Con đường mang tên Phan Liêm

Dưới thời Ngô Đình Diệm, việc đặt tên đường thật rối rắm. Bên cạnh tên các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, không thiếu tên những ông vua bù nhìn nhu nhược như Đồng Khánh, Khải Định hay những người cộng tác với quân xâm lược như Đỗ Hữu Phương, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Quỳnh v.v…

Ngày 6/10/1955, tên Phan Liêm được đặt cho một con đường dài khoảng 130 mét chạy dọc phía sau nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám), nối liền hai đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ hiện nay. Trong hơn nửa thế kỷ qua, không ít người dân thành phố vẫn không biết Phan Liêm là ai? Thuộc loại thứ nhất hay loại thứ hai nêu trên?

1. CUỘC KHỞI NGHĨA 9 NGÀY

Chỉ trong 5 ngày, từ 20 đến 24/6/1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản để mất vào tay thực dân Pháp toàn bộ miền Tây Nam Kỳ mà không chút kháng cự.

Không chấp nhận việc nộp đất cho giặc, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi: bốn ông Long, Thân, Rộng, Đước ở Mỹ Tho; Nguyễn Văn Chất ở Vĩnh Long; Lê Đình Đường ở Trà Vinh; Võ Đình Sâm ở Cần Thơ, bá hộ Chương ở Cà Mau… Riêng Bến Tre (quê hương của cụ Phan) cũng có mấy cuộc khởi nghĩa do Lê Quang Quan, Lê Văn Nghiêm… lãnh đạo.

Trong bối cảnh đó, hai con trai của cụ Phan là Phan Liêm và Phan Tôn cũng tổ chức một cuộc khởi nghĩa. Pháp đưa quân tới đàn áp. Vài trận đánh đã xảy ra ở Hương Điểm, Giồng Gạch… Không chỉ đánh bằng súng đạn, thực dân còn đánh cả về tâm lý. Ngày 14/11/1867, Pháp sai Đỗ Hữu Phương và Tôn Thọ Tường đến gãnh Mù U để khuyên Phan Liêm và Phan Tôn hạ vũ khí. Hai tên Việt gian dùng chính những lý lẽ của cụ Phan để chiêu hàng hai người con của cụ.

Mấy năm trước, cụ đã ba lần yêu cầu Trương Định ngưng ngay cuộc chống Pháp, vì theo cụ: “cả công lẫn thủ đều không hy vọng, thử hỏi các ông còn cố miễn cưỡng làm gì?” (1).

Sau khi để mất Vĩnh Long (20/6/1867), cụ ra lệnh cho Tổng đốc hai tỉnh An Giang và Hà Tiên “hãy bẻ gãy giáo và gươm, giao thành trì (cho Pháp), khỏi chống lại” (2). Theo cụ: “Người Phú Lang Sa (tức Pháp) có chiến thuyền to, chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống lại. Người Phú Lang Sa muốn đến đâu cũng đặng, những đồn lũy chắc chắn phải bể”, trong khi đó “chúng ta yếu ớt, không chống nổi người Phú Lang Sa, tướng soái, binh tráng đều bị đánh bại. Mỗi lần chiến đấu là mỗi lần thêm đau khổ cho ta”, từ đó cụ rút ra kết luận: “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú Lang Sa bằng võ khí, cũng như con nai con muốn bắt con cọp” (3).

Cho đến lúc gần chết, cụ vẫn không quên dặn dò: “Các con chẳng nên chống lại và cũng chẳng nên hợp tác với tân trào (Pháp)” (4). Để khuyên Phan Liêm và Phan Tôn ngừng chống Pháp, thực dân đã cho viết trước mộ cụ Phan: “Các người con Phan Thanh Giản không vâng lời thân phụ” (5). Làm trái lời cha là bất hiếu, là đáng lên án!


Phan Liêm. Ảnh TL.

Ba ngày sau, “Phan Liêm và Phan Tôn chạy ra Bình Thuận bằng đường biển, rồi ra Huế” (6).

Cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày 9/11 và kết thúc ngày 17/11/1867 (7), chỉ bùng lên trong 9 ngày!

2. HAI “TÙ NHÂN ĐẶC BIỆT”

Phan Liêm và Phan Tôn đến Huế giữa lúc mọi người đang phẫn nộ trước việc để mất miền Tây Nam Kỳ vào tay giặc. Ngày 21/10/1867, vua Tự Đức xuống chiếu lên án cụ Phan: “Mặc dầu (Phan Thanh Giản) đã lấy cái chết (để) tự phạt, nhưng (việc đó) cũng chưa đền bù cho trách nhiệm” (8).

Căn cứ theo đề nghị của các đại thần, ngày 24/12/1868, vua ra chỉ dụ truy đoạt chức tước và phẩm hàm của cụ Phan, đục tên cụ trên bia tiến sĩ, đồng thời kết án trảm hậu với mục đích “giết người đã chết để răn người còn sống” (9). Trong bối cảnh đó, cả vua lẫn quan đều đối xử với hai người con của cụ Phan một cách lạnh nhạt.

Năm 1872, Nguyễn Tri Phương được cử làm Khâm mạng Đại thần ở Bắc Kỳ. Phan Liêm và Phan Tôn xin đi theo.

Ngày 20/11/1873, quân Pháp tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng (đến 20/12 năm đó thì qua đời). Một số quan chức bị Pháp bắt, đưa vào Sài Gòn. Riêng hai người con cụ Phan được đưa tiếp sang Pháp. Lúc đầu, họ tạm trú trong bệnh viện Saint Mandrier tại Toulon, sau được đưa lên Paris.

Mười năm trước, Chính phủ Pháp dành cho cụ Phan một sự đối đãi đặc biệt, mời cụ đi thăm viếng nhiều nơi trong Kinh đô Ánh sáng, tặng cụ những món quà lưu niệm v.v… nhằm mua chuộc tình cảm của cụ. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, cụ khuyên đồng bào: “Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa” (10). Mười năm sau, Chính phủ Pháp lặp lại cách đối xử đó với hai con trai của cụ. “Hai ông được mời đến ở tại khách sạn Touraine (Paris). Trước khi hướng dẫn đi thăm thủ đô Pháp, họ được mời đi mua sắm quần áo, giày dép (tất cả là 700 quan) và đi xem hát” (11).

Trong thư đề ngày 19/11/1874 gửi giám đốc sự vụ thuộc địa Philastre, bộ trưởng Bộ Hải quân để lộ ý đồ của Pháp: “Tôi hy vọng hai người Việt Nam đó sẽ giữ một kỷ niệm tốt về việc chúng ta đối đãi với họ trong giai đoạn sau cùng thời gian họ ở Pháp và họ sẽ góp sức để triều đình Huế biết là, triều đình chỉ có lợi khi giao hảo tốt với chúng ta” (12).

Hai “tù nhân đặc biệt” được đưa về Sài Gòn rồi trở ra Huế trong “hy vọng” nói trên của Pháp.

3. SAU NAM KỲ, ĐẾN LƯỢT BẮC KỲ…

Đêm 4/7/1885, dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, quân ta tấn công Tòa khâm sứ và đồn Mang Cá của Pháp ở Huế. Sáng hôm sau, quân Pháp phản công. Vua Hàm Nghi rời cung điện, lên vùng rừng núi Trường Sơn.

Thực dân Pháp đưa Chánh Mông lên làm vua (tức Đồng Khánh). Ông vua bù nhìn này ngoan ngoãn thi hành các chủ trương, chính sách của Pháp.

Tháng 12/1886, Đồng Khánh xóa bỏ bản án của cha nuôi (vua Tự Đức) đối với cụ Phan, cho khai phục hàm cũ, khắc lại tên trên bia tiến sĩ. Trước đó, Phan Liêm được cử làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên, sau thăng Thị lang, gia hàm Tham tri. (13)

Theo các Hiệp ước Quý Mùi (1883) và Giáp Tuất (1884), Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp; Trung Kỳ và Bắc Kỳ là hai xứ bảo hộ, trên danh nghĩa vẫn thuộc triều đình Huế. Với lòng tham không đáy, Pháp muốn chiếm cả Bắc Kỳ.

Pháp muốn chiếm Bắc Kỳ, không phải bằng súng đạn, mà bằng một biện pháp hành chánh: chỉ cần Đồng Khánh đặt ở Bắc Kỳ một Kinh lược sứ có toàn quyền xử lý mọi việc mà không phải xin chỉ thị của triều đình Huế, Pháp sẽ gây sức ép để Đồng Khánh chọn những người trung thành với mẫu quốc vào vị trí này, Kinh lược sứ sẽ làm theo lệnh của thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ.


Thực dân Pháp công thành Hà Nội. Ảnh TL.

Bức thư của Tổng trú sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ Paul Bert gửi Pétrus Trương Vĩnh Ký cho thấy vai trò của Phan Liêm và Phan Tôn trong việc này. Paul Bert viết: “Tôi vừa được chính nhà vua (Đồng Khánh) nói cho biết rằng anh em họ Phan có đệ dâng tận tay hoàng đế một bản dự thảo hiệp ước. Ý kiến chung của bản (dự) thảo (hiệp) ước này là một nền độc lập khá rộng rãi của Bắc Kỳ đối với vương quyền (Huế)”. Paul Bert chỉ thị cho Petrus Ký (lúc đó đã được Pháp cài vào Cơ mật viện ở Huế) “hãy dựa vào những ý kiến chung, kể cả những đề nghị của anh em họ Phan” (14).

Ngày 3/6/1886, Đồng Khánh ra đạo dụ thiết lập chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Kể từ ngày đó, Bắc Kỳ thuộc về Pháp trong thực tế.

4. KHÂM SAI ĐẠI THẦN

Sau khi lên Trường Sơn, vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương, kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp.

Các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Riêng ở Nam Trung Kỳ, từ đèo Hải Vân vào đến Bình Thuận, tỉnh nào cũng có: Quảng Ngãi có Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân; Bình Định có Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng; Phú Yên có Lê Thành Phương… Đặc biệt, phong trào Nghĩa Hội - trước do tiến sĩ Trần Văn Dư, sau do phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo - khá mạnh, ảnh hưởng bao trùm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Để đối phó với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ấy, tháng 2 năm Bính Tuất (1886), Phan Liêm được cử làm Khâm sai Đại thần ở Tả Trực Kỳ (15). Thông thường, khâm sai là “chức quan được vua phái đi làm một nhiệm vụ đặc biệt và quan trọng” (16), nhưng theo thư đề ngày 7/7/1886 của Trương Vĩnh Ký gửi Tổng trú sứ Paul Bert, chức Khâm sai của Phan Liêm lại “là chức mà ông Hector (Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ) ban cho Phan Liêm” (17). Điều đó cho thấy Phan Liêm nhận lệnh từ thực dân Pháp để đàn áp đồng bào của mình.

Nhiệm vụ của Phan Liêm là vừa vận động chính trị, vừa hoạt động quân sự. Ông được lệnh “đi từ Quảng Nam trở vào, khắp trong các tỉnh hiểu dụ thân hào phải nên về thú” (18). Ông mang 100 bản dụ văn và 100 đạo cáo thị để “niêm yết khắp nơi, khiến nhân dân nhà nào cũng đều hiểu rõ, chớ mắc vào tội lỗi (chống Pháp)” (19).

Đạo quân khâm sai lúc đầu gồm 300 lính tập, mấy tháng sau có thêm 100 lính giản, đóng tại La Qua (Điện Bàn, Quảng Nam). Để thị uy với dân chúng, ông cho đào mồ mả tổ tiên những người theo Nghĩa Hội, đốt phá nhà cửa, vườn tược của họ.

Trong trận đầu tiên, Phan Liêm cho quân tiến sâu vào địa bàn do Nghĩa Hội kiểm soát, đến Phong Thử thì lọt vào ổ mai phục của nghĩa quân. Phan Liêm phải cầu cứu quân Pháp mới rút chạy về lại La Qua. Pháp phải để lại một số quân nhằm phối hợp với đạo quân khâm sai mở các cuộc hành quân càn quét.

Các báo cáo của Phan Liêm (còn chép trong Đại Nam thực lục chính biên) cho biết: Trong tháng 10 năm Bính Tuất (1886), quân của ông “cùng quan quân Pháp đến các phủ huyện, chia đường đóng chặn, đánh dẹp nhiều lần, bắn chết hơn 150 người, bắt 36 người, chém 11 người và thu được các hạng súng ống khí giới” (20). Trong hai tháng kế tiếp, Phan Liêm cho quân “đến huyện Hà Đông (thuộc tỉnh Quảng Nam), nhiều lần đánh nhau với giặc (tức nghĩa quân), đánh phá đồn lũy, bắt chém và thu được rất nhiều tang vật” (21)… Để thưởng công, Đồng Khánh ban cho Liêm một phiến quế Thanh thượng hạng, 3 lạng sâm Cao Ly chân chính… (22).

Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1887), Liêm báo cáo: “Hiện nay đánh dẹp, bắt được giặc (tức nghĩa quân) rất nhiều” và đề nghị chia những người bị bắt làm 3 loại với các cách xử lý khác nhau:

- Những người chỉ huy từ suất đội trở lên được xem là những người tội nặng: “bắt được nên chém ngay”.

- Những người tội vừa: kết án 10 năm khổ sai, xích chân hai người lại với nhau.

- Những người tội nhẹ: kết án 5 năm khổ sai.

Để bóc lột sức lao động của những người tội vừa và tội nhẹ, Liêm đề nghị bắt họ “đến làm việc ở cửa Đà Nẵng và các sở có công việc, khi mãn hạn (khổ sai) cho về (23). Đề nghị của Liêm được chấp thuận.

Thấy nhiều hào lý bí mật ủng hộ nghĩa quân, nên tháng sau, Liêm lại báo cáo: “Đảng giặc (tức Nghĩa Hội) lén ở hương thôn mà hào lý sở tại không bẩm báo”. Liêm đề xuất ý kiến: “Theo số giặc đến trú ngụ (trong làng) nhiều hay ít mà trách phạt (các hào lý) từ 100 quan đến 3000 quan. (Hào lý các làng) bốn bên cạnh không dò báo đều giảm cho một nửa, phạt tiền từ 25 quan đến 300, 400, 500 quan. Nếu tái phạm, phạt gấp hai” (24). Đề xuất này đụng chạm đến cấp chính quyền cơ sở nên bị bác bỏ.

Bất chấp các nỗ lực của Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, vào các tháng đầu năm Đinh Hợi (1887), “thế giặc ở Quảng Nam lại bùng lên” (25). Khâm sai Hector một mặt phái thêm 400 lính Pháp và 200 lính tập vào Quảng Nam, mặt khác điều động Nguyễn Thân (sơn phòng sứ liên tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định) cấp tốc đưa quân bản bộ ra tăng cường.


Tượng vị tướng Lê Khiết (Lê Tựu Khiết).

Quân của Nguyễn Thân từng đánh phá phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi và Bình Định, nên có nhiều kinh nghiệm tác chiến hơn đạo quân khâm sai. Pháp và Đồng Khánh đánh giá Nguyễn Thân cao hơn Phan Liêm.

Tháng 7 năm Đinh Hợi, thấy Nguyễn Thân “đánh phá sào huyệt cũ (của Nguyễn Duy Hiệu) khiến cho (Hiệu) không có chỗ dong thân, tuy giặc ấy chưa ra thú, nhưng việc làm ấy (của Thân) cũng là đắc lực, (Đồng Khánh) sai truyền chỉ khen ngợi và thưởng cho (Thân) quân công một cấp” (26). Được sự đồng ý của Hector, Đồng Khánh cử Nguyễn Thân thay Phan Liêm làm Khâm sai Đại thần ở Tả Trực Kỳ để tiếp tục đàn áp phong trào Nghĩa Hội, ra lệnh cho Phan Liêm phải bàn giao ngay cờ mao tiết, ấn quan phòng (27) và toàn bộ lực lượng cho viên khâm sai mới (28).

Trong khi đó, Phan Liêm bị điều động vào Khánh Hòa - Bình Thuận làm Tổng đốc. Mặc dù được Đồng Khánh cho thực thụ Tham tri, Liêm vẫn cảm thấy tự ái vì bị cách chức Khâm sai Đại thần, nên xin không nhận chức Tổng đốc, viện cớ “mình ốm, tài xoàng, sợ không kham nổi chức ấy”. Đồng Khánh không cho, chỉ thị Liêm phải ra Huế gấp để “bàn ngay trước mặt viên khâm sứ Pháp về công việc phải làm” ở nhiệm sở mới. Liêm ra Huế, lại xin không nhận chức tổng đốc. Đồng Khánh bực mình, không cho Liêm làm tổng đốc nữa, đồng thời giáng chức Liêm từ tham tri (trật tòng nhị phẩm) xuống biên tu (trật chánh thất phẩm) và bắt Liêm phải về hưu ngay (29).

Năm 1896, Liêm qua đời. Triều đình Huế truy tặng chức Thượng thư bộ binh. Em của Liêm, Phan Tôn, làm đến chức Hồng Lô Tự thiếu khanh trước khi về hưu.

*

Nhà thơ Viên Mai (1716-1797) nói: “Xét người, cần phải để ý đến phần cuối của đời người họ”. (30)

Có người trước xấu mà sau tốt, vẫn được người đời ca ngợi. Chẳng hạn Lê Khiết (còn gọi là Lê Tựu Khiết) từng theo Nguyễn Thân đàn áp đẫm máu các phong trào chống Pháp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, được Pháp cho làm bố chánh. Một hôm ông đọc cuốn Việt Nam vong quốc sử của cụ Phan Bội Châu. Đọc đến câu “Lê Khiết làm chó săn đắc lực cho Pháp”, ông nói với người thân (đại ý): “Lâu nay, tôi đúng là chó săn; nhưng từ nay, tôi xin nguyện trở lại làm người”. Ông từ quan, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Năm 1908, ông tham gia phong trào chống sưu thuế ở Quảng Ngãi, bị Pháp kết án tử hình. Lúc sắp bị Pháp và Việt gian chém đầu, ông tuyên bố: “Các vết nhơ trong nửa đời người của tôi, nay xin lấy máu cổ mà rửa”.

Trong kháng chiến chống Pháp, chính quyền và nhân dân Liên khu V đánh giá cao quá trình phấn đấu “từ chó trở lại làm người” của ông, chỉ “để ý đến phần cuối của đời” của ông, nên lấy tên ông đặt cho một ngôi trường trung học nổi tiếng trong vùng tự do.

Trường hợp của Phan Liêm đi theo chiều ngược lại. Từ một người từng khởi nghĩa chống xâm lược (dù chỉ trong 9 ngày ngắn ngủi), ông trở thành người phục vụ đắc lực cho quân cướp nước, để bàn tay vấy máu hàng trăm nghĩa quân và đồng bào yêu nước (như chính ông tự khai trong các báo cáo).

Một người như thế có xứng đáng để lấy tên đặt tên đường hay không?

Ba Tri (Bến Tre),
tháng 9/2009.


(1).(2).(3).(4).(5).(6).(7).(8).(9).(10)

Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974, tr.151,253, 252-253, 347, 347, 302, 323, 253.

(6).(7)

Nguyễn Duy Oanh, Quân dân Nam Kỳ chống Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.148, 144.

(11).(12)

Phan Thanh Hy, “Phan Hương, Phan Liêm, Phan Tôn” trong Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam (Nhiều tác giả), Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Tạp chí Xưa & Nay, 2002, tr.521-522.

(13)

Phủ doãn phủ Thừa Thiên là người cai quản kinh đô về mặt hành chính. Tham tri và thị lang là hai chức quan thứ hai và thứ ba của một bộ (tương đương với thứ trưởng và vụ trưởng ngày nay), chỉ đứng sau thượng thư (tức bộ trưởng).

(14).(17)

Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền, Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn, 1975, tr.138,136.

(15)

Tả Trực Kỳ gồm Tả Trực (hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) và Tả Kỳ (bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận).

(16)

Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr.493.

(18)

Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2002, tr.518.

(19).(20).(21).(22).(23).(24).(25).(26).(28)

Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, tập XXXVII, tr.133, 237, 269, 237, 247, 255, 250, 318, 318.

(27)

Cờ mao tiết và ấn quan phòng là những vật tượng trưng cho quyền lực mà vua ban cho khâm sai.

(29)

Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tập XXXVIII, tr.13.

(30)

Trích dẫn bởi Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1960, tr.24.

TS NGUYỄN ĐÌNH VÂN TIÊN