Kể từ khi nước nhà giành được độc lập đến nay, chính tả chữ quốc ngữ vẫn chưa được thống nhất trong cách viết và cách đánh vần. Từ những năm 1979 - 1980 Bộ Giáo dục đã phối hợp với Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu đề tài “Chuẩn hóa chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt”. Sau đó, ngày 25/12/1982, Bộ trưởng Giáo dục đã ra quyết định thành lập Hội đồng chuẩn hóa chính tả và Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ trong sách cải cách giáo dục.
Sau một thời gian làm việc, ngày 1/7/1983, hai Hội đồng đã trình Bộ Giáo dục một quyết định về chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ. Trên cơ sở này, ngày 5/3/1984, Bộ trưởng Giáo dục đã có quyết định số 240 QĐ ban hành bản “Qui định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt” áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, đã 23 năm trôi qua, quyết định số 240 QĐ vẫn gây ra sự bất nhất trong cách viết chính tả tiếng Việt giữa các sách giáo khoa trong học đường và báo chí, các cơ quan truyền thông cùng các giấy tờ giao dịch ngoài xã hội nhất là về chữ I và chữ Y.
Chúng tôi đã nêu vấn đề này trong một bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng số 6535 ngày 20/5/1995 và trên tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà Văn số 40 ngày 7/10/1995. Nhiều người cũng đã đề cập đến vấn đề này nhưng rồi tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Gần đây, trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15/4/2007 ông Nguyễn Lê Bách lại có bài viết “Tiếng Việt mình… khó quá!?” trong đó ông đã nêu một số thắc mắc rất chính đáng như sau:
- Về cách đánh vần: “Khi bắt đầu học chữ cái (theo chương trình lớp 1) các cháu được cô hướng dẫn đánh vần a, b, c, d đọc là “a, bờ, cờ, dờ”… theo lối đánh vần của bình dân học vụ ngày xưa. Thế nhưng sang đến lớp 2 lại đọc khác đi. Làm quen với một hình chữ nhật các cháu phải đọc là “4 góc a, bê, xê, dê” chứ không thể đọc là “hình chữ nhật a, bờ, cờ, dờ” nữa.
Tại sao lại như vậy ?
- Về cách viết: “Cháu tôi học lớp 5 của một trường tiểu học khi ngồi cùng với ông nội để “làm quen với máy tính”, thấy ông đánh trên máy: “Công ty ứng dụng kỹ thuật”, cháu vội sửa: “Ông mắc lỗi chính tả rồi! Phải đánh là Công ti ứng dụng kĩ thuật”…
Nếu là ngành giáo dục dạy như vậy, cả nước sẽ… mắc lỗi chính tả mất thôi! Và biết bao nhiêu cơ quan, công sở… sẽ phải sửa lại biển hiệu để thay thế chữ Y bằng chữ I cho đúng chính tả?”.
Ông Nguyễn Lê Bách còn nêu ra một số thắc mắc nữa về cách viết các chữ C và K nhưng trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói đến cách viết với chữ I và chữ Y thôi.
Trong quyển Từ điển tiếng Việt của NXB Khoa học Xã hội in năm 1988 do Hoàng Phê chủ biên, ở trang 10 có đoạn viết rằng: “Chính tả trong quyển tự điển này theo đúng các Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa, được ban hành theo Quyết định số 240 QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ giáo dục. Nguyên âm -i cuối âm tiết được viết thống nhất bằng -I (viết HI, KI, LI, MI, TI thay cho HY, KY, LY, MY, TY), trừ -UY (/-wi/) vẫn viết –UY (LUY, TUY… ) để giữ sự thống nhất với UYÊN, UYÊT, UYT”. Chúng tôi cho rằng chủ trương viết như vậy là không ổn.
Nếu xem lại các tự điển cổ như Dictionarium Anamitico-Latinum của Giám mục Pigneaux de Béhaine soạn thảo năm 1772-1773 (bản viết tay), Dictionarium Anamitico-Latinum do Giám mục AJ.L.Taberd soạn thảo, in năm 1838, Dictionarium Anamitico – Latinum của J.B. Theurel in năm 1877, Đại Nam Quốc âm tự vị của Huình Tịnh Của (tập I: 1895, tập II: 1896), Dictionnaire Annamite – Français của J.F.M. Génibrel in năm 1898… chúng ta nhận thấy các quyển ấy đều viết thống nhất bằng I các chữ HI – KI – LI – MI – TI. Quyển Génibrel có viết LI và LY bằng cả hai cách. Sau này quyển Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức in năm 1931 lại viết chữ LY bằng Y.
Ngoài hai dị biệt ấy, các tự điển cổ đều viết các chữ HI, KI, LI, MI và TI bằng chữ I. Sau này khi chữ quốc ngữ trở nên thông dụng thì việc phân biệt I và Y cũng trở nên tinh vi hơn. Người ta thường viết hi hí, hú hí, kì cọ, kì kèo, li ti, lí nhí, mí mắt, lông mi, ti hí, tí tỉ, ti tiểu, nhưng lại viết hy vọng, hý viện, quốc kỳ, kỹ thuật, kỵ binh, ly biệt, lý lẽ, lỵ sở, mỹ thuật, mỹ lệ, công ty, tỷ lệ, ty sở…
Việc viết I hay Y lâu ngày đã thành thói quen như công ty, nước Mỹ, nhà Lý nếu viết I thì trông rất xấu. Chính vì lẽ đó mà trong quyển L’Académie française Jean-Pol Caput đã trích câu nói của L. Havet rằng: “Une orthographe limpide est une orthographe belle” (Một chính tả trong sáng là một chính tả đẹp).
Điều này cũng không khác gì như ta vẫn thường nói “Chân, thiện, mỹ ” tức là đúng mà phải đẹp. Chúng tôi đã có dịp tới thăm Trường trung học Lý Tự Trọng ở Nha Trang. Ở ngoài cổng trường tấm biển kẻ rõ ràng LÝ TỰ TRỌNG nhưng chắc chắn là các thầy cô giáo đều dạy các học sinh viết “Lí” theo quyết định của Bộ Giáo dục. Người thợ vẽ đã vì mỹ thuật mà sửa lại như vậy.
Cũng như tất cả các công ty đều viết CÔNG TY chứ không có ai viết “CÔNG TI”. Viết “TY” trông đẹp hơn nhiều. Trên các đường phố trong cả nước, ở nơi đâu các biển tên đường cũng đều kẻ là Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Lý Chiêu Hoàng, Lý Nam Đế, Lý Văn Phức, Lý Chính Thắng, Lý Tự Trọng… không ở nơi đâu viết “LÍ”. Ở giữa thủ đô Hà Nội, trong công viên bên cạnh Hồ Gươm có tượng vua Lý Thái Tổ. Ở đế tượng có ghi rõ ràng là LÝ THÁI TỔ với chữ Y mà hôm lễ khánh thành có đông đủ các vị lãnh đạo quốc gia đã chứng kiến.

Tượng vua Lý Thái Tổ.
Chúng tôi lại nhận thấy, đối với các tên người, đã ghi trong khai sinh như Trương Vĩnh Ký, Bùi Kỷ thì không thể vì lẽ gì mà lại sửa thành Trương Vĩnh Kí, Bùi Kỉ. Chúng ta phải tôn trọng tên người đã được ghi trong khai sinh dù tên người ấy được viết với I hoặc Y.
Cũng như trong tiếng Pháp đa số các chữ đều viết i ở âm tiết cuối như abri, cri, ennemi, midi… nhưng cũng có chữ lại viết với y ở cuối như jury, paddy, lorry… Tên người của họ cũng vậy, có chữ viết bằng i như Pierre Loti nhưng có chữ lại viết với y như Alfred de Vigny. Có sao đâu?
Trong tiếng Anh, tất cả các chữ có âm tiết cuối “I” đều viết Y như army, beauty, chemistry, city, company, geography, history, industry, nationality, poetry, study, treasury, vanity…
Cũng về chữ I và Y, chúng tôi xin nói thêm về chữ “qui”. Các từ điển trước đây đều viết “qui” nhưng các nhà ngôn ngữ học gần đây lại viết “quy” để cho thống nhất với UY như trong các chữ HUY, KHUY, LUY, QUY, TUY, TRUY… Nhưng viết Q + UY như vậy cũng không ổn vì chữ ấy phải lấy QU làm phụ âm kép mới đúng.

Tượng nhà bác học Lê Quý Đôn.
a: qua, quá, quà, quả, quạ.
e: que, què, quẻ.
QU ê: quê, quế, quệ.
i: qui, quí, quì, quỉ, quị.
ơ: quơ, quớ, quờ, quở.
Nếu dùng phụ âm đơn Q thì Q + UA lại phải đọc là “cua” chứ không thể đọc là “qua” được (vì UA không thể đọc là OA được).
Cũng có chữ phải viết với phụ âm đơn Q như chữ “quốc”:
Q + UỐC
C + UỐC
Chính vì vậy mà khi phiên thiết chữ 國(quốc) ngườt Trung Hoa đã ghi là:
古 + 或 (cổ + hoặc) = QUỐC
Huỳnh Tịnh Của đã đọc là Quấc .
Và khi phiên thiết chữ 果(quả) người Trung Hoa cũng đã ghi là:
古 + 火 (cổ + hỏa) = QUẢ
Chúng tôi chỉ xin nêu ra một số thí dụ như trên để đặt lại vấn đề thống nhất chính tả tiếng Việt. Nếu quyết định chuẩn hóa chính tả tiếng Việt của Bộ Giáo dục hợp lý thì tất cả mọi người, nhất là báo chí và các hệ thống truyền tin trong cả nước đã áp dụng theo từ lâu rồi. Nhưng đến nay đã mấy chục năm trôi qua mà sự áp dụng ấy chỉ gây ra sự bất nhất trong cách viết chính tả tiếng Việt nên chúng tôi xin đề nghị với Bộ Giáo dục nên xem xét lại quyết định số 240 QĐ để chính tả tiếng Việt được sớm thống nhất.
Bài liên quan: