Cố Cung, vốn có tên nữa là Tử Cấm Thành, tọa lạc ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một quần thể kiến trúc cổ, quy mô lớn và hoàn chỉnh bậc nhất của Trung Quốc. Từ niên hiệu Vĩnh Lạc 15 của triều Minh (1417) vua Minh Thành Tổ bắt đầu cho xây dựng Cố Cung, đến năm Vĩnh Lạc 18 (1421), vua Minh tiến hành kế hoạch di chuyển Thủ đô từ Nam Kinh, tức Kim Lăng, lên Bắc Kinh. Và, việc xây dựng Cố Cung từ đó, được tiếp tục triển khai với quy mô vô cùng to lớn, kéo dài nhiều năm, tạo nên một quần thể các cung điện, lầu tạ cực kỳ nguy nga, đồ sộ.
Trở thành hệ thống cung điện vĩ đại, từ đó trở đi, Cố Cung là hoàng cung của hai vương triều, Đại Minh (1368-1644) và Đại Thanh (1645-1911), đã có 20 vị vua của hai triều đó ngự trị ở đây. Cho đến nay, Cố Cung đã trải qua gần 6 thế kỷ với bao biến động lịch sử, cũng qua nhiều lần trùng tu, mở rộng thêm, nhưng cơ bản vẫn giữ được kết cấu ban đầu.
Cố Cung có diện tích tổng thể hơn 720.000 mét vuông, diện tích kiến trúc chừng 150.000 mét vuông với hơn 900 phòng, tường thành bao quanh là 3 kilômét. Ở bốn góc thành được xây dựng các lầu thành cao vút và rất đẹp. Phía ngoài tường thành có dòng sông bảo vệ thành rộng 52 mét bao quanh. Bố cục Cố Cung gồm 2 phần, là Ngoại triều và Nội đình.

Tử Cấm Thành
Ngoại triều là khu vực Hoàng đế tổ chức các đại lễ, có ba tòa điện lớn: Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa, cùng hai điện Văn Hoa và Vũ Anh ở hai bên. Khu Nội đình là nơi Hoàng đế coi việc chính sự hàng ngày; nơi thờ phụng; nơi ở của các hoàng hậu, phi tần và các hoàng tử, công chúa; nơi vui chơi thưởng ngoạn của Hoàng đế cùng tôn thất.
Trong khu Nội đình có cung Càn Thanh, điện Giao Thái, cung Khôn Ninh, và Lục cung ở mé Đông, mé Tây… Cố Cung thật hào hoa, tráng lệ, thật hùng vĩ, là niềm tự hào của nghệ thuật kiến trúc cổ Trung Quốc. Và, rất đặc biệt, trong thành tựu tuyệt vời xây dựng nên Cố Cung, có sự đóng góp thật to lớn của một kiến trúc sư người Việt Nam, Nguyễn An. Ông là một nhân vật sống vào thế kỷ XV, sử sách nước Việt ta còn nhắc đến rất ít.
Lịch sử nước ta có những năm thật đau thương. Ấy là những năm đầu thế kỷ XV, bị nhà Minh sang xâm lược. Viên tướng Trương Phụ, khi chiếm đất Việt ta, đã thực thi cuộc hủy diệt văn hóa Việt Nam, như đốt sách, đập phá bia đá, chuông đồng, lấy không ít sách vở, thư tịch của người Việt ta, đem về Kim Lăng. Chúng còn chọn nhiều mỹ nữ, người tài và trẻ em Việt Nam thông minh bắt đem về Kim Lăng…
Do những hạn chế đương thời, các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi được những dòng đại lược, nay đọc lại, thấy thật đau lòng. Việc xảy ra tháng 12 năm Bính Tuất (1406): “Người Minh vào Đông Đô bắt cướp con gái, ngọc lụa… Chúng thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi và thu lấy tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng”… Việc xảy ra tháng 7 năm Đinh Hợi (1407): “Người Minh lùng tìm những người ẩn dật rừng núi, có tài đức, thông minh, giỏi giang xuất chúng… lục tục đưa dần về Kim Lăng…”.

Cổng vào Tử Cấm Thành
Trong số những người thông minh, giỏi giang xuất chúng bị bắt đưa về Kim Lăng, có Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi, một nhà thơ lớn da diết thương đời, thương nước. Và, Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly, một tác giả văn học lớn để lại cho đời tác phẩm đặc sắc Nam Ông mộng lục, cũng là một thiên tài kỹ thuật quân sự sáng tạo nên súng thần cơ mà vương triều Đại Minh đã phong cho ông chức Thượng thư bộ Công và coi ông là Ông tổ của súng thần công Trung Quốc…
Trong số nhiều con trai nhỏ tuổi bị thiến hoạn đưa về Kim Lăng, có Nguyễn An, mà một số thư tịch của Trung Quốc đời Minh và đời Thanh sau này đã ca ngợi như một Tổng công trình sư tài ba góp phần đắc lực xây dựng Cố Cung và thành Bắc Kinh. Sách Minh Hiến Tông thực lục ghi rõ: có hai người Giao Chỉ (tên người Minh gọi nước ta khi ấy), cùng tên Nguyễn An. Một người là thợ, sau này làm quan tới Phó sứ Văn tư uyển.
Đến năm Thành Hóa 20 đời Minh Hiến Tông (1484), ông này vẫn còn sống. Người thứ hai Thái giám Nguyễn An, còn có tên là A Lưu, chính là Công trình sư đã xây dựng Cố Cung đời Minh Thành Tổ. Bộ sách Minh Anh Tông chính thống thực lục có chép về Nguyễn An (A Lưu): người Giao Chỉ, tính tình mẫn tiệp, liêm khiết, nhiều tài năng, rất giỏi về việc kiến trúc, xây dựng.
Trước khi Minh Thành Tổ di chuyển Kinh đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh, Nguyễn An chừng gần 30 tuổi, theo lệnh của Thành Tổ, đã thiết kế sơ thảo toàn bộ cung thất, điện, đài, thành, hào, cửu môn, lưỡng cung, tam điện, ngũ phủ, lục bộ, cùng các công thự của bách quan trong Cố Cung. Nguyễn An trực tiếp tính toán ước lượng lên kế hoạch xây dựng. Bộ Công và các cơ quan trực thuộc chỉ thực hiện mà thôi…

Toàn cảnh Tử Cấm Thành
Sách Minh Anh Tông chính thống thực lục ghi rõ: “An có tài nghệ, giỏi mưu mẹo tính toán, càng giỏi về xây dựng thổ mộc. Theo lệnh Thành Tổ, tạo dựng thành trì, triều miếu, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty, ngàn cửa môn nhà, mắt đo ý định, thân hành thiết kế, tự tay vạch vẽ. Các thợ bộ Công chỉ việc làm theo những gì được định sẵn mà thôi…”.
Sách Minh Anh Tông chính thống thực lục còn ghi nhiều việc nữa: Năm Chính Thống 2 (1437), An được lệnh xây dựng lầu thành 9 cửa của Kinh sư đến năm Chính Thống 4 thì hoàn thành. Đợt xây dựng này, Thượng thư bộ Công là Sái Tín cho rằng phải có 18 vạn người mới làm nổi khối lượng công việc. Nhưng, Nguyễn An chỉ huy hơn 1 vạn lính thợ, và đã làm xong lầu Chính, lầu Nguyệt, thành, hào, cầu, chín cửa: Chính Dương, Sùng Văn, Sùng Vũ, Chiêu Dương, Phu Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Định và Đức Thắng. Đó chính là tiền thân của nội thành Bắc Kinh ngày nay!
Vào những năm cuối niên hiệu Vĩnh Lạc, ở Bắc Kinh có hỏa hoạn lớn, ba điện lớn và cung Càn Thanh đã bị cháy. Đến tháng 3 năm Chính Thống 5 (1440), Minh Anh Tông lại giao cho Nguyễn An chỉ huy 7 vạn sĩ quan, lính thợ tiến hành trùng tu lớn Cố Cung. Đến tháng 10 năm Chính Thống 6 (1441) thì hoàn thành ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh. Cho đến khi đó, tường thành Bắc Kinh vốn bên ngoài xây gạch, bên trong đắp đất, nên cứ mưa là sụt lở, nên tới tháng 10 năm Chính Thống thứ 10, Minh Anh Tông lại giao Nguyễn An chỉ huy xây tường gạch. Đó chính là Nội thành Bắc Kinh ngày nay.
Như vậy mới thấy Nguyễn An đã có đóng góp rất quan trọng trong việc kiến tạo Bắc Kinh! Ngoài ra, Nguyễn An còn có tài trị thủy. Minh sử có ghi về Nguyễn An được giao việc trị thủy các sông Tắc Dương, Thôn Dịch; ghi việc Nguyễn An tuần tra đường thủy từ Thông châu đến Nam Kinh vào năm Chính Thống 14 (1449). Và khi đó, sông Trương Thu ở Sơn Đông cứ vỡ đê mãi, tu sửa nhiều vẫn không ổn. Vào đời Cảnh Thái (1450-1457) Nguyễn An được lệnh đến trị thủy sông Trương Thu, tiếc thương thay, ông mất dọc đường, khi đó chừng 65 tuổi!

Tượng đất nung
Nhiều thế kỷ trôi qua, Cố Cung trở thành niềm tự hào của kiến trúc cổ truyền Trung Quốc, là tinh hoa của văn hóa Trung Quốc. Người đời không quên Nguyễn An, các học giả Trung Quốc đã ghi nhận ông là một công trình sư tài ba xuất chúng.
Học giả Trương Tú Dân, tốt nghiệp Đại học Hạ Môn năm 1931, làm việc nhiều năm ở thư viện Bắc Kinh, đã nhiều năm nỗ lực nghiên cứu về Nguyễn An, viết nhiều bài về Nguyễn An, tiêu biểu là bài Nguyễn An, một nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam, và bài Khảo cứu về Nguyễn An, người Giao Chỉ, Thái giám nhà Minh, tạo dựng Bắc Kinh. Học giả Trương Tú Dân viết khá cụ thể, chúng tôi trích nêu để bạn đọc tham khảo: “Nguyễn An - A Lưu đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407), là một trong số trẻ em trai mỹ tú của Giao Chỉ do Trương Phụ đưa về Nam Kinh để hoạn…”.
Và, Trương Tú Dân khẳng định: “… Như vậy, đời Minh việc xây dựng Bắc Kinh niên hiệu Vĩnh Lạc là thời kỳ mở mang, quy chế còn khuyết lược, đến niên hiệu Chính Thống là thời kỳ hoàn thành. Trước sau chủ trì công việc từ đầu đến cuối đều do Nguyễn An, người cống hiến trọn đời cho Bắc Kinh”.
Và rồi, học giả Trương Tú Dân, từ năm 1947, khi Bắc Kinh còn có tên là Bắc Bình, đã viết trên tờ Ích thế báo: “… Tôi nghĩ đến An, không chỉ riêng giới công trình sư đáng ngưỡng mộ mà 1 triệu 60 vạn thị dân Bắc Bình cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm, chớ quên!”.