thực hiện Nghị quyết số 504/NQ-QH ngày 26/01/1968 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ được hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, đồng chí Kim Ngọc làm Bí thư Tỉnh ủy cho đến năm 1977. Tại Đại hội Đảng tỉnh Vĩnh Phú tháng 5/1977, vì lý do sức khỏe đồng chí Kim Ngọc được Đại hội cho nghỉ hưu; căn bệnh dạ dày của ông kéo dài tái phát phải mổ lại và ông đã qua đời ngày 26/5/1979.

Không một lời khiển trách, không một án kỷ luật, chỉ một bài báo có tên Bài học kinh nghiệm về khoán hộ ở Vĩnh Phúc. Kim Ngọc - người bạn lớn của nhân dân được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tạc bức tượng bán thân bằng đồng người Bí thư Tỉnh ủy kính yêu.

Đã lâu lắm tôi mới được xem một bộ phim về một con người chân chính, một nhân vật tích cực suốt cả đời lo cho dân, lo cho bát cơm manh áo của dân. Và qua bộ phim là nông thôn của chúng ta vào thời những năm 60 của thế kỷ trước, những năm đầu đánh Mỹ…

Ta gặp lại những người nông dân nghèo, nhưng chân thành, chịu đựng, nhẫn nại làm ăn, xây dựng. Họ tốt quá! Tuy có đan xen vào những hình ảnh tiêu cực, nhưng là sự chẳng đặng đừng, chứ bản chất của nông dân là lương thiện. Làm ra hạt thóc cho đời, hy sinh nhiều nhất cho kháng chiến, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là họ; nhưng rồi họ được đối xử ra sao. Họ phải chịu đựng hết sai lầm này đến sai lầm khác, do những đầu óc cũng gọi là vì nhân dân, nhưng quá quan liêu và giáo điều.

Tuy có tập phim còn như ký sự, phóng sự… nhưng nhìn chung là thú vị. Nhiều người cũng như tôi, theo dõi phim từ đầu đến cuối, không bỏ tập nào.

Dàn diễn viên nhiều người đặc sắc. Các nghệ sĩ đóng vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim (Kim Ngọc), bà Vân, bà Ngật, bà Thường đều gây ấn tượng. Tôi chú ý đến cô Chi - Bí thư Huyện ủy do NSƯT Mai Hoa đóng. Mai Hoa là một giọng ca đặc biệt, giọng trầm khàn độc đáo, thể hiện được nhiều bài hát gây ấn tượng. Trong mấy buổi ra mắt mới đây trên truyền hình, tôi thấy một nhan sắc và trang phục rất chi là “quý phái”. Ấy thế mà cô lại vào một vai chính, vai một nông dân - Bí thư huyện trong một bộ phim về nông thôn khá đạt, rất nhuần nhị. Nếu không biết đó là Mai Hoa ca sĩ, thì chẳng ai ngờ…

Cảm ơn nhà văn Vân Thảo, cảm ơn đạo diễn Quốc Trọng, cảm ơn các diễn viên và cả đoàn làm phim… đã cho công chúng xem một bộ phim ý nghĩa và thú vị.

ĐỖ QUYÊN


(*)

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.

LÊ PHAN NGHỊ (*)