Cần rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp và thuyết trình

Ở nước ta hiện nay, khi giảng dạy môn Ngữ văn, giáo viên quá chú trọng đến việc rèn cho học sinh cách chép bài và làm bài kiểm tra nhưng lại quá xem nhẹ việc rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.

Nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật, Mỹ, Phần Lan, Úc... luôn xem trọng việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình cho học sinh, thậm chí họ còn dành thời gian cho việc dạy cách ăn nói nhiều hơn thời gian dạy cách làm văn. Còn nền giáo dục Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

Sở dĩ có tình trạng này vì mục tiêu của chúng ta đặt ra là học để thi, để đạt điểm cao chứ không chú trọng học để biết cách sống và làm việc như ở các nước phát triển. Vì vậy, chúng ta chỉ chú tâm vào việc rèn cho học sinh cách làm bài văn, tức là chỉ rèn văn viết chứ không rèn văn nói.

Và một lý do khác, ở nước ta, khi kiểm tra và thi môn Ngữ văn, chỉ dùng hình thức viết chứ không dùng hình thức vấn đáp hoặc thuyết trình nên cả thầy lẫn trò đều không xem trọng kỹ năng này.

Thế nhưng, cuộc sống và công việc lại đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều kỹ năng. Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình đóng vai trò rất quan trọng.
Một điều tất yếu trong thời buổi hiện nay là tất cả học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều phải tự tìm kiếm công việc cho mình, mà kỹ năng đầu tiên họ phải sử dụng là kỹ năng giao tiếp khi đi phỏng vấn xin việc. Cho dù thành tích học tập của họ rất tốt, bảng điểm rất đẹp nhưng nếu giao tiếp kém, không qua được vòng phỏng vấn thì không có việc làm.

Vả lại, khi đi làm, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình thường xuyên được sử dụng, còn kỹ năng viết thì mấy khi dùng đến, đặc biệt là không có cơ quan hay công ty nào bắt nhân viên phải làm bài văn như trong nhà trường, nếu có viết lách, chủ yếu là viết đơn từ, báo cáo... (văn bản hành chính).

Để khẳng định tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, các nhà xã hội học đã khảo sát ở một số cơ quan, công ty và đã đưa ra kết luận như sau: Nếu hai người cùng học một trường, có trình độ chuyên môn ngang nhau, cùng làm công việc như nhau trong một cơ quan nhưng nếu người nào có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt thì người đó sẽ nhanh chóng thành công và thành đạt hơn.

 

 Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày với mọi người xung quanh...

Nếu vẫn duy trì kiểu ra đề thi và hình thức thi môn Ngữ văn như hiện nay thì khiến cho học sinh chỉ biết học vẹt trong vở ghi và trong sách văn mẫu chứ không chịu tìm tòi, học hỏi thêm để mở rộng tầm hiểu biết. Và giáo viên cũng chỉ bù đầu với việc rèn cho học sinh cách làm bài văn để đi thi đạt điểm cao. Nhưng nếu chúng ta đổi mới hình thức kiểm tra môn Ngữ văn, biết cách cân bằng giữa việc rèn kỹ năng viết và kỹ năng nói thì môn Ngữ văn sẽ trở nên thú vị hơn, học sinh sẽ thích học hơn.

Tôi thiết nghĩ, nếu đổi mới cách kiểm tra môn Ngữ văn, chuyển từ hình thức viết 100% sang hình thức 50-50 (ví dụ một học kỳ có 4 bài kiểm tra: 2 bài dùng hình thức viết và 2 bài dùng hình thức thuyết trình) thì sẽ tiện cả đôi đường, một công đôi việc, nghĩa là vừa tránh được tình trạng học vẹt, học tủ, quay cóp, vừa giúp cho học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.

Khi học môn Ngữ văn, nếu học sinh có cơ hội được thuyết trình nhiều lần thì các em sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin và bản lĩnh hơn. Mặt khác, việc thuyết trình còn giúp cho học sinh có thói quen học hỏi vì muốn có một bài thuyết trình hấp dẫn, thuyết phục người nghe, các em phải tham khảo, phải đọc nhiều sách báo, tài liệu có liên quan đến vấn đề mình trình bày.

Với những lý do trên, tôi mong muốn khi thay sách giáo khoa Ngữ văn, cần có sự đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá môn học này, nghĩa là phải quan tâm đến việc rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 62)

NGUYỄN THỊ HẠ Giáo viên Trường THPT Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu