Năm 1939, Huy Cận đang là sinh viên trường Cao đẳng Nông lâm ở Hà Nội, trọ tại tầng 2 số 40 Hàng Than. Tầng dưới là gia đình nhà thơ đã thành danh Lưu Trọng Lư. Một hôm Lưu Trọng Lư ở nhà, thấy Huy Cận đi học về vừa xuống xe đạp, liền hớn hở chạy ra nói to:
- Tôi vừa gặp ông Ngô Tất Tố, ông ấy hỏi tôi tay nào viết Tràng giang đó hả, nó viết có hồn thơ Đường lắm.
- Thì anh biết người viết là tôi rồi còn gì. Bài đó có 4 khổ, 16 câu, tờ Ngày Nay vừa đăng hôm thứ 6 tuần trước.
- Ông Tố bảo Tràng giang còn hay hơn cả thơ Đường nữa! Vậy tôi phải mời cậu đi ăn. Tôi khao.
Huy Cận dùng xe đạp của mình chở Lưu Trọng Lư đến hiệu phở Nghi Xuân ở phố Hàng Quạt. Mỗi người dùng một bát phở ngầu, đang lúc vui nên thưởng thức tiếp một bát phở tái. Vừa ăn Lưu Trọng Lư vừa bình tác phẩm “còn hay hơn cả thơ Đường” của bạn:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song Thuyền về nước lại sầu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng… |
Trước khi khách ra về, chủ hiệu phở tính đúng một đồng (thời giá lúc đó 1 tạ gạo chỉ có 8 đồng). Huy Cận nói mới được nhận học bổng 25 đồng nên xin được trả. Nhiều năm sau ông mới có dịp bày tỏ: Lúc đó thấy Lưu Trọng Lư tỏ ra lúng túng, chắc vì để quên ví tiền ở nhà, Huy Cận linh hoạt cứu nguy một cách quá khéo.