“Tự cung thanh đạm tinh thần sảng
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường”
(Sống đạm bạc, tinh thần sảng khoái
Ung dung làm việc tháng ngày dài)
Hai câu thơ này của Hồ Chí Minh khiến ta liên tưởng đến triết gia cổ Hy Lạp Epicurus (341-270 trước Công nguyên).
Epicurus được coi là tổ sư của triết học hưởng lạc. Người ta hiểu nhầm chủ nghĩa Epicurus là chủ trương tìm cái khoái lạc vật chất, tầm thường, trác táng. Thực chất, chủ nghĩa Epicurus là tìm cái vui thú thanh cao của tinh thần.
Môn Luân lý học cho là có hai khuynh hướng làm động cơ cho hành động của con người: hạnh phúc và đạo đức. Mỗi khuynh hướng đều có nhiều trường phái. Theo khuynh hướng thứ nhất, con người sinh ra cốt tìm hạnh phúc: đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này là chủ nghĩa Epicurus, khác với chủ nghĩa khoái lạc (Hedonism) tìm vui thú vật chất. Khuynh hướng thứ hai cho là con người có mục tiêu là thực hiện đạo đức (đại diện tiêu biểu là triết gia Đức Kant).
Tư tưởng Epicurus khơi nguồn cho nhiều dòng tư tưởng hiện đại. Epicurus thường đàm đạo với bạn bè và đồ đệ trong một khu vườn. Phát triển tư tưởng của Epicurus, nhà văn hóa Pháp A. France, giải thưởng Nobel, đã viết tác phẩm Le jardin d’Épicure, có thể dịch là Lạc viên, được tái bản năm 2004 tại Paris.
Epicurus là nhà triết học duy vật và vô thần Hy Lạp. Ông có tư tưởng tiên tiến. Theo ông, cảm giác là cơ sở của nhận thức; vật thể phóng ra những làn sóng thâm nhập vào các khí quan, tạo thành hình ảnh của vật thể. Ông phủ nhận sự can thiệp của thần linh vào cuộc đời. Ông lấy tính chất tồn tại vĩnh viễn của vật chất có vận động nội tại làm điểm xuất phát. Ông đã phát triển thuyết nguyên tử của Democritus. Ông nêu ra những giả thiết thiên tài sau này được khoa học xác nhận. Ông quan niệm: mục đích của triết học là hạnh phúc. Học thuyết được P. Gassendi, triết gia và nhà vật lý học Pháp, phục hồi vào thế kỷ 17 và có ảnh hưởng đến thuyết luân lý vị lợi Anh (Bentham, Stuart Mill).
Dưới đây là một số tư tưởng của Epicurus:
- Người có tâm hồn bình thản không làm phiền bản thân và người khác.
- Thói quen sinh hoạt bình dị khiến con người có tính quả quyết.
- Lòng tôi vui thích khi có bánh mì và nước uống.
- Trong cuộc đời, đừng làm điều gì mà ngươi sợ người láng giềng biết.
- Sự vui thích khởi đầu và kết thúc cuộc sống trần gian.
- Người ta không thể không sợ hãi khi bản thân gây ra cái sợ.
- Ai không cần đến của cải thì mới xứng đáng được hưởng của cải.
- Nếu ta mỉm cười, thì nửa phần cho bộ mặt của ta, nửa phần cho bộ mặt người khác. Hòa bình là một cái cười mỉm.
- Chẳng cần phải biến trần gian thành một thiên đường. Trần gian đã là một thiên đường rồi. Ta cần thích nghi với trái đất để mà sống.
- Ai không biết hài lòng với cái ít thì không bao giờ hài lòng với bất kỳ thứ gì.
- Hãy tập nghĩ rằng cái chết đối với chúng ta chẳng có gì quan trọng.
- Mỗi chúng ta rời cuộc sống với cảm giác là mình vừa được sinh ra.
- Chúng ta không thể hòa hợp với chính bản thân mình nếu như không hiểu rõ bản thân.
- Đôi khi chính nỗi lo sợ chết lại đẩy người ta vào cái chết.
- Khi ta ước muốn điều gì, ta phải tự đặt câu hỏi này: ta được cái gì nếu ta không thỏa mãn ước muốn ấy?
- Cho bao giờ cũng thoải mái hơn là nhận.
- Cần phải cố gắng có hạnh phúc, dù chỉ để làm gương cho người khác.
- Cần phải quan sát cái dễ chịu và cái khó chịu, không có sự lựa chọn suông chỉ để mà quan sát.