Đó là con đường liên lạc, tiếp tế, vận tải… 60 ngày đêm chi viện cho quân và dân Liên khu 1 chiến đấu và dẫn đường trung đoàn Thủ Đô cùng nhân dân thoát ra vùng tự do, với tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại lừng danh!
20 giờ 03 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, đèn điện toàn thành phố Hà Nội phụt tắt. Hiệu lệnh chiến đấu của Bộ chỉ huy toàn quốc kháng chiến! Đại bác pháo đài Láng gầm lên, tiếp đến đại bác pháo đài Xuân Tảo lên tiếng.
Hà Nội rền vang tiếng súng… Hà Nội đỏ rực màu hồng của những đám cháy, của đại bác, của các loại đạn.
Trước mệnh lệnh đã được phân công và chuẩn bị sẵn, các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu thực hành đánh chiếm các cứ điểm, tiêu diệt những vị trí lẻ, phá hủy những cơ sở vật chất: sân bay, kho xăng, nhà máy nước, nhà máy điện… của quân Pháp.
Tiền thân của đội tự vệ chiến đấu Yên Phụ là tổ Việt Minh thanh niên Yên Phụ, do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Ngày đó, chính quyền còn thuộc Nhật và bọn tay sai. Chính quyền Nhật cần có lực lượng an ninh giữ trật tự khu vực. Tương kế, tựu kế, được sự đồng ý của lý trưởng, tổ an ninh Yên Phụ được thành lập (thực chất là tổ Việt Minh Yên Phụ). Cách mạng tháng Tám thành công, tổ an ninh kết nạp những đội viên mới, trở thành phân đội tự vệ chiến đấu Yên Phụ do đồng chí Đỗ Tần làm phân đội trưởng.
Ngày 19/12/1946 tiếng súng nổ khắp toàn quốc, thì ngày 20/12/1946 đội Nữ dân quân Yên Phụ cũng được thành lập. Những ngày đầu thành lập có 14 chị tham gia, do chị Hải làm đội trưởng, với nhiệm vụ đơn giản: nấu ăn, tải thương, cứu thương, tiếp tế… phục vụ đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu Yên Phụ. Người thành lập, tổ chức đội nữ dân quân Yên Phụ là ông Đỗ Hữu Doanh (sinh năm 1905, mất năm 1976). Ông là một nhà giáo, hậu duệ của một dòng họ lâu đời, nổi tiếng của làng Yên Phụ.
Trong năm cửa ô Hà Nội, hỗ trợ có hiệu quả để quân dân Liên khu 1 đủ sức chốt giữ 60 ngày đêm đánh địch, phải nói tới cửa ô Yên Phụ. Đây là cửa ô quan hệ sống còn với Liên khu 1, nối liền hậu phương phía bắc với tiền tuyến Liên khu 1. Liên khu 1 là những đường phố cổ, bao gồm các phố Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… tiện cho việc thiết kế phòng thủ.
Những đường phố trong liên khu nhỏ, hẹp, chạy dài từ Hàng Đậu tới Bờ Hồ, chạy ngang từ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Bạc… ra tận chân cầu Long Biên, cột Đồng Hồ. Với địa thế như vậy, một dải từ Nhật Tân theo dọc đê Yên Phụ, cầu Long Biên, bãi Phúc Xá, bãi Giữa… tới cột Đồng Hồ sẽ trở thành con đường máu liên lạc, tiếp tế, chi viện hữu hiệu cho quân và dân Liên khu 1.
Cũng trong những ngày chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, đội tự vệ chiến đấu và dân quân Hồng Hà thuộc địa bàn Phúc Xá, bãi Giữa được thành lập, do đồng chí Chương chỉ huy. Ngay trong đêm toàn quốc kháng chiến, đơn vị đã đánh chiếm, phá hoại nhà máy nước. Sau này, đơn vị phối hợp cùng Tự vệ chiến đấu Yên Phụ nhiều lần quấy rối, cắm cờ lên nóc cầu Long Biên trong dịp Tết Nguyên đán.
Sau một ngày Hà Nội nổ súng, đồng chí Vũ Yên - phái viên tác chiến Liên khu 1 gặp đồng chí Vị Hải - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu Trúc Lãng (Trúc Bạch, Lãng Bạc) truyền đạt nhiệm vụ của Bộ chỉ huy mặt trận – yêu cầu tổ chức một mạng lưới tiếp tế súng đạn, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… cho Liên khu 1.
Địa bàn gần, sát với Liên khu 1, tất nhiên đội tự vệ chiến đấu và dân quân phân đội Hồng Hà được giao nhiệm vụ tìm đường từ Nhật Tân, Yên Phụ qua Phúc Xá… đột nhập vào Liên khu 1. Hai đồng chí Tạ Kim và Đỗ Văn Túc ở phân đội Tự vệ Hồng Hà được giao nhiệm vụ. Sau một ngày đêm sục sạo, tìm tòi, hai đồng chí đã tìm được hai con đường.
Một đường từ Nhật Tân – Yên Phụ qua bãi Giữa, luồn qua gầm cầu Long Biên vào Liên khu 1. Đường này phải bơi qua một đoạn sông. Hồi đó là mùa cạn, nên có đoạn lội được.
Một đường từ Nhật Tân – Yên Phụ – bãi Nghĩa Dũng – bãi Phúc Xá – luồn qua gầm cầu Long Biên – lên cột Đồng Hồ (nay là phố Trần Nhật Duật) – qua ngõ Phát Lộc – Hàng Buồm – Hàng Bạc.
Đội liên lạc, tiếp tế, vận tải lúc đầu do 14 chị em trong đội Dân quân Yên Phụ đảm nhiệm. Đêm 23/12, đêm toàn quốc kháng chiến thứ năm cũng là đêm thí điểm chuyến liên lạc, tiếp tế, vận tải đầu tiên vào Liên khu 1. 14 chị chuyển 3 tạ gạo, rau tươi… vào nội thành.
Đồng chí Vị Hải, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu Trúc Lãng, trực tiếp tới động viên đội nữ dân quân Yên Phụ trước khi lên đường. Đội xuất phát từ đình làng Nhật Tân (nơi đây trở thành tổng kho chi viện và nhận vật phẩm từ Liên khu 1 gửi ra). Đồng chí Tạ Kim, người tìm đường tiềm nhập Liên khu 1, dẫn các chị theo đường đã được cấp trên phê chuẩn: Nhật Tân – đường bãi cát ngoài đê Nghi Tàm, Yên Phụ; đến bãi Nghĩa Dũng – Phúc Xá, toàn đội dừng lại nghe phổ biến tình hình địch, đường tiềm nhập và sửa lại hành lý. Toàn đội vượt nhanh qua bãi cát, luồn qua gầm cầu Long Biên, vượt qua đê lên cột Đồng Hồ, qua ngõ Phát Lộc, Hàng Buồm, giao hàng tại Hàng Bạc.
Để giữ bí mật hành động, chị em không quên cử người xóa ngay dấu vết trên dọc đường đi. Đêm đầu tiên an toàn, trót lọt. Hai anh Nguyễn Văn Trừng, Bùi Nguyên Cát, những người nhận vật phẩm mừng rỡ, biểu dương, khen ngợi và tặng mỗi chị một chiếc nhẫn bạc. Sau mấy phút nghỉ ngơi, các chị lại nhận những bao hàng đóng gói cẩn thận gồm vải vóc, thuốc men, đồ bạc, đồ đồng, hàng quý… chuyển ra hậu phương. Đồng chí Tạ Hoàng Cơ, phụ trách kinh tài mặt trận, tiếp nhận ngay ở tổng kho Nhật Tân.
Những bước đi ban đầu bao giờ cũng là những bước khó khăn. Quân địch đã kiểm soát một vùng khá rộng, bao vây Liên khu 1: từ Hàng Đậu tới bờ sông, cầu Long Biên dọc đường Yên Phụ, phối hợp với quân trong thành cửa Bắc đã gây cho đội biết bao khó khăn. Tuy nhiên, những yếu tố bất ngờ vẫn còn.
Chiến công mở đầu của 14 chị dân quân Yên Phụ làm nức lòng các đội tự vệ chiến đấu, các đội dân quân. Đội nữ dân quân Yên Phụ được bổ sung thêm những nữ cứu thương, nấu ăn… Lúc đầu thêm được 30 chị và một số các em thiếu nhi. Một dải địa bàn rộng lớn từ Chèm, Vẽ, Phú Thượng, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá, bãi Giữa, Phúc Xá đến bà con phố Nguyễn Thái Học (nay là Phó Đức Chính)… hàng trăm người tự nguyện tham gia đội quân liên lạc, tiếp tế, vận tải. Lúc này việc thống nhất tổ chức, chỉ huy là cần thiết. Ủy ban Kháng chiến Liên khu Trúc Lãng cử đồng chí Mạc Quốc Ung và đồng chí Châu (tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu) thống nhất chỉ huy. Đội được phiên chế thành từng tổ có nam, có nữ, có tổ trưởng chỉ huy, liên lạc dẫn đường…
Quân và dân Liên khu 1 chiến đấu trong tình huống bị kẻ địch bao vây rất chặt. Lương thực, thực phẩm dân để lại ăn cũng đã cạn, đồng chí Tạ Hoàng Cơ được cấp trên phân công lo nguồn lương thực, thực phẩm chi viện cho Liên khu 1. Kho gạo đặt ở làng Tây Hồ, đình Nhật Tân. Hai đồng chí Phát và Phác, cán bộ của Ủy ban Kháng chiến Liên khu lo rau xanh, mắm muối, tương cà… Đình làng Nhật Tân trở thành căn cứ hậu cần, ngày đêm ồn ào, nhộn nhịp. Lương thực, thực phẩm được thu gom, đóng gói gọn gàng giao cho đội vận tải. Gạo đóng vào ruột tượng choàng qua vai; thực phẩm, rau quả đóng vào bao tải có dây buộc như chiếc ba lô đeo trên lưng.
Đêm đêm, hàng trăm người như con trăn dài, trườn theo chân đê, qua bãi sông, luồn qua gầm cầu Long Biên, vượt đê, vượt đường cái dưới sự kiểm soát của kẻ địch, đem hàng tấn vũ khí, đạn dược, thuốc nổ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… chi viện cho Liên khu 1. Để những bao hàng tới tay các chiến sĩ và nhân dân Liên khu 1, anh chị em trong đội liên lạc, tiếp tế, vận tải phải ngụy trang, lăn lê, bò toài, lợi dụng những luống rau, luống khoai, mô đất, lùm cây. Nằm im lợi dụng vật che chắn khi đèn pha, pháo sáng của địch chiếu, quét. Đèn quét theo hướng khác, pháo sáng tắt, lại vùng lên chạy.
Ngày 23/12/1946, hai đồng chí Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo được phái vào Liên khu 1 xem xét tình hình. Khi trở về báo cáo với Bác Hồ và Thường vụ: “Nếu được tiếp tế đầy đủ súng đạn, lương thực thì Liên khu 1 trụ được ngoài thời gian dự kiến”. Vì vậy, việc vận chuyển, tiếp tế cho Liên khu 1 lúc này trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Song, nhiệm vụ tiếp theo không kém phần quan trọng. Khi lực lượng ở nội thành thu hẹp phạm vi vào Liên khu 1 thì nhân dân nội thành cũng ùa vào theo. Số nhân khẩu đông đảo ngoài dự kiến này làm cạn kiệt nguồn lương thực. Không thể có lực lượng nào tiếp tế cho số người khổng lồ như vậy được. Chính phủ ta thống nhất với Lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Quốc thỏa thuận với quân đội Pháp để thời gian 24 tiếng đưa Hoa kiều, Ấn kiều… và dân thường ra khỏi khu vực tác chiến.
Để đề phòng quân Pháp tráo trở, lực lượng Vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ chiến đấu Yên Phụ và Hồng Hà được lệnh bảo vệ, hướng dẫn đoàn người di tản ra khỏi thành phố. Hai con đường phố Yên Phụ và đê Yên Phụ hàng vạn người bị kẹt lại, trong đó có các vị lãnh đạo, các vị nhân sĩ như cụ Nguyễn Văn Tố, bác sĩ Trần Duy Hưng, giáo sư Trần Hữu Tước, bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết… rầm rập đi lên hướng bắc.
Sau nhiều đêm vận chuyển, kẻ địch đã chú ý. Chúng tăng cường canh gác, lấy bù nhìn đội mũ sắt, mặc áo ca pốt giả làm lính gác, đặt thêm bốt gác, dùng chó Bẹcgiê lùng sục. Đội vận chuyển, tiếp tế phải chuyển sang hướng khác, quyết không để cho các chiến sĩ Liên khu 1 thiếu lương thực, súng đạn.
Những ngày Tết Đinh Hợi (1947) mở đầu cho những cái tết kháng chiến. Tiếng súng ở toàn mặt trận Hà Nội nổ ran. Đêm 30 tết, quân ta mở đợt tiến công rộng khắp trên toàn thành phố, cắm cờ lên đỉnh tháp Rùa, khẳng định Hà Nội vẫn là của ta, Hà Nội vẫn dưới sự kiểm soát của quân và dân ta. Nhân dân các làng ở chiến tuyến phía tây Hà Nội: Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân… vừa nghe lời chúc tết của Bác Hồ qua chiếc loa phóng thanh vừa giã thịt gói giò, gói bánh chưng. Đội liên lạc, tiếp tế, vận tải cho rau quả (su hào, xúp lơ, cam, quýt), bánh chưng, giò… vào bao tải. Anh chị em không quên đem theo những bó hoa cúc, hoa lay ơn, cành đào Nhật Tân… vào Liên khu 1.
Ngay trong đêm giao thừa, sau tiếng súng tiến công quân địch trở về, các chiến sĩ Liên khu 1 nhận được những gói mứt, những chiếc bánh chưng, những cây giò… và cả cành đào Nhật Tân còn ngậm sương đêm.
Ngày 25/1/1947 (mồng 4 Tết Đinh Hợi), quân Pháp dùng bộ binh, cơ giới kết hợp với xe tăng, máy bay, tàu thủy… từ chợ Bưởi, ô Yên Phụ đánh lên Nhật Tân, Tứ Tổng. Các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu chặn đánh dữ dội. Căn cứ hậu cần của mặt trận phía tây Hà Nội phải rút bỏ. Trên con đường bộ đội rút qua sông, để rồi lại vượt sông quay trở lại lập phòng tuyến ngăn địch tại Phú Thượng, nhiều anh chị em dân quân, tự vệ chiến đấu trong đội liên lạc, tiếp tế, vận tải cùng nhân dân địa phương bị địch tàn sát, bị bắt, bị thương khá nhiều.
Nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế, vận tải lúc này chuyển giao cho dân quân, tự vệ bãi Giữa. Tiểu đội tự vệ chiến đấu Hồng Hà do tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy tiếp tục nhiệm vụ. Con đường tiếp tế, vận tải cũng phải thay đổi. Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại thực thi nhiệm vụ được bốn chuyến thì được lệnh ở lại Liên khu 1, tổ chức dẫn đường cho trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội những ngày mới được giải phóng (Ảnh tư liệu)
Nửa đêm 17/2/1947, tiếng súng nổ ran khắp thành phố. Chính lúc đó hơn 1.200 chiến sĩ, nhân dân trong đó có cả các chị phụ nữ, trẻ em, thương binh… theo sự dẫn đường của tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại chia thành nhiều nhóm nhỏ, bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên theo con đường liên lạc, tiếp tế, vận tải thoát ra vùng tự do. Trên con đường rút này, biết bao thảm cảnh xảy ra. Một người mẹ đã bịt mũi để con khỏi khóc, giữ bí mật cho bộ đội. Một đồng chí thương binh đã nằm lại, để đồng đội thoát nhanh ra khỏi vòng vây quân địch…
Điều kỳ diệu, quân địch canh gác trên cầu, cùng chó Bẹcgiê, đèn pha, chiếu sáng… mà không phát hiện hàng ngàn con người vượt qua trước mũi súng.
Cũng trong đêm 17/2/1947, trên con đường huyền thoại này, đồng chí Trần Quốc Cư huy động bà con xã Tứ Tổng, Tầm Xá… tập trung thuyền đò vượt sông. Phương tiện vượt sông bao gồm 2 chiếc thuyền đinh – mỗi chiếc chở 40 người và hàng trăm thuyền gỗ, thuyền nan. Đồng bào các xã phía tây mặt trận Hà Nội đã bảo đảm cho trung đoàn Thủ Đô và số nhân dân còn kẹt lại ở Liên khu 1 rút khỏi Hà Nội an toàn. Phương tiện chuyên chở ít, nên đến 8 giờ sáng ngày 18/2/1947 bộ đội vẫn tiếp tục vượt sông. Buổi sáng có lớp sa mù, nên đến lúc đó quân địch vẫn chưa biết.
Trưa ngày 18/2/1947, khi trung đoàn đi khỏi bến Long Tửu, quân Pháp mới biết quân ta rút khỏi Liên khu 1. Quân địch huy động lực lượng đuổi theo. Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại nổ súng thu hút, đánh lạc hướng quân địch ở bãi Tầm Xá. Chiến sĩ của tiểu đội chặn đánh quân địch hy sinh gần hết, trong đó có cả tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại, chỉ còn lại hai người: Đỗ Văn Túc và Nguyễn Như Diên.
Khi những chiếc xe tăng quân Pháp kéo tới thì bến, bãi, làng, xóm đều vắng lặng. Quân ta đã có mặt ở nơi tập kết.
Dân quân, tự vệ chiến đấu tuyến phía tây Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và, con đường liên lạc, vận tải, tiếp tế đã trở thành con đường huyền thoại của mặt trận Hà Nội những ngày đầu kháng chiến.
Danh sách 14 chị trong đội dân quân, tự vệ Yên Phụ 1. Chị Hải (đội trưởng) 6. Chị Thái 11. Chị Ất 2. Chị Nguyễn Thị Thuần 7. Chị Nhương 12. Chị Tiếp A 3. Chị La Thị Nhân 8. Chị Diệp 13. Chị Tiếp B 4. Chị Trương Thị Giáp 9. Chị Hiệp 14. Chị Yến 5. Chị Vinh 10. Chị Hoạt |