Cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai là cả quá trình chuẩn bị chu đáo. Sau cuộc họp tháng 11/1940, Phan Ngọc Hiển đi Rạch Gốc, củng cố chi bộ, xây dựng đội du kích. Ở Rạch Gốc, anh kết nạp Đảng cho chị Nguyễn Thị Quýt. Rồi Phan Ngọc Hiển cùng chị Quýt và một số người nữa vượt biển ra Hòn Khoai - phía đông nam mũi Cà Mau. Chuyến đi ấy của anh mang một sứ mệnh quan trọng: phải làm sao vận động những người lính gác đèn biển đi theo cách mạng, cùng tham gia vào sứ mạng khởi nghĩa.
KHỞI NGHĨA HÒN KHOAI…
Những trang về anh hùng Phan Ngọc Hiển trước nay chưa viết tường tận về công việc vô cùng khó khăn của anh trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Cho đến khi đọc những dòng lịch sử về cuộc khởi nghĩa này, được ra Hòn Khoai, tận mắt chứng kiến ngọn đèn biển, tôi thầm hỏi, làm thế nào mà chàng trai trẻ, bạch diện thư sinh như Phan Ngọc Hiển thuyết phục được toàn bộ quần chúng làm việc cho Pháp đi theo cách mạng và thực hiện sứ mệnh của mình trong thời khắc lịch sử ấy.

Ngọn Hải đăng Hòn Khoai. Nơi nghĩa quân tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Hòn Khoai (13/12/1940).
Trông coi ngọn đèn biển năm ấy ngoài tên cựu lính thủy Olivier, vợ và con gái hắn còn có các anh Nguyễn Văn Cự - điện tín viên, Đỗ Văn Sến, Ngô Văn Giảng, Nguyễn Văn Đức - gác-dan nhà đèn, Đặng Văn Cự - thợ máy, Nguyễn Văn Cẩn (Đặng Văn Cát) - thợ máy; Đỗ Văn Biên, Võ Văn Đình - tài công. Ở đảo năm ấy còn có một gia đình làm công nhật và một gia đình sống bằng nghề đánh cá…
Ngày 12/10/1940, đồng chí Bông Văn Dĩa - đảng viên thuộc chi bộ Tân Ân mang lệnh khởi nghĩa ra đến Hòn Khoai. Đồng chí Phan Ngọc Hiển triệu tập ngay các đồng chí có mặt ở Hòn Khoai, tại suối Ông Hành phía Đồ Tre, tất cả đều thống nhất giờ đánh chiếm Hòn Khoai là 20 giờ 30 phút, vì lúc đó Olivier phải đến phòng điện đài, ta phục sẵn, bắt hắn, thu súng rồi đưa về đất liền xét xử…
Khoảng 9 giờ tối 13/12/1940, Olivier đang trông coi ngọn đèn biển ở Hòn Khoai thì bị nghĩa quân quật ngã. Hắn chống cự quyết liệt, cắn đứt ngón tay Đức, buộc Cát dùng hòn đá lớn đập vào đầu Olivier. Khi ấy, Phan Ngọc Hiển cùng anh em cho giải vợ và con Olivier ra ca-nô, tịch thu 2 súng trường Lebel, 1 súng lục cùng nhiều lựu đạn. Đồng chí Cự cùng mấy anh em phá điện đài.
Cuộc khởi nghĩa chiếm Hòn Khoai diễn ra nhanh chóng đúng như dự kiến. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên ca-nô. Gần tới đất liền, những chiến sĩ khởi nghĩa Nam Kỳ ở Hòn Khoai trương lên khẩu hiệu Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương.
Nhưng đoàn quân chiến thắng khi trở về đất liền đã không được Trung đội du kích Tân Hưng Tây đón như kế hoạch.
Ở Hòn Khoai, họ không bao giờ nghĩ ở đất liền đã có lệnh hoãn cuộc khởi nghĩa. Trời đã gần sáng, Phan Ngọc Hiển cho ca-nô quay ra Thủ Tam Giang, khống chế Lê Toàn Đông - phụ trách trạm kiểm lâm Tân Ân, tịch thu súng. Nghe thông báo quân khởi nghĩa đã chiếm Hòn Khoai và Olivier đã chết, vợ con của ông ta đang bị quân khởi nghĩa giam giữ, Đông vô cùng khiếp sợ.
“Trời sáng, ca-nô của đồng chí Hiển quay ra Rạch Gốc, để lại vợ con Olivier ở nhà một tài công, vì không nỡ giết”. Trang lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ ở Hòn Khoai có dòng ngắn gọn nói về số phận vợ con của tên lính thủy gác đèn biển gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đó cũng là hành xử rất tự nhiên của người chiến sĩ cộng sản, anh hùng Phan Ngọc Hiển. Ngay từ lúc đầu đặt chân lên Hòn Khoai xây dựng kế hoạch khởi nghĩa, ông không bao giờ muốn nhìn thấy máu đổ trên hòn đảo thân yêu.
PHAN NGỌC HIỂN HY SINH…
Quân Pháp tiến hành trả thù thảm khốc khởi nghĩa Nam kỳ. Hay tin Hòn Khoai bị mất, quân khởi nghĩa đã về Rạch Gốc, quân Pháp tập trung lực lượng, dùng ca-nô, xà lúp đến Tân Ân. Nghĩa quân dựa vào rừng cây rậm rạp bố trí phục kích, nhưng trước tình hình địch quá đông và mạnh, nghĩa quân phải chuyển sâu vào rừng.
Ngày 16/12/1940, quân Pháp tìm thấy vợ và con Olivier mà anh Hiển đã để lại khi rút quân. Chúng trả thù bằng những cuộc đốt phá, cướp bóc, bắt hàng chục người đánh đập, tra khảo.
Ngày 17/12/1940, nghĩa quân dùng ghe biển để tới Xẻo Giá. Địch bám theo. Nghĩa quân phải làm bè vượt sông đến Kinh Ba. Tại đây, nghĩa quân cạn kiệt lương thực, phải tìm nước trong bọng cây uống.
Ngày 22/12/1940, địch bao vây và bắt được Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của anh ở bãi Khai Long. Ngày 27/2/1941, địch mở tòa án binh tại Sài Gòn, kết án tử hình Phan Ngọc Hiển cùng 9 chiến sĩ trong số 52 người tham gia cách mạng ở Rạch Gốc, Cà Mau đã đánh chiếm Hòn Khoai.

Chiếc vòng cẩm thạch của Anh hùng Phan Ngọc Hiển tặng cho cô Nguyễn Thị Quýt trước ngày Khởi nghĩa Nam kỳ. (Ảnh hiện vật Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ).
Ngày 12/7/1941, quân Pháp đưa 10 chiến sĩ Hòn Khoai, Bạc Liêu ra sân banh Cà Mau xử bắn. Bước ra pháp trường, Phan Ngọc Hiển vứt mảnh băng đen bịt mắt, nói với đồng bào: Là người cộng sản, chúng tôi coi cái chết là bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no - hạnh phúc… Những người còn sống sẽ tiếp tục chiến đấu, thực dân Pháp nhất định sẽ bị tiêu diệt. Nước Việt Nam nhất định độc lập - tự do. Các đồng chí cùng đồng loạt hô vang lời anh.
Phan Ngọc Hiển ngã xuống khi mới 30 tuổi, đồng bào vây quanh ai cũng rơi nước mắt khóc thương. Hôm anh ra pháp trường, người con gái từng được anh tặng chiếc vòng đính hôn đã không có mặt.
Người con gái ấy là Nguyễn Thị Quýt, quê Rạch Gốc, Tân Ân. Vùng đất ấy sau này được đổi tên là huyện Ngọc Hiển. Năm 2000, khi đi tìm tư liệu viết kịch bản Những người con gái trong khởi nghĩa Nam Kỳ, được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ địa phương, tôi về đến ấp Đường Đào, xã Tân Ân và thật bất ngờ khi được gặp người con gái in đậm bóng hình trong một tác phẩm văn học của Phan Ngọc Hiển.
Khi ấy, Mương đào ổ yến của Phan Ngọc Hiển vừa được tái bản. Tôi quyết tâm mang theo để tặng bà. Nhìn thấy tên Phan Ngọc Hiển trên bìa sách, bà lặng đi. Rồi bà ôm chặt quyển sách vào lòng, mắt rưng rưng. Những kỷ niệm năm xưa ùa về với hình ảnh thầy giáo Hiển trẻ trung, hiền hậu, giọng giảng bài trầm ấm.
Bà run run lật từng trang sách, như nhìn thấy đôi mắt buồn của giáo Hiển nhìn xa xăm ra biển: Mấy trò hãy nhớ lấy, 25 triệu đồng bào đang sống cảnh gông cùm xiềng xích!…
CÓ NHỚ ANH HÃY NGÓ LẠI ĐỒNG BÀO
Tiểu thuyết Mương đào ổ yến chính là hình ảnh cuộc đời anh. Mồ côi cha mẹ khi lên 10, Phan Ngọc Hiển được anh và chị ruột nuôi dạy… Nhưng lòng yêu nước, hấp thu tư tưởng tiến bộ, năm 16 tuổi, Hiển tích cực tham gia cuộc bãi khoá của học sinh khi nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua đời.
Năm 1931, anh thi đỗ trung học sư phạm. Do tên anh đã có trong sổ đen nên nhà cầm quyền Pháp đày anh đến tận Rạch Gốc - nơi chót Mũi Cà Mau, rừng thiêng, đầy thú dữ dạy học.
Tuổi 20 tràn đầy nhựa sống, có tấm bằng sư phạm, nếu muốn, “giáo Hiển” dễ dàng có được một cuộc sống an nhàn. Nhưng lý tưởng cứu nước đã thôi thúc anh dấn thân làm cách mạng.
Cũng thật không dễ dàng để anh vượt qua sự yếu mềm, trói buộc với một người con gái đẹp. Sau những giằng xé, anh gửi lại cho người yêu lá thư:
Anh không thể nào lưu luyến với em mãi
Em yêu anh không bằng 25 triệu đồng bào
Nếu ngày nào đời anh là đời đau khổ
Một mình em không thể an ủi được lòng anh
Thôi em yêu, em có yêu anh hãy chung vào Tổ quốc
Em có nhớ anh hãy ngó lại đồng bào.

Bà Nguyễn Thị Quýt cùng con trai, dâu và hai cô cháu gái trong ngôi nhà sàn ở ấp Đường Đào, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.
Ảnh: Trầm Hương, năm 2000.
Không phải anh không khao khát một mái ấm gia đình, bên vợ đẹp con xinh nhưng anh đã nén lòng dứt bỏ vì sứ mạng của người cộng sản: Tôi nghe lời phận sự tôi đi… mà lòng vẫn ngùi ngùi đến tình non nước, đến cái tình…. Ở chót núi đầu rừng kia. Nhưng đoạn tơ lòng chỉ thề cùng non sông, tôi bậm môi bước tới, bước cho đến vườn thông cao vút ở ngoài kia… Tôi đi… đi với ngấn lệ tình.
Với người thanh niên Phan Ngọc Hiển năm ấy, tình lớn nhất và tình duy nhất là tình với non sông đất nước. Vì lẽ đó, khi đến gia đình chị Quýt vận động quần chúng, Phan Ngọc Hiển nhìn ra vẻ đẹp ngời sáng nội tâm trong cô. Yêu anh, cô nhận ra hạnh phúc mình cao lớn lồng lộng khi cùng chung lý tưởng với anh. Hai người hẹn nhau đến ngày đại sự thành công mới làm lễ cưới.
Trước ngày họ ra Hòn Khoai thực hiện sứ mệnh cuộc khởi nghĩa, Phan Ngọc Hiển đã tặng cô Quýt chiếc vòng kỷ niệm, như một lời thề nguyền đính ước sắt son.
Trong ký ức người đàn bà 81 tuổi vẫn nồng ấm những kỷ niệm về những tháng ngày gian nan cùng người yêu dấn thân làm cách mạng.
Bà kể: Ra Hòn Khoai, anh Hiển dạy học cho mấy gia đình trên đảo. Anh tập họp những người làm việc ở Hòn Khoai, giao chuyện đại sự. Anh có cách nói chuyện rất thuyết phục, ai cũng cảm mến. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi anh thuyết phục được cả những người đang làm cho Pháp nghe theo anh, cùng tham gia khởi nghĩa. Mọi việc được các anh làm gọn trong vài tiếng. Khi quân khởi nghĩa bắt bà đầm cùng đứa con mới 6 tháng xuống thuyền về đất liền, bà ta khóc lóc thảm thương. Bà ta nói tiếng Tây với anh Hiển: “Chồng tôi bị mấy ông giết chết, con tôi còn nhỏ!”. Mọi người đối xử với mẹ con bà đầm rất tử tế. Khi ca-nô về đến Rạch Gốc, anh Hiển căng cờ đỏ sao vàng. Nhìn lá cờ bay phần phật trong gió, tôi khóc vì xúc động, bởi chính tay tôi đã may lá cờ ấy, dài hai thước, ngang một thước.
Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng nỗi đau lớn nhất của cô Quýt là mất liên lạc với anh Hiển. Cô bị kết án 15 năm khổ sai, bị lưu đày biệt xứ. Vì vậy, hôm anh ra Pháp trường, cô không có mặt tiễn đưa anh…
Mất anh, nỗi đau ấy còn lớn hơn biết bao những ngón đòn thù của địch trong những ngày tháng cô bị giam cầm. Anh mất đi, chỉ còn chiếc vòng đính ước năm xưa cô gìn giữ như báu vật với lời thề nguyện thiêng liêng của hai trái tim cùng chí hướng. Vì thế, ra tù, cô vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, đó là cách để cô nhớ về anh, để sống xứng đáng với anh.
Suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, bất chấp B.52 và thuốc độc khai hoang, bà kiên cường bám trụ, để Đảng còn dân mà tồn tại. Tôi thực sự ấn tượng bởi ngôi nhà sàn sạch như lau như li của gia đình bà Quýt ở Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.
Hòa bình, bà sống sum vầy cùng con cháu. Hai cô cháu gái ở tuổi xuân thì mở to mắt nghe chuyện bà nội ngày xưa, với mối tình chôn chặt đáy lòng suốt gần 70 năm qua.
Ngoài kia, những cây đước non đang vươn lên đón làn gió biển. Gắn chặt đời mình cùng mảnh đất quê hương, bà đã đóng góp thầm lặng, kiên cường, bền bỉ cho kháng chiến, bởi lời nhắn gởi của anh, anh hùng Phan Ngọc Hiển: Có nhớ anh hãy ngó lại đồng bào!